HÃY HÔN, NHƯNG PHẢI HÔN DƯỚI CÂY TẦM GỬI

Thứ sáu - 22/12/2017 05:06

(NCTG) “Mơ ước về tình yêu vĩnh cửu luôn cháy bỏng, dù chỉ là từ một nụ hôn”.

HÃY HÔN, NHƯNG PHẢI HÔN DƯỚI CÂY TẦM GỬI

Hồi mới sang Đức, đi trên những chuyến tàu ngang dọc xuyên qua những cánh rừng, mình quan sát thấy trên những cây xanh bên đường, lủng lẳng, cơ man là tổ chim. Những cái tổ chim ấy ám ảnh mình mãi về một đất nước trù phú, cây xanh nườm nượp phủ khắp nơi và chim làm tổ đến trĩu cả cành cây.

Nhưng mãi sau này mình mới biết, cái mình tưởng là tổ chim ấy thật ra là một loại tầm gửi, ăn nhờ ở đậu trên thân cây chủ đúng như tên gọi. Loài ăn bám này cũng có lá xanh, tức là có chất diệp lục, có thể quang hợp được để tự nuôi dưỡng bản thân nhưng không, chúng cắm những cái rễ đặc biệt vào thân cây chủ và phè phỡn hút nước, dưỡng chất từ đây. Thế là như mọi loài ăn bám khác, trong khi thân chủ cứ còm cõi đi thì tầm gửi quanh năm xanh tốt, ngay cả trong mùa đông khắc nghiệt nhất của xứ lạnh.

Không hiểu sao, khi nhắc đến tầm gửi, mình cứ nhớ hàng rào cúc tần nhà bà ngoại. Nó thơm ngai ngái, cái mùi đầy ăm ắp tuổi thơ, lúc mò mẫm cùng bọn trẻ hàng xóm trốn ngủ trưa vọc vầy hái lá chơi đồ hàng. Nhưng không phải mình nhớ cái hàng rào cúc tần ấy, mà nhớ đám dây tơ hồng như suối tơ vàng óng ai rải lên trên đó. Đó chính là loại tầm gửi đầu tiên mình biết đến trong đời. Với mình, nó chỉ là thứ để chơi trò bán bán mua mua, nhưng nghe đâu, mấy ông trong xóm vẫn âm thầm vơ về để chữa cái bệnh chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền. Rồi tầm gửi cây dâu tằm, tầm gửi cây gạo... đều là những vị thuốc quý. Hóa ra loài ăn bám không phải khi nào cũng vô tích sự.

Tầm gửi chẳng ai trồng, chẳng ai khuyến khích, nhưng chúng sống bền bỉ và phát tán khắp nơi như cỏ dại. Có cả ngàn loại tầm gửi khác nhau sống trên các loài cây chủ khác nhau. Nhưng thú vị nhất là một loại tầm gửi, được coi là “loài cây ma thuật”, vì tương truyền rằng, hễ đôi trai gái nào hôn nhau dưới một cành cây tầm gửi, họ sẽ bên nhau mãi mãi.
 
31

Mistel, một loài tầm gửi ở Châu Âu được biết đến từ rất lâu nhờ tác dụng chữa bệnh đặc biệt của nó. Có quá nhiều công dụng của loài cây ăn bám trứ danh này, nhưng đáng nể nhất phải nói đến căn bệnh văn minh đầu bảng là cao huyết áp và ung thư. Thậm chí ngay ở Đức cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng hỗ trợ chữa chạy ung thư của ngài ăn bám Mistel. Bà hàng xóm nhà mình vẫn uống trà từ lá Mistel khô để chữa bệnh tim, nhưng quả thực chả thấy có tài liệu nào nói đến tim. Và chí ít, dân Đức vốn khao khát yêu đương chỉ chăm chăm nói đến Mistel như là một thứ bùa mê, để hôn hít mồi chài nhau và mơ ước chạm tay vào sự vĩnh cửu.

Từ đâu và từ bao giờ, Đức và một số nước Bắc Âu gán cho Mistel, cây ma thuật này cái huyền thoại về nụ hôn vĩnh cửu, có trời biết. Nhưng từ năm một ngàn mấy trăm lâu quá rồi, người ta đã dùng liềm vàng để cắt những cành Mistel từ trên thân cây, nâng niu một cách thành kính không để nó rơi xuống đất và cố gắng giữ cho chúng không rụng một cách vô vọng vì đó lllà một công việc đầy tính may rủi. Mistel rất giòn, và quả thì rụng như sung cũng như những nhánh nhỏ chả hiểu sao có lúc đua nhau lả tả như gặp bão. Người ta buộc vào đấy một cái nơ đỏ, màu của hạnh phúc, sức mạnh và may mắn, treo chúng trước cửa nhà và thế là hôn nhau thỏa thích suốt dịp Giáng sinh, những nụ hôn buốt lạnh nhưng ấm nồng về một mơ ước bất biến của ái tình. 

Mistel, loài cây ma thuật luôn có tán hình tròn, nhìn xa như những tổ chim bám đầy trên cây, vì thế mà kẻ viết bài này mới nhầm suốt bấy lâu về những tổ chim khổng lồ. Chúng xanh tốt quanh năm nhờ hút kiệt dưỡng chất của cây chủ, ra hoa vào mùa xuân và quả chín vào dịp Giáng sinh. Quả Mistel trong suốt, trắng đục như những viên ngọc trai và mình rất thích bóp chúng trên tay, chỉ để khi vỡ ra chúng cứ dính lép nhép đầy trơ tráo và gan lỳ. Bọn chim chóc thì khỏi nói, rất thích chén quả Mistel, chính chúng là thủ phạm pháp tán cho loài cây này sinh sôi nảy nở. Ngay cả khi thải ra trong phân chim, quả Mistel vẫn dính và nhờ thế, chúng mới bám vào thân cây và bắt đầu cuộc đời của một loài ăn bám nhưng là một loài ăn bám có ích. 

Nhờ thế, nơi nào có cây xanh, nơi ấy có Mistel, nhất là những cây thân gỗ. Hàng năm, đến mùa Giáng sinh, lại có những người chuyên đi cắt Mistel. Chuyên nghiệp thì có cần cẩu đi kèm, với những cái kìm cộng lực to tổ bố, nghiệp dư thì chỉ dùng thang. Nhưng chính vì nghiệp dư, nên không ít tai nạn đã xảy ra, khi mà cây quá cao và trời mưa tuyết khiến cành cây rất trơn. Cắt tầm gửi Mistel nói chung không bị cấm ở Đức trừ khi việc đó cản trở giao thông.
 
32

Thời tiết năm nay thích hợp nên được mùa tầm gửi. Dân chúng mua được những cành Mistel trĩu quả, lá xanh rì, đẹp mê hồn. Thật may mắn nếu kiếm được cành tầm gửi đi kèm với Ilex, một loại quả đỏ có lá hình răng cưa sắc như dao, biểu tượng của Giáng sinh. Một năm no ấm và bình an đây, bà hàng xóm nhà mình bảo thế. Bà treo chùm tầm gửi trước của nhà. Không có ai hôn bà cả, vì chồng bà không còn nữa. Nụ hôn không còn nữa, nhưng ký ức thì sống mãi. Bà bảo thế.

Lần ấy, đi thăm một thành phố cổ cách thủ đô hơn trăm cây số về phía Bắc, mình đã gặp ngôi nhà cổ có niên hiệu 140 năm. Dưới mái hiên bằng rạ khô mọc đầy rêu xanh um như vẽ, lủng lẳng chùm Mistel đã khô vàng. Chúng vẫn còn nguyên hình dạng, không biết từ mùa Giáng sinh năm nào, và đã chứng kiến bao nhiêu nụ hôn của những lứa đôi. Có đôi tình nhân nào chia tay nhau chăng, khi mà chùm tầm gửi ma thuật vẫn còn đấy, bất chấp thời gian...

Một cành, đôi khi chỉ một nhánh nhỏ Mistel, cây tầm gửi ma thuật thêm một nét son vào phong tục Giáng sinh nơi xứ lạnh. Và mơ ước về tình yêu vĩnh cửu luôn cháy bỏng, dù chỉ là từ một nụ hôn.

P/s: Bạn đã treo một cành Mistel trước cửa nhà chưa?

Kiều Thị An Giang, từ Berlin - Ngày 17-12-2017


 
 Từ khóa: nụ hôn
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn