Hồi mình học bên Úc, có lần mình cùng một người bạn đến thăm gia đình một Việt kiều là người quen của bạn ấy. Vợ chồng bác Việt kiều hỏi có phải bố mẹ mình là quan chức, giàu có lắm không, sao có tiền cho mình đi du học. Mình trả lời bố mẹ mình chỉ là giáo viên thôi, không có nhiều tiền đến thế, nhưng mình được học bổng của chính phủ Úc. Thì các bác ấy lại hỏi vậy nhà mình có quen biết gì không, có phải gia đình cách mạng không, sao được học bổng của chính phủ Úc hay vầy! Rồi còn hỏi ngày bé mình có phải xếp hàng trước lăng Bác Hồ chào cờ!
Nhà mình thuê ở K., bang Q. (Úc), gần một hiệu tạp hóa của một gia đình Việt kiều khác. Cô nói giọng Nam, còn chú nói giọng Bắc, nhưng hơi khác mình (mà sau này mình mới biết đó là giọng “Bắc 54”, chứ từ bé đến lúc đó có biết “Bắc 54” có nghĩa gì đâu?). Cô chú rất tốt bụng, hay cho mình bún bánh nhà nấu, mỗi khi mình ghé qua tiệm mua mấy thứ lặt vặt. Nhưng cô thì có vẻ è dè với mình hơn, không biết có phải do mình là người Bắc? Có lần cô chú hỏi mình, họ muốn về thăm thân nhân ở Việt Nam thì nên mua quà gì mang về, bánh trái như vầy có được không. Khi mình bảo ở Việt Nam bây giờ không thiếu hàng hóa gì, cô chú mang tiền về mua quà cũng được, khỏi mất công mang vác nặng, họ ngạc nhiên lắm.
Đó là cuối những năm 90, đất nước đã mở cửa thông thương với các nước tư bản, người Việt hải ngoại đã về nước ầm ầm rồi, mà những Việt kiều mình kể trên vẫn còn ít thông tin như thế…
Trong khoa mình học cũng có một bạn Việt kiều, thầy giáo giới thiệu hai bọn mình trong một buổi tiệc ở khoa. Nhưng ngay sau câu giới thiệu “
You’re both Vietnamese” (Cả hai đều là người Việt) của thầy thì hai đứa bắt đầu quay ra nói chuyện bằng... tiếng Anh! Bạn Việt kiều bảo mình bạn ấy biết rất ít tiếng Việt, hầu như không đủ để giao tiếp thông thường (lúc ấy mình ngạc nhiên lắm, vì trông bạn ấy cũng đặc... Giao Chỉ như mình, nghĩa là cũng mặt tròn vành vạnh, mũi tẹt, da vàng - ngón chân thì mình không biết có choãi không vì bạn ấy đi giầy). Về sau gặp nhiều Việt kiều thế hệ F2 hơn mình mới biết là các bạn ấy nói được rất ít tiếng Việt. Các bạn ấy đều vui vẻ, tán chuyện món ăn Việt Nam với Ha Long Bay với mình y như Tây tán, nhưng tuyệt đối không nói chuyện chính trị.
Hồi mình ở New Zealand, mình quen một ông cha người Việt do hay theo bạn đi nhà thờ. Ông từng là cha tuyên úy trong chế độ Sài Gòn, và rất nổi tiếng trong giới cha đạo chống cộng hiện nay. Biết mình dân Bắc, con nhà cộng sản, nên ông rất quan tâm. Mình thì hồi đó còn trong sáng, ngây thơ và hết sức nhiệt tình, nên cũng hay lắng nghe ông tâm sự chuyện đời. Dạo ấy ông mới viết xong một cuốn tự truyện kể lại những ngày tháng trong tù ngục cộng sản (mười ba năm tù đằng đẵng trong hết trại giam này đến trại tù khác ở miền Bắc, không có ngày ra cho đến khi trốn thoát và vượt biên thành công).
Ông có tặng mình một cuốn, nhờ mình đọc và cho nhận xét. Hồi đó còn ngây thơ, mình cũng đọc, cũng nhận xét nhiệt tình, và nhiệt tình khuyên ông cởi bỏ thù hận, hướng tới hòa giải dân tộc. Bây giờ thỉnh thoảng ông vẫn gửi tin tức cho mình nhưng mình không đọc, cũng không trả lời. Không phải bởi mình sợ (mình đang sống ở một đất nước tương đối tự do hơn Việt Nam), hay mình ngại. Mà chỉ đơn giản là mình chả biết nói gì nữa, càng đọc chỉ càng thấy ước mơ hòa giải là một ước mơ xa vời, không thấy hồi kết!
Nhiều khi mình nói, đùa nhưng cũng là suy nghĩ thực của mình, la mình tuyệt vọng với dân tộc Việt Nam rồi. Trong nước thì tham nhũng tràn lan, ăn tàn phá hại, mạnh ai nấy tìm cách lấy tiền bỏ túi riêng. Còn ngoài nước thì vô số kẻ hoang tưởng, theo đóm ăn tàn. Giới trẻ thì đa phần thờ ơ, không quan tâm chính trị, không cần biết tình hình đất nước ra sao. Minh chủ ở đâu? Minh chủ không có.
Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp).
Tạm kết: Đất nước này không có tương lai! Thế nên đừng có mong, đừng có chờ, không có đâu!
Các bài cùng chủ đề “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” trên NCTG:
NẾU...
30-4, NGHĨ VỀ SỰ HỐI LỖI
NÓI VÀ LÀM
30-4 VÀ NHỮNG GÌ SAU ĐÓ
SINH NHẬT BA MƯƠI THÁNG TƯ
NHỮNG NGÀY 30-4 CỦA TÔI
30-4