VIẾT TRONG MƠ

Thứ bảy - 28/12/2013 13:27

(NCTG) “Hà Nội giống như nơi cầm giữ tâm hồn người, để những khi nào buồn nhất, đau nhất, lại lôi ký ức ra mà gặm nhấm, mà sống tiếp”.


Hà Nội một thuở - Ảnh tư liệu

Mình vẫn thích lang thang qua những con đường vắng người vào ban trưa, khi mặt trời đứng bóng.

Ngày xưa Hà Nội vắng lắm, vào những buổi trưa hè, mọi người đều trốn cái nóng kinh người hầm hập đường sá… chỉ có con nhóc hâm hâm là mình âm thầm đi ra phố. Mình thích cảm giác khẽ giật mình khi quả sấu rụng xuống hè phố đâu đó. Tìm nhặt trái sấu đã ngả nâu vàng, cho vào miệng cắn, giòn tan, chua ngọt dịu. Con nhóc hâm đi học về, cứ thích đi vòng qua phố Phan Đình Phùng cho thêm xa… chỉ để chờ sấu rụng.

Phố Trần Phú hồi ấy vắng tanh, chỉ có mấy chú công an gác quanh khu đại sứ quán các nước. Vườn hoa Con cóc hồi ấy còn cái đồi con con, bọn mình vẫn hay trèo lên đấy… vặt trộm đám hồng quế, giấu vào hộp đàn. Cây hoàng lan đầu vườn hoa, chỗ ngã ba Trần Phú và Điện Biên ấy mảnh mai và khiêm nhường, nhưng nhiều hoa lắm. Hoàng lan âm thầm cả đoạn phố dài… Mình hay chui trộm vào cổng ngôi nhà sát đường tàu trên phố Điện Biên nhặt trộm hoa đại… cây hoa bên trong cổng sắt cũ… cây đệ nhất hoa đại tuổi thơ mình.

Tuổi thơ mình lang thang qua nhiều con đường, nhiều cổng trường. Làng Giảng Võ thời ấy còn như ngoại thành, bờ ao làng đầy bèo, bám rêu trơn trượt. Trường cấp 1 Giảng Võ học tại chùa làng. Sân chùa cũng là sân trường. Giờ giải lao, đám trẻ tranh nhau cưỡi lưng sư tử đá, mặc kệ mấy cụ già đi qua nhăn mặt. Buổi sớm trực nhật, ra ao giặt khăn lau bảng, cẩn thận không thì ngã tòm xuống nước. Nhà người bạn bên kia bờ ao có bụi trúc vàng óng. Mình vẫn hay nhòm qua lỗ khóa cổng khao khát… Trời mưa đi học, dép nhựa bắn bùn đặc kín đằng sau…

Hàng bằng lăng sau cổng Nhạc Viện là nỗi ám ảnh của mình suốt thời thơ ấu. Những tháng Năm tím ngút trời dọc con đường vòng qua sân bóng vào lớp học. Điện lúc có lúc mất, nước tắm gột từng tí một, trời nóng như lò hun, mà chỉ cần trèo lên tầng hai, dãy lớp piano, đã là một thế giới khác. Con đường đi học qua đường Đê La Thành vắng tanh, mà chưa bao giờ thấy sợ. Nhạc Viện là ngôi trường duy nhất không có đường tàu điện chạy qua, tránh cho mình thêm một tuyến nhảy tàu.

Trường Nghệ thuật Hà Nội lúc ấy còn trên phố Nguyễn Thái Học, bên cạnh hàng kem Bốn Mùa và cửa hàng rau mậu dịch. Mấy bác tài dạo đó có khi vẫn còn nhớ mình, con nhóc hay mặc váy phong phanh (mười mấy tuổi mà vẫn còn mặc váy) nhảy tàu như chảo chớp. Mà hồi ấy mình siêu thật, nhảy tàu điện nhanh hơn con trai. Chuyện, từ bé đã phải đi học xa, tranh thủ nhảy tàu một tí, đỡ phải đi bộ một đoạn. Mà ai cũng biết, tàu điện thất thường. Nhiều khi chờ mãi chẳng thấy đâu, vừa đi một đoạn thì nó đến… thế là nhảy chứ sao.

Khách sạn Giảng Võ ngày ấy, ven hồ có khuôn viên nho nhỏ. Đẹp nhất là mấy cây liễu rủ bóng nước. Dân quanh hồ hay đi câu trộm cá… mà không biết có bao nhiêu người chết đuối, bao nhiêu lời đồn đại những con nam nam dìm người đi bơi. Những buổi trưa nắng gắt, chui vào khu vườn hoa… là thấy mát rồi. Không khí ven hồ, ngồi giữa tán cây xanh... Mấy chú bảo vệ nhiều khi cũng kệ cho mấy con bé ngồi chơi. Chúng nó chỉ hóng mát thôi, chẳng vặt hoa bẻ cành gì đâu.

Có những ngày lang thang qua Bờ Hồ lên phố Huế, về thắc mắc mãi sao đậu mơ Chợ Hôm bé tí teo. Nhà cô giáo lắt léo trong ngõ nhỏ, qua cầu thang cong cong lên tầng hai… Chẳng bao giờ mình đi học về đúng giờ. Gót chân mòn ngắm búp bê trong Bách hóa Tổng hợp. Mình thuộc cả từng đường nét của bức tranh sơn mài bầy trên tầng hai.

Hà Nội của tuổi thơ mình không nhiều quà. Sáng nào mẹ cũng tự nấu món gì đấy lót dạ, hoặc đôi khi chỉ là cơm rang từ thức ăn còn thừa hôm trước. Mẹ vừa làm nhà nước, vừa tranh thủ buôn bán, chăm con. Tuổi thơ mình nhiều khi bị nhốt trong nhà để mẹ còn bươn chải. Một lần ông anh trai tinh nghịch, thử chập hai sợi dây điện với nhau. Điện chập, cháy bùng khung cửa sổ gỗ, lăm le liếm luôn cả tường, may người hàng xóm trèo vội lên nóc nhà cắt đứt đường điện, không thì chắc hai anh em cháy thành tro. Trận lụt năm 84, nước ngập nhà, tất cả sinh hoạt gói lại trên cái giường đôi được kê gạch cao lên. Đầu giường, bố mình đặt một tấm ván chìa ra ngoài, trên để cái bếp dầu làm chỗ nấu cơm.

Hà Nội tuổi thơ mình là cái xe đạp mini màu xanh da trời liên tục xịt lốp, là giàn mướp và sắn dây trước cửa nhà. Hà Nội thời ấy tranh thủ tăng gia từng tí một. Bên cạnh giàn mướp, bố còn dâm thêm mấy ngọn mía, sau mọc thành bụi. Thỉnh thoảng chặt vài cây, róc vỏ, đã râm ran được cả buổi chiều. Khu Ngoại giao đoàn trên phố Kim Mã là nơi mình tập xe đạp, ngã lên ngã xuống. Bãi đất trống dân khu lắp ghép Giảng Võ sang trồng rau xanh rờn. Đi xuống phía Thủ Lệ, chỉ có hồ và hồ…

Trường Nguyễn Trãi nằm trên con phố ngắn vắng tanh. Bọn mình thường đi tắt qua chùa Kim Sơn, vào trường từ phía sau, qua mấy vạt rau muống ướt lép nhép. Trước khi có nhà hát chèo, chỗ ấy còn là bãi than. Giữa phố, ngoài trường mình, là hai doanh trại quân đội to đùng. Cả phố chỉ có thế… bao nhiêu năm gắn bó, chẳng ai biết tên phố là gì. Mãi đến khi mình học cấp Ba, mới thấy biển “phố Giang Văn Minh”.

Con gái trường Giao thông hồi ấy nổi tiếng khô khan, kiêu căng và xấu gái. Kiêu vì hiếm quá, cả khu ký túc xá chỉ có một phòng con gái. Tối nào cũng rộn ràng, các bạn trai đến chơi, mượn sách và giáo trình. Giáo trình thư viện chả mấy khi đủ, nhưng con gái bao giờ cũng được ưu tiên trọn bộ. Khô khan vì ảnh hưởng chương trình học nặng nề, khô khốc. “Con gái Giao thông vừa trông vừa chạy”. Cả đến các thầy cũng thường bảo con gái không hợp với trường này đâu, cứ vào đây học là xấu đi trông thấy.

Trong khi con gái Sư phạm mải mê những môn lãng mạn, dịu dàng, duyên dáng áo dài đứng lớp thực tập, thì con gái Giao thông nghiên cứu cơ học, đất đá, và đi thực tập quai búa lò rèn. Phần nhiều các bạn trai Giao thông cuối tuần để thời gian dưới Sư phạm. Thấy bảo “Giao thông là chồng Sư phạm”. Mình cũng xấu gái, cũng cắp cặp đi học giao thông, đi quai búa lò rèn. Nhưng mình học cho bố mẹ, chẳng để ý đến ai, chẳng tham gia hoạt động gì, như người ngoài, người thừa, chẳng ai biết đến. Sểnh ra thì trốn tiết, và mình ra phố.

Mình vẫn thích ra phố vào những buổi trưa đứng bóng. Từ khi còn nhỏ tí đến lúc lơn lớn rồi, cái tính nhút nhát và hay ngượng thường giữ một khoảng cách đáng kể với ồn ào. Buổi trưa, là để nghĩ miên man về một cuộc đời mà chưa biết sẽ làm gì, đi đâu. Nhiều khi mình nghĩ con người thật kỳ lạ, mà sự ồn ào cũng giống như một thứ ma túy khó bỏ. Nhà nhà từ bỏ tĩnh mịch ra với ồn ào phố, rồi ở giữa phố lại cố đòi cho mình một yên bình. Những lúc nhâm nhi trà thì ước mơ chân trời xa. Nhiều khi rong ruổi dặm trường thì chỉ mong được dừng lại, tĩnh lại, vào bếp, luộc một mớ rau muống dầm mấy quả sấu xanh, rồi chấm cái xanh ngát vào nước mắm sóng sánh nâu vàng, cũng được dầm một trái sấu nhỏ. Thế nhưng có mấy ai từ bỏ ồn ào đâu, Hà Nội cứ ngày một phình to dần, người người bỏ quê ra phố, nhà nhà ra phố.

Những con đường đến trường ngày xưa, giờ không nhận ra được nữa. Trường Giao thông bây giờ cao rồi, cổng trường hoành tráng, mấy dãy lớp học cấp 4 biến mất tăm. Thậm chí con đường đê La Thành đi qua cổng trường giờ cũng hoàn toàn khác. Phố Giang Văn Minh bây giờ không khí buôn bán rộn ràng. Phố Huế, Cửa Nam, Trần Phú, Điện Biên… Nhưng cây hoàng lan vẫn còn trong khuôn viên trường cũ, lần cuối mình về, vẫn thấy cây hoàng lan hanh hao ngã ba Trần Phú, Điện Biên. Hình như hoàng lan còn, là hồn phố còn…

Hà Nội cũng giống như ma túy, trót dại gắn bó, là mãi chẳng bỏ được. Người bảo đất Hà Nội nhọc nhằn và bạc, phù thịnh, không phù suy. Chả thế mà nhiều người ra đi, mưu cầu danh lợi, thỏa chí tang bồng, chờ đến khi “thịnh” rồi, công thành, lại mò về, tri ân phố. Đêm nhạc Bằng Kiều năm ngoái, bài “Hà Nội ngày trở về” chưa mượt, vẫn chập choạng, nhưng tiếng vỗ tay vẫn rào rào. Người ta nhớ nhung người con xa, người ta đồng cảm “mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về…”. Mình nhớ những đêm nhạc Ngọc Tân hồi những năm 90 thế kỷ trước, nhớ bao nhiêu người nhọc nhằn bỏ Hà Nội ra đi… Có những người thịnh lên, cũng có những người suy - dù thịnh hay suy, thì vẫn thèm về. Hà Nội giống như nơi cầm giữ tâm hồn người, để những khi nào buồn nhất, đau nhất, lại lôi ký ức ra mà gặm nhấm, mà sống tiếp.

Những nỗi đau nào chìm vào “Thương nhớ mười hai” với Vũ Bằng. Mình thấy sợ cảm giác nhẩn nha đau, nhẩn nha nhớ trong từng dòng chữ qua mười hai tháng. Nhớ tháng Giêng, nhớ tháng Hai, nhớ tháng Ba, rồi tháng Tư... Đất nước chia hai, không có đường về, nhớ lắm ấy, nhớ tháng Năm rồi tháng Sáu… Mình yêu tháng Sáu trong tổ khúc “Bốn mùa” (The seasons) của Tchaikovsky, giai điệu đẹp vồng cánh như bay lên, bay lên. Tchaikovsky viết mười hai tháng trong “Bốn mùa” bằng tình yêu trong lòng nước Nga, Vũ Bằng viết mười hai tháng thương nhớ khi tuyệt vọng không thấy đường về Hà Nội.

Vũ Bằng lâu rồi đã thành người thiên cổ, để lại đời “Thương nhớ mười hai”. Mình mượn “thương nhớ” từ tủ sách của người bạn học cấp Ba rồi không bao giờ trả lại, lặng lẽ làm hành trang ra đi. Mười năm như một cái chớp mắt, như chưa kịp đọc xong cuốn sách.

Và Hà Nội, dẫu chẳng còn là Hà Nội ngày xưa, người phố, dẫu chẳng còn nhiều những đôn hậu ngày xưa, Đất Hà Nội vẫn bạc, phù thịnh không phù suy, mà “mỗi khi lòng xác xơ” ta vẫn “vội vã trở về”. Hà Nội cũng là thứ ma túy khó bỏ, có lẽ thế…

Phan Ngọc Linh, từ Long Island, New York


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn