“QUÝT LÀM CAM CHỊU” HAY MỘT MINH TRIẾT BỊ PHỦ MỜ!

Thứ sáu - 27/01/2017 18:54

(NCTG) “Việc ăn Tết cụ thể vào ngày nào có lẽ không thực sự quan trọng, đó hẳn chỉ là “quýt”, cái quan trọng chính là tình cảm gắn kết con người với nhau, đó mới là “cam”. Vậy cớ sao lại để việc ăn Tết vào ngày nào, hoặc có ăn Tết hay không, ảnh hưởng đến các mối quan hệ tình cảm gắn kết giữa con người theo kiểu “quýt làm cam chịu”?!”.

Sao lại là quýt?!

Sao lại là quýt?!

Tặng bác Ái Nữ, Xuân Đinh Dậu 2017

“Vì Cam cho Quýt phải lòng. Vì em nhan sắc cho lòng anh say...!”

Những ngày này hầu như trong gia đình Việt Nam nào cũng có mâm ngũ quả bày biện ngày Tết, trên đó có thể có trái quýt hay trái cam, vốn là những loại trái cây thường được thu hoạch quanh dịp này, nhất là ở miền Bắc. Bữa rồi trên “phây” của bác bạn “một người cầm bút từ trong kiếp trước” có treo tấm hình một loại trái cây có vỏ sần màu xanh khá dày và hỏi chơi mọi người “đây là trái cam hay trái quýt?”.

Bác cũng cho biết thêm “vị của nó cũng là vị cam chứ không phải vị quýt” vì thế mới có cuộc tranh luận. Hầu hết ai nhìn qua tấm hình cũng có thể nói ngay đó là trái quýt, nhưng không ai đưa ra được lý do cụ thể để giải thích tại sao đó lại là trái quýt. Các tiêu chí đưa ra hầu hết đều có gắn chữ “thường” nên không thể dùng làm tiêu chí phân biệt trong trường hợp ngoại lệ như thế này.

Ví dụ như “vỏ quýt thường mỏng hơn vỏ cam”, “vỏ quýt thường dễ bóc vỏ cam” hay “múi quýt thường dễ tách hơn múi cam”. Nhưng thực tế vẫn có một số loại cam mà các múi hầu như tách rời nhau, trong khi có những loại quýt bóc hết vỏ mà múi vẫn dính nhau…

Trong cuộc trao đổi vui vui nói trên mọi người đã không để ý đến sự khác biệt rõ ràng giữa cam và quýt thể hiện qua ngôn ngữ. Người ta có thể nói “bóc trái cam” cũng như “bóc trái quýt” hay khi nói “bổ trái cam” thì cũng có cách nói nghe gần giống “bửa trái quýt”.

Nhưng người ta chỉ nói “gọt trái cam” mà không nói “gọt trái quýt”! Vậy nên điểm khác nhau cơ bản giữa trái cam và trái quýt ở đây chính là lớp cùi. Nói một cách phóng đại thì vỏ trái cam cũng tương tự như vỏ trái bưởi, ở đó có lớp cùi gắn kết chuyển tiếp dần dần từ vỏ ngoài vào cho đến múi; còn vỏ trái quýt có cấu tạo gắn kết riêng và tách biệt khỏi phần múi bên trong.

Liên kết giữa các múi quýt và giữa phần múi với vỏ quýt được thực hiện nhờ vào các sợi sơ, chứ không phải là lớp cùi như trong trái cam. Vì thế mà có câu nói “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, vỏ quýt dù có dày đến mấy nhưng nếu có móng tay đủ nhọn để xuyên qua thì đều bóc được cả; nhưng giả sử vỏ cam mà có lớp cùi dày như vỏ bưởi chẳng hạn, thì dù móng tay có dài và nhọn đến mấy cũng không thể bóc được..!

Câu chuyện vui nói trên dễ gợi nhắc đến câu thành ngữ “Quýt Làm Cam Chịu” và thường được các sách vở giải thích như sau: khi một người làm việc gì mà nguời khác phải gánh chịu hậu quả của việc ấy (thường là hậu quả không hay), thì trong tiếng Việt, nguời ta thường nói là “Quýt Làm Cam Chịu”. Cơ sở của lối giải thích này được cho là hoặc dựa trên kinh nghiệm của người làm vườn hoặc dựa vào giai thoại Trạng Lợn.

Theo kinh nghiệm của người làm vườn thì cam và quýt khi trồng chung với nhau sẽ dẫn tới lẫn vị và kém năng suất, do đó một mảnh vườn chỉ nên trồng một loại hoặc cam hoặc quýt, từ đó mà sinh ra câu “Quýt Làm Cam Chịu” nghĩa là đã “làm” tức trồng quýt rồi thì đành “chịu” không nên trồng cam nữa!

Còn giai thoại Trạng Lợn kể lại như sau: Trạng Lợn được nhà vua vời vào cung để giao việc tìm ra thủ phạm ăn cắp đôi vòng ngọc quý của công chúa; gặp ca này quá khó, sắp hết hết thời hạn bảy ngày rồi mà trạng ta vẫn chưa có manh mối nào để tìm ra.. Đêm không ngủ được, chắc mẩm sẽ bị nhà vua trách phạt, Trạng ta tự than thân trách phận “hừ, rõ thực là quýt làm cam chịu!”.

Ai dè tên người hầu chầu trực ở đó tên là Cam, cũng chính là người đã thông đồng với tên Quýt để ăn cắp đôi vòng giờ đã cao chạy xa bay, nghe thấy thế sợ quá tưởng là trạng đã xác định được thủ phạm. Tên Cam liền quỳ xuống xin trạng tha mạng và thành thật khai báo hết cả đầu đuôi sự tình để mong được khoan hồng nhẹ tội, vì thế mà trạng dễ dàng truy bắt được tên Quýt và tìm lại được đôi vòng.

Vậy là “chẳng may chó ngáp phải ruồi” mà trạng đã tìm ra được thủ phạm và được trọng thưởng, và cũng từ đó mà dân gian coi trạng như thần, và câu “quýt làm cam chịu” vì thế mà được phổ biến rộng rãi trong dân gian.

Nếu thực ý nghĩa của câu thành ngữ “Quýt Làm Cam Chịu” chỉ dừng lại ở mức nói đến “việc một người làm còn nguời khác phải gánh chịu hậu quả của việc làm đó” như trên thì ý nghĩa của nó cũng không khác nhiều so với câu thành ngữ “kẻ ăn ốc người đổ vỏ” vốn được sử dụng rộng rãi hơn!

Ý nghĩa thực sự của câu thành ngữ này sâu xa hơn: nó không chỉ diễn tả hiện tượng “Quýt Làm Cam Chịu” mà còn chỉ ra nguyên nhân hay bản chất của việc đó! Từ đó có thể rút ra “bài học” hay minh triết hy vọng tránh rơi vào tình trạng đó!

Cam là một từ Hán-Việt và cũng là một bộ chữ mang nghĩa là “Ngọt” đây chính là chữ “cam” nằm trong cụm thành ngữ “đồng cam cộng khổ”. Chữ Cam này khi ghép thêm với bộ Mộc sẽ tạo ra chữ đọc đồng âm là Cam , để chỉ cây cam “cây ngọt” và cũng để chỉ luôn trái cam “trái ngọt”. Chữ Cam 甘 vẽ hình cái lưỡi với một vạch đọng lại ở giữa lưỡi thể hiện vị “ngọt” hoặc nhìn cách khác như hình một khung [thùng] gỗ gắn kết chặt chẽ.

Do vậy mà cả chữ “Cam” lẫn chữ “Ngọt” đều được dùng để chỉ sự hòa quyện, nhuần nhuyễn, gắn kết và liên tục... bên cạnh việc chỉ vị ngọt. Ví dụ một bác thợ mộc có thể nói đến việc đóng các khớp gỗ vào với nhau một cách trơn tru là “vào rất ngọt” hay có thể khen một bác tài lái xe nhuần nhuyễn qua các đoạn đường đèo quanh co là “vào cua rất ngọt!”.

Hơi hướng nghĩa mang tính gắn kết “đồng cam” này của chữ “Cam” hiện vẫn có thể được nhận ra trong một số từ tiếng Việt như “cam đoan”, “cam kết”, “cam chịu”, “cam lòng”, “cam phận”, “cam quyết” với chữ “cam” thể hiện đặc tính “gắn bó cơ hữu” tựa như các phần vỏ, cùi và múi trong trái cam. Ngược lại chữ “Quýt” giờ vẫn có thể tìm thấy trong chữ “quấn quýt” được dùng thể hiện mối quan hệ có gì đó gần gũi, ríu rít, quanh quẩn bên nhau, theo sát nhau... nhưng không gắn kết với nhau như một bộ phận cơ hữu!

Tựa như việc giữa các múi quýt và giữa phần múi quýt và vỏ quýt được gắn kết với nhau bằng các sợi sơ, và cái vỏ quýt bao bọc bên ngoài tạo ra cảm giác đó là một khối gắn kết. Nhưng chỉ cần bóc đi lớp vỏ che ngoài (một cách dễ dàng!) là cũng có thể dễ dàng tách các múi quýt ra khỏi nhau mà không gây “thương tích” gì: các múi quýt không bị dập vỡ mềm ướt; nhưng khó có thể bóc tách các múi cam ra khỏi nhau mà không gây dập vỡ các tép cam trong đó và làm múi cam mềm ướt!

Vậy thì các chữ “cam” và “quýt” trong câu thành ngữ được nói tới ở đây không phải là một sự lựa chọn đơn giản và ngẫu nhiên kiểu “người này, người khác”! Chỉ có thể nói “Quýt Làm Cam Chịu” mà không thể nói “Cam Làm Quýt Chịu!”. Đó là một sự lựa chọn có chủ ý để thể hiện những rắc rối, tai ương thường được tạo ra do các [mối] liên hệ “quấn quýt” ở bên cạnh ta mà không có mối “gắn bó cơ hữu” với ta gây ra.

Sự gần gũi bên cạnh đôi khi chỉ là hình thức như vỏ bọc bên ngoài của trái quýt bao lấy những múi quýt rời rạc bên trong. Nhưng hậu quả của những rắc rối, tai ương đó thường lại đổ ập vào những gì gắn kết chặt chẽ và “cam chịu” cùng ta. Hẳn trong giai thoại về Trạng Lợn nói tới ở phần trên, việc giữ tên Cam là tên hầu cận ở lại và tên “Quit” cao chạy xa bay cũng là một manh mối mà người xưa cố tình lồng vào để giúp các thế hệ sau hiểu được ý nghĩa sâu sắc của câu thành ngữ này!

Bản chất của các mối liện hệ trong “cam” và “quýt” được nói tới ở đây có gì đó tựa như mối liên hệ giữa các phạm trù triết học “nội dung” và “hình thức” hay “bản chất” và “hiện tượng”, hoặc như các mối liên hệ giữa “Dấu hiệu và Ký hiệu” được nhà văn Nabokov diễn tả tinh tế trong một truyện ngắn nổi tiếng cùng tên (Signs and Symbols).

Viết những dòng này vào những ngày cận Tết, mà trước đó trên nhiều diễn đàn có các trao đổi sôi nổi quanh chuyện có nên bỏ Tết ta hay hợp nhất Tết ta vào Tết tây. Ngẫm lại thì Tết có lẽ cũng chỉ là một dịp quy ước được chọn ra từ một vài ngày có tính chất đặc biệt trong mạch thời gian của đất trời, nhân đó con người được tranh thủ nghỉ ngơi và thăm gặp lẫn nhau để thể hiện tình cảm gắn kết.

Vậy nên việc ăn Tết cụ thể vào ngày nào có lẽ không thực sự quan trọng, đó hẳn chỉ là “quýt”, cái quan trọng chính là tình cảm gắn kết con người với nhau, đó mới là “cam”. Vậy cớ sao lại để việc ăn Tết vào ngày nào, hoặc có ăn Tết hay không, ảnh hưởng đến các mối quan hệ tình cảm gắn kết giữa con người theo kiểu “quýt làm cam chịu”?!

Chúc bà con đón những ngày Tết vui vẻ và có một năm mới ấm áp và hạnh phúc. Tiện dịp thưởng thức các trái cam ngon quýt ngọt hẳn là dồi dào nơi các mâm cỗ ngày Tết, nhân đó mà ngẫm ngợi về “Cam” và “Quit” cùng các di sản tinh thần của cha ông, hẳn vẫn còn nhiều điều hay lẽ phải mà cha ông để lại vẫn đang bị phủ mờ như trong câu thành ngữ này.

Leonvu Quant, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Tết, cam và quýt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn