TRƯNG CẦU DÂN Ý

Chủ nhật - 22/03/2015 10:48

(NCTG) “Cùng một cái tên “trưng cầu dân ý” cũng có năm bảy cách. Bạn chọn cách nào?”.



* Câu chuyện thứ nhất

Ở vùng nọ có ông quan tham ô, dân chúng hay xì xào bàn tán. Để tỏ ra mình trong sạch, ông bèn nghĩ ra một cách: trưng cầu dân ý.

Lệnh ban xuống dân: Ai có ý kiến thì biên một phong thư rồi gửi vào phủ quan. Hạn một tuần.

Dân chúng được một phen xôn xao. Chẳng ai biết có bao nhiêu thư đã gửi đến phủ quan và trong đó ghi những gì nhưng khi thời hạn một tuần trôi qua, người ta thấy yết thị dán ở chợ:

Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, hầu hết người dân đều tin tưởng và đồng tình với những việc quan làm. Quan rất cảm kích và sẽ tiếp tục phát huy.”

* Câu chuyện thứ hai

Quan muốn xây phủ đệ thật đường bệ lộng lẫy bèn tìm cách tăng thu.

Lệnh ban xuống dân: Nhà nào làm mất mỹ quan làng xóm phải nộp một tạ thóc. Trát gửi đến tận nhà. Trưng cầu dân ý trong vòng một tuần.

Dân chúng lại một phen xôn xao. Chẳng ai biết có tất cả bao nhiêu trát và gửi đến những ai, chỉ biết sau một tuần, quân lính khi đi thu nhà nào cũng nói:

Hầu hết các nhà trong vùng đã đồng ý nộp phạt rồi, nhà nào không nộp là chống đối, sẽ bị phạt gấp đôi!”.

* Câu chuyện thứ ba

Ở nơi khác có vị quan rất thanh liêm và gần dân, luôn được dân yêu quý. Mỗi khi có vấn đề lớn ông thường trưng cầu dân ý.

Yết thị của ông dán rộng rãi trong vùng, giãi bày từng chân tơ kẽ tóc, không có gì là không rõ.

Lúc thu thập ý kiến, kiệu ông thường đến chợ, đình chùa nơi người dân tụ họp.

Mọi câu hỏi và câu trả lời đều công khai, dân chúng không ai là không biết.

* Câu chuyện của bạn

Người tốt hay xấu không thể nhìn bề ngoài mà xét, việc tốt hay xấu không thể nghe cái tên mà đoán. Cùng một cái tên “trưng cầu dân ý” cũng có năm bảy cách. Bạn chọn cách nào?

Lê Ngọc Minh, từ Amsterdam (Hà Lan)


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn