NGƯỜI HỒI GIÁO Ở PHÁP CÓ THỰC SỰ BỊ KỲ THỊ? (Phần cuối)

Thứ năm - 29/01/2015 01:22

(NCTG) “Chúng ta muốn họ đến với chúng ta bởi họ tôn trọng và muốn cùng chia sẻ những giá trị, những nét đẹp của văn hóa Pháp chứ không phải vì cái khác. Nếu họ không thấy thoải mái và hài lòng, họ có thể chuyển tới ở một nước khác mà họ thấy tốt hơn cho mình!”.

Xem Phần 1 của bài viết


Ít người Hồi giáo thực sự hội nhập với xã hội bản địa tại Pháp - Ảnh: Internet


Để trả lời câu hỏi người theo đạo Hồi hay Hồi giáo có bị kỳ thị tại Pháp hay không trong thực tế, có lẽ trước hết chúng ta nên quan sát những gì đang diễn ra trong xã hội Pháp, tìm hiểu nguyên nhân trước khi đi đến kết luận.

Thực tiễn hội nhập

Với 12% tổng dân số là người có nguồn gốc nhập cư từ các nước khác nhau, Pháp là một nước đa văn hóa và đa tôn giáo. Hiện tại có khoảng gần sáu triệu công dân Pháp theo đạo Hồi. Họ là những người nhập cư từ các nước Algeria, Maroc, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ hay vùng Châu Phi hạ Sahara thế hệ thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Và hàng năm có khoảng 250.000 nghìn người tiếp tục nhập cư vào Pháp.

Nếu thế hệ những người nhập cư đầu tiên vào Pháp là “kết quả” của thời kỳ thuộc địa, thì những năm trở lại đây số người mới nhập cư vì lý do kinh tế chiếm đa phần. Với hệ thống an sinh xã hội ưu việt, các khoản trợ cấp xã hội, hệ thống chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là tốt nhất thế giới, nước Pháp là điểm đến hứa hẹn của những người nghèo.

Một thực tế dễ dàng nhận thấy là không phải tất cả các cộng đồng người nhập cư đều có khả năng thích nghi, hòa đồng với xã hội mới như nhau. Người nhập cư từ các nước Châu Á, Châu Âu cũng như từ các nước Hồi giáo đều gặp phải những khó khăn trong quá trình này. Nhưng điều gì đã khiến cộng đồng nhập cư từ các nước Hồi giáo luôn thu hút sự để ý của công luận và truyền thông bản địa, trong khi các cộng đồng nhập cư khác thì không ?

Đồng ý là những vấn đề cá nhân hay xã hội có thể đẩy con người ở bất cứ nền văn hóa nào đến những hành động mang tính phản kháng, và những người đến từ các nền văn hóa khác nhau có những đòi hỏi khác nhau để giải quyết các vấn đề. Người theo đạo Hồi được giáo dục bằng những đạo luật hà khắc, trong khi đó người bản xứ lại sử dụng phương pháp thỏa hiệp và tự chủ để xử lý các vấn đề. Điều này trong văn hóa Hồi giáo bị coi như một điểm yếu.

Người Hồi giáo khó có thể hiểu được là có thể giải quyết các vấn đề xã hội bằng đối thoại, thông qua ngôn từ mềm mỏng. Nếu trong văn hóa Á Đông, người ta thường hối hận khi có hành động hay lời nói quá đà lúc nóng giận và tránh nó, xấu hổ vì nó thì trong văn hóa Hồi giáo, sự tức giận, hung hãn được chấp nhận, được coi là thế mạnh và là điều đáng tự hào. Đây là một trong những lý do, hàng ngày trên các bản tin báo đài, truyền hình về các vụ đập phá nơi công cộng, hay ẩu đả đánh nhau tại Pháp, thường liên qua đến người Hồi giáo.

Có một thực tế nữa là người Hồi giáo luôn khẳng định đặt cái tôi - người theo đạo Hồi lên trên cái tôi - công dân của một nước. Và đây chính là lý do sâu xa khiến họ thường có thái độ đối kháng với pháp luật và các điều lệ chung của xã hội sở tại, đối kháng với sự hòa nhập. Văn hóa Hồi rất mạnh mẽ và mang đậm lòng kiêu hãnh. Điều này lịch sử Hôi giáo đã chứng minh. Nhưng chính sự kiêu hãnh này đã giam cầm những con chiên của mình, tước đi của họ khả năng chấp nhận những giá trị khác.
 
Chỉ 14% công dân Pháp theo đạo Hồi nhận mình đặt vai trò công dân lên trên vai trò của một người theo đạo, phần còn lại cảm thấy “sống tự do như một công dân Pháp, nhưng không cảm thấy sự tự do của một người Hồi giáo”. Con số này trở nên đáng lo ngại hơn nữa khi có thể nhận thấy rằng ngay cả người Hồi giáo thế hệ thứ hai, thứ ba trên đất Pháp cũng có suy nghĩ như trên. Khi nói đến bản sắc, họ không nhắc đến bản sắc văn hóa Pháp, họ nhắc đến đạo Hồi.

Nếu thế hệ thứ nhất nhập cư sau chiến tranh Algeria đều có công ăn việc làm, một điều vô cùng quan trọng giúp họ hòa nhập vào xã hội mới, thì các thế hệ sau này, và những người mới nhập cư gặp phải khó khăn nhiều hơn do tình trạng thiếu việc làm tại Pháp hiện nay. Với xu thế toàn cầu hóa, các công ty xí nghiệp, các ngành công nghiệp chuyển dần sang các nước thứ ba, công việc càng ngày càng ít, tính cạnh tranh khi tìm việc làm ngày càng cao.

Tình hình mới đòi hỏi mỗi người đều phải trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, mà một số không nhỏ những người theo đạo Hồi ít có ý chí học hỏi nên khả năng họ tìm được việc không nhiều. Điều này gây tâm lý bất mãn tràn lan, cộng với lòng kiêu hãnh và bầu “máu nóng”, các thanh niên theo đạo Hồi từng nhiều lần xuống đường đốt phá, tấn công cảnh sát trong khi thi hành nhiệm vụ, và lý giải những việc làm của mình là để chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với họ.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu những người Hồi giáo gặp vấn đề trong việc hòa nhập bởi vì họ nghèo khó, hay họ nghèo khó bởi vì họ không hòa nhập?

Có thể nhận thấy rõ ràng là phần lớn người theo đạo Hồi ở Pháp, hay cả ở những nước Hồi giáo, đều không ưu tiên công tác giáo dục, đào tạo, không có ý thức chuẩn bị nghề nghiệp cho tương lai - điều này có thể coi như một nét văn hóa của họ. Một người không có chuyên môn, bằng cấp, luôn có thái độ bất tuân luật lệ, quy định sẽ có rất ít cơ hội tìm được việc làm có lương khá ở một nước có dân trí cao và tinh thần thượng tôn pháp luật như ở Pháp.

Chính sự không thích nghi với xã hội đã khiến những công dân này nghèo chứ không phải là cái nghèo khiến họ không hội nhập được vào xã hội. Không thể lấy cái nghèo để biện minh, bởi trong xã hội còn biết bao người nghèo nhập cư từ các nên văn hóa khác, tôn giáo khác, họ vẫn cố gắng hòa nhập và hòa nhập rất tốt vậy. Và ở đây không hề có vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử!

Theo kết quả thăm dò của Ipsos năm 2013, 74% người được hỏi ở Pháp cho rằng đạo Hồi là một tôn giáo “không bao dung”, 80% cho rằng đạo Hồi muốn “áp đặt phương thức vận hành của mình cho những người khác”. Nhưng trong cuộc thăm dò dư luận của Ifop, người Pháp cũng tuyên bố, sau vụ tàn sát ở tòa báo “Charlie Hebdo”, 66 % không bỏ những kẻ Hồi giáo cực đoan và người theo đạo Hồi bình thường “vào cùng một rọ”.

Để kết thúc bài viết, xin được trích một số câu nói của người Pháp về vấn đề người Hồi giáo trong xã hội: “Chúng ta muốn họ đến với chúng ta bởi họ tôn trọng và muốn cùng chia sẻ những giá trị, những nét đẹp của văn hóa Pháp chứ không phải vì cái khác”, và “nếu họ không thấy thoải mái và hài lòng, họ có thể chuyển tới ở một nước khác mà họ thấy tốt hơn cho mình”!

Khánh Hà, từ Lyon


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn