TỪ VIỆC ĐÓNG CỬA BẢO TÀNG LUIS DE FUNÈS, NGHĨ VỀ HANOI CINEMATHEQUE

Chủ nhật - 27/11/2016 06:16

(NCTG) “Vẫn biết, trong thời buổi kinh tế thị trường, xã hội tiêu thụ, việc gìn giữ những giá trị văn hóa (nhiều khi vẫn bị/được coi là nhu cầu của một thiểu số) ở bất cứ đâu cũng là khó. Hy vọng, câu chuyện của Hanoi Cinematheque chưa kết thúc, và bài học của bảo tàng Luis de Funès xem ra có thể có chút giá trị tham khảo...”.

Bảo tàng Luis de Funès (Nantes) - Ảnh: telerama.fr

Bảo tàng Luis de Funès (Nantes) - Ảnh: telerama.fr

Không khỏi xúc động vì những lời tâm huyết của các bạn ký tên vào petition nhằm vận động “cứu” Hanoi Cinematheque, nhưng cũng ngay sau đó, những bình luận dưới bức thư của ông Martin Rama đăng trên báo “Tuổi Trẻ”, với tính thực tế của nó, đã khiến mình nhớ đến câu chuyện “cứu” bảo tàng Luis de Funès ở Pháp.

Có một sự tình cờ nho nhỏ: gần ngày 30-10 vừa rồi, đài báo Pháp nhắc nhiều về chuyện đóng cửa bảo tàng Luis de Funès, và tròn 1 tháng sau ở Hà Nọi, là việc đóng cửa Hanoi Cinematheque trong khuôn khổ một dự án xây khu trung tâm thương mại.

Nhắc lại, với hình ảnh ông già khó tính hói đầu, lùn tịt với cái miệng rộng, Luis de Funès là danh hài nổi tiếng nhất của Pháp với nhiều phim hài kinh điển đã được chiếu trên truyền hình Việt Nam và thế giới, đặc biệt là trong loạt phim “cảnh sát” (Gendarme): “Cảnh sát ở Saint-Tropez”, “ Fantômas”, v.v...

Nếu xem những tấm ảnh về bảo tàng Luis de Funès - nơi nghệ sĩ tài danh này đã sinh sống thời gian dài - bạn sẽ thấy nó rất giống Hanoi Cinematheque: căn nhà cổ, những bức ảnh, pano treo ngập tường, màu gỗ, màu tường,.. và sự gần gũi của môt không gian nhỏ.

Là một góc trong một tòa lâu đài Chateau de Clermont ở ngoại thành Nantes, không gian này cũng là nhà thuê. Mới mở ra hoạt động ngắn ngủi từ năm 2013, đến 2016 thì chủ tòa nhà muốn bán toàn bộ lâu đài, nên bảo tàng đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục ở vị trí đó.

Bảo tàng rất nhỏ, trong không gian lâu đài cổ, nên khách tham quan ngay cả đặt vé trước, thường cũng phải xếp hàng vài tiếng mới vào thăm quan được. Điều này không lạ với các bảo tàng danh nhân Pháp, như nhà riêng của Monet ở Giverny, bạn đến thăm cũng phải xếp hàng dọc phố, vì để bảo đảm chất lượng thăm quan và an toàn cho căn nhà, mỗi nhóm vào chỉ tầm hai chục người, xem xong mới đến nhóm sau.

Trước thông báo sắp đóng cửa, số lượng khách thăm quan càng tăng khủng khiếp, đến độ bà phụ trách bảo tàng, khi được phỏng vấn trên đài, đã kêu gọi khách thăm quan... đừng đến nữa, vì bảo tàng không đủ khả năng tiếp đón, sẽ rất vất vả khi đợi 3-4 tiếng để được vào!

Tuy vậy bà cũng kể có những khách thăm quan gọi điện từ nước ngoài xin bảo tàng mở muộn ngày cuối để họ đến kịp, nói bằng mọi giá phải đến bảo tàng trước khi quá muộn. Có người hâm mộ nghe tin đã đi thẳng ôtô từ Bồ Đào Nha sang để thăm viếng, dù biết trước sẽ phải đợi rất, rất lâu.
 
002

Với mong muốn cứu bảo tàng, một cuộc vận động lấy chữ ký trên change.org đã thu thập hơn 25.000 chữ ký trong hơn 1 tháng để yêu cầu chính quyền giúp đỡ. Đồng thời, một cuộc vận động quyên góp cũng được khởi động. Chi phí lên đến 1,5 triệu Euro để mua lại toà lâu đài, sau đó đã thương lượng để giảm xuống, nhưng vẫn cần 1 triệu quyên góp.

Kết quả, với sự ủng hộ của 25 ngàn chữ ký thu được, chính quyền đã ủng hộ 400.000 Euro (khoản tiền mà người dân vận động xin là 700.000 Euro). Tiền vận động quyên góp của người dân đạt hơn 30.000 Euro, nhưng vẫn quá xa so với chi phí cần thiết. Và bảo tàng sẽ phải đóng cửa, hiện thời chưa biết sẽ di chuyển về đâu.

Dù không đạt được kết quả như mong muốn, nhưng câu chuyện nói lên nhiều điều. Ở cái xứ sở có đến hơn 1.200 bảo tàng với nhiều bảo tàng tầm cỡ thế giới thì bảo tàng Luis de Funès thực sự rất nhỏ bé, chỉ là một nhà lưu niệm thì đúng hơn.

Vậy mà người yêu quý Luis de Funes đã hành động cụ thể bằng việc ký thư, quyên góp tiền, tấm lòng của du khách viếng thăm, với ban quản lý bảo tàng là một hiệp hội làm tình nguyện, không nhận lương, đã “chiến đấu” đến phút cuối cùng, sự đóng góp của chính quyền, sự vào cuộc của báo chí (riêng cuộc vận động quyên tiền được đứng ra bởi tòa báo “LePoint”).

Vẫn biết, trong thời buổi kinh tế thị trường, xã hội tiêu thụ, việc gìn giữ những giá trị văn hóa (nhiều khi vẫn bị/được coi là nhu cầu của một thiểu số) ở bất cứ đâu cũng là khó. Hy vọng, câu chuyện của Hanoi Cinematheque chưa kết thúc, và bài học của bảo tàng Luis de Funès xem ra có thể có chút giá trị tham khảo...

Bùi Uyên, từ Paris


 
 Từ khóa: Hanoi Cinematheque
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn