CÂU CHUYỆN LÁ CỜ

Chủ nhật - 17/08/2014 13:16

(NCTG) “Hãy cứ đợi đến khi thấy cờ đỏ sao vàng tung bay trên các nóc nhà Việt Nam, trên từng con đường, góc phố, khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, do chính tay chủ nhân ngôi nhà đó tự nguyện treo lên chứ không phải do thúc ép của bất kỳ cái loa phường xã nào, lúc đó, tranh luận tiếp may ra mới hợp lý vì đã sẵn trâu để buộc thừng vào mũi”.


Hai cụ già mặc áo cờ Mỹ trong ngày Quốc khánh

Sau vài ngày dạo chơi ở Berkshire – một cao nguyên xinh đẹp, thanh bình, nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng thuộc vùng New England nước Mỹ, bọn trẻ con nhà tôi nảy ra một trò mới khi ngồi trong xe: đếm cờ. Hai chị em tranh nhau tìm và đếm từng lá cờ Mỹ chúng thấy trên đường đi, và chúng mặc định với nhau: lá cờ ở phía nào thì thuộc về đứa ấy, rồi chúng so đo, tị nạnh nhau xem đứa nào tìm thấy nhiều cờ hơn. Cứ thế, sau hai tuần, trò đếm cờ thành thói quen của bọn trẻ con trên xe ô tô thay cho việc ngủ gật.

Không phải ngẫu nhiên mà đến Berkshire, bọn nhóc lại nghĩ ra trò đếm cờ. Chuyện là khắp vùng Berkshire, từ thị trấn Stockbridge cho đến Housatonic, từ Great Barrington cho đến Lenox, từ Pitfield cho đến Springfield... đâu đâu cũng thấy giăng đầy cờ Mỹ. Không chỉ ở các tòa nhà công vụ, hành chính mà ngay cả các khu shopping, các tiệm ăn, cửa hiệu trong phố cho đến nhà riêng, dân Berkshire đều trang trọng treo cờ ngay trên nóc nhà. Có những gia đình còn dựng hẳn một cột cờ riêng trên bãi cỏ xanh mướt mát trước nhà. Nhìn những lá cờ của xứ sở cờ hoa bay ngạo nghễ trong gió, trên từng nóc nhà dân, trong từng con đường mòn xuyên sâu trong rừng, tôi không khỏi chạnh xót khi nghĩ về lá cờ tổ quốc tôi trong những tranh luận triền miên không dứt của hai phe cờ đỏ cờ vàng.


Cột cờ trước một cửa tiệm hơn một trăm tuổi


Tôi nghĩ đến lá cờ đỏ sao vàng mà mẹ tôi mang từ chiến trường về, thời mẹ đi thanh niên xung phong. Hồi cấp 1, cứ đến mùa khai giảng là tôi lại sung sướng được mẹ cho phép cầm lá cờ ấy đến trường. Lá cờ thơm tho mẹ giặt kỹ rồi gấp cẩn thận cho vào ngăn tủ như bảo vật. Tôi bé bỏng thuở ấy không biết gì nhiều, chỉ lờ mờ cảm đoán rằng, lá cờ ấy không chỉ là một lá cờ chung chung như trong thơ trong nhạc vẫn ra rả trên tivi mỗi ngày lễ lạt. Lá cờ đã bạc màu ấy là thời tuổi trẻ khốc liệt của mẹ, với những kỷ niệm chiến trường đau thương. Tôi biết nó quý báu nên dù mang cờ đến trường, tôi không bao giờ cho đứa bạn nào sờ đến cái cán cờ của tôi. Tôi còn ghi nắn nót tên mình lên một góc lá cờ, sợ nhỡ đâu bị lẫn mất lá cờ của mẹ. Hết mùa tựu trường, mẹ tôi lại giặt cờ, gấp cẩn thận cho vào ngăn tủ, đợi bao giờ đến ngày nghe loa của xóm thông báo phải treo cờ mới mang ra gá tạm vào đầu hồi, qua ngày cần treo lại giặt, gấp và trả nó về ngăn tủ. Có lẽ, mẹ tôi thích giữ kỷ vật ấy trong ngăn tủ hơn là giăng nó ra đầu hồi, cũng giống như người ta vẫn thích giấu những ký ức buồn bã vào đáy tim hơn là phơi ra trước miệng thế gian. Lá cờ ấy, mẹ tôi muốn giữ hơn là muốn khoe, tôi tin thế!

Tôi (và chắc là tất cả những người cùng thế hệ tôi) không có lá cờ kỷ vật như mẹ. Và chúng tôi hầu như không có khái niệm gì đặc biệt về màu cờ tổ quốc, vì với chúng tôi, lá cờ đỏ sao vàng chỉ đơn giản tượng trưng cho quê hương đất nước. Nó là lá cờ được giăng lên trong mọi nghi thức quốc gia, mọi cuộc giao lưu quốc tế để nhận diện nước Việt Nam. Chúng tôi không đọc ra bất kỳ ý nghĩa đảng phái nào trong lá cờ quen thuộc ấy, ngay cả khi vẫn hát làu làu lời một bài hát rất giàu chất cách mạng:

Hồng như màu của bình minh
Đỏ như màu máu của mình tim ơi
Búa liềm vàng rực giữa trời
Là niềm hy vọng chói ngời tim ta
Trong đêm tối lúc mưa sa
Màu cờ đỏ vẫn sáng lòa hồn tôi
Thênh thang trên bước đường đời
Ôi màu cờ ấy là màu giục tôi.
Thênh thang trên bước đường đời
Ôi màu cờ ấy là lời giục tôi. (*)

Và dĩ nhiên, vì chẳng có khái niệm gì đáng kể về màu cờ Việt Nam nên màu cờ ấy cũng chả “giục” gì được tôi. Ngoài lá cờ của mẹ, những lá cờ đỏ sao vàng khác với tôi chỉ là một vật trang trí trong những ngày lễ lạt, chỉ là một vật bắt buộc phải có để khi nào nghe loa của xóm thì treo cho có lệ hoặc để cho đám trẻ trâu có cái mà phất trong những cuộc cổ vũ bóng đá nhiệt tình. Và chắc là nhiều người cũng nghĩ như tôi, thế nên ở Việt Nam, tôi nào có thấy nhà ai treo cờ quanh năm suốt tháng hay dựng riêng một cột cờ trang trọng trước sân. Lá cờ - biểu tượng thiêng liêng của quốc gia dân tộc dường như vẫn chỉ là thứ thuộc về tinh thần hô hào đám đông chứ chưa phải là biểu tượng gắn bó máu thịt với từng tâm hồn người Việt. Thế nên, hành động treo cờ ở Việt Nam cũng chỉ là một hành động mang tính tập thể chứ chưa đạt đến trình độ ý thức cá nhân.


Cờ treo trước nhà

Gần đây, theo dõi những cuộc tranh luận nảy lửa về màu cờ giữa các phái cờ vàng cờ đỏ, tôi càng có dịp để tự ngẫm lại ý thức về lá cờ của chính mình. Càng ngẫm, tôi càng tin rằng, vì đa phần người Việt chưa đạt đến cái ý thức cá nhân cao độ trong chuyện cờ quạt, nên việc gán ghép những ý đồ, ý nghĩ Đảng phái vào việc sử dụng màu cờ nào là chuyện “mua chạc mũi trước trâu”. Hãy cứ đợi đến khi thấy cờ đỏ sao vàng tung bay trên các nóc nhà Việt Nam, trên từng con đường, góc phố, khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, do chính tay chủ nhân ngôi nhà đó tự nguyện treo lên chứ không phải do thúc ép của bất kỳ cái loa phường xã nào, lúc đó, tranh luận tiếp may ra mới hợp lý vì đã sẵn trâu để buộc thừng vào mũi.

Trong nỗi băn khoăn về lá cờ tổ quốc, tôi hỏi bố chồng: Tại sao ở Mỹ có nhiều nhà treo cờ trang trọng thế? Ông trả lời: đơn giản vì họ yêu nước, họ yêu lá cờ tổ quốc và họ muốn thể hiện tình yêu lý tưởng của mình. Tôi nghĩ thầm: đến bao giờ, thứ tình yêu lý tưởng ấy sẽ xuất hiện trên quê hương xứ sở nhiều đau thương chia cắt của tôi, để người ta chen vai đứng dưới cùng một ngọn cờ không tị hiềm, đấu đá…

(*) “Màu cờ tôi yêu”, thơ Diệp Minh Tuyền, nhạc Phạm Tuyên – tôi vừa hỏi anh Google chứ thực lòng chả nhớ, dù miệng vẫn có thể hát nhem nhẻm được!

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Lưu, từ Berkeley, California (Hoa Kỳ)


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn