VĂN MINH KIỂU CHÉM LỢN VÀ GIẾT MÈO?

Chủ nhật - 15/02/2015 21:22

(NCTG) “Tôi tin những kẻ đã sát hại một lúc hàng ngàn em mèo, một trong những loài vật thân cận nhất của con người, thì những kẻ đó cũng chẳng đối xử tử tế gì hơn với đồng loại của mình, con người”.



Chúng ta đã bước vào năm thứ 15 của thế kỷ 21, thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại. Khắp trên toàn cầu, người ta nhắc đến và tổng kết những thành tựu khoa học hoặc những công trình kết quả nhân đạo, kiến tạo của con người đối với thiên nhiên muôn loài, tức là cái nature mà con người đang sống trong đó.

Tại Việt Nam, những khẩu hiệu để thúc đẩy cho dân tộc, đất nước “tiến nhanh tiến mạnh” vẫn hàng ngày rổn rảng, đầy rẫy trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo chí, các banner xanh đỏ trắng vàng, thể hiện nỗ lực quyết liệt phải “ngang tầm” hay “vượt hơn” các quốc gia văn minh trên thế giới.

Ngày 25-1-2015, các chiến sĩ Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội và Phòng Cảnh sát Môi trường phát hiện được một chiếc xe tải trọng tải 2,5 tấn chở trên đó gần ba tấn mèo - đó là những con mèo còn sống được nhập lậu “trái phép” từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu xe tải không bị các chiến sĩ công an “vồ” được, các em mèo sẽ bị phân phối từ Hà Nội ra các vùng phụ cận, vào lò mổ của các tiệm ăn nhà hàng nào mà trong menu có ghi “đặc sản tiểu hổ”.

Các em, rất có thể là mèo cưng của gia đình nào đó bị bắt trộm bằng đủ mọi chiêu trò quái đản sẽ bị sát hại rồi chế biến thành đủ những món ăn quái đản để chui vào bụng những tay ăn nhậu tự cho mình là “sành điệu”. Nhưng bây giờ, do bị phát hiện, liệu các em có thoát khỏi bản án chui vào bao tử những tay nhậu man rợ ấy? Số phận các em cũng chẳng có gì khá hơn. Vì các em là món hàng chui, hàng lậu, không em nào có giấy “tiêm phòng miễn dịch” nên số phận các em là… chờ để bị tàn sát tập thể.

Những tổ chức bảo vệ động vật, những người yêu thú nuôi, cư dân mạng đã làm mọi việc như đề nghị giải cứu và chi phí chữa bệnh, cứu hộ. Huyền thoại điện ảnh Brigitte Bardot ngỏ lời chuyển tiền cứu trợ qua Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam, lấy chữ ký để yêu cầu một cách ứng xử nhân đạo từ chính quyền. Số phận của ba tấn mèo đang treo lơ lửng giữa nền văn minh nhân đạo của Việt Nam. Ba tấn mèo bị nhốt chen chúc bó rọ trên một chiếc xe tải, những cánh tay tuyệt vọng với ra ngoài cầu cứu. Tưởng tượng đến cảnh đó đủ thấy nao lòng.

Chưa hết, đó mới chỉ là số phận những em mèo. Giờ tới số phận những em ủn ỉn, tức là những em lợn (heo). Lâu nay ở làng Ném Thượng, Bắc Ninh tồn tại một cái hủ tục là cứ năm hết Tết đến người ta lại mở một lễ chém heo để lấy lấy sự may mắn cho năm mới. Bốn chân em lợn bị cột chặt bằng bốn sợi dây thừng, cho bốn thanh niên lực lưỡng đồng loạt kéo căng ra. Dân làng già trẻ lớn bé đứng xung quanh thành vòng tròn để chứng kiến và cổ vũ, mỗi người đều lăm lăm trong tay những tờ giấy bạc (tiền).

Khi bốn thanh niên lực lưỡng kéo căng bốn chân em lợn ra rồi, một anh sung sức vừa đúng ngũ tuần trong vai trò đồ tể hay đao phủ, cầm chắc một thanh mã tấu mài giũa sáng loáng. Sau tiếng hô lớn của một quan chức trong làng, tiếng hô lớn át cả tiếng rên la của em lợn sống đang bị bốn anh người dùng dây cột kéo căng tứ chi, anh đao phủ sẽ hoa mã tấu xông vào, tận sức bình sinh chém phập đứt làm hai thân thể em lợn. Tiếng rên la của em lợn trở thành tiếng rống thảm thiết. Già trẻ bé lớn xung quanh hò reo nhảy múa, vừa cổ vũ vừa ùa đến chỗ máu lợn bắn tung tóe, chảy đầy sân, tranh nhau nhúng nắm tiền trên tay vào máu, họ tin là để “lấy khước” cho năm mới!



Lợn là loại gia súc cho con người ăn thịt, nhưng người ta có nhiều cách mổ lợn lấy thịt tránh gây những đau đớn không cần thiết cho chúng. Hoạt cảnh trên tôi miêu tả lại từ những thông tin mà tôi có được về hủ tục “chém lợn” trên mạng Internet. Tục lệ này cho thấy người ta hành quyết con lợn theo lòng mê tín ngu muội và để thỏa mãn bản năng man rợ của con người.

Khi có những ý kiến phản bác trong dư luận, một quan chức văn hóa, GS.TS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam tuyên bố: “Những người đang đánh giá lễ hội chém lợn là dã man, tàn bạo đang không hiểu gì về văn hóa, những người này đang đứng ngoài chứ không phải chủ thể văn hóa nên không thể cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng mà lễ hội mang đến cho người dân”. “Việc giữ hay bỏ hoạt động tín ngưỡng phải do chủ thể văn hóa đó quyết định”.

Thiết nghĩ, cùng với thời gian, những hành động ngược đãi sinh vật hay nghi thức tượng trưng mang tính chất bạo lực được nhận thức và bị loại trừ khỏi sinh hoạt văn hóa của các quốc gia trên thế giới, thay vào đó là những lễ hội tươi đẹp, nghi thức tốt lành như Giáng sinh, lễ Ba vua, Valentine, Halloween... của Phương Tây hay té nước, tết cơm mới… của Đông Nam Á.

Theo tôi, tục lệ “chém lợn” theo “nghi lễ” trên vào những lúc lúc năm hết Tết đến không phải là một phong tục có tính chất văn hóa mà ngược lại, nó đầy chất mê tín dị đoan và man rợ, cần phải được dẹp bỏ. Những mỹ tục của cha ông để lại như thả thơ, đánh cờ người, hay hội lễ kỳ yên…; những truyền thống như dũng cảm xả thân bảo vệ đất nước, lãnh thổ, đề cao tinh thần dân tộc, là những nét văn hóa sâu sắc vàng ngọc, cần phải được duy trì, bồi đắp cùng năm tháng. Còn những hủ tục mê tín man rợ như đâm trâu chém lợn cần phải được dẹp bỏ ngay tức thì. Chúng ta không nên để cho các nước văn minh nhìn vào thấy rằng Việt Nam còn đang ở thời kỳ bán khai đồ đá.

Một tin buồn khi tôi định kết thúc bài viết này. Ba tấn mèo nhập lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam đã bị các quan chức có thẩm quyền cho tiêu hủy theo “pháp luật” Việt Nam, bất chấp lời kêu gọi nhân đạo của những người yêu động vật. Hơn một ngàn sinh linh bị thảm sát trong một cái búng tay. Tôi tin những kẻ đã sát hại một lúc hàng ngàn em mèo, một trong những loài vật thân cận nhất của con người, thì những kẻ đó cũng chẳng đối xử tử tế gì hơn với đồng loại của mình, con người.

Xin chấm dứt bài viết ở đây với lời phân ưu cho loài mèo, loài lợn và cho đất nước, con người Việt Nam.

Trần Nghi Hoàng, từ Hoa Kỳ - Ngày 9-2-2015


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn