TẦM QUAN TRỌNG CỦA KỸ NĂNG MỀM

Thứ hai - 12/12/2016 06:06

(NCTG) Kỹ năng mềm đang ngày càng trở nên quan trọng đối với lực lượng lao động hiện nay. Chỉ được đào tạo rất cao về kỹ năng kỹ thuật, chuyên môn, mà không phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp và cách xây dựng quan hệ giúp con người cộng tác hiệu quả, thì hoàn toàn không đầy đủ cho những đòi hỏi của lực lượng lao động hiện đại.

Minh họa: aospeech.com

Minh họa: aospeech.com

Các doanh nghiệp muốn duy trì được sự canh tranh trên thị trường để tồn tại cần lượng lao động có đầy đủ hai mảng kỹ năng: cứng và mềm. Làm việc theo nhóm, có khả năng lãnh đạo, và kỹ năng giao tiếp tốt... nhằm trong nhóm kỹ năng mềm cần được củng cố và phát triển. Mỗi kỹ năng này đóng vai trò thiết yếu cho sự thành công của các doanh nghiệp và mỗi cá nhân, và vì vậy việc phát triển của nhóm kỹ năng này là vô cùng quan trọng. 

Để được tuyển dụng vào làm một vị trí nào đó, thường bạn cần các kỹ năng kỹ thuật. 

Người thợ làm vườn cần biết trồng cây, cắt cỏ. Các vị trí thư ký cần biết ghi biên bản họp, có khả năng đánh máy nhanh. Nhân viên kế toán cần phải có chứng chỉ chuyên môn.

Một thợ làm vườn giỏi về chuyên môn nhưng không có khả năng giao tiếp tốt với khách hàng, chắc hẳn sẽ nhận được ít hợp đồng đặt việc. 

Một thư ký sẽ không bị cho thôi việc khi kinh tế gặp khó khăn dẫn đến cắt giảm nhân viên, khi mà Tổng Giám Đốc có khả năng đảm nhiệm luôn cả các công việc giấy tờ thư ký, nếu người thư ký đó có các kỹ năng mềm mạnh, như khả năng kết nối các bộ phận, biết cách làm việc nhóm hiệu quả và biết suy nghĩ vượt qua khuôn khổ thông thường để giúp Ban Giám Đốc hoàn thành những dự án đặc biệt, đáp ứng những đòi hỏi khẩn cấp của thị trường.  

Cũng tương tự như thế, người ta chọn sử dụng dịch vụ khai thuế của những kế toán có các kỹ năng mềm tốt như: thân thiện, giao tiếp vui vẻ, và biết tiếp thị khả năng kỹ thuật của mình.

Sự thiếu hụt của các kỹ năng mềm

Một vấn đề thường gặp phải là tầm quan trọng của các kỹ năng mềm thường không được đặt vào vị trí tương xứng với các kỹ năng cứng trong quá trình đào tạo ở hệ thống đào tạo chính thống, ngay cả trong nền giáo dục của thế giới phát triển, chứ chưa nói đến các nước chậm phát triển hơn.

Trong tuyển dụng, các doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của những kỹ năng này, họ chú trọng đến kỹ năng mềm bên cạnh những kỹ năng cứng. Chính sách tuyển dụng hiện đại cho rằng khả năng kỹ thuật có thể dạy dỗ, đào tạo, trong khi đó ứng viên thiếu kỹ năng mềm, không có kỹ năng giao tiếp tốt, thái độ không cởi mở thân thiện, cầu tiến, là những yếu tố đánh trượt.  

Thực tế trong rất nhiều doanh nghiệp là lực lượng lao động thiếu hụt kỹ năng mềm: mặc dù các thành viên rất giỏi về kỹ thuật họ không thể sử dụng chuyên môn của mình một cách có hiệu quả nhất.

Nếu doanh nghiệp của bạn có lượng khách hàng tiềm năng lớn, họ có tiếp cận doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp lại không có thể giữ chân họ, rất có thể các nhân viên nơi đó thiếu hụt kỹ năng mềm. 

Nếu doanh nghiệp của bạn hàng năm có lượng nhân viên thôi việc lớn, liên tục phải tuyển dụng và đào tạo, rất có thể nhân viên nơi đó thiếu kỹ năng mềm, như nhân viên không biết hợp tác làm việc nhóm, các giám sát viên không có kỹ năng lãnh đạo, dẫn dắt, gây cảm hứng.

Thực tế cho thấy bất cứ khi nào chúng ta không thể tận dụng sự giàu có của kiến ​​thức, kinh nghiệm và khả năng chuyên môn trong nhóm làm việc, chúng ta cần ngay lập tức đánh giá mức độ giao tiếp giữa các cá nhân và kỹ năng bổ trợ trong làm việc nhóm, tìm những thiếu hụt kỹ năng mềm để kịp thời đào tạo bổ trợ. Chậm trễ chỉ tiếp tục mang lại thất bại mà thôi.

Trong môi trường làm việc, sự tương tác năng động giữa các cá nhân không thể bỏ qua. Kỹ năng lắng nghe, trình bày ý tưởng, giải quyết xung đột, xây dựng và nuôi dưỡng một môi trường làm việc tốt, quan hệ làm việc cởi mở và trung thực là yếu tố chăn bản dẫn đến thành công. Thiếu những kỹ năng này, bạn sẽ thấy một môi trường lao động đầy bất hòa, mâu thuẫn, đầy nghi ngờ và không thiếu kiện tụng giữa các thành viên.

Điều quan trọng là doanh nghiệp cần nhận ra vai trò quan trọng kỹ năng mềm, có phân tích và đánh giá sự thiếu hụt của các kỹ năng này, để có chương trình đào tạo phù hợp giúp cung cấp các kỹ năng thiếu hụt đó. 

Còn đối với mỗi cá nhân, song song với việc trau dồi kiến thức kỹ thuật, biết đánh giá và nhận biết những thiếu hụt kỹ năng mềm của mình là bước đầu của quá trình trau dồi kiến thức và kỹ năng toàn diện để vươn tới thành công trong sự nghiệp (*).

(*) Tác giả bài viết, Phương Lan, có trên 15 năm làm việc trong lĩnh vực Đào Tạo và Quản Trị Nhân Sự, giữ vị trí quan trọng tại các công ty lớn ở Sydney.

Phương Lan, từ Sydney, Úc


 
 Từ khóa: kỹ năng mềm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn