BÀN THÊM VỀ TRANH CÃI/TRANH LUẬN

Thứ ba - 27/01/2015 14:57

(NCTG) “Người Mỹ rất thẳng thừng trong trình bày ý kiến nhưng họ rất kỹ trong lựa chọn văn phong, từ ngữ. Bởi họ rất coi trọng hiệu quả của thời gian. Mình vẫn nói đùa, dân Mỹ là tổ sư của phỉnh nịnh. Kết lại là, xung khắc quan điểm, xung khắc thái độ nhưng vẫn tránh được “mìn”.


Minh họa: Internet

Vào các cuộc tranh cãi trên mạng của người Việt nhiều khi thấy “bốc lửa”, “mìn” nổ bùm bùm. Nhiều người than thở, người Việt mình văn hóa tranh luận rất kém.

Thực ra vô mấy trang của Mỹ đọc bình luận cũng thấy họ “choảng” nhau rất kinh. Có lần mình vô một cuộc tranh luận trên mạng của sinh viên trường Harvard Kennedy School thấy hai phe Dân chủ và Cộng hòa bốp chát nhau như súng bóp cò, dù trường có nguyên tắc nghiêm ngặt là không chấp nhận lối tranh luận thiếu chuyên nghiệp. Vậy, dù văn hóa tranh luận của người Mỹ ở xứ văn minh là rất khá thì khi người ta được “xả láng” hơn trong biểu lộ mình, chuyện ôm “mìn” thả vào các cuộc tranh cãi vẫn có xác suất rất cao.

Có lẽ tất cả chúng ta dù đã rất trưởng thành hay dày dạn kinh nghiệm cũng nên hiểu rõ hơn về tranh cãi/tranh luận.

Theo thiển ý của mình, một cuộc tranh cãi gồm ba phần: 1) quan điểm; 2) thái độ; 3) văn phong (cách diễn đạt). Quan điểm là ý kiến của mình cho rằng vấn đề được nêu ra là đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu, hay hoặc dở (và những thứ tương tự). Thái độ là ý kiến về cách xử sự của mình như là không khoan nhượng (quyết liệt hay ôn hòa), đồng tình ủng hộ (kiên quyết hay vừa phải). Văn phong là cách diễn đạt, ngôn ngữ xử dụng để thuyết phục người khác theo ý của mình; có thể bao gồm cả “ngôn ngữ cơ thể” (như vỗ tay, cười khẩy, huýt sáo, nhún vai… - ở trên mạng thì có các hình tượng trưng).

Nếu cả ba yếu tố trên đều tương đồng thì các bên có thể nói là rất tâm đắc, rất dễ trở thành bạn đồng hành trên đường đời hoặc trong sự nghiệp lớn. Quan điểm khác nhau mà thái độ cùng ôn hòa thì cũng có thể ngồi được với nhau rất lâu. Quan điểm đã khác nhau mà thái độ lại quyết liệt thì có ngồi lại với nhau được không? A ha, bây giờ mới vỡ ra là yếu tố quyết định cho một cuộc tranh cãi có bền vững được hay không chỉ phụ thuộc vào cái văn phong của người tranh luận. Văn phong hợp lý thì dù có xung khắc đến đâu cũng có thể kiểm soát được tình hình.

Nhưng oái oăm thay, thực tế cho thấy văn phong hợp lý là một thứ kỹ năng mà có khi người tài giỏi lại có khi thua một anh lái xe ôm, ăn nói đơn giản nhưng lại là chân lý như trái đất quay. Vì sao? Văn phong dĩ nhiên phụ thuộc vào kiến thức và kinh nghiệm sống. Nhưng nó phụ thuộc hơn nhiều vào tính cách con người. Tính cách chứ không phải bản chất. Bản chất tốt nhưng nóng nảy hay quá sắc sảo tinh tướng thì văn phong đôi lúc cũng hỏng. Tuy nhiên, điều tiên quyết nhất lại là phụ thuộc vào mục đích tham gia tranh cãi.

Có người tính nghịch ngợm, tinh quái chỉ muốn tham gia để chọc quấy cho vui, cho cuộc cãi vã thêm sôi động nên dùng văn phong khiêu khích (hoặc hài hước hoặc có hơi hướng xúc phạm), chọc giận được vài người thì khoái trá cười. Có nên loại họ ra không? Không nên, chỉ khi họ đi quá xa và đùa quá dai. Có họ, cuộc trao đổi đỡ buồn tẻ hơn nhiều. Nhưng cần có bản lĩnh để kiềm chế họ; tức là những người khác phải có văn phong hợp lý, thuyết phục. Cũng có người có hẳn ý đồ phá cuộc tranh cãi ngay từ đầu thì đương nhiên cần phải loại bỏ.

Vậy khi tham gia chúng ta phải tỉnh táo nhận diện đúng hai “kiểu người” này để tránh mất những người bạn tốt. Vốn xã hội (social capital) là tài sản lớn các bạn ạ, đừng bao giờ nóng vội mà bỏ qua nó. Thế còn những người tham gia nghiêm túc, thực sự muốn trao đổi ý nghĩ thì sao? Họ cũng lắm vấn đề lắm chứ không “ngoan” đâu. Nhiều người chỉ muốn thể hiện sự hiểu biết của mình. Cũng được thôi. Hãy lắng nghe họ để thu lượm kiến thức của họ. Kiến thức của họ có thể cũng chẳng hoàn hảo gì đâu nhưng biết đâu sẽ có những điều mình chưa biết. Năng nhặt chặt bị, ông bà đã nói rồi.

Quay lại chuyện văn phong. Mình nhận thấy đa số các bạn tranh luận chỉ mải mốt trình bày ý nghĩ mà không chú ý đến văn phong. Vì mục đích của họ là bày tỏ ý kiến mà thôi. Họ tự nhủ mình là thẳng thắn nên đôi khi họ nghĩ bạn quan niệm vậy là “khốn nạn”, là “nhẫn tâm” thì phang ra luôn. Thật sai lầm lớn khi bạn mất thời gian mà lại chẳng quan tâm người ta nghĩ gì về mình, người ta có hấp thụ được ý kiến của mình hay không và do đó không cần cẩn thận lựa chọn văn phong hợp lý. Đặc biệt ở những diễn đàn ảo nhưng khá khép kín về thành viên thì điều này càng quan trọng.

Mình thấy người Mỹ rất thẳng thừng trong trình bày ý kiến nhưng họ rất kỹ trong lựa chọn văn phong, từ ngữ. Bởi họ rất coi trọng hiệu quả của thời gian. Mình vẫn nói đùa, dân Mỹ là tổ sư của phỉnh nịnh. Kết lại là, xung khắc quan điểm, xung khắc thái độ nhưng vẫn tránh được “mìn”. Xin các bạn nhớ giùm: VĂN PHONG, VĂN PHONG, VÀ VĂN PHONG! Và đừng viện chuyện khác tư tưởng để cho “mìn” nổ trong các cuộc tranh luận nhé.

Châu Sa, từ Sài Gòn


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn