CHARLIE, KHỦNG BỐ VÀ MỘT GIÁ TRỊ VÔ BIÊN

Thứ bảy - 17/01/2015 21:18

(NCTG) “Không có luật nào bắt chúng ta “phải tử tế với nhau”, nhưng nếu đã sống bên nhau, chúng ta luôn cần một không gian chung sống an toàn và dễ chịu cho các cảm xúc của mỗi người”.


Biểu tình của người Hồi giáo tại Amman (Jordan) với những khẩu hiệu cho rằng sự xúc phạm Đấng tiên tri đã kích động chủ nghĩa khủng bố toàn cầu - Ảnh: Muhammad Hamed (Reuters)


Gérard Biard, tổng biên tập tờ báo trào phúng “Charlie Hebdo” đã mạnh mẽ tuyên bố trong ấn bản đầu tiên ra sau vụ khủng bố rằng: trong tự do ngôn luận không có từ “nhưng”. Ông cũng lưu ý rằng “máu những người bị thiệt mạng trong cuộc thảm sát chưa khô, khi nhiều người đã bàn luận về việc các biếm sĩ “Charlie Hebdo” đã sai lầm ở chỗ nào…”.

Khi máu đã đổ, người đã chết, thì tranh luận là quá muộn. Nhưng trong trường hợp này, tranh luận không là thừa, thậm chí tranh luận là điều tích cực duy nhất còn lại sau vụ thảm sát. Cần tin vào thiện chí của những người muốn góp ý và tranh luận, thay vì đặt câu hỏi hoài nghi họ.

Một tờ báo luôn khuyến khích việc chỉ trích một cách lạnh lùng - mà chỉ trích theo kiểu “Charlie Hebdo” chỉ có ý nghĩa khi rơi vào thời điểm, không gian nhạy cảm nhất - nay lại coi là không thích hợp khi có dư luận phản ứng, xuất phát từ sự bức xúc tự nhiên.

Điều này cho thấy, trong mọi hoàn cảnh và văn hóa, lòng mẫn cảm của con người là có thật và con người, dẫu rất kiên quyết như các biên tập viên “Charlie Hebdo”, vẫn muốn được xã hội quan tâm ở khía cạnh rất con người, kể cả khi có ai đó cố tình phủ nhận hoặc coi thường công việc họ làm.

Điều này cũng có nghĩa là con người không thể chạy trốn và cách ly khỏi đồng loại, và đồng loại luôn có vai trò nhất định trong tình cảm con người, bất kể trước đó con người đã phũ phàng ra sao với tình cảm của kẻ khác.

Sự tế nhị trong giao tiếp, đề cao giá trị giao cảm giữa người với người là đòi hỏi thường trực trong cuộc sống cộng đồng, mà không một bộ luật nào chứa đựng hết được.

Người nước ngoài mới nhập cư vào đất nước xa lạ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi được nhìn thấy những ánh mắt mỉm cười lúc ra đường, được gặp những cử chỉ thiện chí nơi công sở. Tương tự như vậy trong quan hệ láng giềng, quan hệ giữa những người quen và không quen, quan hệ giữa các nhóm quyền lợi, kể cả quan hệ gia đình.

Không có luật nào bắt chúng ta “phải tử tế với nhau”, nhưng nếu đã sống bên nhau, chúng ta luôn cần một không gian chung sống an toàn và dễ chịu cho các cảm xúc của mỗi người.

Điều này có nghĩa là chỉ chấp hành luật chống bạo hành trong gia đình thôi thì chưa đủ để đảm bảo một không gian gia đình dễ chịu cho các thành viên của nó. Chẳng có bộ luật nào giúp chúng ta tránh khỏi xung đột giữa các thành viên cộng đồng, ngoài thiện chí xây dựng cộng đồng - bằng kinh nghiệm bản thân, sự sáng suốt và lương tâm con người, và trên hết, bằng thiện ý và sự quan tâm, chứ không bằng luật pháp.

Những kẻ bất mãn, cực đoan hoặc mất trí có rất nhiều lý do để xung đột. Những kẻ khủng bố tại trụ sở báo “Charlie Hebdo” ở Paris vừa qua là dạng người như vậy. Họ ở dưới đáy của mọi bậc thang giá trị, từ kinh tế tới vị trí xã hội, và dĩ nhiên cũng nằm ngoài hệ giá trị nhân bản, ngoài vòng pháp luật, cả trên thực tế lẫn trong thâm tâm.

Có điều, những kẻ khủng bố đó đều là những người đã bắt rễ vào cộng đồng sở tại từ trước khi chào đời, họ được cộng đồng đó sẵn sàng chấp nhận và nâng đỡ, ít nhất trên bình diện hành chính và cơ hội phát triển. Nhưng chỉ như thế thôi chưa đủ để họ không trở thành bom nổ chậm.

Chục năm trở lại đây, sau các biến cố gia tăng tại Trung Đông và sau 11-9-2001, thế giới phải đối diện với hiện tượng “trăm hoa đua nở” khi những đứa con của xã hội văn minh phản lại gia đình mình bằng các hình thức cực đoan là giết và chết. Vụ Paris là một điển hình, trước đó có Breivik ở Na Uy năm 2011, đặt bom ở London năm 2005, ở sân bay Glasgow 2007, ở Rome năm 2010, ở Boston (Mỹ) năm 2013, Ottawa (Canada) năm 2014.

Những kẻ khủng bố được nuôi nấng trong một không gian nhất định và những yếu tố tạo nên không gian đó đều có ảnh hưởng tới họ. Dù muốn hay không, báo giới là một trong những yếu tố - có thể kích thích hoặc xoa dịu những tiềm ẩn xung đột, trong khi “Charlie Hebdo” lại khước từ vai trò quan trọng đó.

Cần hiểu các tuyên ngôn của “Charlie Hebdo” rằng vai trò của tờ báo không có gì hơn ngoài thể hiện tư duy của mình, chủ báo coi hành động khiêu khích, chọc tức nhắm vào người khác là một trong những phương pháp bình thường của tự do ngôn luận. Và thực hiện tự do ngôn luận theo cách của anh, theo quan niệm và nhu cầu của anh là mục đích và nhu cầu tối thượng.

Khác với “The New York Times”, “Charlie Hebdo” quả quyết muốn đóng vai thành viên khó tính của một gia đình phức tạp. Tờ báo coi phương pháp và quan niệm của mình phải là bất di bất dịch, chỉ vì nó tin như vậy là văn minh nhất. “Charlie Hebdo” khẳng khái tuyên bố rằng tự do biểu đạt của tờ báo không thể bị hạn chế bởi bất cứ điều gì ngoài những điều người phát ngôn cho là đúng đắn. Tự do của tờ báo “không có từ “nhưng”.

Vẫn trong tinh thần đó, tờ “Le Monde” bảo: “tự do ngôn luận là thứ không thể mặc cả”. “Le Monde” còn nói rằng “cần phải đấu tranh để chống lại sự thờ ơ, thiếu khoan dung, thói ngu xuẩn và những điên cuồng”. Cái nhìn "quyết chiến quyết thắng" như vậy có nghĩa là tờ báo cho rằng, sự thờ ơ, thiếu khoan dung chỉ luôn gắn với những người không cùng quan niệm với họ về tự do.

Thái độ như thế khác gì dàn giao hưởng bắt nhịp cùng xung đột?

Trong không gian tự do tuyệt đối do báo chí tự do khai mở, nhu cầu của các thành viên vốn yếm thế của gia đình, của cộng đồng không thể được đếm xỉa tới, thậm chí bị thách thức. Một không gian chung sống như vậy không có khe hở cho hệ nhạy cảm khác xâm nhập vào để xúc tiến một sự xê dịch dù nhỏ nhất. Những người yếm thế như vậy càng bị gạt ra ngoài rìa của mối tương tác giao cảm, và càng dễ bị bơ vơ.

Vòng tròn luẩn quẩn dẫn đến bạo hành, khủng bố chỉ có cơ hội được hóa giải khi một bên cấp tiến ra tay. Đó là bên biết chống lại sự thờ ơ, biết khoan dung, không ngu xuẩn nhưng cũng chẳng điên cuồng. Tuy nhiên, hiện tại cả hai bên đều không biết nói “nhưng”, hoặc nhân danh tự do ngôn luận, hoặc nhân danh tôn giáo.

Cuộc chiến chống khủng bố sẽ phải tìm cửa thoát hiểm ở nơi nào không có hai đối thủ cùng tự coi mình là những kẻ đang chinh phục “đỉnh cao chói lọi” của một giá trị vô biên.

Tôn Vân Anh, từ Warszawa


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn