NHẬT KÝ XỨ SỞ ÁNH DƯƠNG (Kỳ 4)

Thứ hai - 28/11/2016 15:25

(NCTG) “Giữa lòng Tokyo được gặp gỡ hai thần tượng, không biết Thần Điêu đại hiệp Cổ Thiên Lạc và “Bà già gân” của Hollywood Meryl Streep có hay chăng, người khán giả thường đi xem phim ở nhà hàng xóm năm xưa vẫn đang tiếp tục theo dõi và cổ vũ sự nghiệp của họ qua những bộ phim hôm nay và những ngày sau…”.

 
Cổ Thiên Lạc và Meryl Streep
Cổ Thiên Lạc và Meryl Streep

Kỳ 4: Thần Điêu đại hiệp và “Bà già gân” của Hollywood

Vào một dịp họp lớp gần đây, ngồi giữa “cả lớp” gồm những người bạn đã lập gia đình, chỉ có tôi là vẫn kiên trì với quan điểm “hôn nhân không phải điều nhất định phải thực hiện” trong đời người. Thật phi lý khi một con người chỉ được cho là bình thường khi đến tuổi thì phải lập gia đình, đến tuổi thì sinh con.

Nói vậy không có nghĩa là tôi phản đối chuyện hôn nhân gia đình, tôi cho rằng đó là sự chọn lựa mang tính cá nhân và tất cả sự gượng ép đều dẫn đến kết quả tiêu cực.

Và rồi tôi nhớ Dương Quá, một trong những nhân vật tôi thích nhất trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Tôi thích tính cách thách thức thiên hạ của một đại anh hùng, tôi thích một con người sẵn sàng hy sinh vì nghĩa, và hơn hết, tôi hâm mộ nam tử sống cho duy nhất một mối tình chẳng màng miệng lưỡi người đời.

Tuổi trẻ của tôi gắn liền ngày tháng ham chơi, in đậm những buổi chiều, buổi tối chạy sang nhà hàng xóm xem phim. Hơn 20 năm trước, những chiếc ti-vi mầu, đầu máy chiếu phim vẫn còn được xem là “một dạng tài sản”, gia đình khá giả mới sắm được, hầu hết các hộ gia đình đều xem ti-vi trắng đen hoặc xem nhờ ở nhà hàng xóm.

Nhớ ra, “xem phim ké” cũng thuộc một dạng văn hóa làng xã của Việt Nam. Hồi đó tôi chưa lên thành phố, khu phố gia đình tôi ở chỉ có vài ba nhà có ti-vi, hai nhà có đầu máy.

Gia đình tôi thuộc diện nghèo nhất, cái gì cũng không có, duy ghiền xem phim là tôi không thua ai. Mỗi buổi chiều sau khi ăn cơm xong, tôi liền tót qua nhà hàng xóm xem phim đến khuya. Để tận dụng tối đa thời gian, bài vở tôi luôn hoàn thành sớm vào ban ngày để ban đêm được xem phim, và ngày nào bố mẹ cũng phải kêu về ngủ.

Khi làn sóng phim Hồng Kông, Đài Loan đổ bộ rầm rộ vào Việt Nam, được khán giả say mê nhất phải kể đến những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long.

Phải nói là chúng đã làm nhiều thế hệ lúc đó mất ăn mất ngủ, cái cảm giác xem một cuốn phim dài tập, xem chốc lát là âm thanh rè rè, hình ảnh nhảy múa loạn xạ, phải chùi đầu từ để xem tiếp. Phim ra tập mới thì cả xóm cùng vùi đầu vào xem, đôi lúc chúng tôi hùn tiền để thuê băng, những giây phút ấy thật không sao trút khỏi ký ức.
 
Cổ Thiên Lạc và Lý Nhược Đồng trong “Thần Điêu đại hiệp” phiên bản 1995
Cổ Thiên Lạc và Lý Nhược Đồng trong “Thần Điêu đại hiệp” phiên bản 1995

Mấy thằng con trai trong xóm, sau khi xem phim, cứ nghĩ chúng nó là đại anh hùng Tiêu Phong, lãng tử như thiếu hiệp Lệnh Hồ Xung, cuồng vĩ như Dương Quá, còn mấy đứa con gái thì muốn được thông minh giống Hoàng Dung và đẹp tựa Tiểu Long Nữ, là sợi dây nối liền một thời tuổi trẻ.

Trong số những cặp diễn viên để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho đến tận bây giờ, thật khó có đôi diễn viên nào sánh với Cổ Thiên Lạc và Lý Nhược Đồng trong phim “Thần Điêu đại hiệp” phiên bản 1995.

Với vẻ ngoài điển trai, Cổ Thiên Lạc là diễn viên Hoa ngữ được người Việt vô cùng yêu thích, một trong những nhân vật hiếm hoi có thể sánh với “Tứ Đại Thiên Vương”.

Khác với những ngày đầu khởi nghiệp diễn xuất, hiện Cổ Thiên Lạc đã trở thành một người đàn ông trưởng thành, giữ phong cách điềm đạm, khá lạnh lùng. 

Xuất hiện trước báo giới và khán giả tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo để quảng bá cho bộ phim “Shed Skin Papa” mà anh đóng chung với Ngô Trấn Vũ, “Hi everyone, I’m Louis Koo!” là câu chào quen thuộc của Cổ Thiên Lạc, và chỉ vậy mà thôi (Louis Koo là tên tiếng Anh của Cổ Thiên Lạc).

Cuộc đời  Thiên Lạc cũng phong trần, hao hao giống với nhân vật Dương Quá mà anh thủ vai. Trước khi đến với điện ảnh, Cổ Thiên Lạc đã từng ngồi tù vì tội trộm cắp, sau đó anh làm nhiều nghề khác nhau (hầu bàn, bảo vệ, bán thức ăn) trước khi tỏa sáng trên màn bạc Châu Á. 

Năm nay, nữ minh tinh Hollywood Meryl Streep đem đến cho khán giả một hoá thân đặc sắc nữa của bà, đó là vai diễn chính trong “Florence Foster Jenkins”, một bộ phim hài chính kịch kể về cuộc đời có thật của nữ nhân vật cùng tên.

Nếu anh thật sự yêu em, anh sẽ ủng hộ em đúng không?” - câu hỏi tưởng chừng vô cùng bình thường từ bất cứ một người con gái nào, nhưng đó lại là lời đề nghị của Florence Foster Jenkins - người bị đánh giá là ca sĩ có chất giọng tệ nhất lịch sử - mong muốn chồng cũ của mình hãy ủng hộ cô trong đêm biểu diễn ở thính đường Carnegie Hall lừng danh.

Bạn có chia sẻ tình yêu của mình cho người khác? Tôi thì nghĩ, TÌNH YÊU - tình cảm đặc biệt và khó hiểu nhất của con người - là thứ không thể chia sẻ. Vì tình, người ta có thể đương đầu tất cả mọi chuyện, kể cả chết vì người mình yêu, nhưng thật khó tưởng tượng có một người sẵn sàng chia sẻ tình yêu đôi lứa cho một người khác.
 
Meryl Streep trong bộ phim mới
Meryl Streep trong bộ phim mới

Nhân vật chính Florence Foster Jenkins là một trong những ca sĩ ít có những màn trình diễn nhất trên thế giới. Tháng 12-1944, Foster thuê thính đường Carnegie Hall để thực hiện buổi trình diễn của đời mình.

Giây phút đó đối với cô là hình ảnh đẹp mang tính nhân văn nhằm ủng hộ khát khao của con người, hơn là đem lại giá trị thưởng thức nghệ thuật từ một nhân vật cụ thể. Có lẽ nhờ vậy mà người đời cũng chấp nhận Foster như là một trong những ca sĩ đặc biệt nhất gắn liền với giọng hát kinh khủng nhất.

Điểm cộng của bộ phim nằm ở vai diễn của Simon Helberg, nam diễn viên được yêu thích trong loạt phim truyền hình nổi tiếng “The Big Bang Theory”. Diễn xuất tưng tửng của anh trong vai người đệm đàn piano cho Foster thực sự khiến người xem vỡ oà trong tiếng cười.

Tài tử Hugh Grant nhập vai St. Clair Bayfield của Foster, một người đàn ông tận tụy và ủng hộ tham vọng của vợ cũ nhất mực. Anh ấy làm mọi thứ để tránh cho Foster biết sự thật phũ phàng rằng cô ấy… hát siêu tệ, và để bảo vệ người vợ của mình trước sự gièm pha của thế giới xung quanh.

Tuy nhiên, sau khi đưa “vợ cũ” lên giường ngủ, chắc chắn nàng đã yên giấc, St. Clair Bayfield không quên chạy đi tìm “người tình hiện tại” của mình. Đạo diễn Stephen Frears đã tạo nút thắt để người xem phải lưỡng lự sau khi thưởng thức bộ phim, rằng, sao lại có một người đàn ông tốt với vợ cũ đến như thế và ai mới là người St. Clair Bayfield thật sự yêu?

Cuộc đời của Foster là ví dụ điển hình cho sự ảo tưởng trong cuộc sống - dưới góc độ nào đó - đã giữ cho con người thoát khỏi bi kịch của những nhàm chán, dù điều đó được hiện thực hoá bằng sức mạnh của đồng tiền.

Vai diễn Florence Foster Jenkins của Meryl Streep được dự đoán sẽ nằm trong danh sách ứng cử ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất của mùa Oscar 2017.

Hình ảnh Dương  Quá đã cho tôi niềm tin về một tình yêu duy nhất giữa thế giới bộn bề nhiễu nhương. “Bà già gân” Foster tặng tôi niềm tin tranh đấu tuyệt đối cho lý tưởng đam mê. 

Giữa lòng Tokyo, gặp gỡ hai thần tượng cùng hai mối tình kinh điển, không biết Thần Điêu đại hiệp Cổ Thiên Lạc và “Bà già gân” của Hollywood Meryl Streep có hay chăng, người khán giả thường đi xem phim ở nhà hàng xóm năm xưa vẫn đang tiếp tục theo dõi và cổ vũ sự nghiệp của họ qua những bộ phim hôm nay và những ngày sau.

Xem tiếp kỳ cuối: Giấc mộng vườn hoa

Anh Thư, từ Sài Gòn


 
 Từ khóa: điện ảnh, Nhật Bản
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn