THẦY LƯƠNG DUY TRUNG: CÁI TÊN NHƯ MỘT CUỘC ĐỜI

Thứ sáu - 06/01/2017 01:37

(NCTG) “Tôi nhìn Thầy như một “bậc quý ông”: tuy vóc dáng nhỏ nhắn nhưng bao giờ cũng xuất hiện trong sự đường hoàng, đầu cất cao, cử chỉ đĩnh đạc, quần áo chỉn chu mà không cầu kỳ; rất đúng giờ giấc; cư xử tinh tế, nhũn nhặn; sống không ganh đua tị hiềm, không phiền hà ai cả, không phô phang vật chất; ít nói về mình và hành động nhiều hơn nói; hòa đồng nhưng chỉ giao du với người mình quý, giúp kẻ khó và trọng người tài...” - PGS.TS. Phạm Thị Phương viết về người thầy, PGS., Nhà giáo Ưu tú Lương Duy Trung.

PGS. Lương Duy Trung (thứ hai từ trái sang) - Ảnh tư liệu

PGS. Lương Duy Trung (thứ hai từ trái sang) - Ảnh tư liệu

Có những người để lại dấu ấn trong ta không phải bằng gam màu chói chang mà bằng một thanh sắc dịu nhẹ, một vọng âm ngân đọng, để rồi bỗng một hôm muốn đi tìm họ, ta không thấy họ ở đâu giữa dòng đời chen chúc náo nhiệt, trong những tuyên bố và những trang hồi ký chấn động, ta cần rất khẽ khàng men theo hồi ức ẩn giấu kỹ càng trong góc sâu, mới thấy họ dần hiện ra nguyên khối. Thầy Lương Duy Trung của chúng ta là người như vậy, một con người mà chúng ta mảy may không gợn một chút hồ nghi về lòng mến yêu.

Ký ức về những bậc thầy như thế sẽ bật thức mỗi lần ta nghĩ đến một cuộc đời sáng ngời trong lặng thầm.

Đi tìm Thầy Lương Duy Trung, tôi đã gặp một cái tên như một cuộc đời.

Nếu nói cái tên có thể ứng nghiệm vào cuộc đời thì đó chính là trường hợp Thầy, ở nghĩa hàm súc nhất của “Kỉ sở lập, lập ư nhân”, “tâm” và “trung dung”. Quả thật cả đời mình, Thầy đã hành xử đúng như ý nghĩa mà cụ thân sinh Lương Duy Tâm ngụ ý khi đặt tên con (1).

Đi tìm Thầy, tôi đã thấy “lập ư nhân”

Đặt bút để viết về Thầy quả là không dễ, tôi cất bước đi tìm Thầy giữa những sự kiện quá khứ chồng xếp và không ít điều đã bị lu mờ, kết quả tôi gặp được… những người khác - những người nhờ sự góp công sức của Thầy mà thành đạt hơn trong sự nghiệp: PGS.TS Đào Ngọc Chương, TS. Hoàng Kim Oanh, TS. Đào Thị Bạch Tuyết, TS. Hà Minh Châu, Ths. Nguyễn Quỳnh Trang, Ths. Vũ Thị Xoan, Ths. Nguyễn Thị Minh Thư… Nhưng thôi, kể không xuể danh sách này. Cái chính muốn nói là cách Thầy lặng lẽ khiêm nhu đứng đằng sau những thành công của người mình giúp, chưa bao giờ cất tiếng nói gì về bản thân, chưa bao giờ đòi hỏi ở ai sự “tri ân”, “báo đáp” nào cả. Thầy là vậy…

Là người tự thân lập nghiệp, tuổi trẻ bôn ba tuổi già lặng lẽ, từng là chiến binh kháng Pháp và suốt đời “trồng người”, từng ở non cao Việt Bắc và đô thị trung tâm, từng tu nghiệp trời Đông trời Tây, từng trên bục giảng đất Bắc đất Nam, từng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau (Trưởng khoa Ngoại ngữ , Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, Hội trưởng Hội Cựu chiến binh), Thầy luôn gần gũi và ân cần tìm cách giúp mọi người trong cuộc mưu sinh. Vào những năm mà cụm từ “thân nhân sĩ quan Việt Nam Cộng hòa” làm nhiều người lảng tránh, Thầy không ngần ngại giúp cô giáo Pháp ngữ (tên Trang?) - một “thành phần” như thế - có giờ dạy và công ăn việc làm ổn định.

Quá hiểu “cơm áo không đùa với… giáo văn”, Thầy thiết thực giúp cải thiện đời sống vật chất eo hẹp của anh chị em Khoa Văn (chị Phan Thị Hiên, thầy Lê Văn Chín, thầy Phan Thanh Lương, thầy Hồ Sĩ Hiệp…) bằng cách kiếm thêm công việc phụ cho họ tại Trung tâm Ngoại ngữ. Là thành viên của Hội đồng phân phối nhà cửa (khu chung cư), Thầy không bao giờ bỏ một phiên họp nào, dù bận đến đâu hay đang khi yếu mệt, bởi lẽ: “Mình phải đến để bỏ phiếu cho anh em khoa Văn chứ!”. Không chút màu mè, luôn ở bên mọi người những lúc cần thiết nhất, lặng lẽ và thiết thực, làm nhiều hơn nói - Thầy là vậy… 

Đi tìm Thầy, tôi đã gặp chữ “tâm” và “trung dung”

Bản thân “Kỉ sở lập, lập ư nhân” cũng toát lên chữ “tâm”. 

Bản thân chữ “tâm” đã khiến người ta trở nên “trung dung”.

Sinh ra trong một gia đình dòng dõi khoa bảng (2), có nền tảng Nho giáo, lớn lên theo đuổi văn chương Phương Tây, ở Thầy Lương Duy Trung toát lên một cốt cách tự tại, mực thước của một ông đồ Nho, đồng thời sự phóng khoáng, cởi mở, lịch lãm của nhà trí thức Tây học. Riêng tôi, tôi nhìn Thầy như một “bậc quý ông” (gentleman): tuy vóc dáng nhỏ nhắn nhưng bao giờ cũng xuất hiện trong sự đường hoàng, đầu cất cao, cử chỉ đĩnh đạc, quần áo chỉn chu mà không cầu kỳ; rất đúng giờ giấc; cư xử tinh tế, nhũn nhặn; sống không ganh đua tị hiềm, không phiền hà ai cả, không phô phang vật chất; ít nói về mình và hành động nhiều hơn nói; hòa đồng nhưng chỉ giao du với người mình quý, giúp kẻ khó và trọng người tài; yêu nghệ thuật và biết ngắm thưởng “nhan sắc” mà tuyệt nhiên không cợt nhả… Không ít những phẩm tính trong số này là của người có nền tảng giáo dục Nho học.
 
Cùng những người bạn - Ảnh tư liệu
Cùng những người bạn - Ảnh tư liệu

Ít thấy Thầy nổi giận, bao giờ cũng nhỏ nhẹ, thanh thoát pha đôi chút tinh nghịch, dí dủm, yêu đời, đôi lúc cả tính tự trào - điều làm Thầy xích lại gần tất thảy mọi người. Sinh viên vốn hay có màn “duyệt dung nhan” giảng viên bữa ra mắt, xì xào về con mắt độc nhãn của Thầy (trong kháng chiến chống Pháp, Thầy bị hỏng một mắt), ông cụ tinh nghịch: “Đã từ lâu tôi nhìn đời chỉ bằng một con mắt”, cả lớp cười bò, coi như xong màn làm quen. Vào bài, thầy bày “mánh”: “Gọi tên nhân vật nước ngoài khó thì cứ phiên tiếng Việt nhé, riêng Candide thì phải để nguyên chứ phiên ra thì không hay lắm!”. Cả lớp lại bò ra cười, coi như xong màn kết giao thân thiết. Nhưng bài giảng của Thầy không hề xuề xòa qua loa, mà nghiêm cẩn trong từng chi tiết. Vừa giảng vừa lắng nghe, không bao giờ áp đặt ý kiến một chiều và bao giờ cũng nhìn mọi sự trong sự quân bình, không thái quá, không cực đoan. 

Tâm sáng làm Trí con người tinh anh, biết cần làm gì và không cần thiết làm gì. Khi không thấy cần thiết hay không muốn phải giúp ai đó cho có hình thức, Thầy từ chối, kiên quyết nhưng nhẹ nhàng, không để họ mếch lòng. Một khi thấy sự giúp đỡ là cần thiết, Thầy tự khắc chìa tay ra. Và khi tâm sáng người ta không thấy cần thiết phải làm “sáng” chuyện nào đó, không “nghiêm trọng hóa” điều gì không thuộc về nguyên tắc. Chúng tôi lén gọi Thầy là “ông già Kutuzov” (chả là tướng Kutuzov cũng hỏng một mắt), vì sự tinh tường, thấu suốt mọi nhẽ, đừng tưởng “ông cụ” không nói là vì không biết. Biết mọi nghịch ngợm của lũ học trò, Thầy không trách mắng, chỉ nheo mắt mủm mỉm cười - nụ cười “biết tuốt” tinh nghịch pha chút mong muốn dự phần vào trò vui con trẻ.

Tương truyền Thầy là tác giả duy nhất của một cuốn sách lẫy lừng, cuốn khảo cứu chuyên môn có giá trị, nhưng lầm lẫn thế nào mà nhà xuất bản lại ghi thêm tên một người khác vào bên cạnh tên thầy. Thầy im lặng không nói gì cho đến giờ. Chúng tôi cũng không dám hỏi, để rồi, mọi cái đi vào huyền thoại. Thầy là vậy… 

Đối đãi với người đời bằng cái tâm, đến với văn chương chữ nghĩa Thầy cũng sống bằng tất cả cái tâm chân thật, đầy xúc cảm và lãng mạn. Sinh viên, học viên ấn tượng với lối giảng bài khúc chiết, rỉ rả, tâm huyết của thầy trong những tiết về Othello, Hamlet, King Lear, Macbeth… Và bao giờ cũng thế, ra khỏi bài giảng của Thầy, người học luôn thấy không chỉ được khai trí mà còn được khai tâm. Dạy “Eugénie Grandet” (Balzac), tới bức thư của Charles gửi Eugénie, giọng thầy trầm hẳn xuống, rung lên trong nước mắt làm cả lớp lặng người đi và cùng Thầy chìm vào cảm xúc, cảm tưởng người nhận lá thư đó là chính ông thầy đang đứng trước mặt mình chứ không phải cô gái Pháp thời nao. PGS. TS. Trần Thị Quỳnh Nga tâm sự rằng cứ mỗi lần giảng tác phẩm văn học Nga “Onegin Evgeni” (Pushkin), tới đoạn hai lá thư, chị bất giác nhớ đến người thầy dạy văn học Pháp năm xưa đã gieo vào tâm chị một nốt nhạc luyến láy về một thời con gái tóc rất xanh và hồn rất trong, đã thương đã yêu thế nào... Với “Hamlet”, đôi khi thầy cũng đắm sâu như thế trước câu “To be or not to be”, rồi giật mình, quay trở lại lớp học. Thầy là vậy…

Đi tìm Thầy, tôi chỉ biết một phần nhỏ nhoi… Phần vì tôi vô tâm, sống trong vội vàng mà ít lần lắng lại, phần vì Thầy quá lặng lẽ, khép mọi riêng tư trong căn nhà mình, cất mọi công lao vào lời không nói. Vẫn biết ngôi nhà ở khu Văn Thánh luôn mở cửa, bình trà luôn ấm nóng, bánh trái ở trên bàn, Thầy hằng đợi chúng tôi mỗi dịp ghé về: “Ăn mứt gừng này tốt cho sức khỏe lắm…”, vậy mà…

Ghi chú:

(1) GS.Lương Duy Thứ - em trai kế Thầy Lương Duy Trung, cho biết cụ thân sinh đặt tên cho các con trai theo hai nội dung chính của đạo nhân của nhà Nho: “Trung được giải thích là “Kỉ sở lập, lập ư nhân” - điều mình muốn thành đạt thì cũng giúp người khác thành đạt. Còn Thứ là “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” - nghĩa là điều mình không muốn thì cũng đừng gán cho người khác. Trong chữ Hán, Thứ thuộc loại hội ý, trên chữ như dưới chữ Tâm; Cha Duy dạy con như vậy nên cả 5 người con trai đều có chữ Tâm ở dưới (Trung, Thứ, Tuệ, Tưởng, Thái)”. (Lương Duy Thứ - “Quê hương là trái bần chua ngọt”, NXB Hội Nhà văn, 2011, tr. 41- 42).

(2) Xem:
- “Danh sách các quan lại, các nhà khoa bảng thời phong kiến và các nhà quản lý, tri thức tiêu biểu con em Làng Lệ Sơn”
- Quyết định của tỉnh Quảng Bình công nhận dòng Lương Duy là một dòng họ khoa bảng (Tạp chí “Văn hóa Quảng Bình” số 3 năm 2010, tr. 25).

PGS. TS. Phạm Thị Phương, từ TP. HCM


 
 Từ khóa: Lương Duy Trung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn