Giáo sư Lương Duy Thứ (1935-2014)
Lời giới thiệu: Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Lương Duy Thứ sinh ngày 1-10-1935. Quê quán tại Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Tốt nghiệp Đại học Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc). Dạy học từ năm 1960 tại các trường Đại học Vinh, Việt Bắc, Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp TP. HCM. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1990. Được phong hàm Giáo sư năm 1991.
Chuyên ngành của giáo sư là về văn học và văn hóa phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc. Giáo sư là một cây đại thụ trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu của ông. Ngoài công việc giảng dạy ở các trường đại học, đào tạo nhiều thế hệ học trò, giáo sư đã hướng dẫn thành công 4 luận án tiến sĩ, 20 luận văn thạc sĩ, hoàn thành 15 đề tài khoa học các cấp, chủ biên, tham gia viết và dịch 25 cuốn sách.
Một số cuốn sách tiêu biểu của giáo sư như “Để hiểu tám bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc”, “Đại cương văn hóa Phương Đông”, “Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc”, “Lỗ Tấn phân tích tác phẩm” v.v…, sách dịch có “Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc”, “Hán văn học sử cương yếu” v.v…
Với những thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu, Giáo sư đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì của Nhà nước Việt Nam, Huân chương Angkor Wat của Nhà nước Campuchia, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Giáo sư Lương Duy Thứ qua đời ngày 29-7-2014 tại Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi. Những dòng sau đây là của TS. Hà Thanh Vân, một học sinh cũ của Giáo sư, tưởng nhớ thầy lúc ông ra đi. (NCTG)
Cùng thầy khi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhận được tin thầy qua đời, biết rằng sinh, lão, bệnh, tử là chuyện tất yếu của đời người, nhưng vẫn thấy nghẹn ngào. Ngồi lục từng cuốn album cũ, nhìn ảnh thầy trò chụp chung, thấy mới như ngày nào.
Thầy của tôi là giáo sư Lương Duy Thứ, một người mà tôi hết mực kính trọng và yêu mến, một người đã đồng hành cùng tôi, dìu dắt tôi trên từng chặng đường làm thuở mới vào nghề. Thầy là Nhà giáo Ưu tú, là một chuyên gia đầu ngành về văn học Trung Quốc.
Khi thầy dạy tôi lần đầu tiên, đó là năm thứ Ba đại học. Thầy khi ấy đã một giáo sư tên tuổi mới từ Đại học Sư phạm Hà Nội chuyển vào. Thầy dạy văn học Trung Quốc với một lối giảng linh hoạt, hấp dẫn, hay đặt câu hỏi, nhưng thái độ lại rất gần gũi, giản dị. Chính thầy đã làm cho tôi yêu mến và say mê văn học Trung Quốc, đặc biệt là say mê những bài thơ Đường và tác phẩm “Hồng lâu mộng”.
Chính vì sự say mê đó, ngay từ năm thứ ba, tôi đã xung phong làm niên luận nghiên cứu với thầy và chọn ngay một nhân vật đặc biệt ấn tượng trong “Hồng lâu mộng”, đó là Phượng Thư. Tôi muốn viết về nhân vật ấy như là một phụ nữ đa diện, nhiều chiều, đầy cá tính, tuy nhiều lúc đáng ghét, nhưng nhiều lúc cũng thật đáng thương. Thầy khen tôi viết được và bảo có tư chất.
Đến năm thứ Tư đại học, tôi lại xin thầy cho làm khóa luận tốt nghiệp đại học với thầy, cũng chọn về đề tài các nhân vật nữ trong “Hồng lâu mộng”, giới hạn trong ba nhân vật Đại Ngọc, Bảo Thoa và Phượng Thư. Thầy hỏi tôi rất nghiêm túc là có say mê văn học Trung Quốc không và tỏ ý động viên tôi nối nghiệp thầy.
Chính vì vậy, đến khi học cao học, tôi lại xin thầy hướng dẫn và lại chọn đề tài là “Hồng lâu mộng”. Và thầy lại tiếp tục hướng dẫn tôi làm nghiên cứu sinh, trở thành tiến sĩ.
Mười năm học hỏi với thầy, tôi học được ở thầy nhiều điều tốt. Đó là sự làm việc cẩn trọng, nghiêm túc và đặc biệt là thái độ khoan thứ với học trò.
Nhớ lần đầu tiên rụt rè đến nhà thầy, thầy hỏi ngay: “
Em có biết chữ “Thứ” trong tên thầy có nghĩa là gì không?”. May mắn có đọc chút ít về Khổng Tử, tôi bèn trả lời: “
Trong sách “Luận ngữ”, khi ông Tử Cống hỏi: “Có ngôn từ nào có thể suốt đời làm theo được chăng?”, Đức Khổng Tử đáp rằng: “Hẳn là chữ “Thứ” chứ gì ? Điều gì mình không muốn, thì đừng làm cho người khác. (Tử viết: “Kỳ thứ hồ? Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”). Ông Tăng Tử cũng có nói trong “Luận Ngữ”: “Đạo của Thầy chỉ gom vào hai cái đức Trung và Thứ mà thôi”.
Tôi nhớ lúc đó thầy cười to, khen rằng: “
Con bé này giỏi”, rồi thầy bảo “
cụ thân sinh ra thầy là nhà Hán học, đã đặt tên con là Lương Duy Trung và Lương Duy Thứ”. (Thầy Lương Duy Trung cũng là giáo sư chuyên về văn học Phương Tây).
Tên của thầy đã vận vào con người thầy. Suốt đời thầy đối xử với mọi người theo chữ “
Thứ”.
Kính trọng và yêu mến thầy, tôi đã hết sức cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của thầy. Chỉ có hai điều tôi không làm được như lời thầy bảo. Điều thứ nhất là khi đang học đại học, tôi đã để một kiểu đầu phá cách với mái tóc một bên dài, một bên ngắn. Thầy chẳng tỏ ý kiến gì nhưng trước ngày tôi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học, thầy khuyên nên chỉnh sửa mái tóc cho hiền lành hơn, dễ gây được thiện cảm với Hội đồng chấm khóa luận.
Tôi kiên quyết không nghe theo lời thầy. Ngày tôi bảo vệ, khi đến lượt người hướng dẫn phát biểu, thầy nói: “
Cô Vân làm việc tốt, thông minh, nhưng cá tính và bướng bỉnh lắm. Tôi đã bảo cô ấy đi sửa tóc cho bình thường lại, mà cô ấy kiên quyết không nghe. Nhưng dù sao cũng mong Hội đồng đừng đánh giá qua vẻ ngoài”. Tôi nhớ lúc đấy Hội đồng đã cười rất vui và chấm cho tôi 10 điểm, cao nhất khóa học năm ấy.
Điều thứ hai thầy mong mỏi ở tôi là muốn tôi trở thành một nhà “Hồng học”, nghiên cứu “Hồng lâu mộng” và văn học Trung Quốc. Nhưng ra trường, đi làm, do yêu cầu của công việc nên tôi đã nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Lại thêm bản tính tham lam, nên tôi thử sức ở nhiều hướng nghiên cứu khác nhau.
Lần cuối gặp thầy, thầy nhắc: “
Làm nhiều lĩnh vực cũng tốt, nhưng cũng nên tập trung viết gì đó về “Hồng lâu mộng” và văn học Trung Quốc đi. Em có thừa khả năng mà”. Vâng vâng dạ dạ với thầy nhưng mãi đến giờ, sau khi đã có sách in riêng, in chung đủ cả, công việc bận rộn, những lo lắng đời thường khiến cho tôi vẫn chưa in được cuốn sách nào chuyên nghiên cứu “Hồng lâu mộng” nói riêng và văn học Trung Quốc nói chung.
Bây giờ thầy đã đi xa rồi, chẳng gặp được thầy nữa. Tôi chỉ muốn nói với thầy rằng: “
Thầy ơi, con cảm ơn thầy. Con đã có lỗi với thầy vì trong những chuyến đi rong ruổi, đã không dành nhiều thời gian đến thăm thầy những năm cuối đời. Con cũng chưa in được cuốn sách về “Hồng lâu mộng” và văn học Trung Quốc như thầy mong muốn. Nhưng nhất định con sẽ viết cuốn sách đó với lòng tưởng nhớ thầy sâu sắc và sẽ kính dâng cho hương hồn thầy. Con bây giờ cũng đi dạy sinh viên, và lòng con lúc nào cũng đinh ninh chữ “Thứ” như thầy năm xưa. Mong thầy an nghỉ”.