Thuế môi trường: CHÍNH ĐÁNG HAY KHÔNG?
Thứ năm - 16/04/2015 20:20
(NCTG) “Một mặt, thuế bảo vệ môi trường vốn là một chính sách chính đáng, xét về lâu dài là có lợi cho cả xã hội. Đồng thời, tính chính đáng của nó phụ thuộc vào sự minh bạch và công bằng trong việc thu thuế, và chi dùng của tổng tiền thu thuế nói chung”.
Nhà máy Xử lý nước thải Khu công nghiệp Long Thành đang “bức tử” sông Đồng Nai - Ảnh: petrotimes.vn
Trong khi thuế môi trường đang là một công cụ chính sách được sử dụng ngày càng rộng rãi ở các nước phát triển, thì việc nâng thuế môi trường trên sản phẩm xăng dầu hiện nay ở Việt Nam lại gây nhiều tranh cãi.
Luật thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam có hiệu lực từ năm 2012, đánh trên 8 nhóm hàng hóa, trong đó mức cho xăng là từ 1.000-4.000 ngàn/lít. Nhiều người đang lo giá xăng sắp tới sẽ tăng do thuế môi trường tăng đến 300%.
Diễn giải một cách đơn giản nhất, việc tiêu thụ xăng dầu, cũng như các hoạt động xả thải khác, mang lại các tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của toàn xã hội. Trong khi chỉ một số người mua được hưởng lợi từ việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thì hậu quả ô nhiễm từ sản phẩm đó lại chia đều cho toàn xã hội.
Việc đánh thuế môi trường sẽ giúp điều chỉnh hành vi của người mua và người bán để họ cân nhắc giữa việc chấp nhận tiêu thụ thêm một đơn vị sản phẩm (gây ô nhiễm) với giá cao hơn, hay hạn chế tiêu thụ. Cũng nhờ đó, chính phủ sẽ có tiền để bảo vệ môi trường, trả bớt nợ, giảm các thuế khác, đầu tư cho các hoạt động tạo sáng tạo thúc đẩy sản xuất...
Không nhất thiết tất cả tiền thuế môi trường đều phải chi lại cho các hoạt động môi trường. Việc theo dõi và phân bổ lại như vậy là hầu như bất khả, bởi vì tác động môi trường có tính chất lan tỏa, không thể đo đếm cũng như sửa chữa lại từng phần tách biệt. Một số nước Châu Âu sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường để giảm gánh nặng thuế trên người lao động, vừa để khuyến khích lao động, vừa giảm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Sử dụng thuế có minh bạch?
Khi việc tách biệt thuế môi trường ra khỏi tổng thu các nguồn thuế khác để phân tích dòng tiền chi lại của nó là cực kỳ khó, câu hỏi phải được đặt ra đối với tổng thu thuế nói chung: nguồn thuế có đang được sử dụng một cách minh bạch và công bằng hay không?
Để tự trả lời câu hỏi này, người dân sẽ sử dụng các kinh nghiệm bồi đắp từ những chương trình hành động trước của chính phủ về việc nguồn thuế đã-từng-được sử dụng như thế nào để xây dựng niềm tin về việc nguồn thuế đó sẽ-được sử dụng thế nào.
Bội chi ngân sách so với GDP năm 2013 là 4,4%, năm 2014 là 4,75% theo công bố của nhà nước. Kiểm toán nhà nước kê ra hàng loạt sai phạm cho việc chi tiêu ngân sách nhà nước từ trung ương đến địa phương. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 chỉ ra 23/28 địa phương chi vượt ngân sách, chi không đúng đối tượng; 18/28 tỉnh, địa phương chi cải cách lương chưa đúng quy định.
Trong khi đó, các lĩnh vực cần đến bàn tay của nhà nước nhất là giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, dạy nghề thì tỉ lệ chi lại liên tục giảm.
Thanh tra Chính phủ, một đơn vị vốn chưa hoàn toàn độc lập, đã liên tục đưa các các báo cáo về nhiều sai phạm trong sử dụng ngân sách nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương trong những tháng đầu năm 2015. Kiến nghị xử lý kinh tế gần 8000 tỉ đồng ở các bộ ngành, chỉ ra sai phạm trong chi vốn nhà nước tại khu kinh tế Vũng Áng và nhiều nữa.
Tổng thuế môi trường (bao gồm thuế năng lượng, phương tiện motor, khí thải, rác thải, hóa chất…) của các nước OECD chiếm khoảng 5% tổng thu thuế. Trong đó, thuế đánh trên các phương tiện motor là khoảng trên dưới 1/3. Ở những nước như Hà Lan, Anh, Đức, Bỉ, Đan Mạch, tỉ lệ thuế bao gồm trong giá bán lẻ là hơn gấp 2 đến hơn gấp 3 lần so với giá chưa thuế.
Đúng là tỉ lệ phần trăm thuế trong giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam không phải cao so với thế giới. Nhưng phép so sánh đơn giản như vậy chưa đủ làm cơ sở tăng thuế. Về lý thuyết, thuế môi trường mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội, nhưng việc thực thi và sử dụng nó ra sao mới là yếu tố quyết định.
Áp dụng đồng loạt cho các đối tượng
Một yếu tố quan trọng khác để bảo đảm công bằng trong việc áp dụng thuế môi trường là sự đồng loạt và công bằng vào các đối tượng gây ô nhiễm hay hoạt động gây ô nhiễm, với rất ít hoặc không có ngoại lệ.
Hiểu rộng ra, nói đến thuế môi trường thì không chỉ những người dân mua xăng dầu, mà các nhà máy xí nghiệp, các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, các công trình khai thác đang gây ô nhiễm cũng cần được xem xét nghiêm ngặt để áp dụng mức thuế xứng đáng với mức độ tác động tiêu cực mà hoạt động đó gây ra.
Ví dụ hoạt động khai thác than ở Thái Nguyên để lại những hậu quả nghiêm trọng trên đất đai và nguồn nước ở khu vực này mà người dân chỉ biết kêu cứu; hoạt động xả thải của các nhà máy trên sông Đồng Nai, sông Thị Tính; hay thảm họa môi trường khu vực khai thác bô-xít Tây Nguyên… vẫn đang đứng giữa các cơ quan chức năng.
Một trong các lý do cá nhân cần đến nhà nước là vì nhà nước tạo ra một sức mạnh cưỡng bức để giải quyết những vấn đề mà thị trường tự do không làm được, như hạn chế ô nhiễm môi trường. Một mức thuế môi trường “tượng trưng” dành cho các đối tượng gây ô nhiễm lớn như các khu công nghiệp khó có thể thể thuyết phục được các cá nhân chấp nhận đóng thuế môi trường cho từng hành vi riêng lẻ.
Một mặt, thuế bảo vệ môi trường vốn là một chính sách chính đáng, xét về lâu dài là có lợi cho cả xã hội. Đồng thời, tính chính đáng của nó phụ thuộc vào sự minh bạch và công bằng trong việc thu thuế, và chi dùng của tổng tiền thu thuế nói chung.
Dẫn chứng về việc các nước khác đang đánh thuế môi trường cao như thế nào chỉ là một nửa câu chuyện. Nửa quan trọng còn lại là để có thể tiếp tục đánh thuế cao hơn, họ đã phải chứng minh tính minh bạch, hiệu quả trong việc sử dụng nguồn thuế như thế nào.
Nguyễn Thị Thủy, từ TP. HCM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn