Nhà văn Nguyễn Quang Lập (chủ blog “Quê Choa”) - Ảnh: laodong.com.vn
Mình chắc là kẻ “thương vay khóc mướn” hạng nhất thế giới. Người xung quanh gặp chuyện gì mình rất xót xa đã đành, người chả quen biết gì gặp nạn mình cũng đau buồn như chính người nhà mình vậy.
Nhớ hồi Công nương Diana qua đời, mình dán tai vào cái đài trục trặc theo dõi tin trên BBC hàng ngày, đau buồn hàng tháng không hết. Đám cưới của nàng là tin tức hàng đầu trên báo chí suốt thời mình là sinh viên. Mình thuộc lòng câu chuyện từ một cô giữ trẻ nhút nhát nàng đã lột xác thành công chúa xinh đẹp, nổi tiếng và thiện nguyện nhất thế giới như thế nào! Không thể ngờ một người con gái trẻ trung, xinh đẹp, tốt bụng, xứng đáng được hạnh phúc lại gặp phải kết thúc bất ngờ và đau đớn như thế!
Cũng như vậy, mình xót xa khi nghe tin John Kennedy Jr. chàng trai trẻ đã nổi tiếng khắp thế giới với tấm hình khi mới sáu tuổi đứng nghiêm chào linh cữu cha mình, bị tai nạn qua đời khi mới ngoài ba mươi tuổi. Số phận nghiệt ngã đã cướp đi người cha giờ lại giáng xuống đầu người con. Một gia đình thật hiển hách mà bi thảm. Mọi người quen đều bảo tôi “
khéo dư nước mắt khóc người ở đâu” nhưng tôi không đừng được.
Rồi một ngày tại Washington DC, giữa những khách du lịch đủ màu da, tôi đứng khóc nức nở bên Bức tường Việt Nam (Vietnam Wall) với hơn năm mươi tám ngàn tên lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Việt Nam. Tôi đã khóc khi đọc thấy họ chỉ quanh hai mươi tuổi, khóc vì những kỷ vật, những bức thư của người thân, bạn bè, thậm chí con cái họ để lại. Tình cảm và nỗi đau của con người ở đâu cũng giống nhau.
Hơn hết, tôi khóc vì nghĩ đến hàng triệu đồng bào tôi đã ngã xuống trong cuộc chiến kéo dài gần hai chục năm ấy và hàng trăm ngàn người lính cũng chỉ ở độ tuổi ấy, trong đó có ông anh họ hiền lành, đáng yêu của tôi, đã chết mà không biết đang gửi nắm xương ở đâu. Họ thậm chí không có được một tấm biển ghi tên trang trọng thế này mà vĩnh viễn đã được táng trong lòng cha mẹ, người thân của họ.
Hôm nay, tôi lại bàng hoàng khi
nghe tin một người chưa từng gặp mặt mắc nạn. Tôi và anh chưa từng gặp nhau, chắc anh chẳng biết tôi là ai dù thỉnh thoảng có trao đổi vài câu qua mạng. Tôi kính trọng anh vì văn tài, vì nghị lực vươn lên vượt qua bệnh tật, vì mặc dù không còn sức khỏe và hoàn toàn đủ điều kiện sống sung túc, bình an, thậm chí còn được tôn vinh, anh đã chọn con đường phản biện xã hội.
Không phải mọi bài trên blog của anh tôi đều thích hay đồng tình nhưng tôi khâm phục nỗi niềm đau đáu cũng như nhiệt huyết của anh với đất nước. Đặc biệt tôi kính nể tốc độ viết của anh. Một người sức khỏe bình thường như tôi, mỗi ngày chỉ viết được chục trang mà số bài vở hàng ngày của anh thật kinh khủng, đọc còn mệt nữa là viết.
Sự chừng mực, thiện chí rõ ràng trong các bài viết cộng thêm danh tiếng của anh đã khiến chúng tôi tin anh sẽ được bình an. Nhưng hóa ra chúng tôi đã nhầm. Bất chấp những điều trên cũng như
sức khỏe mong manh của anh, anh đã bị bắt.
Những tưởng chiến tranh chấm dứt là hết đánh nhau, hết hận thù, hóa ra những người cùng chiến tuyến lại xoay qua hận thù nhau. Những tưởng khi xã hội tiến hóa, khoa học kỹ thuật giúp con người có thể tránh được những thảm họa thiên nhiên thì cuộc sống sẽ bình an hơn.
Hóa ra những tai họa do con người gây ra cho nhau vì thù hận, vì nghi kỵ, vì thiếu bao dung còn vượt xa những điều Ác do thiên nhiên mang đến!
Chỉ biết mong anh được bình an chứ không dám hy vọng nhiều hơn!