CHARLIE VÀ NHỮNG NGHI VẤN

Thứ hai - 12/01/2015 18:28

(NCTG) Hèn hạ, xấu xa, độc ác và ngu xuẩn là cách mô tả khá triệt để vụ khủng bố vừa qua tại Paris. Tuy nhiên, sau khi đã đồng tình với tất cả các bài phát biểu của những nguyên thủ quốc gia, rằng vụ khủng bố là “đòn đánh vào vào dân chủ và tự do - những giá trị cơ bản của nền văn minh nhân loại”, có lẽ vẫn nên thử lạnh lùng nhìn lại nền văn minh đó.


Liên quan tới vụ khủng bố trụ sở báo “Charlie Hebdo”, bên cạnh khẩu hiệu mang tính biểu tượng “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie), có thể gặp những hàng chữ khác cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chẳng hạn, khẩu hiệu của một người Hồi giáo - Dyab Abou Jahjah - trên mạng xã hội Twitter: “Je suis Ahmed” (Tôi là Ahmed - trên người cảnh sát Hồi giáo bị bọn khủng bố sát hại). “Tôi không phải là Charlie, tôi là Ahmed, cảnh sát bị thiệt mạng. Charlie biến tín ngưỡng và nền văn hóa của tôi thành trò hề, và tôi đã chết để anh ta có quyền làm điều đó


Loài người đã nhiều lần đưa ra định nghĩa về nền văn minh nhân loại để tới nay, chúng ta hiểu rằng con người, dẫu đầy khiếm khuyết và yếu đuối trước nhiều cám dỗ, thì tự do vẫn là giá trị bao bọc và tiên thuyết của khái niệm đó. Tự do có nghĩa rằng không gian tư duy và thể hiện tư duy của con người không thể bị hạn chế. Nhưng với điều kiện con người luôn phải gánh chịu trách nhiệm trong không gian thực hành tư duy tự do đó.

Chỉ có tự do đi cùng tinh thần trách nhiệm mới làm cho con người xứng đáng với hai chữ: nhân bản. Con người không tuyệt đối tốt, nhưng tình nguyện chấp nhận các mạo hiểm nảy sinh trong quá trình tìm tòi tự do, kể cả mạo hiểm sử dụng tự do không đúng chỗ.

Sau hai cuộc Thế chiến, nghĩa là khoảng thời gian không lâu so với vài nghìn năm phát triển, loài người dường như đã tìm được định nghĩa cố định về tự do. Tự do không có nghĩa là tự do chém giết để chiếm lãnh, không có nghĩa là tự do nghiệm hành khoa học trong lò thiêu người… Và chính trị không còn được chấp nhận như một kỹ năng điều khiển người dân bằng bạo lực bởi các tư duy độc tài.

Nhưng chỉ riêng định nghĩa của tự do thôi chưa đủ để mô tả thế giới loài người. Cái xấu luôn thường trực. Phải làm gì với tư duy tự do đầy mạo hiểm khi con người vẫn luôn khiếm khuyết và yếu đuối trước cái xấu? Tôn giáo giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.

Tôn giáo dạy con người sử dụng tự do trong tinh thần hướng thiện! Bởi tinh thần hướng thiện luôn là kim chỉ nam ở các tôn giáo, mà tôn giáo luôn là kẻ thù đáng gườm nhất đối với các thể chế độc tài, đối với những bộ óc yếu đuối bởi sự hèn hạ, đối với bạo lực độc ác. Mọi sự ngu xuẩn dẫu có thể mang những nguyên do rất “con người” vẫn luôn là điều bị các nhà truyền đạo chê bai.

Để bảo vệ không gian tư duy tự do thì “Je suis Charlie” là điểu hiển nhiên trước bạo lực, bởi nhân loại không chấp nhận súng đạn làm ngôn ngữ điều chỉnh danh giới của tự do.

Nhưng nếu tự do là sự ràng buộc các giá trị nhân bản, tinh thần trách nhiệm và khả năng hướng thiện được bao bọc bởi tôn giáo thì “Je suis Charlie” đồng thời có lẽ cũng là câu nói đầy mâu thuẫn của tự do.

“Charlie Hebdo” là tờ báo mà các tác giả và người đọc trao đổi với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng - ngôn ngữ của sự hài hước. Trên các trang báo “Charlie Hebdo”, người ta ưu tiên cho nhu cầu thể hiện hoài nghi trước ưu, khuyết điểm của con người và trước mọi khía cạnh cuộc sống đầy phức tạp trên địa cầu này.

Có đôi lúc, các sáng tác của “Charlie Hebdo” được coi là những tác phẩm nghệ thuật, mà óc khôi hài là không gian triển lãm thích hợp, cũng là không gian trao đổi màu nhiệm nhất.

Tự do sáng tác chiếm toàn bộ không gian triển lãm này. Trong không gian triển lãm đó, các khái niệm phổ cập như tâm linh, đức tin, sự linh thiêng, các đề tài kiêng kỵ…, kể cả nỗi đau khi cái tốt thất bại trước cái xấu được lên ngôi, kể cả nỗi đau của cái chết… cũng bị coi là công cụ thích hợp để phục vụ một nhu cầu duy nhất: nhu cầu thể hiện tư duy của tác giả những bức hình!

Khi nhu cầu đó trở thành mục tiêu tiên kiến phục vụ tư duy tự do bất chấp các giá trị mẫn cảm và phổ cập khác, “Charlie Hebdo” có lẽ đã thể hiện sự ích kỷ trong lúc tìm tòi tự do. Tính ích kỷ, liên tiếp được bồi bổ và phát triển, phải chăng lại là một hình thức bạo lực vô hình - bạo lực trước biểu tượng và bạo lực với những điều thiêng liêng, ví dụ như với đức tin, với linh hồn của sự sống?
 

Làm sao để hòa đồng trong khác biệt? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ sau sự kiện Charlie...

Với phương pháp thực hành tự do như thế, tự do có thể được lên ngôi, nhưng sứt mẻ. Tinh thần hướng thiện chỉ còn là sự thụ động trông chờ lòng bao dung của những người “khác hệ”. “Charlie Hebdo” không nhất thiết là thứ tự do mang trong mình tinh thần nhân bản, trách nhiệm với đồng loại, bằng nỗ lực hòa đồng trong khác biệt.

Vô hình chung, cuộc sống với “Charlie Hebdo” trong một không gian triển lãm không mở, không đóng và không bị chỉ trích, chỉ lấy nhu cầu tự do tư duy làm chuẩn, có thể là thành quả của thứ tự do còn khiếm khuyết của nhân loại?

Tinh thần hướng thiện đã giúp loài người không mãi chìm đắm trong thời tiền sử, chỉ biết lấy miếng ăn và sự sống làm mục đích của tồn vong. Nhưng tinh thần hướng thiện trong xã hội hiện đại có vẻ vẫn chưa đủ lớn để giúp con người trưởng thành hơn?

Không có bất cứ lý lẽ nào có thể biện hộ cho giết người và bạo lực. Đức tin, không được chăm bẵm bởi lý tưởng nhân bản, dĩ nhiên không còn là đức tin mà trở thành con đẻ của mù quáng và cực đoan. Nhưng tự do, chỉ sống nhờ một nhu cầu sáng tác, không thể bị gọi là cực đoan?

Thử hỏi người láng giềng của bạn một ngày kia oang oang nói tục chửi bậy, rồi bảo đó là một trong những phương pháp thực hành báo chí nghệ thuật tự do, thì bạn có thắc mắc hay không về căn bệnh tâm thần của người đó? Hay sẽ khiếu nại lên hội đồng đạo đức truyền thông? Hay sẽ đặt câu hỏi về ranh giới của sáng tác và nghệ thuật?

Thật tiếc rằng con người chưa trả lời được những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhất. Những câu hỏi đơn giản đó đã vượt xa các nút like và unlike, đã nằm ngoài tầm kiểm soát của bài tính kinh tế hiển nhiên: nhiều người mua đọc báo thì báo cần tồn tại… Nhưng sẽ rất an ủi nếu chúng ta biết về những yếu điểm của con người và đừng quá tự tin vào những thành quả đã đạt được.

Đồng ý với “Charlie Hebdo” rằng nên luôn luôn nghi vấn, nhưng cũng đồng ý với những ai khuyến khích không nên bất tuân các giá trị phổ cập để ưu tiên một giá trị tiên kiến. Và, cũng sẽ rất nguy hiểm nếu dừng lại với tự do, tôn giáo… ở những khẩu hiệu vô hồn với nội dung đơn điệu.

Tôn Vân Anh, từ Warszawa (Ba Lan)


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn