Truyện ngắn của Lê Quang: MỘT NGÀY BANGKOK

Thứ sáu - 13/12/2013 18:49

(NCTG) “Hiếu vui một niềm vui thơm phức và thánh thiện, rộn ràng mà thầm lặng, vì hình ảnh khỏa thân của cô gái trên sân thượng không hề gợi dục, nó chỉ đánh thức một cảm xúc thuần khiết như khi người ta ngắm con nít lẫm chẫm tập đi”.



Hiếu năm nay bốn nhăm, không một mảnh tình vắt vai và ấn tượng chung là người điềm đạm lịch thiệp. Mặt mũi trông dễ coi trừ hai nếp hằn sâu khắc khổ quanh mép, đầu óc tân tiến nhờ mấy năm du học trời Âu, song cũng không vì thế mà bỏ vốn chữ Hán Việt bị ông nội rèn từ nhỏ. Hiếu không phải không ham từ bỏ cuộc đời độc thân, nhưng viễn cảnh tối tối bị thúc ép về ăn cơm nhà hoặc đi đâu phải trình báo khiến anh ngần ngại, riết thành quen. Anh lại có thói khó bỏ, bất cứ nóng lạnh hay mưa dầm gió bấc, rỗi rãi là đạp xe quanh quẩn trong Hà Nội. Một phần nhỏ vì phố xá luôn nghẽn tắc, song chủ yếu vì anh có thì giờ, nhiều vô tận, đến nỗi ở nhà là cảm thấy sắp sập trần đến nơi, và thế là lại vác xe ra đường. Thêm nữa, tốc độ đạp xe thong thả khiến anh tạo được một tâm thế nhẹ nhàng và có thể ngắm nghía xung quanh kỹ hơn. Đúng ra thì khiếu quan sát là nghề của Hiếu, được rèn giũa sau bốn năm nghiên cứu môn Tâm lý học ở Ba Lan, nhưng về nhà không kiếm đâu ra việc thích hợp với mảnh bằng thạc sĩ nên quay ra sản xuất bẫy chuột, ít nhất cũng đủ sống. Từ khi kéo được thằng cháu thất nghiệp từ quê ra để giao việc, anh thêm rỗi rãi, lại càng khỏe ra đường vì không thể ngồi ăn với thằng cháu có thói quen thò tay móc rau bị giắt răng và lấy đũa quẹt ngang để chùi miệng.  

Đi chơi khuya về, nhìn qua những kẽ cửa khép hờ, thấy nhà người ta quây quần xem ti vi hoặc mấy đứa trẻ ngồi đồng chơi game, chẳng phải Hiếu không có lúc chạnh lòng muốn tìm ngả rẽ mới cho cuộc đời, nhưng cuộc đời mà Hiếu vốn để tâm nghiên cứu trong sách giáo khoa của Edward Abramowski hay Sigmund Freud không giống đời thường, người phụ nữ mà anh có tình ý phải cao hơn anh năm cái đầu để cưỡi cổ anh hoặc thấp hẳn để làm nô lệ – theo đúng tinh thần hoang dại của Edward Abramowski – nhưng họ có đứng đầy ra vỉa hè để anh chọn đâu. Vốn không ưa chỗ đông người, lại chẳng hợp với mọi thứ cơ quan đoàn thể, có vẻ như số phận anh đã được an bài trong ngõ hẻm vắng chuột. Nếu như không có tháng Tư.

Mỗi năm có một tháng Tư, đối với Hiếu là một chiếc đồng hồ báo thức vô hình. Tháng Tư là lúc mùa đông đại bại trước tiết xuân mơn mởn, trời hết nồm, nắng còn non trước mùa đổ lửa, và đó là lúc trong lòng anh nhồn nhột một cảm giác khó gọi tên, chân cẳng ngứa ngáy muốn đi xa. Cách đây bốn năm Hiếu tiêu hết sạch tiền tiết kiệm để làm chuyến đi Ý. Đến Verona, anh mất nửa ngày chen chúc với một triệu người mồ hôi mồ kê nhễ nhại đến ngắm cái bao lơn đá, nơi Juliet nghe tiếng tỏ tình của Romeo, sau đó mới biết là người ta chỉ gắn thêm tảng sa thạch nọ vào mặt tiền để lừa du khách. Từ đó trở đi anh thề không bao giờ đi du lịch theo nhóm.  

Năm nay Hiếu thưởng cho thằng cháu nửa triệu, bảo nó về quê nghỉ hẳn một tuần rồi ra phòng du lịch gần nhà mua vé máy bay và nhờ đặt hộ phòng khách sạn ở Thái Lan. Mấy con bé ở đó dỗ anh lấy một khách sạn mini gia đình gần bến Mo Chit cho tiện ra chợ trời Chatuchak. Hiếu không màng mua sắm, anh ưa bản đồ cầm tay một mình ngang dọc khám phá đất lạ, nhưng rồi  cũng dễ dãi gật đầu. Một mặt anh thích gần bến tàu xe cho tiện, mặt khác, là người vô thần song anh ưa tin vào một cái vẫy tay không tình cờ của số mệnh – chẳng có gì trên đời này xảy ra một cách ngẫu nhiên cả, người trần mắt thịt chỉ không thấy được bàn tay vô hình sắp đặt mà thôi. Szymon, cậu bạn nghiên cứu sinh cùng phòng vẫn nói thế, và Hiếu nhớ nhiều đêm thức trắng tranh luận không hề ngã ngũ về tín ngưỡng Cơ Đốc.       

Lấy phòng xong, Hiếu ra bến xe mua vé tuần cho xe ray trên cao. Tàu Skytrain khi nào cũng sạch bong và mát rượi, anh thích đứng sau cửa để ngắm phong cảnh lươn lướt bên ngoài dưới cái nắng gắt của Bangkok. Người Thái nhẹ nhàng, lên tàu chỉ im lặng đọc sách hoặc nghịch smartphone. Các cô gái Thái da ngăm đen và chân ngắn, không hợp ý thích của Hiếu, thực lòng là anh luôn thầm so với Urszula, cô bạn chung sống suốt hai năm cuối ở Nowy Sacz. Urszula trẻ măng ngày nhập trường, ngơ ngác hỏi đường mà không nhận ra trước mặt là một người nước ngoài. Cô pha trộn giữa nét dịu dàng mũm mĩm hớn hở của Đông Âu với vẻ lạnh kiêu sa thừa hưởng được của bà mẹ gốc Phổ. Chẳng hiểu sao, cô gái năng nổ chuyên thi đấu bóng chuyền chuyên nghiệp lại đem lòng mê chàng trai châu Á nhỏ thó, kiệm lời và khó gần.

Hiếu ngập ngụa trong vòng tình cảm mà anh chưa hề được biết cả trong ý nghĩ lẫn ngoài đời. Ngày tháng lâng lâng như trong mộng, anh bỏ bễ bài vở mất cả tháng. Nhờ cô mà anh biết mùi vị đàn bà đầu đời, cũng lần đầu tiên anh bước chân qua ngưỡng cửa một gia đình Ba Lan. Thậm chí Hiếu vẫn cùng gia đình cô đi lễ Chúa Nhật, tuy chỉ vì thích nghe nhạc đại phong cầm. Urszula học vất vả vì lịch tập huấn khá dày, còn Hiếu thì vui mừng được phụ đạo cho cô như một sự đền đáp bất thành văn. Làm xong bài thạc sĩ, anh đọc trong mắt Urszula một lời hứa mà cả hai không hề nói thành lời. Cô oán anh không đủ dũng cảm quyết định ở lại, còn Hiếu về nước với ý định sắt đá sẽ thu xếp chuyện gia đình rồi mới quay lại Nowy Sacz.

Lấn cấn đủ mọi lý do mà anh không thể rời Hà Nội. Ngày tháng vô vị trôi qua làm người ta trễ nải, hoặc cả hai đều quá kiêu hãnh để trao đổi lấy một lá thư. Qua Szymon, Hiếu biết Urszula đi học thêm tiếng Việt, nhưng hàng trăm dây trói vô hình buộc chặt anh vào đống bẫy chuột trong căn phòng tối tăm cuối hẻm. Sợi dây duy nhất nối với Ba Lan chỉ còn là những tối nằm nhìn bầu trời bị cắt vụn qua song cửa sắt chống trộm và nghe mấy đĩa hát Ba Lan xước rèn rẹt. Hình ảnh ấy cũng hiện lên trong óc Hiếu khi tàu chầm chậm đi vào bến Ratchathewy. Và đúng lúc đó, Hiếu sững người như bị sét đánh.

Tàu từ từ lướt qua một dãy nhà thấp tầng cũ kỹ áp sát đường sắt trên cao. Trên một sân thượng rợp bóng cây leo, một cô gái tóc xoăn ngồi ghế bạt đọc sách, khỏa thân, da hồng rực, tay trái lơ đãng vò lông cổ một con chó săn giống Afghan đứng cao quá mặt bàn. Hiếu chưa kịp lấy lại hơi thì tàu đã vào bến. Hiếu đờ ra mất cả nửa phút đồng hồ. Nhưng ý nghĩ đi tuyến ngược lại rồi chuyển tàu để thấy cô gái lần nữa khiến anh đỏ mặt.

Đêm hôm đó anh mất ngủ, mất trắng đêm như chưa từng trải qua, nhưng đến mờ sáng vẫn không hề mệt. Đầu óc anh trong vắt và suy tưởng mạch lạc. Hiếu vui một niềm vui thơm phức và thánh thiện, rộn ràng mà thầm lặng, vì hình ảnh khỏa thân của cô gái trên sân thượng không hề gợi dục, nó chỉ đánh thức một cảm xúc thuần khiết như khi người ta ngắm con nít lẫm chẫm tập đi. Anh chỉ dai dẳng một băn khoăn không rõ nguyên cớ. Cô gái rõ ràng rất đẹp, đẹp một cách khỏe khoắn, nuột nà dù không quá trẻ, cứng cáp mà vẫn ngọt ngào – cho dù anh chỉ nhìn được một thoáng.

Con mắt người ta rất lạ, dường như nó lưu lại một tấm ảnh tổng phổ, thường là bị xóa ngay khỏi đầu, hoặc để rồi, đôi khi, rất hi hữu, trí nhớ gọi ra những chi tiết nào nó muốn. Hiếu xuống tầng trệt ăn sáng, và chưa kịp nhấp ngụm cà phê đầu tiên thì anh ngộ ra lý do khiến mình băn khoăn suốt đêm: cô gái ấy không ngăm đen như phụ nữ bản xứ, tóc cô dồn thành từng lọn xoăn vàng rơm chứ không đen và thẳng như người châu Á, và mãi đến giờ anh mới để tâm đến chi tiết mà ánh nhìn thoáng qua cửa kính tàu Skytrain chỉ ghi vào bộ nhớ chứ không đủ sức nhói vào thần kinh thị giác ngay lập tức: hai nốt ruồi sát nhau trong hõm quai xanh bên trái.

Urszula!

Lê Quang, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn