LIỆU CHÚNG TA CÓ BẠC BẼO ĐẾN VẬY?

Thứ ba - 30/12/2014 16:37

(NCTG) “Nếu chúng ta chấp nhận việc bắt bớ chỉ vì họ thể hiện quyền tự do ngôn luận như rất nhiều người trong số chúng ta đang làm - với sự khác biệt là có thể chúng ta không viết ra, ít viết ra, mà chỉ bàn tán tranh luận cùng bạn bè những suy tư phản biện của mình - đồng nghĩa với việc chúng ta mặc nhiên chấp nhận bản thân mình là tội phạm tiềm năng, và có thể bị bắt bất cứ lúc nào nếu dám nói lên suy nghĩ trung thực của mình”.


Blogger Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) trong một cuộc biểu tình phản đối chính quyền Trung Quốc xâm lấn Việt Nam. Ông là một trong số nhiều nhà “dân báo” có tinh thần phản biện xã hội đã bị bắt trong thời gian gần đây - Ảnh tư liệu


Thế là năm 2014 sắp sửa trôi qua. Đặt bút viết những dòng này trong ngày cuối năm, lòng tôi ngập tràn nỗi buồn.

Đối với người Việt Nam chúng ta, chắc chắn 2014 là một năm đáng nhớ.

Đầu năm 2014, chúng ta được chứng kiến sức mạnh của lòng dân khi người dân trong nước và kiều bào nước ngoài đồng lòng xuốn đường, nắm tay nhau, phản đối Trung Quốc bành trướng ngang ngược xâm lấn biển đảo, lãnh hải thiêng liêng mà mà bao thế hệ Việt Nam đã đổ máu đào gìn giữ.

Trong đoàn người trùng điệp xuống đường đó, ta thấy những ánh mắt khát khao tự do, yêu chuộng hoà bình và không hề run sợ khi cần thể hiện quyền biểu tình trong ôn hoà. Một quyền cơ bản nghiễm nhiên được thừa nhận trong mọi xã hội văn minh tiến bộ, còn với chúng ta, tiếc thay, không phải, chưa phải là như vậy.

Chính quyền, không hiểu vì những lý do gì, vẫn tìm cách né tránh chưa thông qua Luật Biểu tình, tìm mọi cách trì hoãn, làm chậm lại tiến độ phát triển của xã hội.

Cuối năm 2014, chúng ta ngơ ngác đón nhận tin dữ - nhiều blogger bị bắt.

Có lẽ sẽ không đủ dũng cảm để động chạm đến tất cả những vấn đề gai góc và nhiều vụ việc quan trọng của năm 2014, nhưng ở đây tôi muốn dành những lời chia tay năm cũ để nói về các nhà “dân báo” vừa bị bắt mới đây.

Các blogger Anh Ba Sàm, Trương Duy Nhất, Bọ Lập, Phạm Viết Đào, trong số họ có người tôi đọc nhiều, có người tôi đọc ít, tôi cũng chưa có cơ hội đọc tất cả các bài viết trên trang blog của họ. Nhưng những gì tôi được đọc thể hiện cái nhìn đa chiều về các vấn đề khác nhau của xã hội, khác với vô số bài viết nhiều khi rập khuôn trên báo chí chính thống. Chắc hẳn vì thế họ có nhiều độc giả, nhiều hơn cả báo chí chính thống.

Với tôi, đơn thuần họ chỉ chỉ tham gia phản biện xã hội, chứ không hề thấy họ kêu gọi lật đổ chính quyền. Nếu chúng ta chấp nhận việc bắt bớ chỉ vì họ thể hiện quyền tự do ngôn luận như rất nhiều người trong số chúng ta đang làm - với sự khác biệt là có thể chúng ta không viết ra, ít viết ra, mà chỉ bàn tán tranh luận cùng bạn bè những suy tư phản biện của mình - đồng nghĩa với việc chúng ta mặc nhiên chấp nhận bản thân mình là tội phạm tiềm năng, và có thể bị bắt bất cứ lúc nào nếu dám nói lên suy nghĩ trung thực của mình.

Việc bắt bớ các bloggers này làm chúng ta nhìn rõ hơn về chính quyền và nhìn rõ hơn về bản thân mình.

Có lẽ chính quyền không định thay đổi. Vẫn kiên định với điều 88 và 258 Bộ Luật Hình sự, dùng những điều này để gán tội cho các blogger.

Còn chúng ta, chúng ta hy vọng chính quyền thay đổi, hy vọng chính quyền nghe thấy tiếng nói trung thực của người dân, mà chẳng biết phải làm gì. Kêu to thì sợ bị bắt, mà không kêu thì chịu không nổi. Thực tình chúng ta dò dẫm trong hoang mạc mà chả thấy hướng ra.

Hết rẽ phải lại rẽ trái, quay ngang lại quay ngửa. Nhìn Trung Quốc gây hấn như một cơ hội để chính quyền nhận ra là họ cần sự ủng hộ và sức mạnh của toàn dân, rồi lại ngóng sang Mỹ mong họ “tiếp sức” cho chút tinh thần dân chủ, nhưng biết rằng chính quyền sẽ không tiếp nhận.

Hết năm 2014 sẽ đến năm 2015. Hôm nay chúng ta nói đến những blogger bị bắt trong năm 2014, rồi sẽ đến lúc ta nói đến blogger bị bắt trong năm 2015... và sẽ cứ thế tiếp diễn nếu không có gì thay đổi.

Trong việc họ bị bắt, không phải chúng ta không có phần can dự. Chúng ta là hàng trăm ngàn độc giả hàng ngày vào vỗ tay, đọc những trang đăng của các blogger đó. Nếu chúng ta không tập trung đọc đông đúc như thế, vỗ tay to như thế, chắc hẳn chẳng ai bị bắt. Chính quyền chỉ ngại khi các blogger tập hợp được đám đông quanh mình, họ sợ mất quyền lực thong qua việc bị mất vị trí độc quyền cung cấp thông tin.

Không có đám đông là chúng ta, chắc chắn các blogger đã được yên. Vậy chúng ta, những độc giả chính là nguyên nhân gián tiếp gây ra những cuộc bắt bớ ấy.

Chúng ta đã và đang lên lên tiếng, chúng ta phản đối bắt bớ, cầu mong bình an cho các bloggers. Chỉ có thế, chưa đủ. Tiếng nói của chúng ta quá yếu ớt và nhỏ lẻ, chúng ta sẽ chẳng giúp gì, nếu âm lượng không đủ quy mô và bền bỉ để có tác động, ảnh hưởng thực sự lên chính quyền.

Năm mới đang đến. Liệu chúng ta có thể vui mừng đón chào năm mới, vui mừng chúc tụng nhau một năm mới an lành, hạnh phúc mà quên rằng các blogger đã vì chúng ta, cất lên tiếng nói của mỗi chúng ta, mà giờ đây đang bị giam cầm trong tù ngục lạnh lẽo?

Liệu chúng ta có bạc bẽo đến vậy?

Phương Lan, từ Sydney (Úc)


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn