NỘI HÀM CỦA THÔNG ĐIỆP “TÔI LÀ CHARLIE”

Thứ ba - 20/01/2015 13:49

(NCTG) “Việc sử dụng khẩu hiệu “Tôi là Charlie” mang tính chất thời điểm và đại diện, với mục tiêu thể hiện sự không run sợ trước bạo lực, bảo vệ nền tự do mà ở Pháp tự do ngôn luận lại là tiêu biểu cho quyền tự do con người”.


Khẩu hiệu “Tôi là Charlie” trong cuộc đại tuần hành ở Paris ngày 11-1-2015 - Ảnh: Bertrand Guay (AFP)

Tôi có phải là Charlie hay không?” là câu hỏi đang được đặt ra trên khắp nước Pháp và nhiều nơi khác trên thế giới, lý do là vì một số người cho rằng tòa báo “Charlie Hebdo” - với những biếm họa mô tả Đấng tiên tri - đã “lăng mạ” (insulter) tôn giáo, khuấy động bạo lực và châm ngòi bạo động hoành hành khắp nơi.

Đương nhiên, bất cứ ai cũng có quyền nghĩ và lên tiếng về quan điểm của mình, nhưng trước khi kết luận, có lẽ nên tham khảo và tìm hiểu thêm một số điểm như sau.

1. Quyền tự do ngôn luận của Pháp có phải là quyền cho phép “lăng nhục” tôn giáo hay tín ngưỡng không?

Ở đây cần nói rằng tội “báng bổ thánh thần” (hiểu theo nghĩa chỉ trích những biểu tượng tôn giáo) đã bị xóa bỏ khỏi luật vào năm 1881 và gắn với quyền tự do báo chí, cũng như nằm trong tổng thể của quyền tự do con người của Pháp. Phải chú thích là Pháp là nước duy nhất trong Châu Au xóa bỏ tội này - có một vùng duy nhất ở Pháp là Alsace có lịch sử khá đặc biệt, nhiều liên quan gắn với Đức, là vẫn giữ tội này và vì thế tờ báo “Charlie Hebdo” đã bị kiện năm 2012 cũng tại tòa án vùng này mà không ở Paris hay tỉnh khác.

Tuy “báng bổ thánh thần” không bị coi là tội nhưng lăng nhục, xúc phạm một người hay một nhóm người vì lựa chọn tôn giáo của họ lại là phạm tội ! Điều đó giải thích một phần vì sao diễn viên hài Dieudonné bị bắt khi có phát biểu bị coi là bài Do Thái và ủng hộ khủng bố, mà “Charlie Hebdo” thì không! Sự khác nhau này cũng có thể hiểu là anh có thể chỉ trích, phê bình, cười nhạo ý tưởng, suy nghĩ và niềm tin của một người, vì đó là sản phẩm của TRÍ TƯỞNG TƯỢNG (nên nó không tuyệt đối), nhưng anh lại không có quyền xúc phạm đến một (hay nhiều) CON NGƯỜI THỰC mang tôn giáo, suy nghĩ đó.

Có thể thấy quyền này đề cao con người hơn cả những hệ tư tưởng và tín ngưỡng, mà theo quan điểm của nền Công hòa, chỉ là sản phẩm của tư duy và trí tưởng tượng. Việc xóa bỏ tội này - xuất phát từ nguyên tắc thế tục hóa (laïcisme) - cũng chính là tước đi của các tôn giáo cái quyền tối thượng trừng phạt những kẻ không tin theo tôn giáo đó! Khi hiểu rõ sự khác nhau đó, có thể khâm phục cái gọi là “Quyền con người” ở nước Pháp khác biệt như thế nào, và vì sao Pháp lại là quốc gia đầu tiên soạn thảo ra Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (năm 1789) chứ không phải nước nào khác!

Chính vì vậy, người Pháp đã phẫn nộ hơn bao giờ hết khi những nhà báo đã thiệt mạng vì khủng bố lại còn bị buộc thêm cái tội “báng bổ thánh thần”. Sự cáo buộc ấy đã đánh vào quyền tự do con người tối cao mà nước Pháp dày công thai nghén, xây dựng và bảo vệ, vượt qua hết thảy các các nước láng giềng.

Đáng tiếc là ở nhiều quốc gia, đối với tín đồ của một số tôn giáo, nhận thức về quyền con người chưa đạt đến mức đó. Niềm tin, tín ngưỡng của họ, Nhà tiên tri hay Đấng tối cao của họ được đề cao hơn bản thân CON NGƯỜI THỰC của họ, cao hơn cả cha mẹ sinh thành ra họ - có thể nói trong những tôn giáo đó, con người vẫn chỉ phục tùng và lệ thuộc vào các đấng tối cao tinh thần. Chính sự khác biệt sâu sắc về văn hóa này khiến các tín đồ không thể cảm thông và thấy tổn thương với quyền được “báng bổ thánh thần” trên đất Pháp!

Hành động vẽ biếm họa của Charlie, như vậy hoàn toàn được PHÁP LUẬT Pháp cho phép, điểm đáng nói ở đây là các nhà báo Pháp đã đi đến cùng giới hạn của nó, thậm chí liều mình đùa với ranh giới mỏng manh đó. Với đa số, họ bị coi là quá đáng, ích kỷ vì thỏa mãn niềm tin cá nhân, khiến bạo lực gián tiếp bị gia tăng. Cách họ hài hước đa phần bị cho là “mauvais gout” (quá trớn và vô trách nhiệm). Nhưng phải chăng, bạo lực chỉ lấy “Charlie Hebdo” làm cái cớ để hoành hành và thực thi mục tiêu chiến tranh và khủng bố của mình mà thôi? Bản thân bức họa chẳng có lời cụ thể, việc hiểu nó thế nào là trong khả năng và hành vi của bạn, do bạn tự ý thức chứ không do tác giả!

Có thể “góp ý” rằng các ký giả “Charlie Hebdo” cần có trách nhiệm với cộng đồng, đừng gây bất hòa, nhưng họ không phải những kẻ “dĩ hòa vi quý” để sợ bất đồng về tư tưởng. Họ bảo vệ đến cùng tư tưởng vô thần của họ, họ không giết chóc và họ thực thi tất cả những điều này trên nước Pháp quê hương, nơi họ có QUYỀN làm, và người khác cũng có quyền cũng nhạo báng họ hay chỉ trích chủ nghĩa vô thần của họ. Không lẽ, dân nhập cư có thể mang niềm tin, tín ngưỡng của dân tộc khác đến và bắt nước Pháp phải tuân theo hay sao?

Chưa nói đến chuyện “biếm họa” không nhất thiết và không phải bao giờ cũng phải đồng nghĩa với “lăng nhục”? Người Việt có câu “có tật giật mình”. Những người theo đạo Hồi, đạo Do Thái mà tôi có dịp hỏi chuyện sau vụ việc, khi đặt câu hỏi “bạn có thấy bị sỉ nhục vì những bức biếm họa không?”, thì đều trả lời tôi: “Chọc ngoáy pha trò là chuyện của nó (tờ báo), bọn tao không để tâm, ko thèm đọc nên không thấy sao cả”. Tôi cũng nghĩ vậy: tri thức và hiểu biết sẽ dẫn dắt bạn biết cách chọn lọc thông tin, quay lưng với cái không đáng xem, không đáng để tâm để nó không làm tổn thương bạn.

Thời gian trước khi bị khủng bố, tòa báo bán ra chưa đến sáu mươi ngàn bản hàng tuần và đang trên đà phá sản, điều đó cũng nói lên rằng “Charlie Hebdo” không phải là một tiếng nói quá to tát và cách châm biếm của báo không được quá nhiều người hưởng ứng hay tán đồng. Vậy mà bọn cực đoan lại mượn cớ để coi nó là mục tiêu số một, có phải là “rảnh rỗi” quá không? Hay những kẻ khủng bố chỉ tìm cái cớ gây chia rẽ và châm ngòi bạo lực? Chính vì cuộc tàn sát mà tới giờ, tờ báo lại được vực dậy, lớn mạnh và chinh phục nhiều độc giả hơn mấy chục mấy trăm lần, có phải là “gậy ông đập lưng ông không”?

2. Vì sao quyền tự do ngôn luận này lại đại diện quyền tự do dân chủ của nền Cộng hòa Pháp, và do đó có thể lay động từng đó con người xuống đường trong một tâm thế hòa bình và đoàn kết lớn lao đến vậy?

Có người đặt câu hỏi, không lẽ mấy triệu người xuống đường chỉ vì mười bảy mạng người Pháp hay sao? Hàng ngày có bao người chết trên các chiến trường khác, trên các lãnh thổ khác, sao người Pháp không xuống đường cả đi? Câu hỏi này vốn dĩ đã nực cười ở chỗ vậy hàng ngày phải đi tuần hành hết sao? Và nhân danh ai, nhân danh cái gì để dễ dàng đi biểu tình chống lại giết chóc ở các nước khác, khi mà bạo lực có thể núp bóng dưới hàng ngàn lý do để cho mình cái quyền “thực thi công lý” hay “thay trời hành đạo”! Liệu có bị khủng bố quy kết coi là “cho mình là bề trên đòi đi phán xét nước khác”? Càng có cớ để đem mình là mục tiêu bạo lực?

Dễ thấy, cuộc tuần hành lần này cũng là hành động nhân cái đau của riêng mình mà kêu gọi chống lại cái ác trên toàn thế giới, như cách nước Pháp mời mấy chục nguyên thủ các nước tham gia tuần hành. Nhiều người nghĩ ra đường sẽ dễ bị khủng bố, vì thế người dân càng phải xuống đường đông đảo hơn, mạnh mẽ hơn để chứng minh họ KHÔNG SỢ HÃI.

3. Vậy, “tôi là Charlie” hay “tôi không là Charlie”?

Khẩu hiệu “Tôi là Charlie” sinh ra để bày tỏ sự đoàn kết chống bạo lực, cụ thể hơn có lẽ vì những tên khủng bố khi chạy ra ngoài tòa báo đã hô “Charlie đã bị giết”, nên đây là câu trả lời là “Charlie không chết”, “Charlie sẽ hồi sinh”, “Chúng tôi không khuất phục trước bạo lực”. Còn khi phát ngôn câu nói tượng trưng đó, mỗi người tự hàm ý cho mình một giá trị mà mình muốn bảo vệ. Chắc không ai ngây thơ nghĩ rằng nói thế là ngày mai hơn bốn triệu người biểu tình kia sẽ chuyển sang làm họa sĩ và lao vào vẽ biếm hoạ để trở thành Charlie, hoặc sẽ chọn tư tưởng bài trừ tôn giáo, vô thần tuyệt đối giống “Charlie Hebdo” theo nghĩa đen!

Hàng triệu người đổ đi mua báo là một nghĩa cử ủng hộ và chống cái ác, chứ không nhất thiết tất cả đều quan tâm và hưởng ứng cách tiếp cận vấn đề và thể hiện quan điểm của “Charlie Hebdo”! Cũng như thế, việc sử dụng khẩu hiệu “Tôi là Charlie” mang tính chất thời điểm và đại diện, với mục tiêu thể hiện sự không run sợ trước bạo lực, bảo vệ nền tự do mà ở Pháp tự do ngôn luận lại là tiêu biểu cho quyền tự do con người. Có thể không hưởng ứng nội dung của “Charlie Hebdo”, nhưng vẫn bảo vệ quyền được bộc lộ, trình bày quan điểm trong khuôn khổ pháp luật của tờ báo.

Nên hôm nay người ta nói “tôi không phải Charlie” thì câu nói ấy không mang thông điệp đó nữa, mà là nhu cầu bình thường khi cần bày tỏ quan điểm không đồng tình với quan điểm và cách hành động của “Charlie Hebdo”, giống như câu nói nổi tiếng được cho là của triết gia lừng danh thời đại Khai sáng Voltaire (*), biểu thị tinh thần cổ súy cho tự do ngôn luận: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó”.

Ghi chú (của NCTG):

(*) “I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it”. Theo các nguồn tư liệu, đây là lời của bà Evelyn Beatrice Hall, một nữ văn sĩ Anh, viết trong cuốn sách tiểu sử của Voltaire với tựa đề “Những người bạn của Voltaire” (The Friends of Voltaire, 1906).

TS. Bùi Uyên, từ Paris


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn