Đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm - Ảnh do nhân vật cung cấp
Không màu mè, hoa lá, tác phẩm điện ảnh đầu tay của Nguyễn Thị Thắm đã thể hiện một cách dung dị cuộc sống và những số phận con người. Mỗi khán giả xem phim đều có thể nhận thấy đâu đó hình ảnh của chính mình trong từng thước phim của chị. Tại Liên hoan Điện ảnh Quốc tế về phim tài liệu lần thứ 36 (Cinema du Reel) được tổ chức cuối tháng 3-2014 tại Trung tâm Pompidou (Paris), bộ phim tài liệu dài 86 phút “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” đã vinh dự được đề cừ tranh giải hạng mục “Phim đầu tay quốc tế xuất sắc nhất”.
Một sự khởi đầu ngọt ngào ngoài sức tưởng tượng của chính tác giả…
Chuyện của Thắm
Không như các bạn bè đồng trang lứa, Nguyễn Thị Thắm quyết định đăng ký thi vào Trường Công an và Trường Sân khấu Điện ảnh khi bắt đầu bước bước vào ngưỡng cửa đại học. Do thiếu chiều cao, Thắm quyết định theo học khoa Đạo diễn Trường Sân khấu Điện ảnh. Khi đang là sinh viên năm thứ hai, Thắm được nhà trường giới thiệu đến dự án học về điện ảnh trực tiếp của Hiệp hội Varan (Pháp).
Từ một cô sinh viên không biết chút gì về phim tài liệu, dần dần Thắm bị thuyết phục và say mê thế giới phim tài liệu từ lúc nào không hay. Thắm chia sẻ: “
Với phim tài liệu, những người đạo diễn trẻ như chúng tôi có thể thả sức sáng tạo, và tiếp cận cuộc sống một cách chân thực và gần gũi nhất. Trường quay của phim tài liệu không bao giờ bị bó hẹp. Bạn sẽ tha hồ lựa chịn góc quay, góc máy, hình ảnh…để thu hút người xem”.
Ra trường với bằng tốt nghiệp đạo diễn phim truyền hình nhưng cô gái trẻ Nguyễn Thị Thắm lại quyết định gắn bó với con đường làm phim tài liệu đầy gian nan và thử thách.
Vốn xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, tuổi thơ của Thắm đầy ắp kỷ niệm những buổi đi xem các đoàn hát rong. Đó cũng chính là lý do khiến Thắm nghĩ ngay tới dự án phim đầu tay sẽ có đề tài là đoàn hát rong. Tháng 8-2009, Thắm cùng một người bạn gái quyết định khởi động dự án với một số tiền dành dụm ít ỏi và mượn thêm máy móc, thiết bị của Hiệp hội Varan. Sau 4 tháng rong ruổi cùng đoàn hát, bản nháp đã được nộp về thầy Andre Vanin.
Được đánh giá là dự án tiềm năng, Hiệp hội Varan đã quyết định hỗ trợ dự án khoản chi phí trong 7 tháng để Thắm tiếp tục quay tiếp. Sau hơn một năm, bộ phim đã hoàn tất những cảnh quay cuối cùng. Bước vào giai đoạn dựng phim, Thắm phải tự đi lo tài trợ. Nhưng không có bất cứ kết quả tích cực gì. Không thể đợi thêm, cuối năm 2011, Thắm quyết định dựng phim. Sau 5 tháng, bộ phim dài từ 70 tiếng, rút còn 4 tiếng.
Lúc này, Thắm lại tiếp tục hành trình đi xin tài trợ từ các quỹ Việt Nam đến Pháp, Châu Âu. Nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Tháng 7-2013, cô giáo dựng phim người Pháp Aurelie Ricard đã quyết định sang Việt Nam dựng không công cho Thắm. Đầu tháng 2-2014, Thắm bay sang Pháp để làm hậu kỳ với sự hỗ trợ của Công ty hậu kỳ Ina, nhà sản xuất phim là Sylvie Blum đã hỗ trợ mix âm thanh, chỉnh màu, ra băng đĩa.
Cuối cùng, dự án đầu tay đầy tâm huyết của Thắm đã được hoàn thành. Thắm bảo: “
Trải qua bao khó khăn, thử thách tôi rất mừng khi bộ phim nhận được sự phản hồi tích cực của khán giả. Đồng thời, tôi đã rút ra cho mình được những kinh nghiệm quý báu cho những dự án phim sau này. Tôi sẽ chỉ làm phim khi có thể tự chịu trách nhiệm được về tài chính hoặc xin được tài trợ, chứ nhất định không bao giờ muốn đặt mình trở lại với việc xoay vần bởi áp lực tài chính như những ngày tháng làm bộ phim tài liệu đầu tay lần này”.
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng
Đó là câu chuyện của một người đồng tính bốn mươi tuổi, là ông bầu của đoàn hát được gọi với cái tên “chị Phụng”. Chị Phụng đã từng đi tu nhưng rồi phải lòng một nam tu sĩ khác và bỏ dở cuộc sống tu hành để thành lập gánh hát rong. Mặc dù gánh hát với những người đồng tính nam bị nhiều kỳ thị của xã hội nhưng sự tò mò, hiếu kỳ về họ cũng giúp họ có thể kiếm kế sinh nhai. Chị Phụng đã dành cả cuộc đời mình đã lập nên đoàn diễn, biêu diễn say mê với cả trái tim của người nghệ sĩ chân thực và quyết bảo vệ nó bằng cả sức tàn của mình trước cơn bạo bệnh.
Bị cuốn hút bởi sự phiêu lưu kỳ diệu của thế giới những đoàn hát rong, nhưng tình cờ Thắm lại chọn ở góc độ đoàn hát rong của những người đồng tính. Để tiếp cận và có thể quay phim về họ, Thắm đã đến với từng anh, chị em nghệ sĩ bằng tình cảm chân thành và sự trân trọng thành quả lao động của họ. Dù phút ban đầu còn ít nhiều gượng gạo, e dè nhưng sự thông hiểu đã mang Thắm và những người trong đoàn hát hát gắn kết với nhau. Và họ đã chấp nhận và thoải mái với sự có mặt của một người phụ nữ xa lạ đang cố tìm hiểu cuộc sống và công việc của mình.
Một cảnh trong bộ phim - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cùng sinh hoạt, rong ruổi trên những chuyến đi với đoàn hát, mỗi cảnh quay của bộ phìm đều toát lên sự chân thành và giàu cung bậc cảm xúc. Thắm chia sẻ: “
Trong phim có cảnh trai làng đốt phá gánh hát. Điều đó không chỉ làm đoàn hát và ngay cả tôi cũng thấy sợ hãi và tổn thương. Khi quay cảnh đoàn tàu chạy ngang qua, là hình ảnh chị Phụng nằm trên võng hát một khúc ca buồn và xung quanh là đám lửa cháy, đường phố thưa thớt, là những chiếc túi ni lông… Một cảnh quay buồn nhưng không bi lụy mà vẫn nhen nhóm niềm tin. Tuy nhiên tôi không nghĩ một ngày nó sẽ trở thành cảnh kết của bộ phim này”.
Chị Phụng đã mất sau khi phim đóng máy. Bản thân Thắm cũng bị sốc mất cả tháng. Bởi vì, chị Phụng là người mong mỏi từng ngày được xem bộ phim nhưng chị đã ra đi khi bộ phim đang làm hậu kỳ. Do vậy, tên phim đã được thay đổi từ “Đoàn hội chợ” thành “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” để tưởng nhớ về chị.
Mỗi nhân vật, mỗi cảnh quay trong phim đều mang những nỗi buồn man mác, những trăn trở của thân phận, của cuộc đời. Nhưng ngay trong tận cùng sự mất mát, Thắm vẫn luôn châm lên ngọn lửa tin tưởng. Thắm bảo: “
Con người luôn biết nắm giữ và tận dụng mọi cơ hội dù trong hoàn cảnh éo le, khó khăn nhất. Cũng giống như cảnh cuối kết thúc bằng đám lửa, có một sự tàn lụi nhưng cũng chính là điểm khởi đầu cho những cuộc rong ruổi mới của đoàn hát. Cuộc sống không bao giờ ngừng nghỉ”.
Những tâm sự của nữ đạo diễn trẻ sinh năm 1984 dường như khá già dặn hơn so với tuổi đời. Có lẽ đó cũng là đặc điểm làm nên cá tính và phong cách làm phim của Nguyễn Thị Thắm. Và cũng chính là điểm thu hút người xem đến với bộ phim tài liệu đầu tay này của chị.
Làm phim với nguồn kinh phí eo hẹp, nhưng Thắm đã thành công với một bộ phim tài liệu giàu cảm xúc và những mảng màu tối sáng của cuộc sống. Khán giả Pháp đón nhận bộ phim rất nhiệt tình. Thậm chí khi tham gia Liên hoan phim Cinema du Reel, Thắm đã rất ngạc nhiên khi có những bộ phim tài liệu phải xếp hàng rất sớm để mua vé. Một điều mà không nhà làm phim tài liệu Việt Nam nào có được khi trình chiếu phim ở trong nước.
Thành công đầu và những mong mỏi
Bộ phim của Thắm được đón chào nồng nhiệt ở Paris, Nimes, Lyon, Marseille, Ateliers Varan, tiếp tục được lựa chọn tranh giải ở Chopshots Festival (Indonesia); Tham gia Liên hoan phim phụ nữ Đài Loan; Liên hoan phim tài liệu Philippines... Đặc biệt, một tin vui đã đến trong tháng Tư vừa qua: bộ phim đã được hệ thống thư viện Pháp mua dùng. Đó là niềm khích lệ tinh thần lớn lao đối với Thắm sau năm năm dành toàn bộ tâm huyết cho tác phẩm phim tài liệu đầu tay của mình.
Mặc dù không biết khán giả Việt đón nhận bộ phim của mình ra sao, nhưng Thắm vẫn quyết định ra mắt bộ phim ở thị trường trong nước. Tháng Sáu vừa qua, bộ phim đã được chiếu tại Viện Goethe trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Âu. Ông chủ của Cinematheqe Hà Nội cũng ngỏ lời muốn chiếu phim của Thắm ở rạp Cinematheqe. Nếu có thêm sự hỗ trợ về kinh phí, bộ phim sẽ có thêm buổi chiếu tại TP. Hồ Chí Minh, chiếu tour, phi lợi nhuận cho những người nghèo, những người đồng cảnh ngộ với đoàn hát trong phim.
Thắm bảo: “
Bất cứ người đạo diễn nào cũng mong muốn đứa con tinh thần của mình đến được với nhiều người xem. Họ có thể đồng cảm, hiểu được thông điệp của bộ phim để thay đổi nhận thức, thái độ của mình với những người đồng tình, những người đang cố gắng nỗ lực làm việc để khẳng định bản thân. Lợi nhuận ai cũng muốn hướng tới nhưng tính nhân văn của bộ phim cũng quan trọng không kém. Và hơn ai hết tôi muốn khán giả trong nước thấu hiểu được điều đó”.
Độc lập, cá tính và có một trái tim giàu cảm xúc, nữ đạo diễn trẻ thế hệ 8x đã để lại những dấu ấn đẹp đầu tiên trong lòng công chúng. Dù hành trình phía trước còn rất dài và gian nan nhưng với tình yêu và lòng đam mê của mình, hy vọng Nguyễn Thị Thắm sẽ tiếp tục gặt hái những thành công mới với những bộ phim tài liệu tràn ngập hơi thở cuộc sống trong tương lai.
(*) Những đoạn in nghiêng là trích từ chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm với báo giới.