“CHARLIE HEBDO”, TỰ DO QUÁ ĐÁNG?

Thứ bảy - 31/01/2015 21:06

(NCTG) “Nước Pháp cần thay đổi luật bảo vệ tự do ngôn luận. Nhưng không nên đổi bằng cách cấm nhạo báng đức tin như nhiều người đã lên tiếng. Ngược lại, Pháp nên nới rộng tự do ngôn luận như ở Mỹ. Trừ trường hợp gây thiệt hại cụ thể cho người khác hay có khả năng gây rối loạn trước mắt... còn thì ai muốn nói gì, viết gì, vẽ gì cũng được tự do tùy thích, tùy theo tâm hồn và nhận định cá nhân của mỗi người”.


Libertas - biểu tượng của tinh thần tự do của Hoa Kỳ, tượng Pháp trên đất Mỹ


Tự do ngôn luận thường được coi như một quyền bất khả xâm phạm của con người. Nhưng tại sao? Tại sao ta cần có tự do ngôn luận? Trên thực tế thì mọi quyền của con người trong một nước dân chủ đều là một sự thỏa thuận của người dân. Một sự thỏa thuận mà họ tin sẽ làm xã hội ngày càng ôn hòa, tiến bộ hơn. Chúng ta nên thỏa thuận như thế nào về quyền tự do ngôn luận để đạt được mục tiêu chung này?

Quyền tự do ngôn luận chỉ có ý nghĩa khi sự diễn đạt cụ thể gây ra căm tức cho đa số trong xã hội, nếu là xã hội dân chủ; hay xúc phạm đến chính quyền, nếu là chế độ độc tài. Không ai cần có quyền tự do ngôn luận để tán thưởng những kẻ độc tài ở chính xứ sở độc tài, hoặc để chỉ trích, “báng bổ” họ ở những xứ tự do. Vì thế mà sự xúc phạm cũng như những giá trị đạo đức phổ cập không phải là cơ sở hợp lý để xác định giới hạn của quyền tự do ngôn luận.

Hiến pháp Mỹ khẳng định rằng chính quyền không được phép đưa ra đạo luật ủng hộ hay ngăn chặn những hoạt đông tôn giáo, hoặc giới hạn tự do ngôn luận. Đây là một tư tưởng đặc thù của xã hội và luật pháp Mỹ. Trước Mỹ, mọi nước đều có tôn giáo gắn liền với chính quyền. Quyết định đúng sai về tư tưởng và biểu đạt là thẩm quyền của các nhân vật lãnh đạo tôn giáo và chính quyền. Người dân cứ theo họ mà nói cho phải phép. Một lời trái ý bề trên cũng có thể phạm pháp.

Từ ngày lập quốc, một tư tưởng chủ đạo của nước Mỹ là mọi người, trên nguyên tắc, đều có quyền tự do chọn lựa bất cứ điều gì mình thích để trao đổi, để tin, để phổ biến. Đây là một thái độ triệt để bình đẳng và dân chủ của con người độc lập, vừa khiêm tốn vừa ngạo nghễ: ta không dám ép buộc ai, và cũng không chấp nhận ai ép buộc ta phải suy nghĩ, diễn đạt như thế nào.

Thomas Jefferson cho rằng mọi người đều phải được có cơ hội tiếp cận những suy tư khác nhau trong thị trường tư tưởng (market of ideas) để chọn lựa đúng sai cho chính mình. Không có gì phải sợ những sai lầm trong quan điểm khi mà lý trí được tự do suy xét và lên tiếng phản biện. Đây là cơ sở khiến Hiến pháp Mỹ có ngôn ngữ rộng gần như tuyệt đối để bảo vệ tự do ngôn luận.

Lịch sử Mỹ thường có trường hợp một địa phương bị xúc phạm vì một sự biểu đạt nào đó và ra luật cấm. Thế là có người cố tình vi phạm để ra tòa thách thức sự hợp hiến (Constitutionality) của luật cấm này. Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã bác bỏ nhiều đạo luật giới hạn tự do ngôn luận.

Luật Mỹ ngày nay bảo vệ quyền tự do ngôn luận gần như tuyệt đối. Những biếm họa của “Charlie Hebdo” thuộc dạng ngôn luận được tự do (free speech) tại Mỹ. Tòa án Mỹ sẽ bác bỏ đơn kiện họ, nếu có ai kiện. Chính phủ Mỹ không được phép ngăn cản họ.

Rộng hơn nữa, khác với luật Pháp và nhiều nước ở Châu Âu, ngôn ngữ kỳ thị chủng tộc như chống người da đen, bài người Do Thái, những biểu đạt cuồng loạn như ca ngợi Hitler, tuyên truyền phát-xít v.v… đều là “ngôn luận được bảo vệ” theo luật Mỹ.

Hate Speech IS Free Speech - Xứ sở của Thomas Jefferson đã đi quá đà chăng khi ta nhìn lại những gì đã xảy ra quanh sự kiện “Charlie Hebdo”? Nước Pháp nên giới hạn tự do ngôn luận không cho phép báng bổ đức tin chăng?

Không. Ngược lại. Xứ sở của Voltaire cần nên có tự do ngôn luận như tại Mỹ!

Trước hết, trong một xã hội pháp quyền, trên cán cân của luật pháp chỉ có một vấn đề duy nhất: Hợp pháp hay phạm pháp. Cấm hay không cấm. Trong một xã hội đa nguyên, luật pháp càng dựa nhiều vào những suy luận khách quan, càng ít phụ thuộc vào những giá trị đạo đức chủ quan thì lại càng được tôn trọng vì tạo được niềm tin là luật pháp công bằng. Thay vì bạo hành, ta càng muốn giải quyết xung đột bằng cách tranh cãi trước tòa.

Để được thế, mọi giới hạn ngôn luận phải được thiết lập trên những nguyên tắc khách quan chung. Khi đã không có cùng những tiên kiến, những quan điểm và giá trị cá nhân về tôn giáo, chính trị, và văn hóa, chúng ta rất khó có thể đồng ý thế nào là “xúc phạm quá đáng” cần phải cấm. Đốt lá quốc kỳ và giễu nhại đức tin, hành động nào xúc phạm hơn? Đối với ai?

Tất nhiên ta có thể thỏa thuận với nhau để cùng giới hạn những ngôn luận xúc phạm đến nhiều người. Trong cái xã hội đầy tránh né ấy, sẽ ít người bị xúc phạm và cũng chẳng mấy ai sẽ cười. Cái tệ hại nhất của cách ra luật giới hạn ngôn luận theo cảm tính thế này có lẽ đã đựợc tóm gọn trong câu nói đùa của người Mỹ: muốn có khái niệm về văn chương giá trị và đầu óc hẹp hòi của dân Mỹ thì chỉ cần đọc những tác phẩm đã từng bị cấm ở Mỹ.

Nước Pháp cần thay đổi luật bảo vệ tự do ngôn luận. Nhưng không nên đổi bằng cách cấm nhạo báng đức tin như nhiều người, trong số đó nổi bậc nhất là Giáo hoàng Phanxicô (François), đã lên tiếng. Ngược lại, Pháp nên nới rộng tự do ngôn luận như ở Mỹ. Trừ trường hợp gây thiệt hại cụ thể cho người khác hay có khả năng gây rối loạn trước mắt như tuyên bố có bom trong phi trường, hỏa hoạn trong rạp hát... còn thì ai muốn nói gì, viết gì, vẽ gì cũng được tự do tùy thích, tuỳ theo tâm hồn và nhận định cá nhân của mỗi người.

Một hành động hợp pháp dĩ nhiên không có nghĩa là một hành động nên làm, chỉ có nghĩa “làm hay không” là một quyết định cá nhân. Một vài nghệ sĩ Mỹ như Tim Parks và Joe Sacco đã lên tiếng nghi ngờ cái giá trị nếu không nói là đả kích cái nội dung của những biếm họa “Charlie Hebdo”. Nhưng họ vẫn không đề nghị cấm những biểu đạt như thế. Họ phân biệt rõ ràng giữa quyền được nói và nội dung câu nói.

Đây là một điều hiển nhiên với người Mỹ. Họ dĩ nhiên có quyền vẻ biếm họa như “Charlie Hebdo” hay còn đụng chạm hơn nữa tại Mỹ nhưng họ đã chọn không làm thế, một quyết định cá nhân không phải vì bị ràng buộc bởi luật pháp.

Giới hạn tự do ngôn luận là một việc làm nghiêm trọng, không thể theo cảm xúc nhất thời. Tự do đã được ví như một bức tường đá. Vỡ một tảng đá có thể hỏng cả bức tường. John F. Kennedy và Nelson Mandela đã từng nói rằng “tự do không thể bị phân chia”. Nhà văn Salman Rushdie đã nhắc lại cái khái niệm này để tuyên bố rằng hoặc là có tự do ngôn luận, hoặc là không chứ không thể giới hạn.

Rushdie từng bị thủ lãnh Hồi giáo Khomeni ra lệnh đòi giết vì tác phẩm “Những vần thơ của quỷ Satan” (The Satanic Verses). Ông đã đứng lên hùng hồn bảo vệ quyền tự do diễn đạt làm người Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm của “Charlie Hebdo”. Hình như Rushdie quên mất rằng “Charlie Hebdo” không có quyền vẽ tranh kỳ thị người Do Thái.

Tại sao “kỳ thị chủng tộc” thì bị cấm mà “báng bổ tôn giáo” thì không? Đây chính là sự khó khăn về lý luận trong cách giới hạn tự do ngôn luận hiện nay tại Pháp.

Tự do ngôn luận không thể bị giới hạn như Salman Rushdie đã dõng dạc tuyên bố. Điều khôi hài là không phải chỉ có những thủ lãnh tôn giáo, vốn không hề giương cao ngọn cờ tự do ngôn luận, mà ngay chính những hậu duệ của Voltaire cũng đã cắt xẻ, đã giới hạn tự do ngôn luận.

Có thể nói rằng Pháp đã không thật sự bảo vệ quyền tự do ngôn luận mà chỉ bảo vệ truyền thống và sở thích của số đông, đã chấp nhận “sự độc tài của đa số”. Đất nước của Descartes, của Voltaire có thể dùng lý trí để thắng được cảm tính của số đông để bảo vệ quyền tự do ngôn luận không? Nước Mỹ đã làm được điều đó.

Đốt cờ Mỹ, một hành động xúc phạm đến đại đa số người Mỹ, chừng như không có một giá trị nghệ thuật, chính trị nào, vẫn được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận. Đa số dân Mỹ đòi cấm. Quốc hội Mỹ đã ra luật cấm và Tổng thống Bush (cha) đã hoan hỉ ký. Thế là có nhiều người đem cờ ra đốt ngay để bị bắt và có thể kiện lên Tối Cao Pháp Viện.

Tòa tuyên bố không thể cấm vì đó là quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp. Đa số dân Mỹ không đồng ý, và cho đến gần đây (2006) nhiều dân biểu vẫn cố chống quyết định của Tòa bằng cách hô hào sửa đổi Hiến pháp. Mấy tay chính trị gia này đã thất bại. Một thiểu số người Mỹ đã sáng suốt thấy rằng tự do ngôn luận quan trọng hơn một biểu tượng của tự do, dù đó là lá cờ từng được giữ gìn bằng xương máu.

Cách đây không lâu, khi báo chí đưa tin một số người Nga đem cờ Mỹ ra làm thảm chùi giày, phản ứng chung của người Mỹ là chê họ ấu trĩ và cảm thấy buồn cười hơn là nóng giận.

Vì có quyền tự do ngôn luận gần như tuyệt đối mà mọi thành kiến, hận thù, xung khắc đều được đem ra tranh cãi. Ai muốn nói gì thì nói. Tán thưởng khủng bố, cổ súy cho bạo lực cũng được, chỉ cấm không được dùng bạo lực hay đe dọa dùng bạo lực. Những tư tưởng cao đẹp, tốt lành từ mọi phía sẽ dần dà được chấp nhận một cách tự nhiên như Thomas Jefferson đã suy luận.

Để có được một thị trường tư tưởng tự do, xã hội Mỹ đã phải tranh đấu với chính mình và đã chịu trả cái giá của tự do ngôn luận, một cái giá mà không phải người nào, xã hội nào cũng chịu trả.

Hầu hết ai trong đời cũng có lần muốn tát tai một đứa bé xấc xược. Tệ nạn vũ phu trong gia đình ở đâu cũng có. Khuynh hướng dùng bạo lực khi cảm thấy bị xúc phạm, dù là (bạo) lực của luật pháp để cưỡng chế trong xã hội văn minh, có lẽ chỉ là bản chất con người. Tự do ngôn luận đòi hỏi phải chấp nhận cái giá bị xúc phạm mà không được chống lại bằng bạo lực.

Quan trọng hơn trong thực tế, ngôn luận bất bạo động có thể gây ra bạo động. Nhân loại đã từng chứng kiến những cảnh thảm sát gây ra bởi những tư tưởng khích động hận thù, những lời hô hào, kêu gọi chém giết. Để bảo vệ an ninh quốc gia cũng như an toàn cá nhân trong cộng đồng mà không xâm phạm quyền tự do ngôn luận, chính quyền Mỹ đã ráo riết theo dõi, điều tra chận bắt mọi manh nha bạo loạn.

Quyền riêng tư (privacy rights) nhiều khi bị vi phạm, càng ngày càng dễ dàng và càng khó nhận biết với kỹ thuật tiến bộ. Đây cũng là một cái giá của tự do ngôn luận.

Độc tài luôn luôn tìm cách chống phá, hạn chế tự do ngôn luận. Điều này hiển nhiên đến nhàm trong mọi chế độ toàn trị. Nhưng những xã hội dân chủ, như Pháp, cũng không nhất thiết đã thoát được sự “độc tài của đa số”. Cơ chế luật pháp và chính quyền của Mỹ đã khá hữu hiệu trong việc bảo vệ tự do ngôn luận tuyệt đối, một trong những yếu tố chính để nước Mỹ ngày càng hùng mạnh và càng đa dạng với dân tứ xứ.

Xứ Mỹ, muốn “nhập gia” thì phải tuyên thệ “tùy tục”. Mỹ chỉ đòi hỏi một “tục” duy nhất là tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp Mỹ, trong đó tự do ngôn luận đứng đầu (có thể nói bao gồm tự do tôn giáo). Theo Hiến pháp, tự do không thể bị hạn chế chỉ vì đụng chạm đến những khái niệm về truyền thống, văn hóa, tôn giáo, hay ngay cả tổ quốc. Mọi người, trên nguyên tắc, đều được tự do sống theo ý mình, theo chủ quan của truyền thống, đức tin, và văn hóa cá nhân mình, miễn là không gây thiệt hại cụ thể cho người khác.

Trong thực tế, Mỹ là một nước ô hợp với trình độ dân trí chung không cao hơn ai, máu bạo động cũng không kém ai, và đã có nhiều làn sóng kỳ thị người nhập cư trong lịch sử... Nhưng vì tinh thần tôn trọng tự do, đặt biệt là tự do ngôn luận, mà xã hội Mỹ ngày càng có nhiều cảm thông giữa những người vốn rất khác nhau.

Khi nhìn vào nước Pháp, một công dân Mỹ có lý do để cho rằng chính quyền Pháp chú trọng vào việc bảo vệ văn hóa Pháp và chuẩn mực của xã hội Pháp hơn là quyền tự do ngôn luận. Người Pháp hình như đã chấp nhận sự giới hạn của tự do ngôn luận trong khuôn khổ của truyền thống văn hóa Pháp.

Giới hạn tự do ngôn luận như thế khiến luật pháp mang màu sắc phân biệt văn hóa thay vì tạo điều kiện để lý trí tự do suy luận và chọn lựa theo tinh thần của Jefferson. Nói một cách chính xác, đấy không phải là tự do ngôn luận đúng nghĩa. Thái độ về tự do ngôn luận của Mỹ thích hợp hơn cho một xã hội đa nguyên. Nhưng...

Pháp có một nền văn hóa lâu đời. Thế giới không cần có một nước Mỹ thứ hai bằng có một nước Pháp đầy bản sắc Pháp. Luật Pháp, người Pháp, chính quyền Pháp hoàn toàn hợp lý và không kém văn minh khi muốn bảo vệ truyền thống văn hóa Pháp như thế. Giới hạn của tự do ngôn luận qua cái nhìn chủ quan của một xã hội, “sự độc tài của đa số”, cũng là một cái giá phải trả để bảo vệ truyền thống văn hóa.

Khó có thể lý luận rằng cái giá đó quá cao khi nền văn hóa cần được bảo vệ lại văn minh, nhân bản và rực rỡ như văn hóa Pháp. Nhưng ta có thể tin rằng Pháp sẽ còn nhiều xung đột, dễ bị những kẻ quá khích lợi dụng vì nuớc Pháp ngày nay đã có ít nhất là hai luồng văn hóa khác nhau.

Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn