Maidan, phong trào phản kháng dân chủ tại Kiev - Ảnh: Genya Savilov (AFP)
Tôi là một bà nội trợ điển hình, phần lớn thời gian trong ngày luôn bận rộn với công việc nấu nướng, tay luôn cầm giẻ lau và miệng không bao giờ ngừng rên rỉ nhắc nhở các con khi thì đi học bài đi, khi thì mặc thêm áo vì trời đã lạnh, khi thì đơn giản chỉ là khuyên ai đó nên tìm mua mặt hàng nào đó ở đâu cho rẻ mà tốt.
Ấy thế mà tôi lại bỗng dưng quan tâm đến dân chủ!
Hơn nửa tháng qua, thế giới nóng hẳn lên với sự kiện các sinh viên, học sinh
biểu tình chống lại chế độ bầu cử giả hiệu tại Hồng Kông. Điều làm cho sức nóng ấy thêm phần lan tỏa chính là thủ lĩnh của phong trào đó, Joshua Woong, một cậu bé gầy gò bé nhỏ chưa tròn mười tám tuổi. Vâng, chưa tròn mười tám tuổi, cậu hãy còn kém con gái tôi hai tháng mười chín ngày tuổi.
Và trong những ngày sôi sục đó tại Hồng Kông, tôi luôn được đọc
những câu hỏi tương tự: bao giờ thì giới trẻ Việt Nam đứng lên đấu tranh đòi dân chủ? Rất nhiều người đã tham gia thảo luận nhiệt tình, và chung cuộc, một kết luận được rút ra: với những ông bố bà mẹ như chúng ta thì cơ hội để có một lớp trẻ đầy nhiệt huyết, góp phần thay đổi xã hội ở Việt Nam có lẽ còn xa vời lắm!
Tôi giật mình và vội kiểm điểm lại bản thân, ôi thôi, có khi tôi cũng như vậy!
Ngày 30-11-2013, tôi nhận được một e-mail từ địa chỉ của Ban giám đốc điều hành mạng lưới bán hàng qua mạng mà tôi tham gia. Điện thư kêu gọi chúng tôi, những thường dân, những ông bố bà mẹ hãy xuống đường tham gia cuộc tuần hành phản đối việc chính quyền Yanukovych đàn áp dã man sinh viên đêm 28, rạng ngày 29-11. Thư nói rằng, đã đến lúc không thể im lặng nữa vì có thể ngày mai, chúng ta không còn cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình, rằng xã hội này tồi tệ, không phải vì những kẻ xấu làm điều tồi tệ mà bởi những người tốt đã im lặng!
Tôi khóc, và tôi thấy tôi cũng thật là tệ hại khi tôi đi qua đám sinh viên biểu tình ngày 17-11 (ngày đầu tiên của phong trào Maidan) tại quảng trường Châu Âu (Kiev) với ánh nhìn tò mò và ái ngại. Khi tôi thờ ơ với những lời thông báo trịnh trọng của con gái về việc ngày 24-11 thanh niên toàn Ukraine tổ chức sự kiện đúng 12 giờ trưa nắm tay nhau nối dài từ Maidan, quảng trường Độc lập của Kiev đến biên giới Ba Lan (tượng trưng cho biên giới giữa Ukraine với EU).
Tôi còn rủ rỉ nhắc nhở con tôi tuyệt đối không tham gia bất cứ sự kiện nào, thậm chí còn thuyết phục con rằng, chúng ta không cùng dòng máu với họ, chúng ta chỉ là những kẻ nhập cư, đây chẳng phải là tổ quốc của ta vậy nên dù chính kiến của ta có thế nào, ta cũng đừng
ra Maidan con nhé! Sáng ngày 2-12, con gái tôi dậy sớm hơn bình thường, tiễn con đi học, tôi thấy con mặc quần bò và đi giày thể thao thay cho đầm và áo khoác như mọi khi. Tôi im lặng hiểu rằng, con đã có lựa chọn cho mình.
Tôi lẳng lặng vào nhà, bắt đầu liên tục cập nhật tin thời sự từ Maidan bởi dư âm của cuộc tuần hành ngày hôm trước với hơn một triệu người tham gia, chật cứng từ quảng trường Tổng hợp đỏ Shevchenko cho đến khu vực chính phủ tọa lạc, vẫn còn làm sôi sục lòng người. Tôi lo lắng đến thắt lòng chờ đến chiều con tôi từ quảng trường Độc lập trở về. Và kể từ ngày hôm ấy, hai mẹ con tôi không còn ngăn cách, kể từ hôm ấy tôi quan tâm đến hai từ “dân chủ”!
Dân chủ có gì hay? Chúng ta là người Việt và dù đi đâu thì dấu ấn của dân tộc vẫn hằn in trong tâm thức. Ở nơi nào trên trái đất này người Việt cũng có thể tự hào vì sự cần cù, vượt khó của mình. Nhưng sự thành công của người Việt không hẳn chỉ nhờ cần cù mà có. Không thể phủ nhận rằng sự thành công của người Việt ta một phần rất lớn nhờ vào việc “thức thời” trong nhận định nhân tình thế thái, hay nói một cách khác là sự lợi dụng các kẽ hở của xã hội để len lỏi, đi lên.
Xã hội nào cũng có các kẽ hở, luật pháp nào cũng không thể theo kịp với sự phát triển của đời sống và người Việt ta cũng phát huy được tối đa khả năng thích nghi nhanh nhậy của mình. Trong các cuộc trà dư tửu hậu mà tôi được tham gia, các nhà phân tích “nghiệp dư” hay “chuyên nghiệp” đều phán: ôi dào, xã hội càng loạn, càng nhá nhem thì ta mới càng kiếm chác dễ dàng! Có thể đấy hoàn toàn là sự thật khi nhìn vào cuộc sống của thế hệ chúng tôi, những kẻ đã bị cơm áo gạo tiền đánh bại.
Dân chủ cũng là để người dân có quyền bày tỏ quan điểm và lòng yêu nước trước họa ngoại xâm - Biểu tình tại Kiev phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhưng đừng vội trách chúng tôi. Ai cũng biết, nếu xã hội nơi ta sống đề cao lối sống dân chủ và đạo đức, thì chúng ta cũng theo đó sống văn minh hơn, công bằng hơn, còn ngược lại, xã hội ấy tha hóa và nhũng loạn thì chúng ta cũng trở nên xấu xa, tồi tệ hơn dù ta có muốn hay không! Và chúng tôi, hơn ai hết vẫn đang gánh trên vai mình, mang trong tim mình nỗi đau bị tước đoạt lòng lương thiện của “nhân chi sơ” thuở ban đầu!
Tôi không dám so sánh với những đất nước đã có cả trăm năm xây dựng xã hội dân chủ, nhưng tôi có thể mạnh dạn nói rằng, dưới góc độ của một người mẹ, tôi không muốn các con tôi ra đời phải đối phó với các mánh lới, bị chèn ép bởi những mối quan hệ nhằng nhịt không thể hiểu nổi và để tồn tại được, chúng cũng phải học sống theo cánh đó. Còn dưới góc độ của một bà nội trợ, tôi muốn tiền bạc, công sức mình bỏ ra chăm sóc gia đình từ việc ăn uống cho đến sức khỏe phải mang lại lợi ích tối đa cho bản thân và gia đình.
Và hơn cả, với góc độ là một con người, tôi muốn mình được trân trọng và được đánh giá đúng dù mình giàu có hay phải chịu phận nghèo hèn, dù mình thông minh tài trí hay chỉ là con người rất bình thường trong xã hội. Nhưng có lẽ những điều mong muốn ấy của tôi khó có thể thành hiện thực ở một xã hội không chịu phát triển như những nơi mà tôi đã kinh qua.
Và thế là tôi mơ tới dân chủ!
Tôi mơ tới ngày các con tôi được xã hội đánh giá cao qua những việc chúng cống hiến, tôi mơ tới ngày tôi già cả và nếu lỡ có ốm đau thì không ai phải vắt óc cuống quýt tìm mối quan hệ với bác sĩ hay bệnh viện nào đó để tôi được chữa trị tận tình, và tôi mơ tới ngày con người với con người không còn phải đề phòng nhau vì pháp luật thực sự được thực thi, công bằng và minh bạch!
Còn nhớ, mùa hè vừa qua, tôi
về Việt Nam hơn hai tháng, gặp gỡ bao người thân, bè bạn... và tất cả đều nuôi một ý chí, hay một mơ ước (tùy theo tình hình tài chính của mỗi người) cho con mình ra nước ngoài du học. Tôi chợt hỏi “
tại sao phải du học?”, trong thiên hình vạn trạng câu trả lời mà tôi nhận được, tôi thấy có câu trả lời: “
Để con tôi có cơ hội được làm người lương thiện”.
Vâng, có lẽ một bà nội trợ như tôi ủng hộ dân chủ chắc cũng vì thế!