Vì một Hà Nội xanh: THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG DÂN

Thứ sáu - 20/03/2015 11:46

(NCTG) “Liệu chúng ta chứ không phải ai khác, ngay bây giờ chứ không phải đợi khi nào khác, có thể cùng nhau lên tiếng bảo vệ màu xanh, bóng mát, môi trường cho chính gia đình, người thân, những người dân đang sống tại Thủ đô?”.


Xuống đường vì một Hà Nội xanh - Ảnh: Internet

Mỗi người, dù đã từng sống ở Hà Nội hay không, chắc đều cảm thấy ít nhiều xót xa khi đọc tin, xem ảnh, chứng kiến rất nhiều cây xanh, cây cổ thụ trên nhiều tuyến phố của Hà Nội đã bị đốn hạ trong những ngày qua. Những hàng cây sấu, bàng, phượng, bằng lăng, hoa sữa, xà cừ... gắn bó vài chục năm với người dân Hà Nội, là linh hồn của những con đường, lá phổi của thành phố - của hàng triệu người dân, đang bị xâm phạm.

Tôi vẫn nhớ cảm giác hụt hẫng, mất mát không thể tả được khi về thăm nhà nhiều năm sau khi cây xà cừ trước cửa bị chặt vì cây bị nghiêng. Đủ lớn để hiểu việc chặt cây nguy hiểm là cần thiết, là một ngày nào đó như ngày hôm nay mỗi người sẽ phải đứng trước một quyết định khó khăn, phải lựa chọn giữa kỷ niệm và đổi mới, nhưng không hiểu sao tôi vẫn chỉ thấy một khoảng trống hoác trước nhà và trống rỗng trong tim.

Vẫn nhớ hồi bé trèo lên ban-công tầng hai với tay níu cành ngắt mấy cái lá để chơi đồ hàng, nhớ cảm giác thanh bình khi ngắm những chiếc lá non mầu nâu nâu, xanh xanh, nhớ lần cậu hàng xóm trèo cây lấy lá để tắm (chữa ghẻ?!) bị ngã gãy tay, nhớ con mèo đen như con hâm chạy vút từ trong nhà như có ma đuổi, trèo thoắt lên trên cây trong chớp mắt để rồi cậu chàng lơ đãng nằm ở cái chạc ba thõng chân, vẫy đuôi cả buổi.

Nhớ cả cây sấu nhà ông Tiến cho bao nhiêu là hoa sấu trắng trắng ngà ngà, thơm thơm, chua chua, mấy chị em thường nhặt về giả làm cơm lúc chơi đồ hàng, đến mùa sấu chín, tụi con trai đua nhau trèo trộm lên hái đầy bụng áo, thỉnh thoảng vứt cho mấy đứa ở dưới mấy quả cứu cho đỡ bị chết vì mất nước do ngửa cổ ngóng và chảy hết nước dãi. Nhớ cây bàng nhà ông Lục trước cửa cho bao nhiêu là lá mà chả được nhiêu quả bị gọi là cây điếc, nhưng trưa hè là cả bọn trú dưới bóng cây để chơi bi, chơi dải danh, chơi chuyền.

Nhớ cây cơm nguội nhà ông Tửu, bọn con trai hay lấy hạt để làm đạn thổi ống, đau ơi là đau. Nhớ những buổi tối mất điện cả lũ ngồi quanh cô Vân nghe cô kể chuyện ma, mắt đứa nào cũng lấm lét sợ, ngồi díu vào nhau khi nghe tiếng gió làm lá cây xào xạc. Mỗi cây là bao nhiêu câu chuyện của tụi trẻ con cả phố, là ký ức tuổi thơ của mỗi chúng tôi. Giá giờ này đang được ở nhà để tụ tập cùng cái lũ trẻ con hồi ấy, cùng chúng nó ông ông, tôi tôi, cùng chúng nó làm gì đó để cứu lấy những hàng cây, những kỷ niệm tuổi thơ của cả lũ trẻ năm nào.


Cây bị tận diệt hết sức nhiệt tình và công cán, vì toan tính gỉ? - Ảnh: Internet

Động cơ và mục đích thực sự cho việc chặt hạ, thay thế cây là gì? Chúng ta cùng chờ đợi câu trả lời trung thực của các cơ quan trách nhiệm trước những câu hỏi xác đáng của người dân, chủ nhân của thành phố. Nhưng trong khi chờ đợi, thì hàng ngày, hàng giờ, hàng chục, hàng trăm cây xanh đang bị đốn hạ, và nếu không làm gì để ngăn cản việc này ngay, thì rất nhiều khả năng là khi chúng ta nhận được lời giải thích (không thỏa đáng) hay lời xin lỗi thì cũng là lúc 6.700 cây xanh sẽ biến mất trên đường phố Hà Nội.

Đấy là những suy nghĩ của cá nhân tôi - và chắc chắn cũng là của không ít người Hà Nội nói riêng, và người yêu màu xanh thiên nhiên nói chung trong những ngày qua. Chúng tôi đã cùng nhau trao đổi, đặt câu hỏi, với mong muốn được chia sẻ một thông điệp: liệu chúng ta chứ không phải ai khác, ngay bây giờ chứ không phải đợi khi nào khác, có thể cùng nhau lên tiếng bảo vệ màu xanh, bóng mát, môi trường cho chính gia đình, người thân, những người dân đang sống tại Thủ đô?

Sáng hôm nay, thức dậy, được tin chính quyền Hà Nội đã có quyết định ngừng chặt cây, yêu cầu Sở Xây dựng kiểm điểm về cách thực hiện chưa hợp lý một chủ trương đúng, “hoàn toàn không sai”, và “răn” cơ quan chức năng “trước khi thực hiện kế hoạch phải tạo sự đồng thuận của xã hội thông qua việc tiếp thu ý kiến, đóng góp của nhân dân, của các nhà khoa học chuyên ngành”. Mừng cho lãnh đạo Hà Nội đã có được một bước đi hợp lòng dân, và dường như ngược lại với mọi tuyên bố chính thức trước đó của họ.

Nhưng vẫn còn lo vì mấy chục câu hỏi của báo chí - về bản chất và những gì được coi là nằm sau dự án, về trách nhiệm của các cá nhân cũng như số phận trong tương lại của dự án này - đã hoàn toàn bị bỏ qua. Điều đó cho thấy, công luận và giới truyền thông sẽ vẫn còn phải hết sức để tâm, lưu ý mọi diễn biến sắp tới, để những lời hay ý đẹp của lãnh đạo, theo đó “thành phố luôn lắng nghe những góp ý cũng để xây dựng thành phố xanh, đẹp, để chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao” không chỉ là trên giấy tờ.

Dầu vậy, kết quả ban đầu này cũng hết sức khả quan, cho thấy hành động có ý thức của các công dân là rất cần thiết. Không thể im lặng trước những việc mà bạn và rất nhiều người dân - trong đó có gia đình, người thân của bạn - phải trực tiếp gánh chịu hậu quả! Phải chăng, sự góp ý thẳng thắn và mạnh mẽ của người dân lên chính quyền - ngay cả trong những sự việc hết sức đời thường như vụ chặt cây Hà Nội - sẽ là nền tảng cho một xã hội dân sự trong tương lai ở Việt Nam, nơi ý kiến người dân phải được trân trọng và lưu tâm?

Ngọc Anh, từ Lyon (Pháp)


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn