Như một tiên đoán về số phận mình, như một lời tạ từ với tri kỷ, với con người trên trần gian này, người hát rong bình thản thấy trước một ngày
“mai kia chào cuộc đời, nghìn trùng cơn gió lay” để về với “
nguyên quán” vĩnh hằng. Dự cảm rất gần
một ngày tháng Tư của 16 năm trước. Lần này là thật rồi, không phải
“một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” để “
giật mình tỉnh ra, ô nắng lên kìa”...
Dừng lại rồi bước chân của gã lang thang tài hoa xứ Huế, từng chậm rãi cùng tâm giao trai trẻ một thời bên dòng sông yên tĩnh, dưới những mái chùa như ở một cõi đời nào khác, hay ngoái lại bậc thềm của căn nhà xưa cũ, nơi lắng những bước chân nặng trĩu ưu phiền của một người bắt đầu nhận ra những dâu bể của đời
“từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Tâm cảm ấy vĩnh viễn đóng dấu vào âm nhạc ông như những điệu kinh cầu dịu dàng đầy sẻ chia, an ủi.
Khép lại rồi những con đường với hàng cây long não xanh mướt ở Huế, với náo nhiệt Sài Gòn và những ngã rẽ bất ngờ Trịnh đã dừng chân với bao cuộc gặp gỡ định mệnh, nơi những dáng kiều đã đi qua, đã chạm vào nỗi khắc khoải thanh tân và ở lại vĩnh viễn trong ca từ hư ảo
“màu nắng hay là màu mắt em”,
“mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thủa mắt xanh xao”. Khép lại những hẹn hò với giai nhân khiến người mụ mị trong đớn đau, thương nhớ của chia ly mà vẫn ấm áp một lời
“dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời”, và mãi mãi về sau khi “
áo xưa dù nhàu” cũng vẫn “
xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”...
Khép lại rồi cả một thời loạn ly, thời Trịnh từ cao nguyên Blao về Huế rồi Sài Gòn trong nỗi tuyệt vọng, tâm hồn xáo động và trái tim tan vỡ, khi từng đêm đại bác vọng về,
“đánh thức mẹ dậy” và
“người phu quét đường dừng chổi lắng nghe”. Những tháng năm bóng tối che ngang,
“mẹ ngồi nguyện cầu hàng bao đêm lời kinh vọng ra thật êm đềm. Mẹ cầu cho con với tuổi xuân còn nguyên đừng biến mất”. Ở đấy là số phận của cả một thế hệ buộc phải thích nghi với sự hỗn loạn trong lầm lẫn đã ghi tên dự phần vào công trái chiến tranh. Cơn va quệt điên loạn của bom đạn, chết chóc đã làm tan vỡ hàng ngàn mảnh thế giới của sự an bình, của lý trí sáng tạo. Thế hệ đã bị xáo động từ sâu thẳm tâm can khi bất kỳ ai, lúc nào cũng có thể
“chết thật tình cờ, chết không hẹn hò, không hận thù, nằm chết như mơ” đã
“lại gần với nhau” mà đứng vững trước mọi bất ưng, mà cổ vũ và bênh vực tất cả những sự mới mẻ, nhân văn của đời sống...
Khép lại rồi những tháng ngày Trịnh lặng lẽ thấu cái thường ngày, cái vĩnh hằng mà từ bỏ những gì là phù du
“tôi thu bóng tôi” mà chọn lấy cô đơn để sáng tạo, mặc cho hiếu kỳ, hồ nghi vây quanh mà chưa khi nào chúng có thể can dự thật sự vào đam mê và nguồn vui sống của ông. Những điềm nhiên nhập cuộc đậm chất hiện sinh
“hãy cứ vui chơi cuộc đời, đừng cuồng điên mơ trăm năm sau, còn đây em ngọt ngào...” bởi
“cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Những sẻ chia ở bất cứ nơi nào cuộc đời ưa thích, nhẹ nhàng băng vượt khỏi ranh giới của những quan điểm, tư tưởng, lai lịch, nòi giống hay tôn giáo “
hãy cứ yêu thương mọi người, hãy cứ yêu như mọi ngày” để soi vào mình
“Tôi là ai mà còn trần gian thế. Tôi là ai mà yêu quá đời này”. Khép lại vĩnh viễn căn phòng nhỏ nơi ông với những người bạn thuộc nhiều lứa tuổi, thường ngồi lại bên nhau với ly, đàn, cọ và toan. Khi rượu đã thấm là lúc âm thanh và màu sắc cùng cất lời về muôn thuở hạnh phúc và bất hạnh, về trùng phùng và biệt ly...
Hẹn hò với cõi này là vừa đủ thì khép lại thôi. Trịnh đã đến đây, “
đã vui chơi trong cuộc đời này”. Và trong trò đùa cuối cùng của số phận ông đã lại phải lên đường, nhưng lời hẹn hò ấm áp, an nhiên, tuyệt đẹp ấy sẽ còn lại mãi với thiên thu...