ĐẠO HỒI TRONG MẮT MỘT NGƯỜI HỒI GIÁO

Thứ ba - 03/02/2015 21:23

(NCTG) “Thế giới phải làm điều gì đó, chứ cô không hề muốn cứ nhắc đến đạo Hồi là dính đến giết chóc dã man như thế này”.


Minh họa: Internet


Mấy tuần qua trên mạng xã hội tràn ngập các bài viết, các cuộc tranh luận về vụ thảm sát tại tòa soạn báo “Charlie Hebdo” ở Paris. Tôi vốn là người không theo đạo, chưa có nhiều dịp tìm hiểu về đạo giáo, nhưng cũng đặt câu hỏi cho chính mình rằng tại sao lại có sự việc như vậy xảy ra.

Tôi đọc rất nhiều bài viết, nhiều cuộc tranh luận, nhưng không tham gia bình luận bởi tôi không phải là họ - những người Hồi giáo cực đoan đã sát hại các họa sĩ. Tôi cũng không phải là các họa sĩ kia, tôi chưa hiểu hết cái quyền tự do của đất nước họ, vậy nên tôi chỉ lặng lẽ đọc và tìm hiểu.

Chia sẻ sau đây chỉ là một vài kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống thường nhật mà tôi được chứng kiến.

Tôi có khá nhiều người quen hay bạn bè là người theo đạo Hồi, có người rất sùng đạo, ăn mặc kiểu đạo Hồi, bịt đầu, nhịn ăn cả tháng (Ramadan), có người mang tiếng theo đạo Hồi nhưng không bao giờ làm lễ cầu nguyện, không kiêng thịt lợn, không mặc quần áo đặc trưng, có người nếu không nói ra thì không ai biết họ theo đạo Hồi.

Vì vậy có thể nói không phải ai mang danh theo đạo Hồi cũng hành xử và thể hiện giống nhau, cũng như bạn tôi có người theo Công giáo mà không bao giờ đi nhà thờ hay cũng chả thuộc bài kinh nào. Chỉ là vì cả gia đình họ hàng theo đạo nên họ cũng “đương nhiên” theo mà thôi.

Mang trong lòng khá nhiều câu hỏi, tôi nói chuyện với cô bạn người Ai Cập theo đạo Hồi. Cô này khá sùng đạo, dù lấy chồng người Đức mà anh chồng cũng theo đạo Hồi luôn. Cô ăn kiêng, tuy nhiên mặc đồ Tây, đi bơi mặc bikini bình thường như bao người.

Tôi mạnh dạn hỏi cô rất nhiều câu hỏi, ví dụ như cô nghĩ gì về vụ thảm sát ở Paris? Cô nghĩ gì về các bức tranh châm biếm nhà tiên tri Mohammed? Tại sao cùng là đạo Hồi mà có người đeo mạng che mặt, có người bịt kín mặt, có người ăn mặc bình thường?

Rất bình thản trả lời tôi, cô bạn cho rằng, dù ở bất cứ đâu, người đạo Hồi hay bất cứ ai đều phải tôn trọng luật pháp của nước đó. Cô hiểu khi có các bức tranh châm biếm về nhà tiên tri của đạo Hồi, đó là quyền tự do của người Pháp được nói lên quan điểm và ý kiến của họ.

Tất nhiên cô nói, đạo Hồi dạy họ phải tôn trọng các tôn giáo khác, các thánh thần bất kể họ là ai, vì thế nếu có tranh châm biếm Đấng tiên tri Muhammad thì cô cũng có cảm giác khó chịu một chút nhưng cô chấp nhận thực tế, không thể vì không thích ý kiến của người khác mà lại đi giết họ.

Cô cũng đưa ra dẫn chứng về Chúa Jesus, các tổng thống, chính khách bị châm biếm không từ một ai và chấp nhận thực tế đó là sự khác biệt về quan điểm. Cô nói họ không tin vào thánh thần, vì thế họ châm biếm, chúng ta không thể bắt ai đó nhất thiết phải có cùng đức tin như ta.

Khi nói về cách ăn mặc của người đạo Hồi, cô nói đạo Hồi không bắt buộc phụ nữ phải che mặt hay che đầu mà chỉ gợi ý. Đó là sự lựa chọn cá nhân hay thói quen trong gia đình, ví dụ như bố mẹ bắt con mặc từ bé và cứ thế lớn lên mặc như vậy từ đời này qua đời khác. Cô cũng chỉ trích đạo Hồi trọng nam khinh nữ và rất nhiều nam giới đã lợi dụng kinh “Quran” để diễn dịch ra các quy định, các hình phạt theo hướng có lợi cho họ.

Bản thân tôi đã từng chứng kiến trên chuyến bay sang Mỹ, có vài cô gái đạo Hồi ăn mặc kín như bưng, sau khi vào nhà vệ sinh đi ra, họ đã thay ra quần áo thời trang hiện đại khá mát mẻ, chứng tỏ bản thân họ cũng chả thích thú gì mà phải theo như lệ làng vậy thôi. Chứ không hẳn họ sùng đạo mà muốn ăn mặc như vậy.

Cô bạn nói, thế giới tạo ra chúng ta là các cá thể khác nhau để bổ sung cho nhau và học hỏi lẫn nhau, việc chúng ta khác nhau là hoàn toàn bình thường. Đạo Hồi không dạy ai chém giết nhau trừ khi có chiến tranh hay phải tự vệ. Cô cũng cho rằng những kẻ khủng bố cực đoan kia là những người đạo Hồi không được giáo dục tử tế, chắc chắn có thế lực nào đó đứng sau.

Cuối cùng, cô thở dài với tôi, thế giới phải làm điều gì đó, chứ cô không hề muốn cứ nhắc đến đạo Hồi là dính đến giết chóc dã man như thế này.

Mai Quỳnh Anh, từ Myanmar


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn