Truyện ngắn của Tuệ An: LỖI LẦM

Thứ ba - 02/09/2014 09:41

(NCTG) “Tôi chẳng biết nói gì. Đúng là do mình. Những ngày còn có Đình, anh thường dặn tôi, khi giận dữ đừng làm gì, ném đồ lung tung hư vỡ hết, uổng lắm. Giờ cách xa nghìn trùng, tôi mới hiểu ra rằng, khi buồn cũng đừng làm gì, ném mình lung tung hư vỡ hết, uổng vô cùng”.



“Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”

1.

Thằng L. giỏi lắm đấy. Lo được bao nhiêu thứ cho vợ con, biệt thự, xe hơi, không thiếu thứ gì cả.

Đã thế còn rất yêu vợ yêu con! Đàn ông phải như thế.

Vợ nó đúng là số hưởng. Chuột sa chĩnh gạo. Đàn bà cốt ở cái duyên, với lại gái khôn là biết chọn chồng.

Chứ ai như mày!

Tôi nghe những bàn ra tán vào rồi để đó. Mắt tôi dính vào màn hình máy tính. Ừ thì có ai như tôi đâu. Tôi vô duyên, không biết chọn chồng. Từ thời tôi biết yêu đương nhì nhằng đến giờ, cặp vào thằng nào thằng đấy có vấn đề về thần kinh hết.

Thủy bảo, tao thấy cái gu của mày bị gì ấy. Yêu đương gì một kẻ không có tương lai. Tôi kệ.

2.

Bài vở dang dở tưởng như chẳng bao giờ biết kết thúc. Tôi thả ánh mắt mình vào khoảng không đen đặc phía trước. Sực nhớ ra, giữa chiều Đình rủ “bay đêm không?”. Tôi mải làm, đáp nhát gừng: “Em bận rồi.”

Nửa đêm, tiếng chuông điện thoại đổ dồn. Bạn của Đình gọi. Nghi, đến bệnh viện nhanh lên. Đình tai nạn. Tôi vội chạy đi. Với tốc độ “bay” của anh mà tôi biết, nếu xảy ra tai nạn thì… tôi không dám nghĩ xa hơn.

Bàn tay tôi nắm bàn tay Đình, cảm giác những sợi sống mong manh. Tôi bắt đầu lầm bầm chửi rủa. Tại sao cơ chứ? Tại sao lại nướng đời mình cho những trò chơi ngu quá vậy!

Bàn tay Đình cử động. Tôi nghĩ là Đình biết tôi đứng đó. Tôi cảm giác là Đình nắm tay tôi đó. Như níu kéo. Mà không thể. Rồi Đình mất.

Sự ra đi của Đình nhanh đến không ngờ. Mới hôm qua còn cằn nhằn nhau, sáng còn nguyền rủa, chiều còn cắm cảu bảo “em bận rồi”. Giá mà tôi sau lưng anh, có thể anh sẽ cẩn trọng với đường đua, vì còn có một sinh mạng sau mình. Giá mà… nhưng trễ rồi.

3.

Gần bốn năm tôi không đi bên cạnh người nào. Công việc tà tà, tạm ổn đến tẻ ngắt với những bản thảo. Nhiều khi nhìn cuộc sống sôi động của bạn bè bên ngoài, thấy tuổi trẻ mình nhạt quá chừng nhạt.

Tôi quyết định dừng lại, nghỉ việc, các lý do đem ra để nghỉ chỉ là cái cớ bao biện cho tâm trạng. Tất cả mọi điều ở công ty cũ đều ổn, sếp ổn, đồng nghiệp ổn, mức lương tạm ổn… Mọi thứ ổn đến… phát sợ.

Nghỉ việc. Đi chơi lông bông vài ngày. Tôi cảm giác thèm viết, với lại đi chơi mãi cũng không được. Tiền đâu mà chơi. Tôi đi làm trở lại. Một người bạn giới thiệu tôi vào một tòa soạn báo mới thành lập.

Mới vào, sếp ngồi chuyện trò vẻ tâm sự, hai tháng thử việc không lương, có nhuận bút, nhưng sau đó hợp đồng sẽ tốt lắm em ạ. Mức lương khá hơn chỗ cũ cùng với các chế độ dành cho nhân viên, cơ bản là tốt. Tôi gật đầu đồng ý.

Hai tháng trôi qua. Gần hết tháng thứ ba.

Rốt cuộc các anh có ký hợp đồng lao động với em không? Tôi hỏi sếp. Sếp bảo cần thử thách thêm. Thử thách là thử thách đến bao giờ, thời buổi kinh tế suy thoái, cái gì cũng cần tiền mà cứ vác tiền nhà đi làm cho thiên hạ. Bài vở tôi như thế nào, tôi phải biết thừa chứ. Làm thật, bài thật mà chả được ăn thật. Tôi không đôi co thêm, sắp xếp hết đồ đạc trên bàn làm việc ở tòa soạn cho vào túi lớn. Em xin dừng quá trình thử việc ở đây. Đi làm mà không có thu nhập, tôi làm làm gì?

Tôi lại tiếp tục một chuỗi ngày bấp bênh. Sự ổn định ngày trước khiến tôi cảm giác tẻ ngắt, sao giờ có cảm giác mong lại. Nhưng thôi Nghi, còn bàn tay, còn đôi chân, còn đi tới và làm được nhiều thứ giá trị. Với những gì đã qua, đừng tiếc.

4.

Nhiều năm sau, mẹ Đình thở dài thườn thượt, bảo Nghi lấy chồng đi con, tuổi xuân con gái có thì. Có lẽ cũng phải vậy, ôm mãi hoài những chuyện đã qua làm sao đi tới được. Tôi hiểu. Tôi cũng sắp ba mươi rồi.

Bố mẹ tôi cũng đã lớn tuổi, giờ chỉ trông mong sao tôi chịu lập gia đình. Không biết lý do gì, nguồn nước, hay do tích tụ từ thực phẩm… hay từ những ngày buồn lo cho tôi, mẹ tôi bị nhiễm độc gan.

Mọi chuyện trong cuộc sống của tôi trở nên rối bời.

Đứa bé mà tôi và Đình từng nhận nuôi chung, những năm qua một mình tôi nuôi tiếp. Những khi kinh tế khá khẩm thì chả nói làm gì, vì tôi làm đủ chi trả cuộc sống, đầu tư học hành, nuôi đứa nhỏ, phần còn lại để tiết kiệm chả còn có bao nhiêu. Nhưng giờ rơi vào hoàn cảnh như thế này. Khó nghĩ.

5.

L., người được nhắc đến ngay đầu câu chuyện, nhắn rủ tôi. Anh sắp về đến Sài Gòn rồi đó. Đi ăn tối nhé?

L. là bà con xa với tôi. Sẵn lòng đang buồn và rối, tôi đi, kiếm cớ vui chơi khuây khỏa.

- Đi về sớm nhé. Mẹ em đang bệnh, em không muốn bắt mẹ chờ cửa đâu. – Tôi nói với L.

- Ừ, em yên tâm đi.

Ăn tối. Xong ngồi cà phê chuyện vãn. L.có điện thoại, L.bảo chú vợ của L. tai nạn chết, chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy rồi.

Sợ khu vực đó không kiếm ra bãi gửi xe hơi, tôi đi cùng L. qua đó. Giờ muộn, nghĩ gặp sự vậy, chắc phải đi xuyên đêm. Tôi điện về cho mẹ báo đêm không về.

Đến Chợ Rẫy, L. lại nghe điện thoại. L. bảo anh bị lừa, vợ chồng ông chú cãi nhau, rồi bà vợ điện cho mọi người nói ông chú tai nạn chết, chứ thực ra không phải. Tôi thở phào, cũng may là trò đùa, chứ sự thật như thế thì đau lòng quá anh ạ.

Tôi chạnh lòng nghĩ đến thân xác tan nát của Đình ngày xưa.

L. bảo, thôi vậy, giờ chắc anh em mình lòng vòng cà phê tí nhỉ? Lòng tôi buồn thiu. Cũng chẳng muốn về đập cửa chộn rộn, nên tôi vâng. Đi qua quán bar, L. bảo, muốn vào bar không? Tôi gật.

Vào bar, tiếng nhạc xập xình, L. gọi bia cho tôi. Tôi uống bia, nhìn gái nhảy nhót. Bia vào rân rân, tôi cảm giác thiếu tỉnh táo, bảo nhân viên lấy thuốc lá. Thuốc lá luôn khiến tôi có cảm giác tỉnh táo hơn.

L. nhìn tôi nhả khói bay bay. L. bảo nhìn em hút thuốc khiến anh có cảm giác ham muốn.

Rồi L. hôn tôi, hôn mê mải. Nụ hôn nhận lấy nhưng không có sự đáp lại. Tôi thấy lòng mình tan nát. Tôi say, bước đi chuếnh choáng. L. đem tôi vào khách sạn, lột sạch đồ tôi, mặc kệ tôi rên rỉ van xin. Nỗi buồn bã nhấn chìm lòng tôi đến nỗi chân tay không còn chút sức lực nào chống cự.

Cho đến khi cảm giác đau nhói. Tôi la lên và đòi vào phòng vệ sinh. Máu ra nhiều quá chừng. Tôi bật khóc. Những giọt nước mắt chất chứa, dồn nén… Tôi gào lên: “Anh có biết em đau lòng bao nhiêu năm qua không?”. Tôi không biết mình nói với L., hay với linh hồn của Đình.

Giá như trái xuân của đời người tôi dâng hiến cho Đình của những ngày xưa thì đâu đến nỗi đau lòng như giờ.

L. bảo, anh không ngờ đây là lần đầu của em. Vâng, trước đây em giữ gìn với người yêu lắm. Sao em khờ quá vậy? L. bảo, sao em không nói ra từ đầu với anh, anh sẽ không đụng tới em. L. bảo, anh cũng chẳng lên đỉnh nổi, em cứ van xin thế khiến anh mất tập trung. Tôi chẳng nói gì, thấy đời mình bạc quá chừng bạc.

Vài ngày sau, cơ thể tôi vẫn cảm giác rã rời. Tan nát hết cả cõi lòng. Tôi chẳng bao giờ muốn bước chân vào làm chuyện sai trái với người đã có gia đình. Tôi là người có đạo. Tại sao lại là với L. chứ? Tôi thấy xót thương cho vợ anh, cho tôi. Đàn ông tệ thật.

Nhưng mọi chuyện đã lỡ cả rồi. Tôi khờ, dễ dãi, độc ác, tội lỗi bầm mình. Đình ơi, Nghi sai.

Vài ngày sau, tôi mới nhớ tới cuộc điện thoại báo tin người thân tai nạn chết được chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi nhắn tin cho L. bảo, giờ em mới hiểu vụ tai nạn là một màn kịch. L. bảo, em đừng nghĩ vậy, anh không khốn nạn vậy. Sự thực là anh bị lừa mà. Do em chứ. Anh không nghĩ là em đồng ý vào bar, em đồng ý uống bia, em còn hút thuốc nữa. Lúc về, em ôm anh. Em làm anh ham muốn kinh khủng nên mới xảy ra mọi chuyện như vậy.

Tôi chẳng biết nói gì. Đúng là do mình. Những ngày còn có Đình, anh thường dặn tôi, khi giận dữ đừng làm gì, ném đồ lung tung hư vỡ hết, uổng lắm. Giờ cách xa nghìn trùng, tôi mới hiểu ra rằng, khi buồn cũng đừng làm gì, ném mình lung tung hư vỡ hết, uổng vô cùng.

Tuệ An, từ Sài Gòn - Ngày 1-8-2014


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn