“CHARLIE HEBDO” VÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN

Chủ nhật - 18/01/2015 02:50

(NCTG) “Giá trị của một nền văn hóa và tôn giáo này có thể đối kháng với giá trị của một nền văn hóa và tôn giáo khác. Chính sự bất đồng này thúc đẩy tư duy, khiến người ta phải xem xét lại giá trị của mình: giá trị của chúng ta là lạc hậu hay tiến bộ? Có đem lại hạnh phúc, tự do và đảm bảo nhân phẩm cho tất cả mọi người hay không? Hay những “giá trị” này khiến ta trở thành những kẻ cuồng tín, cực đoan thái quá?”.


Minh họa: Internet

Từ sau vụ thảm sát tại tòa báo “Charlie Hebdo” bởi các phần tử Hồi giáo cực đoan, với phần đông ủng hộ quyền tự do ngôn luận của những họa sĩ này thì cũng có không ít người cho rằng, đó chính là cái giá phải trả của “Charlie Hebdo” khi dám lên tiếng phê phán bôi nhọ hình ảnh của Đấng tiên tri Mohammad, biểu tượng của Hồi giáo.

Phần lớn những suy nghĩ, quan điểm như thế dường như đã được đa số các nhà báo Việt Nam đồng tình.

Nhân đây, muốn chia sẻ vài ý kiến cá nhân.

Trên một diễn đàn nọ của các nhà báo Việt Nam, một số người đồng tình rằng: “Tự do ngôn luận - Tự do báo chí không có nghĩa là anh muốn nói gì thì nói, muốn chửi cha chửi mẹ ai thì chửi, muốn xúc phạm bôi nhọ ai cũng được”.

Thật ra điều này không đúng. Trong xã hội tự do, tự do ngôn luận chính là anh có quyền nói bất cứ những gì anh muốn! Tính chất phản cảm của câu nói hay bài viết của anh còn phụ thuộc vào người tiếp nhận. Tự do ngôn luận chính là anh có quyền suy nghĩ điều anh suy nghĩ và anh hoàn toàn có quyền bộc lộ thể hiện nó. Nó là tự do tư tưởng và biểu đạt. Không ai có thể ép anh im lặng hay cấm anh suy nghĩ theo một cách nhất định.

Nếu có một rào cản hay giới hạn nào đó cho tự do ngôn luận, thì duy nhất chỉ là pháp luật. Chứ không phải là bất cứ ai khác. Không! Và mỗi người khi thực thi quyền biểu đạt của mình, chỉ phải chịu một chế tài duy nhất là pháp luật.

Một số nhà báo khác còn cho rằng: “Tự do ngôn luận - Tự do báo chí phải được xây dựng trên nền tảng của sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng những giá trị của nhau và quan trọng nhất là phải thượng tôn sự thật”.

Tôn trọng sự thật là điều quan trọng nhất, đúng. Nhưng nếu ai đó đồng tình với những điều còn lại của câu nói trên - theo nghĩa làm báo không được đụng chạm tới ai - thì hẳn đã hiểu sai về chuyện làm báo.

Làm báo là làm dâu trăm họ. Nhà báo không bao giờ có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Nhà báo không viết báo để người đọc “tự sướng”. Nhà báo viết báo để phản ánh cuộc sống. Nhà báo không được thỏa hiệp với dối trá, mà phải viết đúng sự thật.
 

Tội ác không thể biện minh

Giá trị của một nền văn hóa và tôn giáo này có thể đối kháng với giá trị của một nền văn hóa và tôn giáo khác. Chính sự bất đồng này thúc đẩy tư duy, khiến người ta phải xem xét lại giá trị của mình: giá trị của chúng ta là lạc hậu hay tiến bộ? Có đem lại hạnh phúc, tự do và đảm bảo nhân phẩm cho tất cả mọi người hay không? Hay những “giá trị” này khiến ta trở thành những kẻ cuồng tín, cực đoan thái quá?

Tờ báo “Charlie Hebdo” đặc biệt ở chỗ nó vừa là phương tiện truyền thông, vừa là nơi những họa sĩ, nhà báo thể hiện quan điểm của mình. Họ không vi phạm bất cứ đạo luật nào của nước sở tại - Cộng hòa Pháp, thậm chí còn hành xử theo đúng tinh thần tự do của nền cộng hòa ấy. Nếu “Charlie Hebdo” là một tạp chí ở Iran hay Saudi Arabia thì là một chuyện khác.

Tranh của các họa sĩ “Charlie Hebdo” có thể xúc phạm một nhóm người nào đó, vì không ai có thể làm hài lòng tất cả, nhưng không thể nói hành động của họ là “rước họa vào thân” hay “tự làm tự chịu”.

Nói thế là vô trách nhiệm với quyền tự do báo chí, với sinh mạng con người.

“Charlie Hebdo” châm biếm và đả kích sự cực đoan của những kẻ cuồng tín Hồi giáo, chứ không phải Hồi giáo nói chung và người theo đạo Hồi nói riêng. Có rất nhiều người Hồi giáo tham gia vào phong trào “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie), vì họ hiểu cần đứng bên tự do ngôn luận, giết người là sai trái và là tội ác.

Những người ấy có thể không đồng tình với “Charlie Hebdo”, nhưng họ cũng không bao giờ đồng ý rằng giết người và khủng bố hòng uy hiếp tự do tư tưởng, tự do biểu đạt là cách sống chân chính của người theo đạo Hồi.

“Charlie Hebdo” cũng châm biếm rất nhiều tôn giáo khác và các chính trị gia, những người dư sức bịp mồm giới ký giả, nhưng không ai làm. Đó là sự khác biệt giữa kẻ cuồng tín và những người bình thường.

Nếu sống ở Pháp hay các nước Châu Âu, chúng ta có thể thấy rằng tranh vẽ của “Charlie Hebdo” không là gì nếu so sánh với những hình ảnh photoshop rất dung tục về các chính khách hay các biểu tượng tôn giáo khác. Những hình ảnh đó lại càng là quá đỗi bình thường đối với một đất nước tự do như Pháp.

Quá lắm, cũng chỉ như là kẻ ăn chay đi “báng bổ” người ăn thịt. Giá trị văn hóa khác nhau, niềm tin tư tưởng khác nhau. Không dùng vũ lực áp đặt lên nhau được!

Nhớ ngày xưa đi học, bạn bè hay trêu chọc, khích bác. “Mày là đồ không cha, không mẹ. “Mày là thằng ngu”, v.v... Hay tệ hơn, có lúc nó đem cả tổ tông nhà mình ra chửi. Ai mà không tức? Nhưng cầm gạch ném nó, cầm gậy phang nó không phải là hành động được cha mẹ hay thầy cô hô hào cổ vũ.

Không, bởi họ dặn, quân tử không chấp nhặt. Lời nói không đáng, nên bỏ ngoài tai.

Vậy mà xem ra, khi lớn lên, nhiều người vẫn chưa hiểu bài học đơn giản ấy.

Có nhà báo còn dùng ví dụ “dân anh chị” Hải Phòng ra dẫn chứng. Cho rằng, ra Hải Phòng mà buông lời khó nghe, thì bị “dân anh chị” bắn chém là phải?

Cái đáng sợ ở đây, là cái lối suy nghĩ cam chịu, là rằng mày nói như thế, thì bị vả vào mồm là phải. Tại sao lại suy nghĩ như vậy? Chẳng nhẽ, ý thức dân chúng tệ đến như thế sao? Cứ nói vài câu mất lòng là sẵn sàng chém giết và được coi là chuyện bình thường?

Thay vì kinh sợ cái lối suy nghĩ đó, hình như người Việt lại đang coi đó là điều bình thường. Bài học xưa chẳng có tác dụng! “Quân tử” đâu không thấy, chỉ thấy một lũ nhốn nháo đâm chém nhau vì vài câu khó nghe nhất thời. Đám còn lại không những không can ngăn, mà ngồi đấy cổ vũ hô hào: “Đáng đời nó, ai bảo nói năng bố láo!”.

Ở nước ngoài, nhất là dân có học thức, mỗi khi bất đồng, thường không để cảm xúc nhất thời chi phối. Nhất là chỉ vì vài câu nói nghe xúc phạm. Họ bình tĩnh đối thoại, giải quyết vấn đề. Anh là người có văn hóa, thì phải hành xử có văn hóa.

Anh có thể nói bất cứ điều gì anh muốn, nhưng nếu anh xúc phạm nhân phẩm thanh danh hay uy tín của người khác, có thể anh phải bồi thường, thậm chí vào tù. Báo chí mà làm như thế thì sẽ mất uy tín, thậm chí phá sản. Nhưng thường đôi câu chửi bới, người ta không chấp. Trừ khi anh đe dọa giết hại người ta.

Dù vậy, vì vài câu nói có thể là vô duyên hay “phạm thượng” của người khác mà anh chém giết họ, thì anh có tội lớn, phải vào tù lao.

Nhưng dường như không phải nhà báo nào cũng hiểu rõ về điều này thì phải. Lối văn hóa cam chịu đã thấm nhuần quá lâu, nên cũng không có gì ngạc nhiên khi họ không đồng tình, ủng hộ mà còn chê trách những đồng nghiệp quá cố của mình.

Người làm báo, mang danh là kẻ nói lên sự thật, mà còn tư duy như thế, thử hỏi làm sao làm tròn trách nhiệm? Làm sao dân trí phát triển?

S.V.C., từ Hoa Kỳ


 
 Từ khóa: Charlie Hebdo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn