TỪ HÒA GIẢI Ở ÚC NGHĨ TỚI VIỆT NAM

Thứ ba - 12/08/2014 21:43

(NCTG) “Hãy cùng chung tay ghi lại lịch sử của Đất Mẹ một cách trung thực nhất, với hy vọng một ngày nào đó không xa, chúng ta hay con cháu chúng ta được đọc những trang sử trung thực đó, được khóc cho đớn đau của thân phận con người bị chiến tranh và chính trị lọc lừa giày xéo, để rồi có thể hòa giải với quá khứ và đi tới tương lai!”.


Quang cảnh quảng trường Liên bang (Melbourne) khi Thủ tướng Kevin Rudd đọc bài phát biểu lịch sử hòa giải với quá khứ


Như bài viết trước đã đề cập, ở cấp Nhà nước Liên bang, vào ngày 13-2-2008 Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã công khai xin lỗi thổ dân Úc về những chính sách sai lầm của chính phủ Úc hơn nửa thế kỷ trước, khi cách ly trẻ em thổ dân ra khỏi gia đình nhằm đồng hòa họ.

Mặc dù trước đó, hàng loạt các chính sách ưu tiên, hỗ trợ xã hội cho cộng đồng thổ dân đã được tiến hành, nhưng lời xin lỗi chính thức thực sự có ý nghĩa. Với thổ dân, nỗi đau nhiều thế hệ của họ được phần nào được giải tỏa, còn với người da trắng sự xấu hổ âm thầm được nhẹ bớt.

Trong công việc của mình và các hoạt động xã hội khác, tôi đã trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động của tiến trình hòa giải với cộng đồng thổ dân. Là công dân Úc gốc Việt, tôi khắc khoải mong muốn một ngày nào đó các cộng đồng người Việt trên toàn thế giới cũng có thể hòa giải với quá khứ giống như người Úc, cùng nắm tay nhau tranh đấu và xây dựng Việt Nam văn minh, dân chủ và giàu mạnh.

Nhưng có lẽ mong muốn đó là quá xa vời!

Gần đây, khi Trung Quốc gây hấn vụ giàn khoan, người Việt từ khắp nơi trên thế giới tham gia biểu tình ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Bên cạnh tinh thần thống nhất, đoàn kết, yêu tổ quốc và căm giận Trung Cộng bá quyền, thì phần nào câu chuyện biểu tình lại phản ánh mâu thuẫn giữa các cộng đồng người Việt, khi cờ đỏ hay cờ vàng được đem ra là biểu tượng của Việt Nam trong các cuộc tuần hành yêu nước này.

Cộng đồng thuyền nhân tất nhiên cầm cờ vàng đi biểu tình, và với họ, dường như tất nhiên, cờ đỏ là “lá cờ máu”, biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản.

Với cộng đồng trẻ hơn như sinh viên và lưu học sinh, và nhóm xuất khẩu lao động ở các nước Đông Âu cũ, phần đông cầm cờ đỏ và với họ lá cờ đỏ biểu tượng cho tổ quốc.

Một nhóm nhỏ hơn mà theo cá nhân tôi là cấp tiến, xuống đường biểu tình với những lựa chọn khác, như màu xanh yêu chuộng hòa bình. Nhưng nhóm này quả là thiểu số.

Màu cờ chỉ là phần nổi của mâu thuẫn khi quá trình hòa giải chưa hề được diễn ra dưới bất cứ hình thức nào. Mặc dù mẫu số chung của các nhóm biểu tình yêu nước là toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam và phản đối Trung Quốc bành trướng gây hấn.

Mâu thuẫn kể trên là hệ lụy của chiến thắng của Quân đội Bắc Việt tháng 4-1975. Mặc dù từ góc nhìn trực diện, công lao lớn nhất Đảng là đã thống nhất đất nước, nhưng không ít chính sách được áp dụng với những người bên kia chiến tuyến sau năm 1975 là vô nhân đạo.

Những thông tin này thường được bịt kín, hoặc tuyên truyền theo hướng có lợi cho nhà cầm quyền, và vì thế những trang sử khổ đau của hàng triệu thuyền nhân phải bỏ nước ra đi chưa hề được biết đến rộng rãi trong đông đảo các giai tầng nhân dân Việt Nam.

Hoặc giả, khi chúng được công bố, thì với những hiểu biết hạn hẹp của bao nhiêu năm bị tuyên truyền một chiều, dân chúng sẽ cần một khoảng thời gian không hề ngắn để xử lý thông tin trước khi có thể hiểu, xử lý và chấp nhận những thông tin đó.


Thảm cảnh thuyền nhân, một “khoảng trắng” của lịch sử hiện đại Việt Nam - Ảnh tư liệu


Mâu thuẫn này chỉ thực sự được giải quyết khi bằng một hình thức nào đó, quá trình hòa giải được thực sự diễn ra. Nhưng ai sẽ là người bắt đầu?

Có lẽ Đảng và Nhà nước không muốn công nhận bất cứ sai lầm nào của mình, mặc dù trong mấy chục năm lãnh đạo, những gì mà nước ta đạt được đã bị phủ bóng bởi tham nhũng, và hàng loạt các bất cập trong tất cả các mặt - kinh tế, giáo dục, chính trị và xã hội.

Vì thế, việc mong muốn một vị lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Úc, đứng ra xin lỗi cùng hàng loạt các chính sách xoa dịu và đền bù, để quá trình hoà giải có thể bắt đầu dường như quá xa vời. Những hành xử gần đây đối với Trung Quốc phản ánh một cách rõ ràng việc chính quyền thiếu tầm nhìn xa và chính sách nhất quán.

Nhìn rộng hơn, nhiều ngọn cờ dân chủ đang đấu tranh vì tương lai của Việt Nam hiện nay, hình như vẫn đang sa đà vào đề tài gây tranh cãi này, mà chưa thấy họ đưa ra một sáng kiến nào khả thi để đưa các cộng đồng người Việt xích lại gần nhau.

Tại thời điểm này, sẽ thật có ý nghĩa, khi thay vì công kích cá nhân và nhận xét quá khích về các nhóm cờ đỏ hay cờ vàng trong các cuộc biểu tình, chúng ta hãy lắng lại để đọc những trang đau thương về thuyền nhân đã bị giấu nhẹm. Hãy nghe những câu chuyện thương tâm trong quá trình vượt biển để biết rằng máu và nước mắt vẫn tiếp tục chảy sau tháng 4-1975.

Mỗi cá nhân Việt Nam yêu nước, từ bất cứ cương vị nào, cho dù cờ tổ quốc của bạn mang màu Đỏ, Vàng hay Xanh, chúng ta đều có chung Đất Mẹ. Chúng ta hãy cùng chung tay ghi lại lịch sử của Đất Mẹ một cách trung thực nhất, với hy vọng một ngày nào đó không xa, chúng ta hay con cháu chúng ta được đọc những trang sử trung thực đó, được khóc cho đớn đau của thân phận con người bị chiến tranh và chính trị lọc lừa giày xéo, để rồi có thể hòa giải với quá khứ và đi tới tương lai!

Phương Lan, từ Sydney (Úc)


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn