LÁ CỜ HOÀNG VỆ

Thứ năm - 26/01/2017 20:15

(NCTG) Mình có tình cảm riêng tư với lá cờ đó, ở giới hạn như mới trình bày. Mình từng sống dưới lá cờ này, ở đâu đó nó bay xa xa. Mình có đi lính, phục vụ nó mấy tháng ngắn ngủi. Nó là một kỷ vật, mình không thích thấy nó treo ngoài tiệm phở. Mình không thích bắt mình phải chào, chuyện bắt phải chào mình đã có trải qua rồi, ngày ấy.

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

Chắc là dị ứng của mình với lá cờ vàng đến từ lúc lên 5 hay 6 tuổi. Ngày ấy, khi đi xem phim tại rạp, sau phim thời sự và trước phim truyện, mọi người phải đứng dậy, mình phải bỏ chai nước ngọt, gói ngô rang hay mứt me đồng tiền chấm muối ớt mà nghiêm sắc mặt và hai tay rút khỏi túi: trên màn hình là phút chào cờ.

Lá cờ ba sọc hiện lên phất phới, lồng theo chân dung của lãnh tụ nhà Ngô và nhạc không phải là quốc ca mà là bài “Suy tôn Ngô tổng thống”:
 
Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô tổng thống
Ngô tổng thống, Ngô tổng thống muôn năm!

Ở tuổi đó, mình không hiểu tại sao toàn dân lại phải nhớ ơn vị này. Các bạn cùng tuổi mình trên phố hát một điều dễ hiểu hơn là
 
Toàn dân Việt Nam nhớ ơn tô hủ tíu
Tô hủ tíu, tô hủ tíu muôn năm!

Sau 1963 thì chuyện nhớ ơn trong rạp không còn nữa, tất nhiên là tô hủ tíu thì vẫn còn. Khi đi đến trường từ nhà ngang các công sở trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn thị Minh Khai) thì mỗi sáng thứ hai, mình thấy cảnh các nhân viên công chức nghiêm chỉnh chào cờ trong sân. Cảnh này chẳng có gì đáng kể và vì mình học trường Pháp (nay là Lê Quý Đôn) nên tại trường chẳng bao giờ có chuyện chào cờ Việt hay cờ Pháp, cũng chẳng có chuyện trương cờ ba sọc hay tam tài. Trong ký ức của thằng bé, cờ rất ít, trước Tòa Đô Chánh chẳng hạn hay bên trong trại lính đồn binh. Người Mỹ xuất hiện nhưng ngày đó quân nhân Mỹ không mang cờ trên vai áo, họ ồn ào là những quán bar hàng nước, là Coca Cola thay Xá Xị Con Cọp, là néon xanh đỏ “Blue Hawaii”, “Hot Miami” trên phố chứ chẳng phải cờ sao. Một bận mình vào Đại sứ quán Anh quốc, lá cờ Union Jack mình cũng không để ‎ ý thế nào, tuy nó có lạ, nhưng lạ là ông gác cửa quấn khăn, đeo một con dao cong mình thấy thèm rỏ rãi! 

Cờ là một biểu tượng xa thấp thoáng, trong văn chương, thi ca gì đó. Một bận, thời tổng động viên, một đoàn quân xa chở thanh niên đi nhập ngũ, các anh leo lên vui vẻ, một anh nói to “các em lo học hành đi chăm chỉ chứ đừng như chúng anh, phải đi lính khổ lắm!”, anh vừa hô vừa cười. Chẳng thấy cờ quạt, tổ quốc gọi tên gì cả. Thời chiến tranh, rất nhiều quân nhân, thì họ mặc đồ trận, trên phố họ đi với bồ hay dắt vợ bồng con, họ chẳng phất cờ. Những đồn binh dọc quốc lộ thì có cờ be bé, treo đầu một cành tre. Nếu vào một trại lính, đi lạc nửa tiếng mới thấy một lá cờ duy nhất, là ở cột cờ đơn vị chứ cũng không thấy ở cổng trại.

Năm 1974, mình ra chợ Bà Chiểu “Tuổi 20, cất bước đăng trình, buồn vui đời lính”. Anh Trung sĩ tuyển mộ là một người rất dễ thương, hỏi gì mới nói chứ không thuộc dạng môi mép chào mời. Lúc đó, các trạm tuyển mộ các binh chủng, đơn vị, đặt đây đó, thường chỉ có một nhân viên ngồi đọc báo nghe đài. Hầu như ai thì cũng phải đi lính thôi, nhưng nếu chưa đến ngày gọi, nếu thi rớt, thất tình, nếu đào ngũ cùng đường trốn tránh thì bạn có thể tình nguyện. Thủ tục này rất dễ, trong khi ai cũng phải có thẻ căn cước thì đăng lính tình nguyện chỉ cần một cái giấy khai sanh, tên họ gì cũng được, miễn là đủ tuổi. Bạn lại có thể chọn đơn vị, sắc áo oai hùng hay tiện lợi (“Ai ơi đi lính đâu xa, Sư đoàn 18 gần nhà anh đi”). Tại chợ Bà Chiểu có trạm tuyển của cả 3 sư đoàn bộ binh của khu vực Quân đoàn 3, sắc áo xanh. Có sắc áo hoa, Nhảy dù, Biệt động quân, Thủy quân lục chiến. Tuyệt đối không có trạm nào trương cờ, và có thể nói cả cái chợ tìm không ra một lá cờ treo, tuy là sau Hiệp định Đình chiến 1973, nhà nào cũng sơn một cái cờ vàng trước cửa để rạch ròi khi “ngưng bắn”.Thời đó, thực sự là mình ham Lôi hổ, phòng 7 Tổng tham mưu nhưng không biết cách nào gia nhập, kể cả sau khi tư vấn một sĩ quan tùy viên tướng lãnh vì anh cũng chẳng biết nốt. “An Lộc địa sử ghi chiến tích”, thì mình đăng Biệt cách Nhảy dù.

Mình đến sớm, mua café mời anh Trung sĩ, hỏi chuyện chi tiết. Chuyện mình quan tâm là Biệt kích thì đồ bông phổ thông, áo hoa rừng (ơi hoa rừng), Mỹ gọi là “woodland pattern”. Biệt động hay Nhảy dù thì cũng thế, còn Thủy quân Lục chiến thì đồ rằn “cọp biển”. Cái mà mình thích là đồ hoa bèo của thập niên 60, giờ là hàng độc và hiếm, và nếu là Biệt kích dù thì có mặc được không? Anh Trung sĩ giật mình chắc nghĩ thầm tiền đâu mà lắm thế, vì đồ này vào thời điểm đó có khi 1-2 tháng lương, muốn chơi thêm đôi giày MAP Mỹ nữa là thêm 1 tháng lương nữa, bộ Cường Đô La chắc mà Ermenegildo Zegna với lại Gucci. Anh bảo thụ huấn xong, ra đơn vị thì mặc gì tùy đơn vị trưởng nhưng đâu có cấm. Tiền thân của Liên đoàn 81 là Lực lượng Đặc biệt. Delta ngày xưa cũng mắc đồ này tuy giờ thế thì có vẻ chơi gác sĩ quan đơn vị. Vậy là mình ký tên đăng luôn.

Đến gần trưa, có hai bạn đi chung với nhau xuất hiện, là hai thanh niên 17 tuổi, dạng từ quê đâu đó lên phố, to đen và ngây ngô chứ không lém lỉnh. Hại bạn này còn lớ ngớ hơn mình, cũng đăng Biệt cách. Đủ chỉ số, vậy là xong việc một ngày, xuất sắc là đằng khác, có hôm ngồi dài người không có 1 lính đăng, anh Trung sĩ ra xe đò mua vé cho mọi người về trại Bắc Tiến. 

Hai bạn kia hiền lành cũng ít nói, thỉnh thoảng mới thấy ậm ừ với nhau gì đó. Họ ngồi chung với nhau một hàng ghế, còn mình ngồi cạnh anh Trung sĩ, cả bốn người đều gặm bánh mì rau (tức là bánh mì thịt mà không có thịt, chỉ có đồ chua và xì dầu) do quân đội, chứ không phải do nhà chùa, tặng vào ngày đầu nhập ngũ. Lúc đó tâm trạng của ba người lính mới chắc giống nhau và không cần nói, phải hát lên mới ra lời:
 
Tôi nó sinh ra nhằm chinh chiến mới quen nhau mà thương mến 
Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về 
Ngày tôi gặp nó nét đăm chiêu đêm nhập ngũ 
Thấy thương nhau nhiều quá…

Tới đây thì cũng chưa thấy cờ quạt gì cả. Xe gập ghềnh qua một khuôn viên nhà hòm, xui sao hôm ấy lại có tới ba cái quan tài và cả ba đều phủ quốc kỳ. Ba cái cờ vàng chói lọi, có mấy người lính áo xanh đứng cạnh, thõng tay súng dài, chắc sắp hộ tống người chết về nghĩa trang nào đó và trước khi hạ huyệt sẽ bắn ba phát chỉ trời. Đây là lần đầu trong đời mình mới ấn tượng với lá cờ ba sọc, đồ hoa bèo chảnh hay đồ hoa rừng hết làm mình băn khoan, sao thì cũng phủ màu vàng. Câu “An Lộc địa sử ghi chiến tích” tiếp theo là “Biệt cách dù vị quốc vong thân”, lúc này thì câu sau thấm thía hơn câu đầu. Cửa xe đò mở, mình muốn đập vào thành xe ra hiệu ngừng lại và nói với anh Trung sĩ, thôi chào anh, tôi đổi ý, cám ơn anh ổ bánh mì. 

Lúc đó mình ớn lạnh, thấy lên lon binh nhất, thấy 18 tháng tiền tử tuất và thấy cái quan tài gỗ thông. Trong chớp mắt đó, quá khứ như trong phim tình cảm chiếu chậm hiện về: tháng trước mình còn ngồi quán Quartier Latin ở Paris ăn kem ly, ba tháng trước mình còn người yêu xứ lạnh, tóc nâu và mắt nhạt màu “aurora borealis” (bình minh Phương Bắc), chân dài đến… háng và đẹp như người mẫu, nói thật đấy. Giờ đọp mấy phát là đi đời trai trẻ, cũng chỉ vì phù hiệu “Cọp ba lằn sét” và hai cái cánh dù. Biệt kích dù là binh chủng đeo cả hai cánh trên ngực túi, cánh dù Mỹ và bằng dù Việt Nam, đã định bụng sắm loại bằng đồng cứng, chất lượng tốt và sơn màu đen. Mình đã toan nhảy xuống, không phải nhảy dù, nhảy trực thăng, nhảy toán mà nhảy khỏi xe đò đang chạy.

Xui sao hay hên sao là chuyện mình bị Biệt cách dù chê vì lý do sức khỏe. Binh nhì của binh chủng ưu tú này mắt không được cận thị. Sau khi đó mình lủi thủi ra khỏi trại, còn hai bạn kia thì trúng tuyển vì mắt sáng và vóc dáng như trâu. Mình vẫn nghĩ về hai bạn này, tháng 10 năm đó là họ sẽ thụ huấn xong, lấp lánh bằng Dù, tháng 12 biết đâu họ vào Phước Long theo hai đại đội của Liên đoàn bị tuyệt tích. Hai đại đội này có 15 người chạy ngược trở ra khi Phước Long thất thủ, trong đó có một thiếu úy sau này ở Cali. Mình có gọi điện cho anh và nói chuyện, lúc đó anh làm nghề cắt cỏ khó nhọc, nhưng ở xa nhau nên mình cũng không có dịp gặp anh. Nếu hai bạn trên hụt Phước Long thì có thể họ bỏ thây Xuân Lộc, hay biết đâu thuộc toán Biệt cách đi rừng và trở về sau ngày 30-4. Toán này viễn thám trên đất địch trước 30-4, nên không biết miền Nam đã mất và khi trở về tuyến xuất phát thì đâu cũng đã là “đất địch” cả! Họ bị coi là ác ôn ngoan cố và bị mang ra xử bắn, quấn chiếu mà về đất, chắc Cách mạng cũng cho họ cái chiếu chứ, nhưng hẳn là không có cả màu cờ.

Sau đó mình đăng bộ binh, Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” hay “Sét qua mặt trời”, một lằn thôi là đủ rồi chứ chẳng có ba. Bộ binh thì lòa luôn chắc họ cũng nhận, chẳng thấy chê gì mình mắt kém. Tuy sác xuất thấp hơn biệt kích nhưng lính mặc đồ gì thì cũng thế, đạn bắn trúng thì chết thôi và cũng phủ một màu cờ. Thời gian thụ huấn, chuyện chào cờ là khó tránh, 6 giờ tập họp điểm danh, trong hàng thì ai cũng làu bàu “thôi kéo lên kéo xuống gì nhanh lên cha, còn cho đi ăn sáng chứ”. Tất nhiên, cũng có bạn uy nghi ưỡn ngực và làm mặt quan trọng, trong đại đội chắc được vài ba người, loại này ở đâu mà chẳng có, thời đi học hay được làm trưởng lớp cầm bút đỏ. Hát quốc ca thì mình không muốn viết ra đây, có bạn chế lời rất là tục tĩu, dị bản với
 
Dù cho thây phơi trên gươm giáo
Thù nước lấy máu đào đem báo.

Sự thực của mình là như thế, lá cờ mình rất né, nhất là cờ phủ người, và ngày 30-4 mình cũng không có ở lại mà tử thủ cái cột treo trong sân Bộ Tư lệnh. Nhưng sang đến Mỹ, chẳng hiểu sao, nó nhân bản rất nhiều, và trong cộng đồng người Việt đi đâu cũng thấy, thêm cái lạ mắt là đi đâu nó cũng kèm với cờ Hoa Kỳ. Đây là một đặc tính của Việt kiều Mỹ, mình có thấy biểu tình tranh đấu ở Pháp, có cờ vàng nhưng không có cờ Pháp, hay ở Đức, Bỉ, Anh Quốc, Hà Lan gì cũng vậy, cờ vàng chẳng khi nào lại thêm cờ nước sở tại định cư. Duy có ở Mỹ, cờ vàng một mình nó tủi thân hay sao ấy, phải đi đôi. Hay là vì, nước Mỹ là nước hay trương cờ đối với các nước đã kể, nhập gia thì phải tùy tục thôi? Nói thế hẳn cũng không đúng hoàn toàn. Mình cũng có đi biểu tình tranh đấu với người Philippines ở Mỹ trước sứ quán Trung Quốc, đòi Scarborough Shoal. Mình thấy họ phất cờ Philippines, không thấy họ phất cả cờ Mỹ. Mình có đi biểu tình với người Palestine ở Mỹ, thì họ phất cờ Palestine, họ cũng không phất thêm cờ Hoa Kỳ. Chắc có lẽ tại hai nước này đều vần “ine”, Palest-ine và Philipp-ines,  nên mới có biệt lệ như vậy? Cũng không phải thế. Hôm Palestine biểu tình thì người ủng hộ Israel đến chống. Họ phất cờ Israel chứ không phất cờ Mỹ đi kèm, mặc dù tên nước họ vần “el”. Nước vần “am” như ta là độc nhất vô nhị.

Mình cũng hiểu là một biểu tượng, khi cái mà nó biểu tượng cho cũng không còn nữa, thì nó lại trở thành trân quý hơn. Cái “một thời áo trận” của mình không còn nữa thì mình cũng trân quý cái áo trận của mình hơn là cái áo mới mua ở cửa hàng Target, mặc dù ngày nay ở đây, tùy theo sở thích, tha hồ mà chọn màu vải ngụy trang. Lọn tóc con của người tình đã mất, người ta quý hơn là cả bộ tóc sáng chiều nào bà xã 30 năm nay ngồi chải (“Má nó chải đầu mau lên, bà chải xong tới đó là xe hết chỗ đậu cho bà xem!”). Nhưng cờ quạt không phải là chuyện đùa, nhất là đùa kiểu mặt nghiêm để có dịp mặc áo thụng. Mình có tình cảm riêng tư với lá cờ đó, ở giới hạn như mới trình bày. Mình từng sống dưới lá cờ này, ở đâu đó nó bay xa xa. Mình có đi lính, phục vụ nó mấy tháng ngắn ngủi. Nó là một kỷ vật, mình không thích thấy nó treo ngoài tiệm phở. Mình không thích bắt mình phải chào, chuyện bắt phải chào mình đã có trải qua rồi, ngày ấy. 

Để cho mình yên mà ngậm ngùi nhé, còn gặp đâu cũng mang cờ vàng ra phất tứ tán là chuyện của các bạn. Mình không phải là Hoàng vệ binh.

Đỗ Khiêm


 
 Từ khóa: lá cờ vàng
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 4.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn