TỰ DO TRONG LỰA CHỌN NGHỆ THUẬT

Thứ ba - 22/11/2016 21:06

(NCTG) “Nghe tin một cái chấm bé nhỏ cuối cùng tại Hà Nội - Cinematheque 22A Hai Bà Trưng, nơi thường chiếu các phim nghệ thuật cũng bị đóng cửa, tôi thấy lòng đau nhói. Thời xưa người ta kìm hãm quyền tự do trong lựa chọn nghệ thuật do chế độ chính trị, giờ lại do đồng tiền. Có lẽ cả hai cái đều đáng buồn như nhau!”.

Tác giả đi xem bộ phim “Con trai của Saul” trong một rạp phim nghệ thuật - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tác giả đi xem bộ phim “Con trai của Saul” trong một rạp phim nghệ thuật - Ảnh do nhân vật cung cấp

Có lẽ chỉ ở các nước XHCN cũ ở khu vực Đông Âu mới nhận thấy được sự khác biệt rõ rệt của hai hệ thống chiếu phim trong các trung tâm thương mại và trong các rạp phim cổ điển.

Ở Hung, các rạp phim từ thời xưa thường nằm trên những con phố chính, kiến trúc cổ, phòng chiếu bé, khó có chỗ đỗ xe. Ấy vậy mà ngay thời XHCN, khi Hung chỉ được chiếu các bộ phim trong nước hay của Nga, Tiệp, Ba Lan…, các rạp chiếu này vẫn luôn chật cứng người, cho thấy nhu cầu của dân chúng với môn “nghệ thuật thứ bảy” rất cao.

Sau năm 1990, khi hệ thống XHCN sụp đổ, Hung mở rộng cửa cho tất cả các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là của Mỹ và Phương Tây khiến bộ mặt của Budapest thay đổi đáng kể. Bên cạnh các nhà máy sản xuất lắp ráp xe hơi, các tòa nhà văn phòng, hệ thống siêu thị thương mại mở ra như nấm, kinh doanh phim ảnh của Hung được liệt vào hàng mang lại tỷ lệ lợi nhuận cao.

Ngay tức thì, các phòng chiếu phim hiện đại, “hoành tráng” trong siêu thị với nghế ngồi bọc nhung đỏ và điều hòa nhiệt độ kèm bỏng rang Popcorn đã có sức thu hút khủng khiếp với người dân Hung. Như kiểu đang khát mà được uống nước, đói mà được ăn, kìm hãm lâu ngày mà được bung ra, dân Hung xếp hàng lũ lượt để được xem phim trong các trung tâm thương mại.

Tôi còn nhớ, giá vé khí đó tương đối đắt so với học bổng của tôi, kèm theo các quyến rũ mua bán ăn uống trước và sau khi xem nên mỗi lần đi xem phim trong các Plaza là một dịp đàn đúm chơi bời đáng nhớ: tim giật thon thót bởi hiệu ứng các cảnh đuổi bắt với âm thanh ba chiều cảm giác như máy bay trực thăng đang ở trên đầu, chai Cola mua mà đến khi ra khỏi rạp mới có phút thở phào để uống, v.v...

Nhưng trò đời thường “cả thèm chóng chán”, lâu dần xem phim nào trong siêu thị cũng thấy giống nhau, xem xong chẳng nhớ xem gì. Phim nào thấy cũng như “giả tưởng”, mọi chuyện diễn ra ở một thế giới khác với những con người khác, tâm tư tình cảm tình yêu cũng xa vời so với cuộc sống đơn điệu “cơm, áo, gạo tiền” của một nước hậu XHCN như Hungary.

Một thời gian sau bỗng dưng lại thấy nhớ nhớ những rạp chiếu phim bé nhỏ ẩn mình trong những con phố, người vào xem ít ỏi nhìn mặt cảm thấy như hơi quen quen, ngồi ở rạp mà như xem phim cùng với gia đình. Ở Budapest có 9 rạp như vậy. Tôi còn nhớ một lần mò đi xem phim vào đầu giờ chiều ở một rạp mang tên “Nghệ thuật” (Művész mozi). Tất nhiên tôi cảm thấy rất hẫng bởi những chiếc ghế gỗ ọp ẹp, rèm kéo bạc phếch xơ xác, 5 phút trước giờ chiếu vẫn chỉ lèo tèo vài ba người...
 
Rạp phim “Nghệ thuật” tại Budapest - Ảnh: blikk.hu
Rạp phim “Nghệ thuật” tại Budapest - Ảnh: blikk.hu

Phim của một đạo diễn người Iran lần đầu tiên được giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes - trước đó tôi chưa từng nghe tới Iran chứ đừng nói đến chuyện hình dung ra Iran có nền điện ảnh. Phim rất chậm, chẳng có kịch tính, thậm chí vài người xem còn bỏ ra giữa chừng. Một mình tôi đang ngồi hàng ghế giữa bỗng thấy có tay ai đó chạm vào cổ chân mình nên sợ quá hét toáng cả lên.

Ông bán vé kiêm bảo vệ của rạp chạy vào hỏi han vào câu, khuyên lần sau lúc xem phim nên ôm túi xách vào lòng đề phòng kẻ xấu từ ngoài đường lẻn vào. Ấn tượng sợ hãi các rạp phim cổ ăn sâu vào tôi đến mức hàng năm liền tôi không bao giờ bén mảng đến nữa.

Bẵng đi một thời gian, trong một buổi đi nghe hòa nhạc tại Nhà hát Opera, tôi bỗng thấy đập vào mắt một cuốn in màu, đẹp và hấp hẫn về một “Hệ thống các rạp phim nghệ thuật”. Thì ra các rạp cổ điển đó đã kết nối với nhau lập ra một “trường phái” riêng.

Thực ra các rạp này không phải chỉ chiếu những phim “nghệ thuật đơn thuần” đầy khói thuốc, triết lý mù mờ khó hiểu như một số người vẫn hay hình dung mà như kiểu đối tác, bổ sung cho các dòng phim Hollywood. Họ chiếu cả những phim mang tính nghệ thuật của Mỹ vốn ít chiếu trong các rạp siêu thị, những phim được giải thưởng trong các liên hoan phim danh tiếng thế giới, cũng như liên tục giới thiệu tuần lễ phim của các nước từ Âu tới Á, từ Châu Mỹ cho tới Châu Phi.

Một ví dụ như bộ phim “Con trai của Saul” (Son of Saul) của một đạo diễn trẻ người Hung đoạt giải Oscar dành cho phim nước ngoài năm nay: trước khi giành giải và trở nên rất nổi tiếng, ít trung tâm thương mại nào nhận chiếu phim đó ngoài các rạp phim nghệ thuật. Họ còn phải tổ chức chiếu cho học sinh các trường của Hung đi xem vì lượng khách ít quá. Nhưng có lẽ ai đã một lần xem bộ phim đầy ám ảnh sẽ mãi mãi không thể quên được tên bộ phim.

Nói thêm là sau khi nhận giải Oscar, lễ vinh danh cho đạo diễn Nemes Jeles László cũng được tổ chức tại rạp Uránia, một rạp chiếu phim thuộc Đại học Sân khấu và Điện ảnh và được coi là đẹp nhất của Budapest. Thử hỏi sẽ kỳ quái thế nào nếu nhà đạo diễn được vinh danh trong một... siêu thị? 
 
Rạp phim Uránia nổi tiếng - Ảnh: Jegy.hu
Rạp phim Uránia nổi tiếng - Ảnh: Jegy.hu

Ngoài ra, để tăng kinh phí cho tồn tại, các rạp phim cổ hứng chọn được một chức năng mà các rạp thương mại không thể làm nổi: trung tâm trao đổi văn hóa của giới văn nghệ sĩ, của người yêu thích điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung. Rạp phim kiêm cả chức năng triển lãm, chỗ ra mắt sách, biểu diễn nghệ thuật, phòng trà hay quán cà phê… miễn là vẫn sống sót trong thời kinh tế thị trường khắc nghiệt này.

Lâu dần “Hệ thống các rạp phim nghệ thuật” cũng kiếm được một chỗ đứng trong trái tim cư dân thành phố. Tất nhiên do “kén” người xem, rạp vẫn phải đươc nhà nước Hung và Quỹ Nghệ thuật Châu Âu hỗ trợ, thành phố phải áp dụng một giá cả riêng cho tiền thuê chỗ của các rạp này vì nhiều rạp nằm trên những con lộ mà “tấc đất tấc vàng”. Nhưng ai cũng phải công nhận, bỏ các rạp chiếu phim cổ đi thì Budapest sẽ không còn là Budapest nữa. 

Mới đây, khi nghe tin một cái chấm bé nhỏ cuối cùng tại Hà Nội - Cinematheque 22A Hai Bà Trưng, nơi thường chiếu các phim nghệ thuật cũng bị đóng cửa, tôi thấy lòng đau nhói. Nhiều rạp phim o Hà Nội đã lần lượt ra đi, nhường chỗ cho các trung tâm siêu thị, sàn nhảy, phòng tập gym… Thời xưa người ta kìm hãm quyền tự do trong lựa chọn nghệ thuật do chế độ chính trị, giờ lại do đồng tiền. Có lẽ cả hai cái đều đáng buồn như nhau!

Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 21-11-2016


 
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn