“... mọi xã hội đều cần phấn đấu để càng nhiều công dân được thỏa nguyện càng tốt” - Minh họa của tác giả
Nằm dài trên bãi biển đầy nắng và gió, tôi ngắm nhìn những đứa trẻ ngủ ngon lành trên khăn trải nơi bãi cát, những thiếu nữ khoe ngực căng chân dài, những thiếu phụ phơi nắng với hai mảnh vỏ sò che ngực trần...
Là một người làm kinh doanh, không quá am hiểu về lịch sử, chính trị, xã hội, nhưng mang dòng máu Việt, nên dù hiện đã có quốc tịch Châu Âu tôi vẫn cùng cộng đồng người Việt đi biểu tình hai lần trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Warszawa. Luôn rất coi trọng một cuộc sống thỏa nguyện về vật chất và tinh thần, tôi cho rằng mọi xã hội đều cần phấn đấu để càng nhiều công dân được thỏa nguyện càng tốt.
Cộng đồng người Việt ở Ba Lan đa phần chú tâm làm ăn kinh tế, họ cư trú ở đây không phải vì lý do chính trị, không căm thù chế độ cộng sản, khác với những đồng hương từng sinh sống dưới chế độ cũ, mang hận thù khó phai khi phải mất đi cuộc sống yên ấm, từ bỏ quê hương ra đi trong đau thương. Và họ khác cả với những người tự nhận là “
mặc dù sinh ra dưới chế độ cộng sản, nhưng đã sớm nhận ra bản chất xấu xa của nó”, v.v...
Một bộ phận không nhỏ dân Việt vẫn sinh sống, làm ăn, thích ứng với cuộc sống dưới chế độ hiện tại, thậm chí vẫn cảm thấy hạnh phúc, thỏa nguyện vì mình có công ăn việc làm, kiếm đủ tiền để chi tiêu cho cuộc sống. Nhiều khi họ không quan tâm ai lãnh đạo đất nước, chỉ cần mưu cầu hạnh phúc. Cũng như vậy, người Việt ở Ba Lan chủ yếu vẫn cảm thấy cuộc sống của gia đình họ ở Việt Nam là tốt đẹp, ổn định.
Tôi biết xã hội Việt Nam có quá nhiều người nghèo, quá nhiều bất công cần được giải quyết thấu đáo và tận gốc. Nhưng xã hội nào trong quá trình vận động của nó mà không có nhiều bất cập? Chính phủ của những nước văn minh Âu Mỹ cũng khó làm hài lòng toàn bộ công dân của mình. Ngay Châu Âu cũng đang gặp rất nhiều vấn đề và do đó, thường xuyên bị công dân của họ công kích mạnh mẽ.
Tôi cho rằng vạch ra cái chưa đúng không quá khó, nhưng đưa ra giải pháp mới là vấn đề. Giải quyết vấn đề của một quốc gia không bao giờ là việc giống với những gì chúng ta thường nghĩ. Cốt lõi của một xã hội là con người. Để vươn tới một xã hội văn minh hơn, thịnh vượng hơn, cần có cái gốc là công dân trong xã hội đó phải có phông văn hóa, học thức, phải nhận thức đúng về bản thân, về vị trí của mình.
Đừng đổ hết mọi lỗi cho chế độ. Hiện tại, tôi không ủng hộ đạp đổ chế độ này để xây mới. Chế độ toàn trị độc đảng đúng là gây nhiều bất công, nhưng chừng nào những công dân trong xã hội đó còn chưa sẵn sàng, chưa đủ trình độ và khả năng để tiến hành một sự thay đổi, việc lật đổ một thể chế này cũng sẽ chỉ dẫn tới sự hỗn loạn, hoặc được thay thế bởi một thể chế khác có thể khác tên mà giống về bản chất.
Trong số
những bình luận trên một trang mạng khi họ đăng lại bài viết của tôi, nhiều người tấn công vào cá nhân tôi, coi tôi là thiếu hiểu biết, ấu trĩ, không đủ tư cách để nêu ý kiến, “
biết gì mà lên tiếng”... Thực tế, khá rõ ràng,
“Nên chăng, hận thù trên màu cờ?” chỉ nêu những ý kiến cá nhân về thái độ trong tranh luận của nhiều người, nhưng lại bị hiểu sai là một tranh luận về tính chính danh của màu cờ.
Những công kích, hằn học, thù nghịch, coi thường, hạ thấp người khác... không bao giờ tạo dựng được điều mong muốn là người bất đồng chính kiến chấp nhận nghe. Tôi có lựa chọn là không tham gia tranh luận khi tôi không muốn và không cần tranh luận. Xét cho cùng, mọi hoạt động liên quan đến việc lựa chọn màu cờ, hay những cải cách, thay đổi là việc của các nhà hoạt động chính trị, không phải của tôi.
Đừng mạt sát
đồng bào cờ đỏ, vì họ cũng là một bộ phận của xã hội!
Xã hội dân sự mà nhiều người chúng ta đang mong muốn thiết lập ở Việt Nam phải là một xã hội thực sự do dân, vì dân. Để quy tập quần chúng, phải biết được mong muốn của mọi tầng lớp, phải biết tôn trọng mọi ý kiến dù là trái chiều. Đặt bút xóa sổ ngay một nhóm người không cùng chính kiến, xóa bỏ tư cách tham dự dù chỉ là của một cá nhân..., tiếc thay đó là thứ hành xử y như cái thể chế mà quý vị đang đả kích và hô hào loại bỏ.
Thay đổi thể chế phải làm sao đảm bảo cho người dân được sống hạnh phúc và bình yên. Thay chế độ này bằng một chế độ khác khi mọi thứ chưa thật chín muồi và có cân nhắc kỹ lưỡng không nhất thiết phải là việc mà những thường dân mưu cầu hạnh phúc mong muốn.
Đa số những người có nhận thức luôn sẵn sàng để học hỏi. Nhưng không phải bao giờ người ta cũng sẵn sàng để “được dạy dỗ”. Dù có “thiện ý” thế nào đi chăng nữa, quý vị cũng chớ dạy người khác yêu nước phải làm gì! Thế giới này đã có bao giờ là hoàn hảo?
Thay vì “chửi” cộng sản và những người không cùng suy nghĩ, nếu đủ tài hãy dùng sức nghĩ mưu mà tham gia vào đấu tranh để thay đổi những gì quý vị cho là thối nát. Hãy làm việc gì đó, nhưng làm ơn đừng dạy ai hoặc buộc ai phải yêu nước theo cách mà quý vị cho là duy nhất đúng. Có thể đến một ngày, người ta sẽ thay lá cờ đỏ sao vàng, bằng một màu cờ khác. Nhưng đến lúc đó, liệu Việt Nam có còn đất để giăng cờ nữa không?
Thật ra tôi đã thôi không quan tâm đến những người chỉ biết dùng bàn phím hạ nhục người khác, tôi cũng đã thôi không còn buồn vì bị chỉ trích, mạt sát. Có thể tôi không đủ hiểu biết, không đủ khả năng để tranh đấu cho sự thay đổi, nhưng tôi sẵn sàng ủng hộ nếu quý vị chứng minh được là quý vị đủ tư cách đứng ra tiến hành những thay đổi cho đất nước, quê hương.
Bằng không, tôi đành làm một người tầm thường, nhưng gắng sống tử tế và bình an đến cuối cuộc đời...