Những hình ảnh rất bình thường với người Việt, nhưng lại hấp dẫn du khách hiếu kỳ - Ảnh: Internet
Du khách nước ngoài qua Việt Nam có vẻ thích thú với những tấm bưu thiệp chụp một xe máy chở hàng trăm con gà vịt, hay những chiếc xe lam chở người quá tải đến gấp đôi; có cả hình mẹ và con gái nhỏ đang cố sức đẩy một xe thồ trái dừa tươi lớn khuất cả bóng hai người… Tôi thấy nhiều người mua những tập bưu thiệp như vậy gửi tặng bạn bè vì nó hay hay lạ mắt. Còn đối với người Việt, nó đã bình thường như không khí.
Hàng ngày đi làm qua đoạn đường đông trước một khách sạn 5 sao, thấy các vị khách bước xuống từ sảnh khách sạn sang trọng, giơ máy ảnh chụp hình vừa thích thú vừa ngạc nhiên. Kìn kìn xe máy, ôtô, xe buýt chen chúc nhau dưới nắng cháy. Các bà các chị trùm kín mít từ đầu đến chân tránh nắng và khói bụi. Từ ống kính của người chụp, soi những dòng lưu động hỗn loạn vội vã không nhìn ra mặt người, chắc sẽ buồn cười lắm.
Có người vui tính, tuy mặt mũi bịt kín nhưng vẫn giơ hai ngón tay hình chữ V làm hiệu để khách du lịch chụp hình.
Còn tôi thì muốn nói: Việt Nam đấy, khổ lắm các ông các bà ạ.
Một địa điểm đặc biệt hấp dẫn khách du lịch ở TP. HCM là khu địa đạo Củ Chi. Người ta đến để được xem cách tổ chức cuộc sống dưới đất của người Việt Nam trong thời chiến. Du khách chắc hẳn hết sức “nể phục” người Việt đã sống một cách kiên nhẫn như thế nào trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Lạ nhất có màn giới thiệu các “bàn chông mưu lược” bẫy được nhiều người, làm cho quân thù đau đớn mà không chết được. Màn này nhất định sẽ “đóng đinh” vào trí nhớ người xem. Có anh chị bạn đi cùng con nhỏ đã phải dắt con đi khỏi khu vực trưng bày này ngay, vì không muốn cháu nhìn, hỏi hay tưởng tượng về cảnh tượng này.
Đối với những người đi du lịch để tìm hiểu văn hóa, lịch sử một miền đất mới thì các bảo tàng, phòng trưng bày thường là nơi rất quý để biết được nhiều thông tin về đất nước đó. Ở Hà Nội cũng có nhiều bảo tàng: bảo tàng chiến tích về chiến tranh, bảo tàng về thành công của cách mạng, bảo tàng về lãnh tụ. Tại những nơi này đều có ít nhiều các đoàn khách nước ngoài đến thăm.
Đi theo đoàn, các hướng dẫn viên cũng giới thiệu lịch sử và các kỳ vật đúng theo như “sách đã nói”. Cũng có thể, nhờ sự hiện diện và nội dung của các “công trình văn hóa này” mà người ta có thể thấy được dòng tư tưởng chính thống đang chiếm ưu thế ở Việt Nam là gì.
Nhưng có thể coi việc có khách nước ngoài đến thăm là minh chứng cho sự hấp dẫn thực sự của các địa chỉ này không? Tôi tò mò muốn hỏi, du khách liệu có học được nhiều điều bổ ích không, có mở mang được đầu óc không khi đi qua những khu này. Tiếc là chưa có dịp, vì tôi đã thôi đến các nơi này từ ngay sau lần đầu tiên.
Vâng, Việt Nam khác lắm. Khác với hầu hết mọi nơi khác trên thế giới ở. Khác ở sự đi lại giao thông khổ sở đến khó hình dung ở nơi nào khác. Khác ở chiều dài chiến tranh và cách lưu giữ lịch sử chiến tranh. Khác biệt hẳn với các nước văn minh ở cách phụ nữ và trẻ em đang lao động để kiếm sống. Vân vân và vân vân.
Những bức hình, câu chuyện về Việt Nam của các vị khách kia mang về nhà sẽ là gì nhỉ? Có lẽ, họ sẽ kể chuyện cho bạn bè gia đình rằng ở Việt Nam hay lắm, nhiều cái kỳ lạ lắm. Họ đến Việt Nam để được chứng kiến những cảnh chỉ có ở Việt Nam mà.
Nhưng là người Việt, phải tỉnh táo để nghe ra thật có điều gì đó rất chua chát, tội nghiệp trong sự ngạc nhiên của du khách. Sự tò mò, “xem cho biết”, khác với sự muốn tìm hiểu học hỏi; sự “hay hay kỳ kỳ” khác hẳn với sự thú vị hấp dẫn.
Ngoài việc ngắm cảnh thiên nhiên, người ta đi du lịch để được biết thêm về một cộng đồng khác, lối sống khác. Các bạn đến Việt Nam để thấy tận mắt những điều “hay hay kỳ kỳ”, hay vì muốn thưởng thức những điều hay, lối sống đẹp?
Tôi nghĩ mãi vẫn chưa biết liệu họ có thể mang về những chuyện nên học, nên thử làm giống Việt Nam đang làm không nhỉ?