TRẺ EM LÀ NHỮNG THIÊN THẦN

Thứ tư - 26/11/2014 10:00

(NCTG) “Hãy bình đẳng với các thiên thần và giáo dục để cho chúng có tiếng nói riêng của mình ngay từ khi chúng còn bé, chứ đừng để chúng sợ cha mẹ như sợ cọp, sợ các thầy cô giáo như sợ đao phủ và nhìn sếp hay chính quyền như những kẻ sát nhân”.


Trẻ em Hà Lan được coi là những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới - Ảnh: AFP


Những ngày này ở Hà Lan đang là mùa lễ hội. Đất nước này có đến cả chục lễ hội thường niên nhưng Sinterklaas (Lễ hội Thánh Nicola, cha đẻ của Ông già Noel) là lễ hội lớn nhất trong năm dành cho trẻ nhỏ. Ở Hà Lan, trẻ em là thiên thần, là cục vàng của các gia đình và của cả xã hội, được pháp luật bênh vực, xã hội ưu ái với rất nhiều quyền lợi và sự bảo vệ. Bố mẹ có thể bị đi tù nếu tát con.

Dễ hiểu vì sao trẻ em Hà Lan được báo chí quốc tế công nhận là những đứa trẻ sướng nhất thế giới!

Nhớ lại những ngày đi học mẫu giáo ở Việt Nam, tôi là đứa trẻ bướng bỉnh, nghịch ngợm và hay nổi loạn trong lớp nên luôn phải chịu hình phạt là bị cho vào tủ tối dưới nhà kho và khóa lại. Tôi đã từng sợ hãi đến mức cứ mỗi sáng bố mẹ chở đến trường là giãy giụa không chịu vào lớp, là khóc thét đến mất tiếng, thậm chí là cắn chảy máu tay cô giáo khi cô cố đẩy tôi nhốt vào tủ…

Và cuối cùng tôi bị nhà trường đuổi học vì mắc bệnh “thần kinh”!

Đã nhiều lần tôi muốn cầm bút viết với hy vọng tiếng nói của mình sẽ thức tỉnh nạn bạo hành trẻ nhỏ tồn tại cả trăm năm nay trong xã hội Việt Nam, hiện vẫn được ngụy biện bởi giáo lý “thương cho ăn roi ăn vọt, ghét cho ăn ngọt ăn bùi” vô cùng lạc hậu và cổ hủ. Cái giáo lý này đồng nghĩa với việc cổ vũ nạn bạo hành, tinh thần áp chế - phục tùng của đạo Khổng trong gia đình và cả ngoài xã hội.

Nếu chúng ta còn dung túng lối nghĩ ấy thì nó sẽ là nguồn gốc của sự phản kháng, của những mâu thuẫn, ức chế ngầm cho những đứa trẻ bởi sự mất bình đẳng, thiếu tôn trọng, là mầm mống của những cuộc chống đối, xung đột trong gia đình, nhà trường và rộng hơn là những cuộc bạo động, những cuộc biểu tình hay các cuộc cách mạng lật đổ chính quyền trong toàn xã hội.

Thật ngu xuẩn khi nghĩ rằng tất cả những giáo lý nào của người xưa để lại cũng đều đúng hết (ngay cả Viện Khổng Tử ở New York cũng đã bị tẩy chay và buộc phải đóng cửa trong năm qua).

Tôi nhớ câu chuyện ầm ĩ trong giới ngoại giao Nga - Hà Lan năm ngoái, khi cảnh sát Hà Lan bắt vô tù một vị tham tán Nga vì tội đánh con khi say rượu và bị hàng xóm báo cảnh sát. Và ngài Putin, cho dù cãi chày cãi cối rằng văn hóa Nga thì cha đánh con để dạy con như thế là bình thường nhưng cuối cùng vẫn phải thua lý lẽ của một nước bình đẳng, dân chủ hơn nên đã phải triệu hồi vị cán bộ ngoại giao của mình về nước.

Thế mới hay, nước lớn chưa hẳn đã văn minh bằng nước nhỏ và lý lẽ của kẻ bé nhưng đúng thì bao giờ cũng thắng. Và người lớn, sếp lớn chưa hẳn bao giờ cũng đúng, cũng như cha mẹ, thầy cô giáo hay chính quyền cũng cần phải lắng nghe ý kiến con, dân.

Còn về sự học. Hãy cho những thiên thần của mình thấy đi học là vui vẻ, là thích thú chứ không phải là địa ngục. Trẻ con Hà Lan luôn có nụ cười cả ở trên lớp và ở nhà bởi chúng không bị áp lực học hành thi cử và thành tích. Chúng học theo đúng khả năng và không ai ép buộc chúng học hết tiểu học xóa nạn mù chữ, làm toán đơn giản là phải lên cấp hai, cấp ba rồi vào Đại học.

Tùy trình độ nhận thức và sự thông minh, những đứa trẻ chỉ bắt buộc phải học hết tiểu học thôi, còn sau đó chúng sẽ được đưa vào những ngôi trường hướng nghiệp để được đào tạo nắm vững một cái nghề nào đó phù hợp với khả năng của mình. Một năm những thiên thần Hà Lan có gần chục kỳ nghỉ dài ngắn khác nhau.

Hãy nhìn ra xung quanh và tự đặt câu hỏi: tại sao trong một lớp học các thầy cô luôn chỉ yêu mến những đứa trẻ học giỏi mà luôn hắt hủi những đứa học kém, kể cả trong một gia đình thì những đứa con học giỏi vẫn thường được phụ huynh cưng chiều hơn? Có bất công không khi mà chúng đều là những đứa trẻ chăm chỉ, cần cù như nhau?

Nhớ những ngày ở Việt Nam, nhìn ra xung quanh thấy các thầy cô ở trường rồi về nhà là các cô dì chú bác luôn thúc ép, quát nạt, so sánh, răn đe, thậm chí cả “cho ăn roi ăn vọt”, rồi các hình phạt như thời Trung cổ được áp dụng, khiến sự học với những đứa trẻ “hơi chậm” thật là địa ngục kinh hoàng, khốn khổ.

Cho dù chúng có cố gắng chăm chỉ học đến quên ăn quên ngủ, đến mụ người đi chăng nữa thì cũng vẫn không thể làm hài lòng các thầy cô hay các bậc phụ huynh. Lại ren đe, lại dọa nạt, lại hình phạt bởi thi đua, bởi thành tích và bởi cả sự sĩ diện của chính các bậc phụ huynh.

Chưa ai làm con số thống kê xem một năm có bao nhiêu đứa trẻ bị thần kinh hay tự vẫn vì áp lực học hay kết quả thi cử không tốt, nhưng tôi chắc con số này ở Việt Nam là không nhỏ.

Tôi có mấy đứa cháu họ người Hà Lan rất khác biệt nhau, đứa thông minh xinh đẹp, đứa hơi đần và hơi xấu. Tuy nhiên đứa hơi đần và xấu tôi chưa bao giờ thấy cha mẹ chúng so sánh, ép buộc nó phải học hành như những đứa trẻ khác. Và cậu bé cũng không bị hắt hủi ở trường vì học dốt.

Khác hẳn với đứa cháu họ tôi ở Việt Nam rất ngoan, chăm chỉ nhưng học vẫn kém và luôn bị làm mất điểm thi đua của lớp thậm chí đã bị các bạn tẩy chay (có lẽ do các phụ huynh dậy dỗ con không nên chơi với những bạn học dốt), khiến cháu chán học rồi bỏ học.

Bên Hà Lan, ngay từ năm lớp 5 (tức vào đầu cấp 2) các thầy cô đã tư vấn phụ huynh và sắp xếp cho các cháu “học chậm” vào học hướng nghiệp theo chuyên ngành riêng, nơi không cần phải có một bộ óc quá thông minh mới học được.

Cháu tôi chọn học nấu ăn. Cứ mỗi lần lũ trẻ đến nhà tôi chơi, cậu bé 12 tuổi, không đẹp, “hơi chậm” và luôn xếp bét lớp trong những năm học tiểu học đó lại nổi trội hơn hẳn những đứa cháu xinh đẹp thông minh khác vì tài nấu nướng và giúp tôi làm vườn rất tốt.

Em chồng tôi bằng tuổi chị họ tôi và cũng không tốt nghiệp đại học mà đã được hướng nghiệp từ nhỏ để trở thành y tá cho một bệnh viện. Cô ấy có một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc với người bạn trai thứ ba và những thú vui mà cô thích.

Chẳng ai phê phán cô ấy hay so sánh cô ấy với ai cả, hoàn toàn không giống như tôi đã từng thấy mọi người ở Việt Nam phê phán, mỉa mai và diếc móc chị họ tôi khi chị không vào được đại học, không chồng và chỉ là một nhân viên bán hàng bình thường.

Thậm chí có lần về Việt Nam đến nhà bác chơi, tôi còn thấy chị bị bác cho “ăn tát” chỉ vì không nghe lời bác một chuyện gì đó rất nhỏ tôi không nhớ rõ - khi đó bà chị họ tôi đã ngoài 50 tuổi mà vẫn cam chịu không dám cãi lại bác một lời.

Nhưng tôi biết, trong thâm tâm chị hận bác lắm, vì nghe lời bác mà chị đã không dám chống đối để lấy anh người yêu bác không ưng khi chị còn trẻ và cho đến tận bây giờ chị vẫn ở vậy không lấy ai là thế.

Thật không thể tưởng tượng được tư tưởng Khổng giáo - áp chế, phục tùng - vẫn còn ăn sâu vào gốc rễ người Việt mình đến như vậy! Nếu có một ngày chị bỏ nhà đi hay tỏ thái độ chống đối, láo xược với bác tôi thì chắc hẳn tôi cũng sẽ không ngạc nhiên chút nào…

Mỗi con người được tạo hóa sinh ra với những bộ óc khác nhau nhưng không vì thế mà họ không được đối xử bình đẳng như nhau. Tôi chỉ mong bác tôi hay các thầy cô giáo và người lớn chúng ta hiểu rằng cần phải dẹp bỏ những định kiến, giáo lý hủ lậu và hãy yêu thương bằng những hành động yêu thương thiết thực chứ không phải bằng roi bằng vọt, bằng áp đặt, nhiếc móc và hành hạ.

Rằng chỉ có tình thương yêu và sự tôn trọng bình đẳng mới là phương cách giáo dục tốt nhất.

Rằng cần thay đổi tư duy chỉ có con đường học đại học mới có tương lai - ngược lại, người lớn rất cần tìm hiểu thế mạnh, sở thích và hướng cho lũ trẻ “học chậm” ngay từ nhỏ một nghề mà chúng có thể tự nuôi sống bản thân và cả gia đình tương lai của chúng sau này.

Con dân hay những đứa trẻ đều sẽ là những thiên thần nếu chúng ta - những người lớn biết nâng niu trân trọng và đối xử bình đẳng với chúng. Hãy bình đẳng với các thiên thần và giáo dục để cho chúng có tiếng nói riêng của mình ngay từ khi chúng còn bé, chứ đừng để chúng sợ cha mẹ như sợ cọp, sợ các thầy cô giáo như sợ đao phủ và nhìn sếp hay chính quyền như những kẻ sát nhân.

Phải thay đổi tư duy trong giáo dục thì mới mong thay đổi tương lai một đứa trẻ, một gia đình và một xã hội!

Đạo diễn Nguyễn Hải Anh, từ Hà Lan - Ngày 25-11-2014


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn