BERLIN, VỌNG MÃI PHÚC ÂM BUỒN

Thứ năm - 22/12/2016 17:42

(NCTG) “Nhưng từ nay, mỗi khi đi qua đó, còn ai trong chúng ta quên được chuyện gì đã xảy ra? Tôi sẽ nói gì với các bạn tôi, những người bạn từ xa đến, về nơi đây? Hơn ba triệu dân cư ở thành phố xinh đẹp và cứng cỏi này bao giờ mới xóa đi trong ký ức vệt đường thảm họa từ một đêm kinh hoàng và chết chóc?”.

Nơi xảy ra vụ khủng bố trước lễ Giáng sinh

Nơi xảy ra vụ khủng bố trước lễ Giáng sinh

Mùa hè trước, sau chuyến du lịch ở Roma, một chuyến đi đầy ắp tiếng cười và ngập tràn trải nghiệm, đứng ở sân bay Ciampino, con gái nói: “Mama có thấy vui vì mình sắp được về nhà không? Còn con, sau mỗi chuyến đi, con đều thấy mình thật may mắn vì được trở về nhà, được sống ở Berlin”. 

Berlin, lần đầu tiên tôi đặt chân lên tháp truyền hình - biểu tượng của Đông Berlin là vào năm 1987. Tháp đó xấu hoắc, có mỗi cái cục tròn tròn cắm vào cái tháp dài 368 m tự quay quanh nó và người ta phải leo lên đó bằng cầu thang máy. Lần đó tôi dẫn lũ bạn từ Tiệp Khắc sang chơi, thời Đông Đức, chả khoe cái Fernsehturm thì khoe cái gì. Hai mươi năm sau, cũng vì ham đi chơi với bạn bè mà tôi lại leo lên tháp truyền hình. Vẫn cái cục tròn tròn tự quay quanh mình. Nhưng khi đứng trên đó phóng tầm mắt ra xa ngắm hoàng hôn buông trên thành phố, cảm giác thật khó tả. Hình như dưới cái nhìn của tình yêu, mọi vật đều đổi khác.

Tôi không yêu Berlin ngay từ đầu, nói đúng ra, tôi không yêu Berlin ngay từ lần đầu gặp gỡ. Berlin không phải là mối tình đầu của tôi. Tôi đã từng đến Paris và yêu nó ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cũng tương tự như thế, tôi yêu Dresden, thành phố thung lũng bên dòng sông Elbe và không giấu được niềm ghen tỵ chỉ vì thiên nhiên và lịch sử đã ưu ái cho nơi đây quá nhiều.

Giống như một tình yêu muộn, tôi không biết mình đã yêu Berlin từ khi nào. Có phải từ lần ấy, khi con gái tôi nói rằng nó luôn cảm thấy may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở nơi đây? Hay từ hôm 19-12, khi các kênh truyền thông Đức đồng loạt đưa tin về vụ thảm sát bằng xe tải ở ngay trung tâm Berlin?
 
Chợ Giáng sinh bên Nhà thờ cụt, năm 2015 - Ảnh: Internet
Chợ Giáng sinh bên Nhà thờ cụt, năm 2015 - Ảnh: Internet

Đêm đổ tường (Mauerfall), tôi đã đứng dưới chân Nhà thờ cụt này, ngắm nhìn cái biểu tượng của chủ nghĩa tư bản mà rưng rưng cảm phục, họ đã thống nhất đất nước không tốn một viên đạn. Khi đó tôi không biết rằng, chính nơi đây, 27 năm sau, sẽ lại một lần nữa chứng kiến một cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy oan nghiệt vì máu những người dân thường.

Nhà thờ cụt, như cách gọi đầy sáng tạo của người Việt mình, có tên đầy đủ tiếng Đức là Kaiser Wilhelm Gedächniskirche vốn là tài sản của Giáo hội Tin Lành được khánh thành vào ngày 1-9-1895 nhằm tưởng niệm Hoàng đế Wilhelm I. Trong Thế chiến thứ hai, nhà thờ đã bị đánh bom, bị phá hủy gần như toàn bộ, chỉ còn tháp chuông đứng vững và bị cụt đầu. Sau chiến tranh, người ta đã trưng cầu ý dân và từ đó đến nay, nó được giữ nguyên trạng như một di tích và biểu tượng nhắc nhở dân tộc Đức về quá khứ. Cái tháp chuông cụt này cũng trở thành biểu tượng của Tây Berlin, một điểm du lịch được du khách ưu ái chỉ sau cổng thành Brandenburg.

Nhà thờ tọa lạc trên một khu đất đắc địa bậc nhất Berlin. Nó nằm lọt giữa hai con đường thương mại sầm uất với vô số khách sạn, nhà hàng, với quảng trường Breitscheid, với đài phun nước và quán kem Ý danh tiếng. Có ai từng đặt chân đến Berlin mà bỏ qua được điểm hẹn hò lý tưởng này? Sau khi ngắm chán chê cảnh vật, guồng mỏi chân ở những dãy phố Tauentzien, Budapester, Kurfürstendamm, vét hết tiền trong KaDeWe, khu mua sắm lớn nhất Châu Âu một thuở, dặm bụng cánh gà rán KFC và xúc xích nướng thuần Đức đẫm mù tạt với sốt cà-ry, không gì thư giãn bằng được nhẩn nha một cốc kem Ý và chiêm ngưỡng Nhà thờ cụt ngay trước mặt. Đầy thương tích và hoang tàn, kiến trúc không hề lộng lẫy chẳng có gì đáng khoe, nhưng nó vẫn đứng đó “trơ gan cùng tuế nguyệt”, bình thản chứng kiến sự vươn dậy của một dân tộc từ trong đau thương, lỗi lầm và đổ nát.

Mùa hè, nơi đây tràn ngập du khách và những người thợ vẽ chân dung. Thỉnh thoảng lại có ban nhạc đường phố ào đến quậy tưng bừng cả quảng trường. Mùa đông, những người họa sĩ ấy được chính quyền mời đi chỗ khác để dựng chợ Giáng Sinh. Chính thời điểm này, quảng trường Breitscheid đông vui nhất. Các quầy hàng Noel san sát nhau, rực rỡ sắc màu, thơm lừng mùi xúc xích nướng, rượu vang hâm nóng, hạt điều ngào đường, bánh Crêpe nhức mũi và hạt dẻ nướng ấm sực cả mùa đông. Người đi như trẩy hội. Những công dân hạnh phúc của một đất nước hạnh phúc bao đời nay vẫn bình an như vậy. Cho đến đêm qua.
 
Trước lễ Noel năm nay...
Trước lễ Noel năm nay...

Cho đến đêm qua...

Một chiếc xe tải oan nghiệt đã lao vào dòng người đẹp đẽ, lương thiện và vô tội ấy. Những cái chết tức tưởi, tan nát đến nỗi người ta không thể nhận dạng. Những đôi mắt không thể khép vì kinh ngạc và những đôi môi không kịp trao hôn lần sau cuối. Không kịp dự lễ Giáng Sinh vẫn đang chờ trước cửa, những linh hồn vô tội ấy bay về đâu?

Nhà thờ cụt vẫn đứng đó, bình yên như mấy chục năm qua đã từng bình yên. Không có thêm sự tàn phá nào, không quả bom nào rơi, viên đạn nào nổ khiến nó phải sớt đi một viên gạch hay hao thêm một mảnh ngói. Chiến tranh tưởng như đã ngủ yên.

Nhưng từ nay, mỗi khi đi qua đó, còn ai trong chúng ta quên được chuyện gì đã xảy ra? Tôi sẽ nói gì với các bạn tôi, những người bạn từ xa đến, về nơi đây? Hơn ba triệu dân cư ở thành phố xinh đẹp và cứng cỏi này bao giờ mới xóa đi trong ký ức vệt đường thảm họa từ một đêm kinh hoàng và chết chóc? 

Tôi phải nói gì với các con tôi, khi đêm qua, chúng hỏi, sao người ta lại làm thế? 

Tại sao?
 
Tại sao???
Tại sao???

Bài và ảnh: Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin - Ngày 21-12-2016


 
Tổng số điểm của bài viết là: 80 trong 16 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 16 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn