GỐM XOAY

Thứ bảy - 26/11/2016 03:59

(NCTG) “Tôi mơ hồ nhận ra “triết lý xoay gốm nơi cuộc đời”: một tảng đất màu trắng đã trải qua khá nhiều công đoạn như lọc bỏ tạp chất, ngâm nước, phơi nắng rồi lại trộn nước nhồi cho dẻo đạt độ ẩm cần thiết, nằm trước người làm gốm không đơn thuần là tảng đất vô tri vô giác đang chờ bàn tay con người nhào nặn tùy ý”.

Unchained Melody (oil pastel on a4 paper) - Lê Hải, 11-2016

Unchained Melody (oil pastel on a4 paper) - Lê Hải, 11-2016

Ai đã từng nhìn người làm gốm ngồi trên bàn xoay một khối đất, sẽ ngỡ như là người đó đang nghịch bẩn. Song, từ cái biết đến cái hiểu đã gian nan thì con đường chinh phục một cục đất còn rất rất xa.

Bản thân tôi sau khi trải nghiệm nghệ thuật Gốm xoay (ngoài kỹ thuật xoay, làm gốm còn nhiều cách như ghép, xoắn...), tôi thấy làm gốm (ở đây là gốm Việt) chỉ có ba động tác cơ bản là xoay, ấn, vuốt (làm ra sản phẩm thô, sau đó trang trí cũng chỉ có ba động tác cơ bản là vẽ, cắt, khắc cuối cùng là tráng men và nung). Đó là kiến thức tôi nhặt nhạnh được, bên cạnh nhiều cái hay và cái đẹp khác mà tôi nhận ra ở Gốm Việt.

Bài viết này tôi chỉ tập trung vào kỹ thuật xoay gốm vì khi tìm hiểu, tôi mơ hồ nhận ra “triết lý xoay gốm nơi cuộc đời”. Một tảng đất màu trắng đã trải qua khá nhiều công đoạn như lọc bỏ tạp chất, ngâm nước, phơi nắng rồi lại trộn nước nhồi cho dẻo đạt độ ẩm cần thiết, nằm trước người làm gốm không đơn thuần là tảng đất vô tri vô giác đang chờ bàn tay con người nhào nặn tùy ý.

Tôi từng được đọc về nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Nhật. Nghệ nhân đem khối gỗ về nhà, đặt ở một nơi trang trọng, cao, đủ ánh sáng, đủ độ ẩm. Họ cứ để đó khá lâu, ngày qua ngày họ đi qua khối gỗ, dừng lại nhìn nó lặng thinh phút chốc mà không chạm vào nó. Cứ thế, đến một ngày, nghệ nhân đem khối gỗ vào gian phòng trống có thắp nến thơm rồi vệ sinh thân thể, mặc Kimono, vào phòng ngồi xếp chân trước khối gỗ, đối diện nhau, có khi vài ngày chỉ ngồi như thế, ăn chay và uống nước lọc. Cả gia đình không ai được gây tiếng ồn xung quanh căn phòng đó. Nghệ nhân và khối gỗ cứ như đang thực hiện một nghi lễ linh thiêng nào đó trong thinh lặng. Đến khi nghệ nhân chính thức hành lễ dập đầu lạy khối gỗ xong mới rút con dao duy nhất bắt đầu đẽo gọt. Nghệ nhân làm miệt mài không ngừng cho đến khi tượng Phật bên trong hé lộ. Hành động của nghệ nhân không phải hành động điêu khắc tạo hình mà họ chỉ là người dẫn đường, lột bỏ lớp vỏ bề ngoài để tượng Phật hiện ra. Dường như tượng Phật nằm sẵn trong khối gỗ, ngày ngày nghệ nhân nhìn ngắm là để cảm nhận tiếng gọi từ bên trong, nhìn thấy ánh hào quang ẩn sau thớ gỗ xù xì...

Gốm cũng tương tự vậy. Tảng đất nằm đó để chờ đợi một cái nhìn thấu từ nghệ nhân, chờ đợi bàn tay đồng điệu nhào nặn. Trước khi chạm tay vào, nghệ nhân ngồi trước bàn xoay tĩnh tâm nhìn tảng đất, cảm nhận tảng đất đó cho ra hình thù gì, nó muốn trở thành gì, muốn được tạo ra như thế nào. Một khi cảm nhận đạt độ chín muồi, nghệ nhân vẫn chưa vội chạm vào đất mà sẽ nhúng tay qua nước lạnh. Đôi tay không quá ướt, không quá khô khi chạm vào đất sẽ không vô tình gây tổn thương, và cùng với đất, tay ẩm ướt nên đất cũng mềm mại! Phải đặt tay thật nhẹ nhàng như không hề tiếp xúc một lúc để tay và đất nhận ra nhau, sau đó mới xích lại gần cho da cọ sát đất, nếu tâm hồn thả vào khối đất thì nghệ nhân sẽ bắt đầu cuốn theo vòng gốm xoay lúc nào không hay.

Đứng bên ngoài ngắm nghía nghệ nhân xoay gốm, ngỡ rằng đôi bàn tay nghệ nhân tạo nên tuyệt tác, điều khiển đất theo ý tay. Không đâu, khi chạm vào đất, tôi nhận ra bàn xoay và đất điều khiển tay mình, còn tay chỉ hướng dẫn đất xoay đúng hướng (dạy con hay dạy học sinh và trong các mối quan hệ của mình hình như cũng nên thế). Nhìn đất xoay, mắt phải nhận biết được hướng xoay, rồi không chỉ chạm vào hời hợt mà cần biết chỗ nào là tâm của đất để mạnh dạn vuốt . Vuốt nhẹ, vuốt mạnh là tùy thuộc tính cách đất ra sao và tùy vào điều mà cả ta và đất muốn đạt được. Sự vuốt ve ấy đôi khi là cả một nghệ thuật, nghệ nhân không bao giờ vội vàng, thỉnh thoảng phải dừng lại nhúng tay vào nước để bàn tay không quá thô ráp làm đất tổn thương. Chỉ khi nào sự vuốt ve tiếp xúc gữa da và đất đã đủ, nghệ nhân sẽ tiến hành ấn vào tâm của đất, như thể ấn vào một huyệt đạo linh thiêng, ấn một lực ko nhẹ không mạnh, lập tức đất giãn ra, cởi mở với ta, không còn e ấp khép nép nữa. Và rồi, những việc còn lại khá đơn giản, nghệ nhân và đất đã hòa hợp thì đi đến cuối con đường đạt được thành phẩm là điều dễ dàng.

Xác định được tâm của đất coi như thành công một nửa, rất nhiều người học mãi mà không thấy được tâm của đất, điều này làm tôi liên tưởng đến nhiều chuyện trong cuộc sống nếu không đồng cảm chia sẻ, không để tâm nhìn thấu tất cả bằng đôi mắt của trái tim khối óc thì cha mẹ chẳng bao giờ nuôi dạy được con đúng đắn, còn chúng ta không giữ được mối quan hệ nào, cũng không tiến triển gì trong công việc và cuộc sống sẽ không như ý... Cũng như gốm sẽ cho ra những cái ly, chén đẹp đẽ hay cho ra một cục đất hình thù quái dị đều do vậy! Làm gốm là nghe đất kể chuyện, nghe đất tâm tình... Yêu thương một ai cũng thế, là nghe và nhìn nhận người ta bằng trái tim, chạm vào bằng da thịt, cảm nhận bằng mọi giác quan và cả tâm hồn mình. Đó mới là tình yêu đích thực...

Nghệ nhân thì không bao giờ nói hôm nay sẽ làm gì từ tảng đất đó. Nhưng nếu bạn cũng đam mê gốm như tôi, thì bạn hãy thử bắt tay làm một chiếc ly để tặng người mình yêu thương. Vì cái ly là món quà có ý nghĩa lớn lao. Ly, chén trong tiếng Hán là “chung”. “Chung” có nhiều nghĩa nhưng ở đây, “chung” là vật mà người Trung Quốc dùng để uống nước và uống rượu. Nước là “thủy”, rượu uống thì say. Trao cho ai cái ly, cái chén, là trao đi sự gắn kết, chân tình, nồng nàn, đắm say...

Lạc Yên, từ Sài Gòn - Tháng 11-2016


 
 Từ khóa: gốm Việt
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn