Nhân tổng đình công ở Pháp: TẠI SAO CẦN NGHIỆP ĐOÀN ĐỘC LẬP?

Thứ năm - 09/04/2015 23:28

(NCTG) “Nếu những người làm công ở Việt Nam không lên tiếng, không đòi hỏi công bằng và quyền lợi cho mình thì ai sẽ làm điều đó? Chắc chắn sẽ không phải là giới chủ hay nhà nước, lại càng không phải là chính quyền! Đã đến lúc người lao động ở Việt Nam ý thức quyền và sức mạnh của mình, bởi lẽ chính họ là những người làm nên của cải cho xã hội và vận hành xã hội”.


3.000-4.000 người biểu tình ở Lyon gồm đủ các thành phần công chức khối giáo dục, y tế, dịch vụ công cộng, sinh viên, công nhân...
 
Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn!
Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi.
Quyết phen này sống chết mà thôi.

Các bạn ở Việt Nam chắc sẽ ngạc nhiên lắm khi được biết bản “Quốc tế ca” (L'Internationale) - bài hát kêu gọi đoàn kết đấu tranh của những người lao động - vẫn được hát vang ở một nước tư bản như ở Pháp. Ca khúc được tác giả Eugène Pottier viết năm 1871, trước khi Đảng Cộng sản ra đời, và sau này được (Đệ tam) Quốc tế Cộng sản sử dụng như bài hát chính thức của tổ chức này.

Phong trào đấu tranh của công nhân tồn tại ở mọi giai đoạn lịch sử, luôn mang tính thời sự - nó tồn tại trước và cả sau khi chủ nghĩa cộng sản lên ngôi (rồi sụp đổ ở nhiều nơi), bởi vậy không thể đánh đồng Đảng Cộng sản là đại diện của tầng lớp công nhân như ta vẫn được nghe trong các văn bản ở Việt Nam. Một minh chứng là cuộc đình công và biểu tình tại Paris và các thành phố khác ở Pháp diễn ra vào hôm nay, thứ Năm 9-4-2015, thu hút hơn 120 ngàn người tham gia

Đây là một cuộc tổng đình công liên ngành do Tổng Liên đoàn Lao động (Confédération générale du travail, CGT) và Sức mạnh Công nhân (Force Ouvrière, FO) kêu gọi và tổ chức, nhằm phản đối các chính sách cắt giảm ngân sách nhà nước dành cho các thành phố, cải tổ địa hạt, cùng một số điểm trong “Luật Macron”. Các chính sách mới này ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, tầng lớp hưu trí, những người thất nghiệp, đồng thời làm xuống cấp môi trường và điều kiện làm việc, ảnh hưởng đến chất lượng dich vụ công cộng.

Nhớ tới câu nói của một người bạn từ Việt Nam khi nghe tôi kể chuyện đang chuẩn bị tổ chức cho lần bãi công này, “sướng thế rồi còn đấu tranh với biểu tình cái gì nữa?!”. Bạn tôi nói đúng, điều kiện làm việc của người lao động ở Pháp tốt hơn rất nhiều so với ở Việt Nam, nhưng những quyền lợi hiện có của người lao động tại Pháp đều là kết quả của cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ của chình họ.

Năm 1884, với “Luật Waldeck - Rousseau”, người làm công Pháp lần đầu tiên được quyền thành lập công đoàn độc lập của mình. Đây là những tổ chức xã hội phi chính trị được chế tài chặt chẽ, đặt mục đích bảo vệ quyền lợi của những người lao động lên hàng đầu. Nó được xem như là một vấn đề công bằng xã hội. Các công đoàn, nghiệp đoàn độc lập này là những thực thể pháp nhân, trong đó Ban lãnh đạo được các thành viên công đoàn bầu lên theo thể thức dân chủ.

Họ là đại diện chính thức của người lao động để tham gia vào các ban cùng giới chủ đưa ra những quyết định trong các vấn đề tổ chức (nội quy, điều lệ), điều kiện làm việc (giờ giấc, an toàn lao động) hay xét thăng cấp, kỷ luật liên quan đến người làm công. Họ đồng thời cũng là những người lên tiếng khi chính phủ cho ra những dự luật mới liên quan đến người lao động, đứng ra thương lượng với chính phủ, hay tổ chức đình công, biểu tình khi cần thiết.

Đơn cử một ví dụ, hiện nay tại Pháp người lao động làm việc 35 giờ hàng tuần thay vì 39 giờ như trước đây, tất cả số giờ làm việc vượt trội sẽ được trả bằng ngày nghỉ hoặc lương. Đây được coi là một bước tiến của chính phủ cánh tả trong việc tìm giải pháp giải quyết nạn thất nghiệp bằng cách giảm giờ làm việc quy định để tạo thêm việc làm. Chính các công đoàn, nghiệp đoàn độc lập là tổ chức đưa ra kiến nghị này và đã rất nỗ lực thương lượng, đấu tranh cho sự ra đời của luật mới.

Một ví dụ khác, sau vụ thảm sát ở tòa soạn báo “Charlie Hebdo” và các vụ tấn công cảnh sát đầu năm nay, tình hình an ninh bất ổn gây lo lắng về sự an toàn cho những người làm việc trong ngành cảnh sát. Một bộ phận cảnh sát thành phố không được trang bị áo giáp tránh đạn đã làm việc với công đoàn của mình, yêu cầu được trang bị áo giáp bảo vệ. Đại diện các công đoàn ngành đã lên tiếng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã lắng nghe và ủng hộ giải quyết yêu cầu này.

Nếu không có các công đoàn mang tiếng nói chung của số đông, sử dụng lý lẽ luật định để bảo vệ cho yêu cầu thì những đề nghị như thế này sẽ có thể bị xem là mang tính cá nhân, thiếu tính thuyết phục và sẽ không được giải quyết.
 

Tác giả (ngoài cùng bên trái) trong đoàn biểu tình tại Lyon

Đi trong dòng người biểu tình hôm nay, tôi nghĩ tới cuộc đình công của 90 ngàn công nhân ở khu công nghiệp Tân Tạo (TP. HCM) vừa qua. Họ đã rất có lý khi xuống đường lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu những người làm công ở Việt Nam không lên tiếng, không đòi hỏi công bằng và quyền lợi cho mình thì ai sẽ làm điều đó? Chắc chắn sẽ không phải là giới chủ hay nhà nước, lại càng không phải là chính quyền!

Đã đến lúc người lao động ở Việt Nam ý thức quyền và sức mạnh của mình, bởi lẽ chính họ là những người làm nên của cải cho xã hội và vận hành xã hội.

Hiên tại ở Việt Nam có Tổng Liên đoàn Lao động là cơ quan lãnh đạo Công đoàn các cấp. “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” (điều 1, Luật Công đoàn Việt Nam). Điều này cho thấy Công đoàn hiện có không phải là một tổ chức độc lập, phi chính trị cần có để bảo đảm cho quyền lợi của người làm công.

Việc Công đoàn không thể đứng về phía công nhân lên tiếng phản đối Luật Bảo hiểm Xã hội mới của chính phủ là điều tất yếu. “Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước” (khoản 2, điều 6 của Luật Công đoàn). Đảng cầm quyền có thể thay đổi, chính quyền có thể thay đổi, nhưng những người làm công thì luôn tồn tại bởi chính họ khiến một xã hội được vận hành và tồn tại.

Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, điều 23 phân đoạn 4 quy định: “Mọi người đều có quyền tham gia và thành lập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”. Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, người lao động Việt Nam có toàn quyền đòi hỏi nhà nước phải tôn trọng và đảm bảo quyền được lập công đoàn độc lập của mình.

Có thể thấy cuộc đình công vừa qua của 90 ngàn công nhân ở khu công nghiệp TP. HCM - cũng như những cuộc đình công trước đây đòi tăng mức lương tối thiểu - đều mang tính tự phát, bị động. Khi giới thợ cho rằng họ đạt được yêu cầu của mình thì ai trở về nhà nấy, những người khởi xướng, tổ chức bị sa thải hay thậm chí bị bắt giữ. Người làm công lại tiếp tục sống và làm việc trong điều kiện khó khăn, “đợi” chính sách mới, để rồi lại thất vọng, lại “tức nước vỡ bờ”.

Không có công đoàn độc lập được chế tài, không được tham gia thương lượng, không được tham kiến từ các cấp dù là thấp nhất (nội bộ nhà máy, công sở) đến các cấp cao hơn (các ban làm việc chuẩn bị dự luật), người lao động sẽ luôn ở trong tình trạng bếp bênh, đối đầu với giới chủ, bị động hoàn toàn với mọi chính sách của nhà nước, đồng thời dễ bị chia rẽ và đàn áp.

Theo Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại Tự do Liên hiệp Châu Âu, Việt Nam phải có những công đoàn độc lập. Người lao động Việt Nam đang có một cơ hội lớn để thể hiện sức mạnh, đấu tranh đòi chính quyền phải chấp nhận thương lượng, đi tới tạo dựng những tổ chức độc lập đại diện cho lợi ích và quyền lợi của mình.

Người làm công bước đầu từ các nhà máy, khu công nghiệp tư nhân có thể đoàn kết tập hợp bầu lên đại diện, lập công đoàn độc lập của xí nghiệp nơi mình làm việc. Những người đứng đầu chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của các tổ chức dân sự trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nhân quyền.

Họ sẽ từng bước học hỏi, rút kinh nghiệm và dẫn dắt phong trào có bài bản, kế hoạch hơn, từ đó bảo vệ được người lao động hiệu quả hơn.

Chùm ảnh của Ngọc Anh về cuộc biểu tình và đình công ở Lyon:
 




Bài và ảnh: Ngọc Anh, từ Lyon (Pháp)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn