Hôm nay, 14-3, kỷ niệm
một ngày đầy đau thương hai mươi bảy năm về trước, 64 chiến sĩ Việt Nam ngã xuống,
đổ máu đào trên đảo Gạc Ma.
Hình ảnh 64 chiến sĩ
không có vũ khí trên tay, chịu làn mưa đạn xối xả, thân tắm máu, tay giữ lá cờ Tổ quốc... luôn nhức nhối tâm can của mỗi người dân Việt Nam có lương tri, đặt một dấu chấm hỏi đớn đau: chuyện gì đã thực sự xảy ra? Họ được lệnh không nổ súng hay được lệnh không nổ súng trước?
Hình như chính quyền thích “im lặng” hơn là đưa ra những câu trả lời trung thực.
Gạc Ma “im lặng” vào tay Trung Quốc năm 1988, nhưng trong cuộc gặp gỡ tại Hội nghị Thành Đô quan trọng hai năm sau đó, phương án “im lặng” trước bá quyền vẫn tiếp tục là kim chỉ nam được áp dụng. Và tất nhiên, như chúng ta thấy, từ đó tới nay, Trung Quốc không ngừng khẳng định chủ quyền trên vùng biển đảo mà họ chiếm đóng bất hợp pháp.
Mới đây nhất là hành động xây dựng quy mô trên quần đảo Trường Sa với mục đích biến nơi này thành một căn cứ quân sự có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nghiễm nhiên phô trương chính sách bành trướng bá quyền, khi tuyên bố Biển Đông là sân sau của Trung Quốc.
Ông ta còn lớn tiếng đả kích các nước đã phản đối và nói rằng Bắc Kinh có quyền làm tất cả những gì họ muốn trên phần đất của họ.
Ngược lại dòng thời gian của những ngày tháng Tư, tháng Năm năm ngoái, khi Trung Quốc gây hấn vụ Giàn khoan HD-981. Thời điểm đó, người dân Việt Nam trong nước và
kiều bào nước ngoài cùng nắm tay nhau xuống đường, sôi sục phản đối hành động bá quyền.
Nhưng điều đáng nhạc nhiên là lần này, khi Trung Quốc ngang nhiên tiến hành những hành vi hết sức nguy hiểm trên vùng biển đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, thì dư luận lại không hề tỏ ra bức xúc giống như lần trước.
Báo chí chính thống lẻ tẻ lên tiếng, tuy có cố gắng đưa tin về sự nghiêm trọng của vụ việc, nhưng hình như chẳng hề tác động đến bạn đọc. Sự lãnh đạm đáng sợ đó khiến tác giả Nguyễn Vinh của “Thời báo Kinh tế Sài Gòn” đã phải lo lắng thốt lên:
“Sự “lặng sóng” đáng suy nghĩ”.
Bài viết có đoạn:
“
Mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng “cực lực phản đối” với phía Trung Quốc, nhưng tuyệt nhiên, cái tình cảm, thái độ bày tỏ chính kiến công khai của dân chúng đã không mảy may bùng phát.
Điều đó nhìn trên khía cạnh trị an xã hội thì có vẻ tốt, song nó tiềm ẩn một sự nguy hiểm khó lường. Người dân phải chăng đã không còn quan tâm và thấy cần phải thể hiện chính kiến rõ ràng trước những sự biến liên quan đến chủ quyền đất nước?”.
Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta phải nhớ lại những cuộc xuống đường lớn nhỏ phản đối vụ Giàn khoan HD-981 diễn ra trong nước, khi người tham gia biểu tình bị kẹt trước tính pháp lý của những hành động yêu nước này. Luật Biểu tình cho đến giờ vẫn không được thông qua, và chưa biết tới bao giờ nó mới được đặt lên bàn nghị sự một cách thực sự nghiêm túc.
Như thế, trong thực tế, cánh cửa nhà tù có thể mở ra cho bất cứ ai xuống đường - trớ trêu thay - nếu chính quyền cảm thấy hành động đó không hợp với họ!
Có lẽ ai đó đã thành công trong việc khiến đám đông quần chúng im lặng, vì họ sợ làm Trung Quốc “nổi giận” nếu dân chúng lớn tiếng phản đối? Có lẽ đối với họ,
chủ quyền đất nước không quan trọng bằng quyền lãnh đạo và lợi ích của họ?
Còn người dân, rất có thể đa số cũng đã rút ra được bài học cho mình: sống dưới thời này, “im lặng” không thể hiện chính kiến là an toàn và có lợi nhất? Hay thực chất họ đã hoàn toàn bàng quan trước những gì diễn ra xung quanh mình?
Với sự “im lặng” đáng sợ đó của chính quyền và của cả người dân, liệu Việt Nam sẽ còn tiếp tục mất thêm những gì ngoài Gạc Ma và Hoàng Sa?