Văn hào Nga Maxim Gorky
Lời giới thiệu: “Những suy tưởng không hợp thời” là một tác phẩm vô cùng quan trọng của Maxim Gorky: cho dù văn hào luôn được ca tụng và tôn vinh như người đứng đầu nền văn hóa vô sản Xô-viết, nhưng cuốn sách vẫn bị liệt vào hàng “cấm kỵ” ở Liên Xô trong thời gian rất dài.
Cùng hồi ký “Những ngày đáng nguyền rủa” của Ivan Bunin (1870-1953) và “Tận thế của thời đại chúng ta” của Vasily Rozanov (1879-1919), “Những suy tưởng không hợp thời” được coi là những trang viết kinh điển về Cách mạng Tháng Mười, cũng như về nước Nga, tâm thức Nga sau biến cố 1917.
Cả ba tác phẩm lớn này đều chỉ được ra mắt độc giả Nga sau thời “cải tổ” ở Liên bang Xô-viết, tức là sau khi chúng ra đời chừng bảy thập kỷ! Tại Hungary, cả ba được dịch và do Nhà xuất bản Châu Âu Budapest ấn hành năm 1997, dưới tựa đề “Ngày tận thế - 1917: Các tác phẩm về cuộc cách mạng Nga” (Apokalipszis - 1917: Írások az orosz forradalomról).
Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 và những gì diễn ra sau đó, cho dù đã trôi qua gần một thế kỷ, vẫn để lại dấu ấn rất mạnh mẽ trong đời sống xã hội và tư tưởng nước Nga, cũng như, vẫn là đề tài của vô số sách vở, hội thảo, nghiên cứu khoa học…
Đọc lại Gorky dưới một ánh sáng khác, một góc nhìn khác với những gì chúng ta thường quen thuộc ở ông xưa nay tại Việt Nam, cũng là một cách để nhìn nhận đa chiều về bài học lịch sử và những hệ lụy của biến cố lớn này của thế kỷ XX.
Các đây sáu năm, một số đoạn của tác phẩm lớn này đã được Nguyễn Xuân Xanh chọn lọc và chuyển ngữ sang tiếng Việt. Tuy nhiên, xét về mặt văn bản học, ngay bản tiếng Nga М. ҐОРЬКИЙ: Несвоеврменные мысли, đăng lần đầu trên tạp chí Литературное обозрение, số 9, 10, 12 năm 1988, cũng còn thiếu một số bài trong loạt “Những suy tưởng không hợp thời” trước đó đã đăng trên báo.
Trong khi chờ đợi một bản dịch Việt ngữ trọn vẹn, NCTG xin giới thiệu một số đoạn của “Những suy tưởng không hợp thời”, được dịch theo bản tiếng Hungary. Đối với người dịch, đọc tác phẩm này của Gorky, có thể thấy được rõ ràng cốt lõi của thể chế bôn-sê-vích và hiểu thêm được, tại sao nó ắt phải cáo chung, mà thực ra không cần đến sự can thiệp của “các thế lực thù địch”.
Độc giả quan tâm đến lịch sử, đặc biệt là lịch sử cuộc cách mạng Nga, có thể tham khảo thêm ở đây bài viết của nhà nghiên cứu văn học Hungary Szőke Katalin về “Những suy tưởng không hợp thời” - bài viết ấy đồng thời cũng là một phần “Lời bạt” bản dịch tiếng Hungary của cuốn sách trên:
Các chú thích trong bài là của người dịch.
*
Một hành khách trên đường trở về nhà từ Siberia, kể: “Tôi ngồi trong phòng đợi tàu của một ga xa hỏa, cách Omsk chừng một trăm dặm (1). Cạnh tôi là một người nông dân già, vạm vỡ, miệng ngậm tẩu. Tôi hỏi: “Cụ đi xa à?”. Ông cụ đáp, cân nhắc và trịnh trọng: “Tôi đi Omsk mua đèn. Ở làng chúng tôi, người ta đã mắc điện, anh biết không, cái thứ chạy trong đường dây ấy...”. “Từ lâu rồi ư?”. “Không, mới đây thôi.” Rồi ông cụ hỏi tôi có muốn nghe cụ kể làm sao họ tiến tới cái ý định đó không. Và đây là lời ông cụ nông dân, tôi trích lại đúng từng câu từng chữ:
*
Khi chúng tôi được biết từ [ngày cách mạng] tháng Mười trở đi, ở Omsk có một cơ quan cao cấp đóng trụ sở, cái mà người ta gọi là “chính phủ của các hội đồng” (2), và rằng nó đưa chủ nghĩa xã hội đến, chúng tôi hội họp và quyết định phải biết cái trò này là ra sao và nó có thể mang đến thứ lời khuyên (3) gì cho dân. Chúng tôi lựa chọn ông cụ Levontiy - đó là người thông thái nhất - và bảo ông ta: “Có ba chục rúp đây, ông đến Omsk đi và thử xem cái chính phủ của các hội đồng là thứ gì, những người bôn-se-vích ấy là ai, họ có đông không và ‘chủ nghĩa xã hội’ có nghĩa là gì. Thử hỏi người ta xem.”
Levontiy trở về sau hai tuần cùng một người lính. Chúng tôi tề tựu đông đủ và mọi người kiệu Levontiy đứng lên một cái bàn: “Nào, chúng tôi nghe đây!”. “Nói đi!”. Và ông ta cũng nói thật. “Thế này, thế nọ, mọi việc cũng không đến nỗi tồi lắm, nhưng hãy để anh lính này nói tiếp, anh ta thạo hơn tôi.” Thế là chúng tôi lôi người lính ra. “Anh là ai?”. “Tôi - anh ta nói, - là người cộng sản và bôn-se-vích, và tôi sẽ ở lại với cô bác nếu tôi được bầu làm chính ủy.” Thoạt tiên, chúng tôi ngẫm nghĩ điều này, nhưng sau đó cũng chấp thuận: “Thôi được, cậu làm chính ủy đi.” “Rất cám ơn cô bác - anh nói. - Thưa các anh chị em, trước hết tôi phải xem xét đôi chút ở đây đã...”. Một tuần sau, chúng tôi thành lập Xô-viết, - tôi cũng được bầu làm thành viên. Giữa chừng, Levontiy đã học hỏi xong mọi thứ, ông ta bảo: “Bây giờ, chúng ta đã tiến đến mức được mọi người gọi là bôn-se-vích, chúng ta phải phá và xây.”
- Quả là ở làng chúng tôi, không có gì mấy để phá phách. Nhưng khi đó, anh lính lên tiếng: “Tại sao lại không! Nếu chúng ta đích thực là những người cộng sản, thì chúng ta phải trưng dụng! Chỗ các anh có giai cấp tư sản không?”. “Xin lỗi - chúng tôi nói -, tư sản là cái quái gì?”. “Thôi đi, cái gì là thế nào! - anh ta nổi cáu -, chả lẽ các anh không tự biết mình à? Rồi tôi sẽ tìm ra chúng. Cho tôi một vài người.”
Chúng tôi cho anh ta sáu mươi người. Họ đi cùng anh đến một làng cách chúng tôi bốn mươi dặm rồi trở về vào ngày hôm sau với mười hai nông dân khá giả và hàng chục ngàn đồng, tiền Nga hoàng. Anh lính tuyên bố:
- Đây, có tư sản đây này!
Chúng tôi hỏi những người mới tới:
- Có thực các anh là tư sản không?
- Đúng đấy - họ đáp.
- Còn chúng tôi là cộng sản - chúng tôi nói -, và chúng tôi muốn trưng thu ở chỗ các anh.
- Bao nhiêu? - họ hỏi.
Chúng tôi lui ra một góc và bàn bạc.
- Ba ngàn rúp mỗi người - sau đó, chúng tôi nói.
- Nhiều thế! - họ gào lên. - Hai ngàn thôi!
- Chúng tôi có đòi chục ngàn đâu mà nhiều! Còn hà tiện gì nữa, đồ gàn!
Lũ tư sản đồng ý: “Các anh có lý - họ nói -, đúng ra các anh có thể đòi mười ngàn mỗi đầu người thật.”
Họ để lại vài con tin và về lấy tiền. Hôm sau, họ gửi đến bốn mươi hai ngàn, như vậy chúng tôi đã có năm mươi hai ngàn rúp. Chúng tôi lại hộp họp, ông cụ Levontiy làm chủ tọa. “Chúng ta vừa trưng dụng xong - ông ta nói. - Dùng tiền làm gì bây giờ?”. Một người đề nghị hãy xây trường học, người khác bảo mua một chiếc xe hơi cho cả làng thay nhau đi. Nhưng như thế thì trước tiên phải làm lại đường xá đã, thành thử chúng tôi bác bỏ ý kiến đó. Anh lính giúp chúng tôi thoát khỏi cơn bối rối:
- Ở thành phố - anh nói - có điện, vì thế ít hỏa hoạn. Việc này đơn giản vô cùng: nếu người ta để một bánh xe xuống nước, cho nó quay và nối nó với một cái máy, rồi buộc dây dẫn điện vào máy và treo đèn lên dây, là đèn sẽ sáng. Các anh đã hiểu chửa?
- Vâng - chúng tôi nói -, hiểu cả rồi.
Chúng tôi cử anh lính đi Omsk, nhưng không đưa tiền cho anh ta, mà cho Levontiy. Anh ta là lính đấy, nhưng vẫn là người xa lạ. Còn ông cụ Levontiy thì chúng tôi đã biết rõ. Phải chờ khá lâu mới thấy họ về. Cuối cùng, họ trở về làng, mang theo một cái gì đó và những người lạ cũng đi cùng họ.
“Các anh là ai?”. “Thợ máy” - họ trả lời.
- Được, chúng tôi nói. - Gọi là gì cũng xong, miễn là các anh được việc. - Họ mở gói và dỡ chiếc máy ra, chúng tôi thấy là dù không hiểu về máy móc, song trông nó có vẻ đáng tiền. Người ta làm một bánh xe lớn, đặt xuống sông - con sông chúng tôi chảy xiết, qua giữa làng và hòa vào dòng sông Obi (4) -, chiếc máy được nối vào bánh xe, nó bắt đầu quay đến tóe lửa! Trông thật ghê sợ. Chúng tôi quyết định thoạt đầu sẽ dẫn điện vào nhà tay cha cố. Levontiy nghe người ta nói ở đâu đó rằng giáo hội đã xa rời đất nước chúng ta. Thế là ông ta cho gọi tay cha cố đến.
- Cha cố, cút ngay khỏi nhà! - ông cụ thét lớn. Chúng tôi cũng gào lên như thế. Anh thợ cả cũng hò hét cùng chúng tôi, tay lăm lăm một sợi dây điện. Chúng tôi tống cổ tay cha cố và tụ tập trong nhà hắn ta. Anh thợ cả mắc dây, giữa chừng chúng tôi phát biểu. Cứ ai có hứng là nói. Anh thợ kêu lên: “Các bác hãy thả rèm cửa xuống!”. Chúng tôi làm theo lời anh và lập tức, bóng tối bao phủ một cách khó chịu. Ai nấy đều im lặng. Đột nhiên, căn phòng bừng sáng khiến chúng tôi nhức cả mắt: bóng đèn cháy bừng. Chúng tôi nói: “Phải treo những cái đèn như thế này ở mọi căn nhà!”. Và như thế, chúng tôi dẫn điện vào từng nhà.
Sau đó, tin này lan nhanh sang làng bên. Nông dân đến hỏi han: “Có thể làm điều đó ở chỗ chúng tôi không?”. Anh lính khuyên chúng tôi đừng mắc điện cho những kẻ không cộng sản. Chúng tôi bảo họ: “Nếu muốn có điện, các anh hãy tuyên bố là người cộng sản đi!”. Thế là họ cũng làm theo vì có khó khăn gì đâu, họ cũng tống cổ tay cha cố và biến nhà hắn thành một phòng đọc sách.
Người thợ máy bảo chúng tôi: “Rồi ta sẽ mắc điện cho họ bằng loại dây điện dày hơn và sẽ bắt họ trả tiền.” Chúng tôi cũng làm như thế. Hàng xóm tự tìm cho họ bọn tư sản thích hợp, họ trưng dụng sáu chục ngàn rúp, dùng tiền xây trường học, mời một thày giáo giỏi và treo bốn bóng đèn trong nhà trường. Chúng tôi luôn cắt cử ai đó đến trông coi các bóng đèn, lấy cớ vào trường để học nhưng kỳ thực anh ta bỏ đồng hồ trong túi và để ý sao cho các bóng điện không bị để cháy quá thời hạn cho phép. Việc đó diễn ra vô cùng trôi chảy, chúng tôi cũng kiếm được kha khá vì bây giờ nông dân trong cả vùng đều muốn mắc thứ lửa lạnh, chỉ có độc một tội là nếu dùng thứ bóng nhỏ chết tiệt thì châm một que diêm cũng không xong.
*
Tất cả những điều này nghe cứ như bịa, cho dù đây là sự thật trần trụi nhất, đáng tin cậy nhất (5).
“Novaya Zhizni” (Ðời Mới), Petrograd ngày 6-6-1918
Ghi chú:
(1) Dặm Nga (verst): đơn vị đo chiều dài ở Nga thời xưa, chừng 1,067 km.
(2) Tức “chính phủ của các Xô-viết”.
(3) Trong tiếng Nga, từ “hội đồng” (soviet) cũng có nghĩa là “lời khuyên”.
(4) Con sông lớn ở miền Tây Siberia.
(5) Không hiểu vì lý do gì, bài viết trên đây không có mặt trong bản tiếng Nga (sđd) của cuốn “Những suy tưởng không hợp thời”. Bản tiếng Hung đăng tại cuốn “Esztendő” (tháng 1-1919, trang 128-132).