Nhiều cư dân Singapore cho rằng đất nước họ may mắn vì có một “nhà lập quốc” như Lý Quang Diệu - Ảnh: ST
Sự ra đi của ông
Lý Quang Diệu gợi nhắc nhiều người về vai trò của một nhà lãnh đạo tài ba để dẫn dắt một đất nước đi lên. Singapore quả là may mắn đã có ông.
Nhiều người Việt cũng ao ước đất nước mình cũng có được một người từng được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, giỏi giang, khi lên nắm quyền sẽ dốc toàn sức toàn quyền để phát triển đất nước. Hoặc có những người cho rằng bây giờ chỉ cần một lãnh đạo thực sự tài giỏi bước ra gánh vác, dìu dắt đất nước đi theo, không cần thay đổi toàn cục làm gì.
Ước vọng chỉ là ước vọng. Quay về với hiện thực sẽ thấy điều đó thật thiếu căn cứ.
Lịch sử một số quốc gia Châu Á quả cũng có một số ví dụ như Singapore. Khi xuất hiện, một thủ lĩnh có thể mang cả dân tộc đi theo. Sự phát triển của dân tộc gắn liền với những quyết sách, thay đổi, chèo lái trong sự nghiệp của cá nhân đó.
Trong mấy chục năm cầm quyền, Lý Quang Diệu đã đưa hòn đảo nghèo nàn Singapore trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất toàn cầu. Làng chài năm xưa nay là một quốc gia công viên, một trung tâm tài chính, bến cảng sầm uất của cả châu lục.
Đài Loan có Lý Đăng Huy dẫn dắt giai đoạn chuyển đổi từ cuối từ thập niên 1980. Ông có công trong việc đưa Đài Loan thành một nền kinh tế phát triển mạnh trên thế giới. Và công lao của ông còn lớn hơn trong việc cải cách hệ thống chính trị của Đài Loan theo hướng dân chủ hóa, tạo ra các luật lệ hạn chế quyền lực của những người đứng đầu, bao gồm bản thân ông và đảng phái của ông.
Tổng thống Hàn Quốc 1961-1979 Park Chung Hee (Phác Chính Hy) có hoàn cảnh xuất thân nghèo khó. Trong hai thập niên cầm quyền ông đã đưa Hàn Quốc thẳng tiến đi lên về mặt kinh tế, làm nền tảng cho một Hàn Quốc thịnh vượng ngày nay.
Cho dù có thể còn có những ý kiến đánh giá trái chiều về những nhân vật tài năng nói trên, nhưng sự hiện diện của họ trong những giai đoạn lịch sử quan trọng (hay chính họ đã tạo ra giai đoạn lịch sử ấy), là may mắn lớn cho các dân tộc.
Tạo ra vận mệnh
Song, không phải sự phát triển của đất nước nào cũng in đậm dấu của một hay một vài cá nhân riêng biệt như các trường hợp kể trên, như Nhật Bản là một ví dụ.
Sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản từ thập niên 60 đến cuối những năm 80 ghi nhận sự nỗ lực tập thể của hàng loạt doanh nhân và Bộ Thương mại và Công nghiệp (MITI). Nền tảng cho sự phát triển này là bản hiến pháp dân chủ và hệ thống luật pháp đảm bảo công bằng và cơ hội phát triển cho mọi cá nhân.
Chính phủ Nhật Bản đóng một vai trò lớn trong thúc đẩy thương mại, nhưng Nhật Bản không có hình tượng kiểu “người cha dân tộc”. Kể cả trong khoảng gần chục năm trở lại đây, khi nội các Nhật liên tục có những thay đổi về người đứng đầu, bộ máy hành chính, luật pháp Nhật vẫn hoạt động bình thường.
Sự xuất hiện của những người như Lý Quang Diệu ở Singapore, Lý Đăng Huy ở Đài Loan, Park Chung Hee ở Hàn Quốc là may mắn lớn cho các nước này. Tuy nhiên, không dừng lại ở “sự may mắn”, các nước này đã cùng với các nhà lãnh đạo của họ tiếp tục tạo ra cơ chế chính trị dân chủ, nền luật pháp công minh và kinh tế tri thức để phát triển đất nước.
Hiện nay cũng không có một sự giải thích nào hoàn toàn thuyết phục về việc tại sao những nhân vật như vậy lại xuất hiện vào thời điểm lịch sử đó. Họ đã tạo ra sự biến chuyển lớn tích cực, rồi lại tạo ra các cơ chế cho sự phát triển bền vững về dài hạn, chứ không phải sự phát triển ồ ạt chóng kiệt sức nhờ bán rẻ lao động và tài nguyên.
Các dân tộc cũng không thể chờ đợi may mắn một người tài giỏi nào đó sẽ (có thể) xuất hiện một ngày nào đó để tạo ra thay đổi lớn. Thay vào đó, việc tạo ra một cơ chế luật pháp công bằng và ổn định có ý nghĩa hơn nhiều để một đất nước có thể sàng lọc ra người tài giỏi vào trong bộ máy lãnh đạo.
Bản thân nữ tổng thống Park Geun-hye hiện nay của Hàn Quốc là con gái của vị tổng thống độc tài Park Chung-hee, nhưng thể chế của Hàn Quốc hiện đại không có đặc quyền nào dành cho bà. Con đường chính trị của bà Park là từ một nghị sĩ quốc hội, chủ tịch đảng Saenuri, và bà đã thắng cử vào chức Tổng thống dựa vào các chương trình hành động của mình.
Obama trở thành tổng thống Mỹ từ việc ông được đứng ra tranh cử, từ vị trí của một ứng viên “tương đối nghèo”, và đã xuất sắc giành thắng lợi trong kỳ tranh cử.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từ một nghiên cứu viên, trúng cử vào Quốc hội, được bổ nhiệm làm bộ trưởng, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức, và nay là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Hi vọng “ngôi sao đang lên” đã tắt ngấm
Nhìn lại Việt Nam, niềm hi vọng “ngôi sao đang lên của Châu Á” từ khoảng 10-15 năm trước đã bị thay thế bằng thực tế phũ phàng của bức tranh kinh tế ảm đạm.
Việt Nam thiếu may mắn ư? Việt Nam có nên chờ một cá nhân kiệt xuất sẽ xuất hiện một ngày nào đó để đưa đất nước bật phá lên không? Sự may mắn có thể đến, nhưng người ta không có lý do nào để dựa vào nó cả. Ta chẳng thể than vãn sao ông Lý Quang Diệu, ông Lý Đăng Huy lại chẳng ở Việt Nam.
Nhưng như vậy có nghĩa là chúng ta cùng hoàn cảnh với đại đa số các quốc gia ở điểm khởi đầu. Tất cả các quốc gia tiên tiến hiện nay đều bắt đầu bằng việc tạo ra một hệ thống tốt để những người có tài năng trong thời điểm hiện tại muốn vào - có thể vào - và được chào đón vào làm việc trong hệ thống.
Chẳng có niềm tin, học thuyết, hào quang lịch sử hay triết lý tương lai nào có thể tự nó dìu dắt một dân tộc đi lên. Chỉ có bộ máy con người khỏe mạnh, có tri thức, làm việc nghiêm túc mới có thể dần dần phát triển đất nước.
Gác sang một bên mơ ước về may mắn sẽ có một cá nhân xuất chúng. Khi và chỉ khi Việt Nam tự tin rằng cơ chế chính sách đang tạo ra những điều kiện tốt nhất để mời gọi những người tài giỏi ở thời điểm hiện tại tham gia làm việc cho hệ thống nhà nước, quá trình đó mới dần dần nâng chất lượng của người trong bộ máy nhà nước lên.
Và khi đó, Việt Nam mới có thể nhắc lại về ước vọng “ngôi sao đang lên”.