PHÚC ÂM KELLS - TUYỆT TÁC THƯ HỌA TÂY PHƯƠNG

Thứ hai - 26/12/2016 06:12

(NCTG) Phúc Âm Kells (c. 800, Ireland) là một thủ bản minh họa Phúc Âm bằng tiếng Latin do các tu sĩ Celt theo truyền thống thánh Columba chế tác, bao gồm bốn Phúc Âm quy điển thuộc Tân Ước, chủ yếu dựa trên bản Vulgate và một số ít dựa trên văn tự cổ hơn là Vetus Latina.

Biểu tượng của bốn Thánh Sử, tác giả các bản “Phúc Âm” - Ảnh: Wikipedia

Biểu tượng của bốn Thánh Sử, tác giả các bản “Phúc Âm” - Ảnh: Wikipedia

Tên sách được đặt theo Tu viện Kells - nơi đã gìn giữ cuốn sách suốt hàng trăm năm, bất chấp nhiều cuộc càn quét của người Viking. (Sử sách có ghi chép về một lần sách bị cướp, xé lấy mất trang bìa nạm vàng bạc đá quý rồi vứt bỏ, nhưng may sao vẫn tìm lại được).

Trải qua bao thế hệ, hiện nay sách chỉ bị mất 60/740 trang và được xem là quốc bảo tuyệt mĩ nhất của Ireland, đỉnh cao của nghệ thuật Insular và tuyệt tác của nghệ thuật thư họa Phương Tây.

Cuốn sách thể hiện niềm tin yêu lớn lao của con người dành cho đức tin của mình. Làm từ khoảng 185 bộ da bê, 680 trang sách được trang trí bằng nhiều màu sắc rực rỡ, bao gồm nhiều màu đắt tiền (lục verdigris, thổ hoàng ochre) phải mua từ những nơi xa xôi như Địa Trung Hải, và cả nhiều màu có độc tố cao như vàng orpiment (arsenic sulphide), đỏ (chì đỏ).

Mang đậm dấu ấn của văn hóa Celtic tràn đầy sinh lực đan xen cùng những điển tích và biểu tượng của Ki-tô giáo, các họa tiết trang trí vượt xa mọi thủ bản minh họa trước đó về độ dày đặc và phức tạp. Sách tràn ngập vô số hoa văn nhỏ li ti, chỉ có thể nhìn thấy bằng kính lúp, chẳng hạn như ở một trang, có 158 họa tiết xoắn kết trong một hình vuông 1-inch. Đây là điều bí ẩn, vì hàng trăm năm sau đó thì kính lúp với độ phóng đại tương ứng mới ra đời.
 
01KellsFol034rChiRhoMonogram

Trên đây là trang Chi Rho nổi tiếng nhất của cuốn sách (trang 34.R), với họa tiết trang trí xoay quanh ba mẫu tự tiếng Hy Lạp χ (chi) - ρ (rho) - ι (iota) (ba chữ đầu của “Christ”) và từ “generatio” cuối trang, minh họa câu “Christi autem generatio” (Sự giáng sinh của Chúa Giê-su Ki-tô) trong “Phúc Âm Matthew” 1:18–25. Theo điển tích này, các nhà thông thái Phương Đông đã theo hướng một ngôi sao sáng đến Bethlehem để chiêm bái Chúa hài đồng, vì Người sinh ra để làm vua của người Do Thái.

Được báo mộng, họ không quay lại gặp vua Herod theo hẹn (“khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” - Matthew 2:8), mà đi đường khác về nhà, Herod liền ra lệnh tàn sát tất cả trẻ em trai ở Bethlehem, nhưng gia đình Người đã kịp tránh sang Ai Cập rồi trở về quê nhà Nazareth (Israel) sau khi Herod qua đời.

Thể hiện lòng thành kính trước sự ra đời của Chúa, ba mẫu tự được dàn trải trên toàn bộ trang sách nằm giữa cuốn sách - một điều khá hiếm vì kiểu trang trí này vốn chỉ dành cho lời mở đầu hoặc những sự kiện quan trọng. Hình gương mặt Người ở giữa trang sách nhấn mạnh dấu mốc này: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (John 1:14). Từ đây Chúa sẽ trải qua hành trình hữu thể để mặc khải cho loài người.

Thể hiện hành trình hữu thể của Chúa, nhiều biểu tượng tôn giáo được cài lồng trong ba mẫu tự lớn. Motif nổi bật nhất là “bộ ba hình tròn” và “tâm tỏa ba nhánh” (triskelion) - vốn là một motif phổ biến của văn hóa Celt trước khi Ki-tô giáo xuất hiện. Với sự phổ biến của Ki-tô giáo từ thế kỷ thứ 5, các motif này trở thành biểu tượng của “Chúa Ba Ngôi” (Cha, Con và Thánh Thần) và sự vĩnh hằng; thể hiện khát vọng đạt đến sự trường tồn vĩnh cửu nhờ ân điển của Chúa.

Góc dưới chữ χ (chi), hai mèo lớn cõng hai mèo con trên lưng, đang nhìn hai mèo con khác cùng uống nước từ một cái đĩa. Bên phải gần đó, một con rái cá đang cắn một con cá. Cá là biểu tượng Ki-tô giáo thời kỳ đầu, vừa là dấu chỉ đến phép lạ hóa bánh ra nhiều, chữ cá trong tiếng Hy Lạp Ichthus cũng viết tắt của Iesous Christos Theou Uios Soter” (Jesus Chirst, Son of God, Savior).

Các Ki-tô hữu hoàn toàn có thể liên tưởng đến Thánh lễ Tiệc Ly - nghi lễ hướng đến sự thông hiệp giữa con người với Chúa và giữa các tín hữu với nhau. “Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”.

Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập giao ước mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (Corinthians 11:23-29). “Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”. (John 6:55-56).
 
Trong khi ở văn hóa Byzantine cùng thời, mọi khía cạnh của đời sống như trang sức, đồ thủ công, kiến trúc v.v… đều phản ánh các yếu tố nghệ thuật bản địa đặc trưng, thì văn hóa Insular khá thờ ơ với kiến trúc, hầu hết các công trình xây dựng đều sơ sài. Có lẽ vì vậy mà ở các vật phẩm mang tính tôn giáo, văn hóa Insular đặc biệt vượt trội về độ tinh xảo, cầu kỳ và rực rỡ, thậm chí đến mức vẻ đẹp lấn lướt công năng như ở Phúc Âm Kells: sách có khá nhiều lỗi văn bản nhưng không được chỉnh sửa, có lẽ là để giữ cho sách đẹp.

Chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng cảnh các giáo dân ban ngày sống trong những ngôi nhà đơn sơ, chiều tối đến nhà thờ nghe Kinh Thánh. Trong bóng tối bao trùm, nhiều người không biết chữ mà chỉ ngồi từ xa nhìn loáng thoáng các trang sách đầy màu sắc tỏa ngời dưới ánh nến lung linh, họ sẽ cảm thấy bầu không khí linh thiêng, nhiệm mầu đến thế nào.

Có lẽ đối với họ, Sách Thánh không cần phải chính xác hay rõ ràng từng từ từng chữ. Trang sách mầu nhiệm là vì mỗi câu chữ vừa gợi mở lại vừa ẩn mình, vừa thể lộ lại vừa che giấu, như một điều huyền diệu phải được ẩn đi để trở thành sự thật.*

Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai.” (Matthew 12:16)

Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng. (Mark 4:22)

Link dưới đây là toàn bộ 680 trang sách còn lại, được thư viện Đại học Trinity (Dublin) scan với độ phân giải cao. Đây cũng là nơi lưu trữ sách hiện tại.
 

Một số hình ảnh trong sách:
 
Trang 1V
Trang 1V
 
Trang 2R
Trang 2R
 
Trang 32V
Trang 32V
 
Trang 50V
Trang 50V
 
Trang 100V
Trang 100V

Vài thông tin thêm:

- Nhiều chỗ thủng nhỏ trên sách là do màu “lục verdigris” phản ứng với độ ẩm trong không khí làm mòn thủng da. Màu lục này cũng là màu trên tượng Nữ thần Tự Do, khi đồng bị ăn mòn.
 
Nữ thần Tự Do
Nữ thần Tự Do

- Năm 2009, phim hoạt hình “The Secret of Kells” với ba nước Pháp-Bỉ-Ireland cùng hợp tác sản xuất ra mắt - một câu chuyện kỳ thú tưởng tượng về hành trình sáng tạo và gìn giữ quyển sách này.

Cùng tinh thần với những người vẽ nên sách, những nhà làm phim chăm chút từng nét vẽ. Mỗi khung hình đẹp như một bức tranh, với vô vàn họa tiết tinh tế.

Phim trở thành phim nước ngoài duy nhất được đề cử Oscar cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất vào năm sau.
 
07
08

Phan Lặng Yên


 
 Từ khóa: Phúc Âm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn