Đọc “Bảo tàng Ngây thơ”: NHỮNG CUNG BẬC CỦA TÌNH YÊU
Thứ bảy - 17/12/2016 21:13
(NCTG) “Kemal đã sống một cuộc đời hạnh phúc. Một cuộc đời hạnh phúc vì đã tìm được người yêu duy nhất của mình trong đời, vì đã được sống với những cung bậc cảm xúc mãnh liệt của tình yêu, vì đã dám sống cho tình yêu, vì đã biết cách sống với người mình yêu kể cả khi người đó đã chết đi rồi. Thế mới biết tình yêu thật là huyền diệu và bất diệt”.
Nhà văn Orhan Pamuk trong Bảo tàng Ngây thơ do chính ông tạo dựng tại khu phố cổ gần con lộ chính nổi tiếng nhất của Istanbul - Ảnh: hurriyetdailynews.com
Thoạt đầu, khi cầm cuốn “Bảo tàng Ngây thơ” của Orhan Pamuk (bản dịch của Giáp Văn Chung) tôi đã thầm đoán: chắc viết về tình yêu của một thiếu nữ ngây thơ, trong trắng và chắc sẽ liên quan đến những rung động đầu tiên, đến trinh tiết, đến những “lần đầu”, như buổi gặp đầu tiên, nụ hôn đầu tiên, lần làm tình đầu tiên… chẳng hạn. Và bảo tàng sẽ lưu giữ và trưng bày các hiện vật liên quan đến những “lần đầu” của cô gái ngây thơ ấy.
Nhưng tôi đã lầm.
“Bảo tàng Ngây thơ” là bảo tàng về tình yêu nguyên thủy, thanh khiết, say đắm và NGÂY THƠ của một chàng trai giàu có Thổ Nhĩ Kỳ với một cô gái thuộc tầng lớp bình dân xinh đẹp, dễ thương, tinh tế, ngây thơ và hết mình trong tình yêu. Và tình yêu đó đã đi theo suốt cuộc đời họ. Chính sự “ngây thơ”, không vụ lợi, không tính toán đã nuôi dưỡng tình yêu của họ, vượt cả rào cản về tập tục khi chàng là một người đang có bạn gái, chuẩn bị đính hôn và sau đó đã đính hôn và cô gái thoạt đầu là độc thân sau đó đã có chồng. Nói khác đi tình yêu đích thực đã vượt qua các thủ tục ràng buộc.
Gần 500 trang sách tràn ngập cảm xúc yêu, yêu và… yêu với tất cả các cung bậc: hồi hộp, đợi chờ, ghen tuông, giận dỗi vô cớ rồi lại tự ru ngủ mình, nỗi ám ảnh yêu đương, cảm xúc thăng hoa, nỗi nhớ, đặc biệt là nỗi nhớ và sự bất lực trong việc muốn thoát ra khỏi nỗi nhớ… Tất cả những điều đó được tác giả mô tả một cách tinh tế, chi tiết và lôi cuốn trong từng trang sách. Thật hiếm có cuốn sách nào mô tả cảm xúc yêu tài tình như “Bảo tàng Ngây thơ”.
Mở đầu câu chuyện là “khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời” của Kemal và Füsun mà như lời của Kemal: “Khoảnh khắc vàng ngọc, tuyệt vời khiến toàn thân tôi tràn ngập một cảm giác yên bình sâu sắc nhất ấy có lẽ chỉ diễn ra trong vài giây, nhưng dường như nó đã kéo dài hàng giờ, thậm chí vài năm. Trong khoảnh khắc ấy, lúc hai giờ bốn lăm chiều thứ Hai ngày 6 tháng Năm năm 1975, chúng tôi đã giải thoát khỏi lầm lạc và tội lỗi, khỏi sự trừng phạt và ăn năn, như thể thế giới được giải thoát khỏi các quy luật của trọng lực và thời gian. Tôi hôn lên bờ vai lấm tấm mồ hôi nóng lên vì làm tình của Füsun…” (1)
Như bất kỳ một tình yêu nào, cuộc tình này bắt đầu bằng sự hấp dẫn mang tính bản năng, nguyên sơ giữa đàn ông và đàn bà. Nhưng những cuộc làm tình ở đây không nhuốm màu nhục dục mặc dù nó mang lại sự sung sướng và hạnh phúc từ nhục dục. Nó là một cách diễn đạt tình yêu bản năng giữa đàn ông và đàn bà:
“Từ các cử chỉ của nhau, chúng tôi cảm thấy cả hai đều cảm nhận được sức nặng của sự trong trắng đã mất, của sự hổ thẹn và tội lỗi, nhưng qua ánh mắt Füsun tôi thấy em sung sướng vì nhục dục, em say mê phát hiện những khoái cảm trước nay chỉ băn khoăn tưởng tượng. Em như một nhà thám hiểm vượt qua đại dương sóng gió, giữa đau đớn và máu, đã tới miền đất xa xôi huyền thoại sau bao năm mơ ước, cuối cùng bước lên bờ, thỏa thích ngắm nhìn cỏ cây, đất đá và những dòng suối lạ, nâng niu ngửi từng bông hoa, đếm từng trái quả, say sưa và hiếu kỳ khám phá mọi thứ…” (2)
Nó là sự yêu hết mình, ngây thơ, không suy tính: “Tôi không thể gạt bỏ nổi những ý nghĩ, điều khiến tôi lo lắng không phải là em đã trao trinh tiết cho tôi, mà là cách thức quả quyết khi em làm chuyện đó. Em không hề bẽn lẽn hay do dự, ngay cả khi trút bỏ quần áo cũng không…” (3)
“Tôi rất hạnh phúc, nhưng hạnh phúc này không phải do trí não tôi cảm nhận; nó là thứ gì đó mà cơ thể tôi trải nghiệm, rồi sau đó tôi cảm thấy nó hằng ngày, ở sau gáy khi tôi gọi điện, chỗ xương cụt khi tôi leo lên thang gác, hay trong lồng ngực khi ăn trưa trong một nhà hàng ở Taskim với Sibel, người tôi chuẩn bị đính hôn bốn tuần lễ nữa…” (4)
“Tôi giải thích cho em rằng chúng tôi đến với nhau không vì mục đích gì, cũng chẳng vì công việc, và dù bí mật, quan hệ vô tư giữa chúng tôi dựa trên những tình cảm cơ bản nhất của con người, sự chân thành của nó loại trừ mọi sự dối trá và lừa đảo.” (5)
Một cảm giác dễ nhận thấy khi đọc cuốn truyện này là mạch truyện không ngừng, nó cứ tự nhiên tuôn chảy một cách dịu dàng. Dịu dàng là một biểu hiện căn bản của tình yêu. Khi bạn yêu ai thật lòng bạn luôn muốn cư xử dịu dàng với người đó. Ở cuốn truyện này sự dịu dàng bao phủ mọi trang sách, mọi sự kiện, mọi lời kể. Cách xưng hô dịu dàng: Tôi, Füsun và Em. Bất cứ ai được sống trong sự cảm nhận tinh tế, cư xử dịu dàng cũng tự nhiên thấy mình được nâng niu, được trân trọng và như một lẽ tự nhiên, muốn yêu và được yêu một cách dịu dàng và nồng thắm. Füsun cũng không là một ngoại lệ.
“Nhưng tôi cảnh cáo sự chú ý thái quá tới các dấu vết và hiện vật của “cuộc tình đầu tiên”, vì điều này có thể khiến khách xem thiếu chú tâm đến tình thương yêu sâu sắc và sự hàm ơn đã hình thành giữa tôi và Füsun bấy giờ, và vì thế , để có thể cảm nhận được người tình mười tám tuổi đã vuốt ve thân thể ba mươi của tôi trìu mến ra sao, tôi chỉ trưng bày chiếc khăn tay hoa sợi bông đã gấp cẩn thận mà ngày hôm ấy Füsun cũng không rút ra khỏi túi xách. Chiếc lọ thủy tinh đựng mực và bộ bút viết của mẹ tôi mà sau này trong lúc hút thuốc Füsun đã thấy và cầm lên tay, hãy coi chúng như biểu tượng cho sự mong manh trong tình cảm dịu dàng giữa hai chúng tôi.” (6)
“Ngoài niềm vui thể xác, ngoài những cuộc làm tình vừa ngây thơ vừa cuồng nhiệt không biết tới giới hạn ra, thì điều gì gắn bó tôi với em? Vì sao tôi có thể làm tình với sự say mê chân thành đến thế? Khoái lạc và nỗi khao khát sau khoái lạc đã sinh ra tình yêu, hay một thứ gì khác đã khơi nguồn và nuôi dưỡng tình cảm ấy giữa hai chúng tôi? Trong những ngày hạnh phúc tôi và Füsun bí mật gặp gỡ nhau, tôi không đặt cho mình những câu hỏi như vậy, tôi cứ thế thụ hưởng bao nhiêu ngọt ngào, như một đứa bé sung sướng đang lạc vào một hàng bánh kẹo.” (7)
“Đối với em tình yêu là thứ mà vì nó con người ta sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn bản thân, dẫu có thể mất tất cả, đúng thế. Nhưng điều đó chỉ xảy ra một lần trong đời”. (8)
“Tới lúc tôi gần em nhất, tôi cảm thấy toàn thân em rung lên, rất sâu (các bạn hãy tưởng tượng sự rung động nhẹ gần như không nhận ra của những bông hướng dương trước gió nhẹ), như đau đớn của em là của chính tôi.”(9)
Sự chiêm nghiệm về một tình yêu ngây thơ, thuần khiết được tái hiện sống động và tinh tế dưới ngòi bút tài hoa của Orhan Pamuk. Quan hệ xác thịt ở đây là một hình thức biểu hiện của một tình yêu thuần khiết. Vì thế tình yêu ở đây vừa thánh thiện vừa đời.
Yêu luôn đi cùng với nhớ, hay cũng có thể nói yêu đi cùng với “không thể quên”. Yêu đôi khi cũng đi liền với cảm giác đau đớn, cô đơn, trống rỗng… Orhan Pamuk là bậc thầy trong việc mô tả các cung bậc này của tình yêu. Một vài ví dụ:
Về nỗi đau trong tình yêu:
Kemal đã dùng biển vẽ các bộ phận cơ thể người để “minh họa cho khách tham quan bảo tàng biết tất cả những vị trí mà sự đau đớn do căn bệnh thất tình gây ra đã xuất hiện, gia tăng và lan truyền” như thế nào. “Xuất phát điểm của nỗi đau đậm đặc nhất nằm phía trên, bên trái dạ dày, từ đó nó mạnh dần và lan tới vùng giữa ngực và dạ dày theo cách có thể nhìn thấy trên hình vẽ, rồi từ bên trái nó lập tức lan sang cả bên phải, nó xoáy vào tôi như một chiếc tuốc nơ vit hay một thanh sắt nóng bỏng, gây chảy máu trong. Cứ như đầu tiên là dạ dày tôi, rồi đến cả khoang bụng được nạp đầy chất a xit. Như những con sao biển nhớt nhát, nóng giãy bám vào nội tạng. Đau đớn dữ dội hơn lan dần như bò lên trán, lên gáy, lên lưng, lên não và toàn thân tôi; bóp tôi gần như nghẹt thở.
Đôi khi, đúng như trên hình vẽ, quanh vùng rốn cơn đau tụ lại như hình sao; một thứ a xit lỏng đặc tràn đầy trong cổ và vòm họng làm tôi hơi hoảng sợ bị chết nghẹn; rồi gây nên những cơn đau dồn dập khiến tôi nấc lên vì đau đớn. Tôi đấm vào tường, làm các động tác thể dục, thể thao để quên đau. Ngay cả trong những giây phút đau đớn giảm thiểu nhất tôi vẫn cảm thấy giống như từ một vòi nước đã khóa, từng giọt vẫn nhểu xuống hòa tan vào máu tôi, thỉnh thoảng lại trào lên cổ khiến tôi khó nuốt, thỉnh thoảng lại nhói đau vào lưng, vào vai, vào cánh tay tôi, nhưng tâm điểm của nó lúc nào cũng là dạ dày.” (10)
Về sự không thể quên:
“Tôi biết mình không thể tiếp tục cuộc sống bình thường, nếu không lên một kế hoạch để quên em… tự cấm mình không được tới ngôi nhà Merhamet để đợi Füsun… Tôi phải xóa khỏi chiếc bản đồ trong đầu vài con phố và địa điểm mà ở đó, cho tới nay, một phần đáng kể cuộc đời tôi đã diễn ra…Tôi cấm mình tới các địa điểm và đường phố đánh dấu đỏ.” (11)
“Đáng tiếc tôi không quên được Füsun…Trên phố xá, giữa đám đông, trong dạ tiệc tôi bắt đầu thấy em ở khắp nơi, giống như một bóng ma… Tôi lao theo em, và như trong một giấc mơ, tôi muốn gọi tên em, nhưng đến giây chót tôi nhận ra đó không phải là em… Từ đâu đó trong sâu thẳm tôi biết những bóng ma kia chỉ sinh ra từ tâm hồn bất hạnh của tôi.” (12)
“Tôi chán ghét tất cả, vì giờ đây mọi thứ đều tầm thường và vô nghĩa.” (13)
Về sự cô đơn:
“Nỗi đau khổ hoàn toàn chế ngự tôi, đến mức tôi biết rằng khi mọi người ra về hết, còn lại một mình trong văn phòng, tôi sẽ cô đơn như con chó nhỏ người ta đã phóng lên cùng con tàu vũ trụ vào cõi vô biên tăm tối của vũ trụ.” (14)
Về sự thất vọng khi mong chờ mà không gặp được người yêu: Trong lễ tang cha mình, “khi đã biết chắc cả Füsun, cả mẹ em đều không tới đám tang, tôi có cảm giác như thể cùng với chiếc quan tài của cha tôi, người ta đã đặt cả tôi xuống lòng đất lạnh.” (15)
Về sự gắn kết, đồng hành:
“Nhiều tháng sau đó, khi sờ mó những mảnh chiếc xe Chevrolet, tôi nhớ lại: ngay sau cú va đập, tôi và Füsun đã nhìn vào mắt nhau.
Em biết mình sẽ chết. Chúng tôi đã nhìn nhau lần cuối cùng trong hai, ba giây. Ánh mắt như van vỉ của em nói rằng em không muốn chết, em muốn sống mọi giây phút của cuộc đời, tôi hãy cứu em. Nhưng tôi tưởng mình cũng sẽ chết, vì thế với niềm vui của một chuyến đồng hành sang thế giới khác, tôi mỉm cười với người vợ chưa cưới xinh đẹp của mình.” (16)
Trong 8 năm với 1.593 lần chàng trai đến nhà cô gái chỉ mong có cảm giác được gần cô gái, được ngắm nhìn nàng, chỉ cần một cử chỉ của nàng cũng làm chàng thay đổi trạng thái hoặc thầm giận hờn hoặc hạnh phúc lâng lâng. Vì lúc đó cô gái đã có chồng nên trong 8 năm đó không có một lần chàng trai làm tình với cô gái mà cảm xúc yêu đương vẫn ngập tràn. Cảm xúc đó có khả năng chi phối suy nghĩ, trạng thái, cách ứng xử của chàng trai. Những cảm xúc yêu trong sáng luôn gợi lên ở chàng trai những suy nghĩ tích cực và những việc làm thiện. Có thể dẫn ra đây một vài mô tả tinh tế trong rất nhiều mô tả của Orhan Pamuk:
1- “Tôi bước vào và bắt gặp cái nhìn của Füsun. Qua ánh mắt sáng lên của em, tôi biết em vui vì tôi đến. Trong giây phút ấy tôi là người sung sướng nhất trên thế gian này.” (17)
2- “Xin quý khách chớ quên rằng tình yêu của tôi với Füsun dần dần đã lan sang toàn bộ thế giới của em, sang tất cả những sự việc, đồ vật có liên quan tới em.”
“Trong tám năm đến gia đình Keskin, tôi đã lấy về 4.213 đầu mẩu thuốc lá của Füsun. Mỗi đầu mẩu thuốc đã chạm vào đôi môi hồng, vào miệng, một vài cái - tôi có thể xác định được khi chạm vào đầu lọc - đã tiếp xúc với lưỡi em, chúng hơi ẩm và đa phần nhuốm màu son đỏ, đều là những vật đặc biệt và bí ẩn chứa đựng kỷ niệm về những giây phút đau đớn và hạnh phúc.” (18)
3- “… tình yêu em trong tôi gần như bốc lửa, tôi muốn gặp em ngay vì cảm thấy yêu em hơn, vì em vẫn trong sạch giữa cái thế giới khốn nạn và bẩn thỉu này.” (19)
4- “Sau đúng tám năm, lần đầu tiên chúng tôi đi đôi với nhau. Đương nhiên, tôi vô cùng hạnh phúc, nhưng cũng hồi hộp và căng thẳng không kém. Tôi không cảm thấy như người sau nhiều trải nghiệm và nỗi đau chung, gặp lại người con gái vì cô ta mình đã khổ sở, mà giống như người lần đầu tiên gặp cô gái trẻ xinh đẹp người khác nhắm cho mình, và họ thấy cô ta phù hợp với mình về mọi mặt.” (20)
5- “Vâng, chúng mình đi” - Füsun đáp nhẹ, e thẹn như một cô gái.
Tôi hồi hộp như một cậu trai mới lớn, trong lần gặp gỡ may mắn đầu tiên với cô gái mà những người khác nhắm cho mình. Tôi lúng túng như gà mắc tóc, không nói nên lời, cảm thấy thật hạnh phúc trong khi cho xe chạy dọc bờ Bosphorus.” (21)
6- “Tôi cũng lao xuống biển theo em. Một cảm giác lạ lùng nhắc tôi em có thể bị các loài thủy quái độc ác tấn công. Tôi phải đuổi theo em, bảo vệ em khỏi sự thẳm sâu đen tối của biển. Với niềm hạnh phúc trào dâng và nỗi sợ để tuột khỏi tay hạnh phúc, tôi ráng hết sức bơi theo em, và trong một khoảnh khắc tôi cảm thấy nghẹn thở vì sợ hãi: dòng chảy đã cuốn mất Füsun! Tôi muốn chết ngay cùng em… Tôi biết chỉ có cái chết mới có thể chia lìa chúng tôi.” (22)
7- “Ngày 9 tháng Tư năm 1984, lúc gần trưa, tôi đi về phía Beyoğlu để gặp Füsun. Tôi sung sướng và hồi hộp như một gã trai mới lớn lần đầu hẹn gặp một cô nữ sinh trung học mà gã đã mơ tưởng mấy tháng trời. Buổi đêm tôi đã mất ngủ vì sốt ruột.” (23)
8- “Tôi ngồi đối diện Füsun, im lặng nhìn em, và cảm thấy một nỗi đau đớn ngọt ngào thoáng qua trong lồng ngực và vùng bụng, giống như tôi cảm thấy ở tuổi dậy thì trong các cuộc khiêu vũ hay khi nhìn thấy một cô gái xinh đẹp vào mùa hè. Không phải nỗi đau đớn sâu sắc và hủy hoại của tình yêu mà trước đây tôi đã phải chịu đựng, mà là sự nôn nóng ngọt ngào.” (24)
9- “Tôi cảm thấy căng thẳng như một gã trai trẻ mới yêu cảm thấy hạnh phúc đã rất gần, nhưng vẫn sợ nó tuột khỏi tay. Tôi nhận thấy Füsun, ngồi đối diện với tôi, cũng cảm thấy như vậy. Em né tránh cái nhìn của tôi, quay sang bên nhả khói lúng túng như một cô bé học trò mới tập hút thuốc.” (25)
10- “Niềm an ủi duy nhất là em ngồi đối diện tôi, và tôi có thể ngắm em… em đã vuốt tóc hai lần, như ngày xưa em vẫn thường làm, ba lần em nín thở, hơi so vai lên chờ dịp tham gia vào câu chuyện, đúng như điệu bộ em đã làm khi tranh cãi với tôi. Mỗi lần em cười, một niềm hạnh phúc và lạc quan không cưỡng nổi nở ra trong tôi như một bông hướng dương. Một thứ áng sáng lan tỏa ra từ vẻ đẹp, từ những cử chỉ quen thuộc, từ làn da em, nhắc tôi nhớ rằng tôi chỉ tìm thấy trung tâm vũ trụ nếu ở bên em. Tất cả mọi nơi chốn, con người và công việc khác chỉ là “sự tiêu khiển thời gian thô tục”. (26)
11- “Sau sự đụng chạm nóng bỏng (cũng có thể gọi là cái ôm) ấy, lấy cớ một chiếc sà lan chở than đang lại gần, em bơi đi…Vừa lên tới bờ em đã vội vào một buồng thay đồ. Chúng tôi không còn là những người tình không ngại ngùng trước thân thể nhau. Trái lại, chúng tôi lặng lẽ, giữ gìn và ngại ngùng như những đôi trẻ được gia đình mai mối giới thiệu: chúng tôi thậm chí không nhìn thân thể nhau”. (27)
Thật khó tin những cảm xúc thẹn thùng, trinh trắng, ngại ngùng, hồi hộp này ở một người đàn ông Thổ trưởng thành gần bốn mươi tuổi và ở một cô gái đang có chồng. Chỉ có thể lý giải điều này bằng một tình yêu “NGÂY THƠ”.
Cuốn sách được kết bằng hình ảnh: sau ba mươi năm, Kemal Bey “lấy từ trong túi ra tấm ảnh Füsun và âu yếm nhìn hình Füsun trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn đường trước ngôi nhà Merhamet (nơi lần đầu tiên ông làm tình với Füsun) … Ông âu yếm hôn nhẹ lên tấm ảnh Füsun, rồi cẩn thận bỏ vào túi trong áo khoác”. “Và ông mỉm cười nói: “Hãy để mọi người biết rằng, tôi đã sống một cuộc đời hạnh phúc!”.
Mà với mẹ của Kemal thì “trong cuộc đời, quan trọng nhất là con người ta hạnh phúc” (29) và đối với Kemal thì “hạnh phúc là được ở bên cạnh người ta yêu.” (30). Do đó lý do để ông kể lại câu chuyện tình yêu của mình là “… khao khát được sống lại những khoảnh khắc hạnh phúc của tình yêu, và nỗi quyến luyến… với những hoan lạc ấy”. (31) và “Bảo tàng Ngây thơ được lập ra để ta có thể sống với người đã khuất.” (32).
Kemal muốn lập “Bảo tàng Ngây Thơ” còn để tôn vinh tình yêu “NGÂY THƠ”. Ông nói chuyện với Pamuk: “Ông có biết tôi học từ ai, rằng chủ đề chính của các bảo tàng là niềm kiêu hãnh không? … Tất nhiên là từ những người gác phòng… Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, khi tôi hỏi họ, họ đều trả lời rất tự hào và nhiệt tình… Nếu sau này có ai hỏi điều gì đó trong bảo tàng của chúng ta, thì người gác phòng phải nói về lịch sử bộ sưu tập của Kemal Basmaci, về tình yêu của chàng với Füsun và ý nghĩa các hiện vật này với niềm tự hào chân thành… Họ phải làm sao để khách tới thăm bảo tàng phải có thái độ khiêm nhã và sùng kính, như thể họ đang ở trong một thánh đường vậy.
Trong Bảo tàng Ngây thơ, những người gác phòng, phù hợp với bầu không khí của bộ sưu tập và thị hiếu của Füsun, sẽ mặc bộ đồ bằng vải nhung sẫm màu, sơ mi màu hồng nhạt và thắt cà vạt may riêng cho bảo tàng có thêu hình khuyên tai của Füsun, và không cần để tâm tới những người nhai kẹo cao su và hôn nhau. Bảo tàng Ngây thơ sẽ luôn mở cửa trước những người không tìm được chỗ hôn nhau ở Istanbul!” (33)
Sau khi đọc cuốn “Bảo tàng Ngây thơ” tôi thấy thích đi xem bảo tàng hơn để ngoài việc “đọc” các câu chuyện đằng sau các đồ vật trưng bày ở bảo tàng còn chú ý hơn để cảm nhận được những cảm xúc và những bài học mà chúng muốn truyền tải.
Chắc sẽ có người nghi ngờ: Liệu có một tình yêu ngập tràn cảm xúc dài lâu được như thế? Liệu có một tấm chân tình đến thế trong cuộc đời bình thường mà chúng ta đang sống? Với một người như Kemal Basmaci thì đó là một điều hiển nhiên như lẽ thường là thế. Và tôi tin ông. Ông đã chiêm nghiệm được rằng:
“Thời gian mà Aristotle gọi là đường thẳng liên kết các khoảnh khắc hiện tại, đối với đa số chúng ta tiềm ẩn nhiều cay đắng. Nếu chúng ta mường tượng ra trước mắt đường thẳng thời gian liên kết các khoảnh khắc,…, với tuổi tác, càng ngày chúng ta sẽ càng buồn bã nghĩ tới kết thúc không thể tránh khỏi của đường thẳng, tới cái chết, và phần nhiều chúng ta sẽ cảm nhận thấy bản thân đường thẳng ấy không mấy có ý nghĩa...
Tuy nhiên những khoảnh khắc được gọi là “hiện tại”, như đã xảy ra trong ngôi nhà Çukurcuma, ví như nụ cười của Füsun, có thể cho chúng ta đủ hạnh phúc cả một thế kỷ. Ngay từ đầu tôi đã nhận ra rằng trong ngôi nhà của gia đình Keskin tôi sẽ lãnh đủ hạnh phúc cho cả phần đời còn lại, và tôi đã lấy đi vài đồ vật lớn nhỏ mà bàn tay em đã chạm vào, để giữ lại những phút giây hạnh phúc.” (trang 264)
“Nếu chúng ta học được cách không coi thời gian là đường thẳng như Aristotle, mà chúng ta có khả năng nghĩ riêng lần lượt tới những giây phút sâu sắc nhất, thì ta sẽ không lên án việc ta chờ tám năm bên bàn ăn của người ta yêu là đam mê bệnh hoạn và coi đó là mục tiêu chế giễu. Sau nhiều năm nhìn lại, có vẻ như tôi đã trải qua 1593 buổi tối hạnh phúc bên bàn ăn của gia đình Füsun… Ngày nay, tôi nghĩ đến mỗi buổi đến ăn tối ở Çukurcuma… như một diễm phúc lớn.” (34)
“… Mục đích những chuyến đến thăm của tôi: tôi được ở trong cùng một không gian với Füsun…Tôi nghĩ đối với những con người gắn kết với nhau bằng tình yêu thương, bằng quan hệ gia đình, bằng tình bạn, hay một thứ bản năng sâu kín mà họ không thể gọi tên đích xác, “cùng ngồi với nhau” là một nhu cầu.” (35)
Cũng có thể coi lời của bác Çetin, người lái xe của gia đình Kemal, nói với tác giả Orhan Pamuk như một cách lý giải về sự “bất thường” mà “hiển nhiên” của tình yêu “ngây thơ” của Kemal: “… từ thời trẻ con Kemal không bao giờ thay đổi: về bản chất, ông ta yêu cuộc sống, ông nhìn người khác và thế giới bằng con mắt cởi mở và lạc quan như một đứa trẻ. Chính vì thế nên việc ông theo đuổi suốt đời một mối tình lớn đam mê và vô vọng có vẻ bất thường. Nhưng nếu biết Füsun thì tôi sẽ hiểu, Kemal yêu người phụ nữ ấy như thế chính vì ông ta rất yêu cuộc sống. Cả hai đều là những người tốt, trong sáng ngây thơ theo cách của họ, và họ rất hợp nhau, nhưng Đức Allah không cho họ thành đôi, còn chúng ta thì không thể can dự vào việc đó”. (36)
Kemal đã sống một cuộc đời hạnh phúc. Một cuộc đời hạnh phúc vì đã tìm được người yêu duy nhất của mình trong đời, vì đã được sống với những cung bậc cảm xúc mãnh liệt của tình yêu, vì đã dám sống cho tình yêu, vì đã biết cách sống với người mình yêu kể cả khi người đó đã chết đi rồi. Thế mới biết tình yêu thật là huyền diệu và bất diệt.
Orhan Pamuk với lối viết lôi cuốn, tinh tế, sâu sắc và hấp dẫn cùng nhiều sự kiện, chi tiết chân thực làm cho người đọc cảm được chiều sâu của câu chuyện. Bao trùm lên những tình tiết lôi cuốn của một chuyện tình là câu chuyện đó được kể lại với nhiều cảm xúc, nếu không nói là ngập tràn cảm xúc. Đọc cuốn sách tôi có cảm tưởng như đó là câu chuyện ngoài đời thật của tác giả.
Và dường như người dịch cũng xúc động và cũng sống cùng với câu chuyện mới có thể truyền tải nó bằng một ngôn ngữ dịch mịn và mượt như thế. Bởi vì chỉ bằng những hiểu biết (cho dù giỏi) về cú pháp đơn thuần thì không thể diễn đạt được cảm xúc ngập tràn của câu chuyện này.
Khép lại cuốn sách tôi nhận thấy bản chất của tình yêu là “ngây thơ” và cần thiết phải đưa “Ngây Thơ” vào bảo tàng để lưu giữ nó, trân trọng nó. Và tác giả đã thật có lý khi viết cuốn sách này.
Cảm ơn Orhan Pamuk (Orhan Bey) vì đã viết một cuốn truyện hay. Cảm ơn dịch giả Giáp Văn Chung vì đã có một bản dịch hay.
Ghi chú:
(*) Các trích dẫn lấy từ “Bảo tàng Ngây thơ”. Tác giả: Orhan Pamuk. Dịch giả: Giáp Văn Chung. Nhà xuất bản Văn học, Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam. Năm xuất bản: 2015.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...