NGHĨA MẸ

Thứ bảy - 06/09/2014 00:29

(NCTG) “Ai cho phép người ta được mài tình mẫu tử lấy tiền tiêu xài? Ai cho phép người đàn bà nhân danh người mẹ kia được bán con mình làm nô lệ lấy tiền khi con đang còn ở giữa tuổi thơ? Sao luật pháp không trừng phạt con người không đáng được gọi bằng mẹ này? Người mẹ chưa phải đối diện và trả giá cho tội ác của mình, chúng ta còn nợ Hào Anh sự công bằng”.

 
Hào Anh làm bốc vác khi còn chưa đến tuổi thành niên - Ảnh: Thiên Phước


Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...

Những dòng ca dao ru mỗi chúng ta lúc tấm bé, vạch định khuôn phép sống khi chúng ta lớn lên. Nó thật là êm ái, ngọt ngào. Ngọt ngào đến dai dẳng. Ngọt ngào đến không cưỡng nổi. Ngọt ngào và không lối thoát. Như chiếc vòng kim cô…

Tình mẫu tử là thiêng liêng. Tình mẫu tử là tối thượng. Tình mẫu tử là vô song. Điều đó tôi không hề nghi ngờ. Nhưng tình mẫu tử có mặc định không? Sinh ra con có làm cho người ta thành người cha, người mẹ không? Điều đó tôi không dám chắc. Có làm sao được tình mẫu tử thiêng liêng khi người mẹ sau khi sinh vứt con ruồi bâu kiến đậu, chuột cắn què cụt? Và những người dưng nước lã giang tay đón nhận những đứa trẻ khác máu tanh lòng, cho chúng tình yêu thương, chăm sóc chúng chu đáo, tôi nghĩ rằng tình mẫu tử của họ vô cùng cao cả.

Tôi băn khoăn trăn trở đã nhiều hôm vì câu chuyện của cậu bé Hào Anh. Cậu bé sinh ra như chỉ để nhận bất công, đau khổ. Mười hai tuổi đầu, mẹ bé bán bé đi ở đợ (vâng, đúng là như thế, giữa thế kỷ thứ 21) lấy vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Mẹ nghèo, nhưng mẹ không ốm đau, tàn tật. Cái nghèo như tấm giấy thông hành. Nó nghèo, nó muốn làm gì cũng được. Mẹ cầm tiền trước cả năm. Mẹ cần tiền xài. Chủ đợ đòi trả bé sau một năm, mẹ bé van nài xin bán thêm năm nữa, tiếp tục cầm tiền tiêu xài.

Vì không thực sự thấy bé có ích, bé đã trở thành cái gai, cục nợ, thành chỗ trút tất cả những gì tàn độc, dã man nhất của chủ đợ. Mẹ bé chẳng đoái hoài. Pháp luật ra tay, chủ đợ chịu án nặng. Luật pháp được thực thi, nhưng tôi chưa thấy công bằng. Ai cho phép người ta được mài tình mẫu tử lấy tiền tiêu xài? Ai cho phép người đàn bà nhân danh người mẹ kia được bán con mình làm nô lệ lấy tiền khi con đang còn ở giữa tuổi thơ? Sao luật pháp không trừng phạt con người không đáng được gọi bằng mẹ này? Người mẹ chưa phải đối diện và trả giá cho tội ác của mình, chúng ta còn nợ Hào Anh sự công bằng.

Hào Anh được giải phóng. Nhà từ thiện bốn phương tấp nập rút ví quẹt thẻ. Số tiền gần một tỷ được trao cho bé. Một tỷ là một số tiền rất lớn. Rất lớn đối với bất cứ người lao động chân chính nào. Quá lớn khi đem so sánh với sinh mạng rẻ mạt của bé được định đoạt chỉ trước đó vài tuần. Vết thương trên thân thể được chữa lành. Sẹo còn đó, nhưng hai hàm răng giả đã được lắp lại. Chấn thương tâm lý, tinh thần ít được nhắc đến. Đủ mười tám tuổi, được nhận tiền, mua nhà, người mẹ, trước sống bằng tiền bán con, nay cùng về dưới mái ấm mua bằng tiền thập phương, hỗ trợ con cùng tiêu số tiền đó.


Mẹ và con

Cậu bé Hào Anh không tốt tính. Hào Anh không ngoan. Hào Anh tiêu xài phung phí. Hào Anh hay nổi giận vô cớ. Những người trước đây hào phóng cho tiền Hào Anh, người dăm trăm, kẻ một triệu, dần dần nhìn Hào Anh với con mắt khắt khe. Người ta cho tiền, người ta có quyền, biết làm sao. Người ta đòi hỏi: “Sao Hào Anh mười tám tuổi, đủ tuổi trưởng thành, mà lại không sống lương thiện, hiếu nghĩa, có trách nhiệm, v.v...”. Toàn những đức tính mà hiếm nhà hảo tâm nào có thể đòi hỏi ở những đứa con mười tám tuổi của chính họ, những đứa con được nâng niu chiều chuộng, bao bọc che chở từ tấm bé.

Có khi chính con họ, trạc tuổi Hào Anh, vẫn hàng ngày đập phá, ăn chơi bằng tiền của bố mẹ chúng. Nhưng kệ. Hào Anh nhận dăm trăm một triệu của mình, mình có quyền đòi hỏi. Nó có phải là con mình đâu mà được ưu tiên? Hở hở hở?

Và bi kịch lên đến cao trào khi mới đây, cậu bé đã dám ngỗ ngược đuổi người mẹ đã tận tụy sử dụng cậu, hy sinh cậu thay cho hy sinh mình vì cậu, và người cha dượng, thực ra chả liên quan gì đến cậu cả về lý lẫn về tình, ra đường. Cậu đã cả gan không phụng dưỡng mẹ già. Người mẹ trạc tuổi bốn mươi, hừng hực sức khỏe và đang ở độ tuổi sung mãn của người lao động và người đàn bà. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, báo chí thi nhau giật tít “Hào Anh đuổi bố mẹ ra đường”. Người mẹ nghiễm nhiên được bảo trợ bởi con phăng teo “tình mẫu tử”, và người đàn ông chẳng liên quan gì đến cậu ta được lên chức bố cho hợp thị hiếu người nghe.

Trong cơn giận giữ của mình, cậu ấy đã dám đập nát hai cái quạt (của cậu ấy). Chính quyền địa phương xử phạt. Cậu phải ân hận, xin lỗi, nộp tiền phạt, đón lại mẹ về. Tôi nghĩ, giá như trong một xã hội nào khác, mà quyền trẻ em được coi trọng hơn một chút, thay vì chỉ quyền của người mẹ là chính tôn, thì trong lúc tôi đang viết những dòng này, có lẽ người mẹ kia còn đang trong tù vì tội bóc lột chính đứa con đẻ của mình, và ngày mãn hạn chắc không phải ngày mai.

Còn chuyện cậu bé dám ra tay đập nát hai cái quạt trong nhà cậu, giá như chính quyền can thiệp và phạt tất cả các ông chồng quăng mâm ra sân vì không hợp ý, hay những cặp vợ chồng đập đũa xô bát khi giận nhau, chắc ngân sách nhà nước sẽ nhiều tiêu không hết!

Hỡi những người cao giọng phê phán cậu bé Hào Anh, tôi xin thưa thế này. Nhiều tội phạm bạo hành có quá khứ là trẻ em đã từng chịu bạo hành. Nhiều tội phạm nghiêm trọng, thậm chí giết người hàng loạt, có tiểu sử nạn nhân bị chấn động hoặc hành hạ về tâm lý. Tên tội phạm đó sẽ phải trả giá cho tội ác của mình. Nhưng chắc không ai đặt câu hỏi vô duyên, vô dụng: “Tại sao mày không làm người tử tế?”.

Thái Quỳnh Anh, từ Brussels (Bỉ)


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn