Xem Phần 1 và Phần 2 của bài viết.
Thánh luật Sharia man rợ là yếu tố khiến rất nhiều người ghê sợ Hồi giáo
5. Quyền tôn thờ và quyền hạ bệ
Bài viết này không nhằm khuyến khích “báng bổ tôn giáo”, mà nhằm giải thích rằng, có nhiều lý do chính đáng khiến người ta “báng bổ”. Đó cũng là những lý do khiến nhiều quốc gia Phương Tây coi “báng bổ” không phải là tội, hoặc chỉ là tội khá nhẹ.
Các tín đồ lên án Charlie xúc phạm đức tin tôn giáo nhưng bản thân họ không hề tôn trọng “đức tin” của người vô thần. “Đức tin” của người vô thần là không có thánh thần, đấng tối cao nào cả. Nói chung, người vô thần thường tránh né các vấn đề tôn giáo, cố gắng không động chạm đến các đấng tối cao, thánh thần, để giữ hòa khí. Tuy nhiên, có nhiều lý do chính đáng khiến nhiều người không giữ được hòa khí dẫn đến phỉ báng các vị này.
Chẳng hạn:
- Những người phẫn nộ vì các luật lệ dã man của Hồi giáo và sự phân biệt đối xử khắc nghiệt đối với phụ nữ của tôn giáo này.
- Những người đồng tính thù ghét Hồi giáo và Công giáo bởi Hồi giáo coi tình dục đồng tính là tội đáng xử tử, còn Công giáo coi là bệnh hoạn và tôn giáo này là một trở lực quan trọng ngăn cản nhiều quốc gia thông qua luật cho phép hôn nhân đồng tính. (Nên nhớ rằng người đồng tính chiếm khoảng 8-10% dân số của mỗi quốc gia. Ước tính có khoảng 550 – 700 triệu người đồng tính trên toàn thế giới, một con số không hề nhỏ nếu so với 1,2 tỷ tín đồ Hồi giáo).
- Những người không ưa Thiên Chúa giáo bởi cho rằng tôn giáo này cản trở tiến bộ khoa học, bởi tôn giáo này đấu tranh để giảng dạy Thuyết Sáng thế trong trường đại học, thay vì Thuyết Tiến hóa của Darwin.
- Những người Nam Hàn thù ghét các lãnh tụ Kim bởi họ coi cộng sản là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của Bắc Hàn và khiến gia đình họ tan nát, bố mẹ con cái chia lìa người Nam, kẻ Bắc không được gặp nhau. Nên nhớ rằng các lãnh tụ Kim được người Bắc Hàn tôn thờ như những vị thánh.
- Và còn nhiều ví dụ khác nữa.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đa dạng và phức tạp với những con người quá khác nhau phải chung sống cận kề với nhau. Thần tượng thiêng liêng đối với người này thì có thể lại không có giá trị gì đối với kẻ khác. Nếu đức tin của người hữu thần là đáng trọng thì đức tin của người vô thần cũng phải được tôn trọng tương đương.
Nếu bạn tôn thờ ai đó thì cần phải hiểu rằng người khác cũng có quyền hạ bệ người ấy. “Nhập gia tùy tục”, do vậy, phải được coi là nguyên tắc cao hơn mọi nguyên tắc khác để các quốc gia có thể chung sống hòa bình.
Không có tự do nào không phải trả giá bằng xương máu. Nếu không có Jordano Bruno chết trên giàn thiêu để bảo vệ chân lý, thế kỷ thứ 17, thì làm sao có một đạo Thiên Chúa ôn hòa như ngày nay. Các nhà báo của Charlie không phải là nạn nhân. Họ là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, thực hiện đúng chức năng của nhà báo.
Họ là những bác sĩ cầm dao mổ cắt bỏ những vết thương, tuy gây đau đớn nhưng là cách để chữa lành bệnh. Cái chết của họ làm thức tỉnh dư luận thế giới về những khía cạnh tàn ác của Hồi giáo và khiến dư luận phải suy ngẫm về sự khác biệt về quan điểm về báng bổ giữa các quốc gia và ý nghĩa triết học sâu xa ẩn sau những quan điểm ấy.
6. Phản hồi một số lập luận khác
- Một số người cho rằng không nên châm biếm hay có bất cứ hành động gì gây tổn thương những người khác hoặc nhóm người khác. Nếu vậy thì sẽ có vô số tranh vẽ/truyện tiếu lâm về người đồng tính, người tàn tật, người già, phụ nữ có thai, người tộc thiểu số, người béo phì, người gầy dơ xương, người cao, người lùn, người nghèo, người giầu, người râu quai nón, người tóc vàng, người mẫu, ca sĩ, bác sĩ, luật sư v.v….bị loại ra khỏi kho tàng tranh/truyện tiếu lâm của thế giới bởi các tranh/truyện đó hoàn toàn có thể gây tổn thương cho các đối tượng đó.
Và nói chung không có biếm họa/truyện tiếu lâm nào đảm bảo không gây tổn thương cho một ai đó trong số 7 tỷ nhân loại.
- Lại có ý kiến cho rằng chế nhạo thần tượng của tín đồ Hồi giáo chẳng khác nào chế nhạo kẻ yếu. Thật ra, trong trường hợp này Charlie mới là kẻ yếu, bởi họ chỉ có cây bút, họ công khai danh tính, và hoàn toàn bị động do không biết khi nào những kẻ khủng bố mới truy sát mình. Trong khi đó bọn khủng bố được trang bị vũ khí đến tận răng và giấu mặt cho đến tận sau khi hành động.
Hơn nữa, nếu không được châm biếm kẻ yếu thì có lẽ phải loại bỏ một nửa số tranh/truyện châm biếm của nhân loại. Sự ngu ngốc không phải là biểu hiện của kẻ yếu sao? Bệnh tâm thần không phải là biểu hiện của kẻ yếu sao? Vậy sao những chuyện cười về sự ngu ngốc của các cô tóc vàng, về người điên vẫn được lưu truyền rộng rãi.
- Lại có người cho rằng nhạo báng đấng tối cao của của tín đồ các tôn giáo chẳng khác nào nhạo báng cha mẹ họ. Điều này hoàn toàn sai, bởi cha mẹ của mỗi người là đặc điểm cá nhân, không thể thay đổi. Không ai có thể thay đổi cha mẹ của mình. Nhưng đức tin thì hoàn toàn có thể thay đổi.