Kẻ nào kích động, giật dây? - Ảnh: Internet
Vụ bạo loạn ở Bình Dương, về bản chất khác hẳn một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc thong thường. Chống Trung Quốc chỉ là một cái cớ, để một đám người đốt phá và cướp của một loạt nhà máy.
Hậu quả là hơn một trăm công ty nước ngoài bị mất của, hàng vạn người sẽ bị mất việc trong thời gian gần đây, và Việt Nam bị phơi một bộ mặt rất xấu, mất uy tín trong con mắt thế giới. Điểm đáng chú ý là hầu hết các nạn nhân của vụ này không liên quan đến Trung Quốc.
Đằng sau việc nhiều người bị kích động, đi phá phách hôi của, thì phải có những kẻ giật dây vụ này một cách có chủ ý và có tính toán. Nếu coi những gì đã xảy ra là cái chúng dự tính, thì chúng đã đạt được các mục đích như sau:
- Làm xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế
- Phá hoại kinh tế Việt Nam
- Làm xấu hình ảnh của việc biểu tình ở Việt Nam, làm lẫn lộn giữa biểu tình và đập phá hôi của, dẫn đến việc nhân dân e ngại biểu tình và chính quyền tăng cường ngăn cấm biểu tình.
Ai được lợi từ tất cả những cái đó?
Người được lợi ắt hẳn không phải những người dân Việt Nam bất đồng chính kiến, vì trong vụ này, cả chính quyền và nhân dân dù mâu thuẫn nhưng cùng chống Trung Quốc. Cũng chẳng phải là các “con ngáo ộp” như Việt Tân, vì nếu quả thực có đảng phái của người Việt làm những trò như vậy thì cũng chẳng có tương lai chính trị gì.
Chỉ có Trung Quốc là lợi trong vụ này, vì nó như là một đòn “trừng phạt” đối với Việt Nam. Nên khả năng lớn nhất, phải chăng, là Trung Quốc hay một nhóm thân Trung Quốc giật dây?
Một điều hơi khó hiểu là tại sao cảnh sát Việt Nam xử lý vụ này chậm thế. An ninh đi trấn áp hoặc phá rối biểu tình của những người yêu nước và ôn hòa thì rất nhanh, thậm chí người ta chưa biểu tình đã bị chặn. Còn dẹp bọn đội lốt biểu tình để đốt phá và cướp của thì rất lâu, bao nhiêu tiếng sau cảnh sát mới xuất hiện?!
Chẳng nhẽ cả chuyện đó cũng đã bị giật dây?!