Truyện ngắn của Lê Quang: CUỘC TÌNH PIANISSIMO

Chủ nhật - 03/08/2014 10:56

(NCTG) “Chẳng phải vô cớ mà tôi lạc bước đến căn hộ xấu xí này. Chẳng phải bỗng dưng lại có một nàng tiên piano dưới mình một tầng gác. Chẳng phải tình cờ mà nàng chỉ chơi jazz, thứ nhạc kén thính giả tri kỷ, như tôi?”.


Minh họa: Internet

Nếu như có gì đó gọi là tiền định, thì nó ứng với tôi một cách tuyệt đối. Tôi đem lòng yêu cô hàng xóm từ khi mới chuyển về tầng áp mái ở ngôi nhà sát hồ Ba Mẫu này. Căn hộ hẹp và nóng như chảo rang dưới lớp trần giả bằng cót mà thoạt nhìn đã mường tượng ra tiếng chân chuột chạy đuổi nhau chí chóe trên đó, nên tuy ở địa thế tuyệt vời nhưng để trống mãi chẳng ai hỏi. Bà chủ nhà, sau khi giao hẹn một loạt quy định nặng tính đạo đức, đồng ý cho tôi thuê với giá như cho.

Một mình khuân gần hai chục thùng bìa cứng đựng toàn bộ sách vở và gia sản lên đến tầng mái, đang ngồi lau mồ hồi chảy như tắm thì từ tầng dưới thánh thót vọng lên tiếng piano, chỉ cần nghe ba khuông dạo đầu đã nhận ra “The Man I Love” của George Gershwin.

Phải kể thêm là tôi thích dương cầm đến độ đam mê, nó khác với tiếng réo rắt sốt ruột của vĩ cầm, cũng chẳng bập bùng tiếng được tiếng mất như guitar, khỏi phải bàn thêm về những nhạc cụ điện tử mà tôi ghét cay ghét đắng bởi âm hưởng giả tạo sinh ra từ cái ổ cắm điện hạ tiện và vô hồn. Hồi nhỏ, bị phụ huynh bắt học nhạc thay vì bắn bi đánh đáo với bọn trẻ ranh cùng phố, tôi điên lắm, nhưng sau này tôi rất đỗi biết ơn cha mẹ đã gieo cấy một tình yêu mãnh liệt với piano, đến nỗi hôm nay cứ mỗi khi khó ngủ hay có bức xúc trong cuộc sống, tôi chỉ cần bật nghe một đĩa nhạc dương cầm như liều thuốc chữa bách bệnh.

Tuy nhiên cũng phải thú thực là tôi không ưa Gershwin. Ông này có một cách xử lý bè khá dung tục, ít nhất là thầy dạy piano của tôi vẫn bĩu môi nhận xét thế. Nhưng sau này tôi rất khoái chuyện tình lãng mạn của ông với người bạn tâm giao trong dòng nhạc tân cổ điển là cô Katherine Swift, và chỉ vì thế mà tôi ưa chơi nhạc Gershwin, mặc dù ông chủ yếu viết yếu tố jazz và cũng ít tác phẩm riêng cho dương cầm. Ngày ấy jazz còn là điều cấm kỵ, khiến tôi còn tìm được trong nó một lối thoát âm thầm ra khỏi một môi trường khốn khó đủ điều.

Quay lại vụ cô giáo dương cầm. Tôi đoán cô là cô giáo vì nghe tiếng đàn thì biết là có nhiều người chơi, lại còn khá ngọng nghịu nữa, ắt hẳn cô dạy nhạc tại nhà. Thường là tôi đợi đến tận tối, lúc đó cô hay mở cửa bao lơn và chơi toàn những bài nhạc đồng quê Bắc Mỹ được jazz hóa một cách phóng túng mà thánh thiện. Đã bỏ đàn cả chục năm từ khi cắm đầu vào cái nghề kiểm toán khô khan, tôi như nắng hạn gặp mưa rào. Và thế là cuộc đời độc thân, tưởng chừng đã quen, bỗng rẽ qua một ngả khác lúc nào không biết.

Tôi yêu thực lòng. Thoạt tiên chỉ là một cảm xúc lảng bảng mơ hồ, song rồi tiếng đàn cứ rơi từng giọt vào tâm hồn một nhân viên cạo giấy khô cằn, làm dịu đi hàng ngàn lo toan không tên của cuộc sống thường nhật, thậm chí còn phả làn gió mát mẻ vào căn hộ áp mái bị mặt trời nung nấu kinh hoàng. Tôi tưởng tượng ra mái tóc nàng xõa xuống lưng khi ngửa đầu nhấn những hợp âm cuối như búa tạ của “Funny Face”, hoặc tôi nhắm mắt dõi theo những ngón tay thanh mảnh của nàng lướt thoăn thoắt trên phím trong khúc dạo đầu rất nhanh và khó của “Girl Crazy”... Dĩ nhiên đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng cuộc đời một công chức đơn chiếc, dù là tự nguyện hay bất đắc dĩ, có mấy niềm vui nào khác đâu?

Giờ thì tôi tin vào số mệnh tiền định. Chẳng phải vô cớ mà tôi lạc bước đến căn hộ xấu xí này. Chẳng phải bỗng dưng lại có một nàng tiên piano dưới mình một tầng gác. Chẳng phải tình cờ mà nàng chỉ chơi jazz, thứ nhạc kén thính giả tri kỷ, như tôi?

Tan công việc, tôi ít nấn ná làm thêm hay đi chơi với bạn bè, về nhà tôi cũng không tập trung nổi đầu óc để đọc sách hay xem ti vi. Trong tâm trạng lấn cấn, tôi bắt gặp mình nhẫn nại đợi tiếng dương cầm của nàng. Chỉ mươi phút thôi, nhưng nó giải tỏa mọi phiền muộn, chắp cánh cho ước vọng rũ bỏ cuộc đời lẻ bóng. Không, tôi không cần một người phụ nữ hiền thục chỉ biết cơm nước giặt là, cũng chẳng màng một trí tuệ kiệt xuất ngõ hầu vanh vách trích danh ngôn của Albert Einstein, Lão Tử, Aristotle... Tôi sẽ đón nàng ở cửa sau giờ làm, sẽ dắt xe của nàng vào sân sau, sẽ đảm nhận mọi việc trong căn hộ nhỏ bé mà ấm cúng này, sẽ đọc được mọi ước muốn dù chỉ hơi lóe sáng trong khóe mắt nàng - chỉ để tàn ngày được nghe dăm phút piano rạo rực lảnh lót, xóa nhòa mọi ưu tư và đưa tôi vào giấc mộng êm đềm...

Tối hôm sau, tôi sắm một vỉ nến thơm vị quế, cắm một loạt dưới sàn, từ cửa đến bàn ăn, dọn dẹp phòng tử tế, xếp lại cả giá sách bụi bặm, đặt sẵn trong giàn một CD của Gershwin, rồi xuống tầng dưới gõ cửa khi tiếng đàn khuya vừa cất lên.

Tiếng đàn im bặt. Giây sau, trong khung cửa hiện ra một người đàn ông phương phi trong chiếc T-Shirt với hàng chữ “Đội tuyển cầu lông quận Hoàng Mai”, quần đùi cháo lòng nhàu nát in họa tiết cây dừa.

- Dạ... dạ... có người mách chị nhà anh dạy piano, tôi muốn đến xin học?

- Chị nhà tôi? Không, tôi không có gia đình, mà cũng chỉ thi thoảng dạy mấy người bạn cho vui. Nhưng ai giới thiệu cho bạn vậy?

- Tôi ở tầng trên, nghe tiếng đàn thì biết tài, nhất là khi anh chơi “The Man I Love”.

- Thế hả, ai chứ học sinh này thì tôi đâu dám chối, phải không nhỉ?

Người đàn ông mỉm cười đầy ẩn ý, bước nửa bước sát lại phía tôi, hơi nghiêng đầu hít hít vùng cổ tôi. Rồi, trong lúc tôi ngây ra vì bất ngờ, gã vòng tay bẹo mông tôi, giọng nhừa nhựa:

- “The Man I Love”? Bài tủ của anh đấy. Giai xinh vào nhà đi. Học bài 1 ngay hôm nay nhé...

Lê Quang, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn