Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Giang: CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI PHƯƠNG XA

Thứ năm - 18/12/2014 00:16

(NCTG) “Khi nào con tàu cuộc đời tôi về bến thì tôi cũng sẽ về nơi ấy. Bởi lẽ yêu nàng nên tôi đã yêu Hà Nội mất rồi”.


Minh họa: Internet

“Dầu em là sương khói, thoáng hiện rồi tan mau…” ( Đức Huy, “Ngày mai chiều tới vội vàng”)

Ai đó đã trang điểm cho nàng. Màu son hồng tươi, không giống màu nàng vẫn thường dùng, hồng hơi ngả sang nâu.

Tôi nhìn vào gương mặt nàng, trong lòng trống rỗng. Phía cuối quan tài, người đàn ông ấy đang đứng, nắm tay đứa con gái nhỏ. Cả hai cùng ngơ ngác, ngẩn ngơ. Anh không nhìn vợ, cũng không nhìn vào chúng tôi. Mắt anh giờ đây sao giống mắt nàng, phiêu diêu nơi nào đó, rất xa, rất xa, nơi chúng tôi không biết được.

Người ta đang khiêng chiếc nắp quan tài đến gần. Tôi không thể chịu đựng nổi nếu phải chứng kiến quan tài đóng lại lại và nàng bị mang đi. Luồn vòng ra sau lưng mọi người, tôi định chuồn ra cuối sân, trốn sau những bụi cây thấp để hút thuốc lá hay làm một việc gì vô nghĩa giống như thế.

Lúc tôi đi qua sau lưng anh, anh chợt quay lại nắm lấy tay tôi, kéo tôi lại gần thì thào:

- Cô ấy không chết vì biến chứng đâu. Vì tôi đấy. Vì tôi nên cô ấy không muốn sống nữa, chứ có ai lại chết vì cúm bao giờ!

Anh buông tay tôi ra, mắt lại nhìn đi đâu đó trong cơn mộng mị. Đấy là anh, kẻ mà nhiều khi tôi căm ghét vì ganh tỵ. Tôi không muốn bỏ đi nữa, đứng lại bên anh, nước mắt chỉ chực dâng lên, cay xè sống mũi.

*

Tôi và nàng sống cùng một thành phố. Ở thành phố này số người Việt bất quá cũng chỉ vài trăm người nên chúng tôi thường biết nhau. Biết chứ không quen. Tôi là một gã trai quê mùa, đa sầu, đa cảm. Dù đã sống ở trời Âu mười mấy năm, đã tốt nghiệp hai bằng đại học, làm ăn kinh tế cũng chẳng kém cỏi gì, nhưng sao bản chất nông thôn tự ty, nhút nhát vẫn còn nguyên vẹn ở nơi tôi.

Hai vợ chồng nàng đến thành phố của chúng tôi sinh sống. Lũ trai tếu táo chúng tôi khi ngồi với nhau thỉnh thoảng cũng nhắc đến vợ chồng nàng. Lúc nói đến tên nàng, tất thảy đều nín lặng mấy giây, không ai hiểu vì sao. Xét ra thì nàng không đẹp, nhưng ấn tượng nàng để lại trong mỗi người quả là khó phai mờ, từ dáng đi rất thẳng, đầu hơi ngẩng cao đến gương mặt dịu dàng nhưng đầy xa cách. Mỗi khi tình cờ gặp nàng ở đâu đó, tôi đều kín đáo nhìn theo cho đến khi nàng xa khuất.

Mùa đông năm ấy tôi mới thực sự quen nàng. Và tôi quen nàng trong một hoàn cảnh chẳng vui vẻ gì nếu không muốn nói là bi thương.

Hôm đó trời đã khuya lắm rồi. Tôi nửa nằm nửa ngồi, ngả ngốn xem bộ phim hành động của Mỹ trên TV thì có điện thoại của Cường, bạn tôi gọi đến:

- Ông đến tôi ngay đi. Thằng Phú có sự cố rồi! Vợ nó vừa gọi điện cho tôi!

Lúc ấy tôi chưa nghĩ ngay ra Phú là ai và sự cố gì có thể xảy ra, nên ậm ờ không muốn đi trong đêm hôm khuya khoắt này. Thằng Cường nói như quát:

- Vợ nó bảo công an gọi đến. Nó đang cấp cứu ở bệnh viện thành phố. Đâu như bị cướp xe. Ông nhà gần đấy, lại tiện tuyến đường nên tôi mới gọi ông… Đón tôi ở ngã tư đèn đỏ nhà tôi...

Tôi đặt máy xuống, mặc quần áo ấm. Bầu trời không trăng, không sao, chỉ một màu tím thẫm cao thăm thẳm. Các con đường xuyên giữa các chung cư không được chiếu sáng. Giờ này cũng hiếm hoi lắm mới có một ô cửa sổ sáng đèn. Nhưng trời không tối. Xung quanh tôi ngập đầy tuyết trắng. Tuyết ánh lên thứ ánh sáng mờ mờ soi lấp loáng những lối mòn trơn nhẵn.

Tôi ra bãi đỗ xe, lấy xe trong tiếng làu bàu của người gác bãi. Tôi đón Cường ở ngã tư đầu nhà nó. Chúng tôi cùng đi tiếp đến đón nàng. Khi nàng ngồi vào ghế sau xe tôi, tôi giật thót mình. Không phải tôi giật mình vì bất ngờ, tôi đã biết chồng nàng gặp nạn. Tôi giật mình vì không tin được sao nàng lại gần tôi đến thế. Tôi mường tượng ra đôi mắt của nàng, không biết đôi mắt ấy ra sao khi ngấn lệ! Tôi liếc mắt nhìn vào gương hậu, chỉ thấy hình nàng tối thẫm.

Cường nghiêng người hỏi:

- Con bé ở nhà với ai?

Giong nàng rung rung nhè nhẹ:

- Cháu ngủ rồi. Em nhờ hàng xóm sang trông hộ.

- Thế tình hình ra sao em có biết không?

- Em cũng không rõ lắm, chỉ thấy bảo là bị tấn công lúc cất xe vào gara. Bây giờ tỉnh rồi.

Chúng tôi nhanh chóng tìm ra khu cấp cứu chấn thương của bệnh viện thành phố.Người y tá trực nói rằng các bác sĩ đang xem xét vết thương cho Phú. Chúng tôi ngồi xuống dãy ghế kê dọc hành lang, chờ đợi. Nhiều phút trôi qua, một cánh cửa bật mở. Một người hộ lý dìu một người đàn ông xiêu vẹo, chậm chạp đi qua chỗ chúng tôi ngồi. Một phút sau, nàng kêu lên:

- Chồng em, dáng đi của anh ấy!

Nàng đứng vụt dậy, chạy theo họ về cuối hành lang. Tôi và Cường nghi ngờ nhìn nhau rồi cũng chạy theo, vượt lên trước. Tới của phòng bệnh, tôi không nhận ra ai, chỉ thấy một gương mặt tím bầm, sưng phồng biến dạng đến khiếp đảm, những vệt máu vùa khô tô điểm cho nó thêm vẻ hãi hùng. Tôi kêu lên:

- Đừng cho cô ấy vào!

Cường vội quàng tay ngang lưng giữ nàng lại, nhưng nàng đã vùng ra:

- Buông em ra, em không sao đâu mà!

*

Chúng tôi quen nhau như thế. Và rất mau chóng chúng tôi trở nên thân thiết. Mùa hè đã đến. Cái nóng hừng hực làm chảy cả nhựa đường, hun nóng những căn hộ chung cư của chúng tôi, biến chúng thành những chiếc lò bát quái. Chúng tôi rủ nhau ra bãi biển lúc quá nửa ngày. Phú là người yêu thể thao. Anh thích chạy nhảy, bơi lội, ném bóng... nên bao giờ cũng đầu trò trong mọi trò chơi.

Nhưng trước tiên, Phú là người của công việc. Anh thường đưa vợ con ra bãi biển, chơi với họ chừng mươi phút rồi ra đi, hẹn mấy tiếng sau quay lại đón. Có khi anh nhờ tôi đưa luôn nàng cùng con gái về nhà khi chiều đã muộn.

Chúng tôi mở cây dù lớn, cắm nó xuống nơi cát ẩm gần bờ nước. Dưới bóng mát của cây dù, nàng trải một chiếc khăn thật to. Thế là chúng tôi có một chỗ nghỉ ngơi tuyệt diệu. Bé gái nhỏ đùa nghịch với nước, cười khanh khách hoặc cháu ngồi chơi trên cát, xúc cát ướt đổ vào những chiếc khuôn nhựa xinh xinh hình ngôi sao, con sò, con cá…

Những lúc đó, nàng ngồi dưới tán dù, nhìn đi đâu đó, xa rất xa tận phía chân trời cuối biển. Tôi đùa giỡn, bơi lội trong làn nước biển mát rượi, vớt những cụm rêu, những con sứa rồi chạy vào khoe với nàng. Nàng đãi tôi món dưa hấu ngọt lịm, mát lạnh cất trong hộp nhựa. Nhiều khi tôi đeo kính râm, ngồi thừ cạnh nàng. Tôi đeo kính là để thỉnh thoảng nhìn trộm nàng mà nàng không phát hiện ra khi nàng để tâm hồn phiêu du đâu đó trên bãi biển này.

Ngắm nàng, tự nhiên tôi khe khẽ hát: “Bay đi cánh chim biển hiền lành. Chẳng còn tiếng nói nào, chẳng còn giấc mơ nào níu giữ đôi chân em, khi mặt trời đậu trên đôi cánh vỗ...” (*). Nàng quay lại nhìn tôi, cái nhìn nửa như hàm ơn, nủa như nồng nàn, tha thiết. Con tim tôi run rẩy, xốn xang. Nàng nói với tôi:

- Em với Đức Huy, người góc biển, kẻ chân trời, chẳng quen biết gì nhau, thế mà nhiều khi em cứ nghĩ, Đức Huy viết những ca khúc ấy cho riêng em, hát những bài hát ấy cho một mình em thôi.

Rồi nàng nói khẽ:

- Nhiều khi em còn nghĩ, nếu người nhạc sĩ ấy lên tiếng gọi, em sẽ tới bên ông ấy ngay!

Tôi chợt tự giận mình sao ngu dốt, sao không phải là nhạc sĩ để viết ra những ca khúc làm lay động con tim đến nhường ấy.

Nhưng đó là chuyện của những mùa hè trước. Hai năm gần đây, nàng ít khi ra biển cùng chúng tôi. Có lần Phú phải dỗ dành nàng mãi, con gái nhỏ phải nài nỉ mãi nàng mới lên xe cùng chúng tôi ra biển. Nhưng chúng tôi không cắm cây dù sát mí nước nữa. Nàng ngồi tít xa trong bóng râm của những bóng cây lớn trên thảm cỏ đã úa màu vì nắng nóng.

Phú dạo này cũng ít đi công việc. Anh chơi với chúng tôi suốt buổi. Chúng tôi cùng nhau bơi ra tận kè chắn sóng, trèo lên mặt kè, nậy những con trai, con ốc bám cứng trên đó rồi ném xuống biển. Tôi mang một cái vỏ trai có nhiều màu sắc khác thường đến chỗ nàng ngồi để khoe nàng. Nàng hơi cười cho tôi đỡ cụt hứng rồi lại thả mình vào thế giới của riêng nàng.

Tôi ngồi xuống bãi cỏ, nhìn đám thanh niên đang lướt những cánh buốm sặc sỡ và hỏi:

- Dạo này em như có chuyện buồn?

Chúng tôi cùng im lặng. Nàng đưa mắt về phía con gái đang cười to thích thú ném quả bóng nhưa cho bố. Mãi sau nàng mới nói:

- Bé Thư nhà em sắp sáu tuổi rồi. Em muốn cho cháu về Hà Nội để kịp đi học với các bạn cùng lứa!

- Em định gửi cháu cho ông bà nội hay ông bà ngoại?

- Không. Em muốn cả nhà cùng về. Bọn em ở bên này cũng mười mấy năm rồi còn gì. Em muốn xây dựng cuộc sống của mình ở quê hương!

Tôi phát hoảng. Nàng ra đi, ai sẽ phiêu linh trong tâm hồn tôi? Tôi ướm hỏi:

- Thế ý Phú thế nào?

- Anh ấy bảo, cho cháu học ở đây cũng được. Ở nhà người thất nghiệp đầy ra đấy, về rồi biết làm gì! Ở đây một năm anh ấy còn làm ra vài chục nghìn chứ ở nhà biết lấy gì mà sống!

- Cậu ấy nói cũng có lý đấy!

*

Tôi gặp nàng lần cuối vào dịp cuối thu. Mùa thu năm nay dài và đẹp lạ thường. Những con đường dài ngút ngát lá vàng. Tôi đến nhà nàng chào tạm biệt. Tôi sắp bước vào một chuyến công cán dài ngày, ngày trở về không định trước.

Chắc hẳn nàng chưa trang điểm nên mở cửa cho tôi, gương mặt nàng nhợt nhạt. Nàng cười, mời tôi vào nhà. Bé Anh Thư thấy tôi, chạy vội ra kéo tay vào buồng nó để khoe cô búp bê Barbie có mái tóc vàng dài mượt. Nó ghé tai tôi nói thầm ;

- Mẹ cháu vừa mới khóc đấy!

- Sao thế?

- Mẹ muốn đưa cháu về Việt Nam. Bố cháu bảo, Hà Nội của cô làm gì còn nữa mà về! Mấy lần về chơi cô đã thấy rõ như thế rồi, còn đòi về làm gì! Thế là mẹ cháu khóc!

Tôi xoa đầu nó, hứa khi nào đi công tác về sẽ mua làm quà chó nó một cô Barbie mới đẹp hơn. Rồi tôi ra ngoài phòng khách. Dàn máy Technics đang phát một bài hát của Đức Huy. Tôi ngồi xuống ghế sofa, định sẽ nói điều gì đó dù chỉ là vớ vẩn. Ví như, mùa thu năm nay đẹp quá, hay mấy hôm nay đồng grivna xuống giá ghê quá…

Loay hoay mãi chảng biết nói gì thì đột nhiên nàng chỉ cho tôi thấy lọ hoa đặt bên bàn:

- Hoa anh tặng em hôm sinh nhật đấy!

Tôi ngạc nhiên nhìn những bông hồng nhung cao dễ đến cả mét trong bình hoa, chúng đã khô nhưng nguyên màu đỏ thắm.

Đầu năm 1999, tại tất cả các tỉnh thành của Ukraine nạn dịch cúm hoành hành. Các bệnh viên đông nghẹt người. Các trường học đóng cửa. Và dịch cúm ấy đã mang nàng ra đi.

Tôi biết, từ nay về sau, tôi sẽ chẳng còn yêu ai như đã từng yêu nàng, dẫu rằng tình yêu của tôi chỉ là tình yêu trong bóng tối. Tôi nghĩ, chắc thế nào Phú cũng đưa con gái mình về Hà Nội, sống bên những mái ngói thâm nâu, những tường rêu loang lổ, những điều đã nuôi dưỡng làm nên tâm hồn nàng.

Và cả tôi nữa. Khi nào con tàu cuộc đời tôi về bến thì tôi cũng sẽ về nơi ấy. Bởi lẽ yêu nàng nên tôi đã yêu Hà Nội mất rồi.

(*) Ca khúc “Bay đi cánh chim biển” của Đức Huy.

Nguyễn Hồng Giang, từ Odessa - Năm 2000


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn