Bà con Việt tại Budapest chuẩn bị cờ đỏ sao vàng cho cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 18-5 - Ảnh: FB của Hoa Thắng
Trước khi trả lời câu hỏi này của một người anh, người bạn ngoài đời và trên FB nhân một status tối hôm qua về chuyện mẹ và con hay lẩn thẩn nói với nhau, thì phải thông tin trước: Chủ nhật vừa rồi mình đã tham gia biểu tình chống hành động lấn chiếm Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc cùng với bà con Việt Nam tại Berlin. Ở đó, bà con ta đã hô Việt Nam muôn năm đả đảo Trung Quốc dưới màu cờ đỏ sao vàng.
Ngày hôm nay, thứ Sáu 16-5, mình đang chờ một người anh, người bạn khác cho thông tin để đi tham dự một cuộc biểu tình khác, cùng mục đích, do bà con thuyền nhân tổ chức. Hiển nhiên, những khẩu hiệu trên cũng sẽ được hô vang, nhưng hiển nhiên sẽ dưới một màu cờ khác: cờ vàng ba sọc đỏ.
Vẫn hai màu vàng và đỏ, nhưng đủ sức dấy lên hai tâm thế khác hẳn nhau, xác lập hai vị thế khác hẳn nhau, giữa người Việt. Chỉ giữa người Việt.
Có quá nhiều câu trả lời.
Cho một câu hỏi: “
Vậy thì sao vẫn phất cờ đỏ?”. Biến thể khác: “
Vậy thì sao vẫn phất cờ vàng?”.
Trên “Nhịp cầu Thế giới” - một tờ báo cộng đồng rất có nghề, rất đáng đọc đã
có hẳn một bài bàn về chuyện này. Trên các trang mạng và nhà riêng ở FB của nhiều bà con ta cũng thế.
Có những người chống cờ tạm gọi là đỏ từng lớn lên dưới màu cờ ấy.
Có những người chống cờ tạm gọi là vàng từng chiến đấu dưới màu cờ ấy.
Nhưng cả hai lá cờ đều có màu y như nhau, chỉ đậm nhạt sắc độ khác nhau.
“Tất cả đều có lý do, gắn với tính biểu tượng ở mỗi lá cờ”. Trong ảnh, cụ bà 91 tuổi xuống đường biểu tình tại Toronto (Canada) trước tòa Lãnh sự Trung Quốc (ngày 11-5-2014) - Ảnh: thoibao.com
Và có những người như mình, lớn lên dưới một màu cờ song tôn trọng triệt để tình cảm gắn bó thiêng liêng của người đứng cúi đầu dưới màu cờ kia. Tất cả đều có lý do, gắn với tính biểu tượng ở mỗi lá cờ.
Nhưng, có nên nghĩ thêm: trong chính thời điểm này, cờ đỏ sao vàng đang là biểu tượng của một quốc gia trước và trong các quan hệ với quốc tế. Chúng ta đi biểu tình để giữ toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia ấy, mà màu cờ của nó phải được kéo lên ở mọi cuộc đàm phán, gặp gỡ ở tầm mức quốc gia.
Sẽ mất đi nhiều cơ hội để giải thích cho người qua đường có những mối quan tâm khác chúng ta về điều chúng ta mong muốn, nếu như lại phải giải thích ngay cho họ tại sao chúng tôi vẫy cùng lúc hai lá cờ và một lá cờ là biểu tượng của một quốc gia đã từng tồn tại ở nửa đất nước chúng tôi, đã mất, sau một cuộc chiến tranh dài và hậu quả của nó đến bây giờ là X...
Nhưng, nếu có thể khát khao, sao không thử hình dung một màu cờ khác. Nền xanh lá cây, giữa là một quả khế vàng!
Có nghĩa là!
Nhưng bây giờ tôi đi đây!