NHÌN TỪ XA... TỔ QUỐC!

Thứ sáu - 24/02/2017 15:04

(NCTG) “Thơ Nguyễn Duy bàng bạc tình yêu non nước, là cái hồn của cuộc sống dân dã, là lũy tre đầu làng, là thao thức, là khát vọng được thấy sự hòa bình thay cho chiến tranh tàn khốc”.

Tập thơ “Nhìn từ xa...Tổ quốc!” của Nguyễn Duy

Tập thơ “Nhìn từ xa...Tổ quốc!” của Nguyễn Duy

Gởi anh Nguyễn Cường (Praha), như lời cảm ơn quý mến

Có lẽ Nguyễn Duy là một trong số ít những nhà thơ trong nước được cộng đồng người Việt tỵ nạn mến trọng về tài năng và nhân cách. Là người từng cầm súng trong cuộc chiến ý thức hệ giữa hai miền Nam-Bắc cũng như chiến tranh biên giới Tây Bắc và Tây Nam, thơ của ông mang đậm suy tư, trăn trở của một người lính chân chính trước những mất mát to lớn, không gì bù đắp nổi do khói lửa, bom đạn để lại. Những vần thơ của ông đã vượt qua khỏi sự chia cắt của lập trường chính trị, của “bên ta, bên địch”, của cái ác hay cái thiện... Thơ Nguyễn Duy bàng bạc tình yêu non nước, là cái hồn của cuộc sống dân dã, là lũy tre đầu làng, là thao thức, là khát vọng được thấy sự hòa bình thay cho chiến tranh tàn khốc.
 
Ta mặc niệm trước Ăng-co đổ nát
Đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người
Đá ơi
Xin tạc lại đây lời cầu chúc hòa bình! 
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại...

Thơ ông còn là lời cảnh tỉnh về những sai lầm của một cơ chế chính trị mà chỉ có những kẻ nặng lòng với đất nước mới dám mượn cái chữ, cái vần và cái điệu để đánh động lương tâm con người trong một xã hội nhiễu nhương.
 
Nòi tre đâu chịu mọc cong 
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường 
Lưng trần phơi nắng phơi sương 
Có manh áo cộc tre nhường cho con.

Chẳng biết tự bao giờ tôi thuộc lòng những câu thơ trên của Nguyễn Duy. Cây tre, đất nước và con người dường như trở nên lãng mạn và đậm tính nhân văn hơn qua những câu lục bát của ông. Thơ của ông khắc khoải tâm hồn người đọc. Thơ của ông đưa người ta về với hiện thực, để rồi tự trắc ẩn, tự dày vò trước sự thật vốn dĩ luôn bị vùi dập.

Tôi đọc thơ Nguyễn Duy nhiều lần. Mỗi lần lại mang tâm tưởng khác nhau. Cứ như thể, với thời gian bị bó buộc bởi những yếu tố khách quan trãi qua trong cuộc đời, đã khiến tôi chín chắn hơn trong nhận thức để tìm thấy và chia sẻ sự đồng cảm cùng tác giả. Trong nước, đọc trộm, đọc lén “Nhìn từ xa...Tổ quốc!”, và nghe người lớn phân tích vội vàng trong nỗi lo bị dòm ngó, tố đểu. Ra đến bên ngoài, khi nỗi cô đơn dày xéo tâm hồn, lại cảm nhận “Nhìn từ xa... Tổ quốc!” không đơn thuần chỉ là một bài thơ hay, sâu lắng mà đó chính tâm huyết của cuộc đời Nguyễn Duy khi đớn đau, thao thức, suy tư về dân tộc, về đất nước, về đồng bào trước thời cuộc.

“Nhìn từ xa...Tổ quốc!” với tôi là như thế, luôn nằm trong tiềm thức và thi thoảng lại trỗi dậy mạnh mẽ trong những giờ phút, từ xa, nghĩ về quê hương. 

Cho đến một ngày, tôi nhân được một lá thư lớn được gởi đến từ Praha. Tò mò, nhìn tên người gởi, tôi đoán hươu đoán vượn để rồi thật cảm động khi nhận thấy đằng sau lớp giấy bọc là hàng chữ “Nhìn từ xa...Tổ quốc!”. Ôi, có lẽ chỉ trong tích tắc, bao cảm xúc dồn nén bấy lâu về hai chữ Tổ quốc lại lùa về xâm chiếm tâm hồn tôi, như thể chưa bao giờ tôi được nghe, được đọc thấy hai chữ ấy! 

Anh bạn, một bậc đàn anh, ở đất nước của Václav Havel, đã có tấm lòng gởi tặng tôi tập thơ của “Nguyễn Duy, Nhìn từ xa... Tổ quốc!” (*). Trong một dịp Nguyễn Duy ghé Praha, anh bạn tôi đã tặng lại nhà thơ bản chép tay mà chính tác giả đã tặng anh năm xưa khi hai người gặp nhau ở Praha. 

Tôi có biết được hoàn cảnh ra đời của tập thơ một bài bằng ba thứ tiếng Việt-Anh-Pháp này nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa (1974-2014). Cầm tập thơ trên tay, một màu đen tối thẳm nhưng lại rực rỡ hai chữ Tổ quốc, mới cảm nhận hết những gian truân (không đáng có) mà Nguyễn Duy đã gặp phải khi viết nên những vần thơ để đời này.
 
Chích một giọt máu thường xét nghiệm
tí trí thức - tí thợ cày - tí điếm
tí con buôn - tí cán bộ - tí thằng hề
phật và ma mỗi thứ tí ti…

Khốn nạn thân nhau
nặng kiếp phân thân mặt nạ

Thì lột mặt đi lần nữa mãi mà chi
dù dối nữa cũng không lừa được nữa
khôn và ngu đều có tính mức độ.

Thật quá đi chứ những gì Nguyễn Duy viết cách đây 29 năm. Nhưng đớn đau thay, bi kịch thay khi những điều  ấy vẫn còn đúng trong khi thế giới đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, thì dân tộc Việt lại vẫn cứ dậm chân tại chỗ với muôn vàn vấn nạn và bất an. 

“Nhìn từ xa... Tổ quốc!” không còn là sự cảnh tỉnh lương tri con người trước cái xấu, trước quyền lực chính trị đen tối của riêng Nguyễn Duy nữa. Nó đã trở thành một phần di sản quan trọng và cần thiết cho sự trưởng thành của dân tộc. Bài thơ ấy đã, đang và sẽ là nỗi niềm trăn trở, suy tư, dằn vặt của mọi người Việt Nam khi hướng về quê hương.
 
Dù có sao
vẫn Tổ quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân
ta là dân - vậy thì ta tồn tại.

Nguyễn Duy luôn khẳng định ông không liên quan đến chính trị tầm thường, không làm “cái đuôi của chính trị”. Những gì ông viết ra xuất phát từ nhận thức, từ sự thức tỉnh qua những kinh nghiệm sống đau thương, bất chấp những khó khăn, đe dọa hay những bản án do chế độ treo lơ lững trước mặt. Cái sự thức tỉnh ấy là vô cùng cần thiết cho mạch sống trong lành của một dân tộc mà không phải ai cũng dám can đảm đối mặt với nó.

Ngày nay, nhìn (từ xa) về Tổ quốc còn là trách nhiệm và là lương tâm của tất cả chúng ta. “Nhìn từ xa...Tổ quốc!” như sợi dây dài kết nối lại những người con cùng hướng về những nỗi đau chung của quê Mẹ. “Nhìn từ xa... Tổ quốc!” đã vượt qua khỏi giới hạn về không gian và thời gian để lắng đọng trong tâm hồn chúng ta.
 
Nhắm mắt lại mà nhìn
thăm thẳm
yêu và đau
quằn quại bi hùng

Dù ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng
cột biên giới đóng từ thương đến nhớ.

Ghi chú (của NCTG):

(*) NXB Hội Nhà văn, 2014. Sách được nhà thơ Nguyễn Duy tặng chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa để gây quỹ nhằm tri ân những người lính đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc trong hai trận hải chiến, năm 1974 ở Hoàng Sa và năm 1988 ở Trường Sa.

Lâm Bình Duy Nhiên, từ Thụy Sĩ - Ngày 23-2-2017


 
 Từ khóa: Nguyễn Duy
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn